Ngày 11 tháng 5, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh phát huy lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng qui hoạch của Thủ đô, về nguồn nhân lực để đưa Hưng Yên thành trung tâm công nghệ cao về thông tin, cơ điện tử, phụ trợ có giá trị gia tăng cao.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra quy hoạch xây dựng Trường đại học Phố Hiến.
|
Thủ tướng cũng đề nghị Hưng Yên xây dựng kế hoạch phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu GDP tăng trên 12%, đồng thời phát triển nông nghiệp chất lượng hiệu quả theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, dịch vụ giá trị gia tăng cao.
Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp mà tỉnh đã đề ra, Thủ tướng lưu ý Hưng Yên phải kiểm soát chặt chẽ qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội trong năm năm tới, từ đó xây dựng cụ thể qui hoạch hạ tầng giao thông, y tế và giáo dục, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, không để phát triển một cách tràn lan gây lãng phí.
Đồng thời tỉnh cần quan tâm ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ tới của tỉnh và kêu gọi đầu tư công nghệ cao vào các khu công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên trong những năm qua đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2010 dự kiến tăng trưởng GDP trên 11%, đưa GDP tăng bình quân trong năm năm là 11,22%; chuyển dịch cơ cấu tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm 73%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3%.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên còn manh mún và chuyển dịch chậm, công nghiệp chưa có dự án mang tính mũi nhọn, tình trạng ô nhiễm môi trường còn bức xúc…
Thủ tướng đã xem xét và cho ý kiến liên quan đến các dự án tuyến đường nối hai tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, bảo tồn và tôn tạo Phố Hiến, kiểm tra việc triển khai xây dựng đại học Phố Hiến và thăm Công ty may Hưng Yên.
Khu đại học Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có qui mô 1.000ha, kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỳ thuật chung dự kiến 5.530 tỷ đồng, trong đó 1.250 tỷ đồng là tiền đền bù giải phóng mặt bằng./.