Báo cáo số 1106/KHĐT-TH ngày 01 tháng 8 năm 2011 tỉnh Quảng Bình
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt:
Đầu tháng 7 thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng của một số loại cây trồng hàng năm vụ Hè Thu. Do thiếu nước một số diện tích chưa thể gieo trồng, làm chậm tiến độ geo trồng cây hàng năm, do đó diện tích các loại cây trồng phần lớn giảm so cùng kỳ. Riêng diện tích lúa có tăng do lúa tái sinh của các địa phương tăng khá. Dự ước đến hết tháng 7, tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu (không kể lúa mùa) toàn tỉnh thực hiện 27.902 ha, bằng 100,4% so CK.
Dự ước diện tích lúa Hè Thu chính vụ đạt 14.480 ha, giảm 5,1% so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều diện tích được giữ lại chăm sóc để tăng diện tích lúa Hè Thu tái sinh và một số diện tích chưa triển khai gieo trồng được do thiếu nước tưới.
Diện tích một số cây trồng khác: Ngô 290 ha, bằng 99,3% so CK; khoai lang 469 ha, bằng 90,2% so CK; rau các loại 1.295 ha, bằng 98,9% so CK; đậu các loại 1.485 ha, bằng 115,4% so CK; lạc 467 ha, bằng 96,9% so CK…
Cơ cấu giống lúa được gieo cấy trong vụ Hè Thu chủ yếu là giống ngắn ngày và có khả năng chống chịu tốt. Đến ngày 10/7, lượng giống cấp 1 được Công ty giống cung ứng cho người sản xuất là 1.000 tấn, tăng 24,4% so cùng kỳ.
Sâu bệnh và chuột gây hại cây trồng đã xuất hiện ở một số địa phương. Đến ngày 7/7, diện tích lúa Hè Thu bị sâu bệnh là 443,2 ha, trong đó diện tích bị chuột gây hại 6 ha; sâu keo gây hại 180,5 ha, sâu cuốn lá nhỏ gây hại 28 ha, sâu cuốn lá lớn gây hại 80 ha, bọ trỉ gây hại 44 ha... Các địa phương đã tập trung triển khai kịp thời công tác phòng trừ nên đã hạn chế được mức độ thiệt hại.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Diện tích lúa ở các địa phương đang ở thời kỳ đẻ nhánh và phát triển tốt. Công tác tưới tiêu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng, tuy nhiên vẫn còn một số diện tích lúa bị hạn cục bộ ở huyện Quảng Trạch, với diện tích 300 ha.
Cây cao su: Dự ước sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 7 là 560 tấn, 7 tháng 3.098 tấn, tăng 2% so cùng kỳ và đạt 53,4% kế hoạch. Sản lượng mủ cao su khai thác trong 7 tháng tăng chậm là do thời tiết nắng nóng, cây cao su cho năng suất thấp nên các đơn vị quốc doanh và hộ gia đình chưa đẩy nhanh tiến độ khai thác.
b. Chăn nuôi:
Đàn gia súc, gia cầm của các địa phương phát triển chậm do giá cả đầu vào cho sản xuất chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp nên các hộ sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi có quy mô lớn. Hiện tại, mặc dù giá bán thịt hơi tăng cao nhưng nguồn cung cấp thịt hơi không được dồi dào như trước, đặc biệt là thịt lợn. Các cấp, các ngành và địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp thích hợp nhằm đưa ngành chăn nuôi của tỉnh sớm ổn định và phát triển trở lại.
Công tác phòng dịch được các cấp, các ngành và người chăn nuôi quan tâm, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, dịch bệnh gia súc, gia cầm rất dễ phát sinh. Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được triển khai theo đúng kế hoạch; một số địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc... do đó chưa có dịch bệnh lớn xẩy ra trên địa bàn.
2. Lâm nghiệp
a. Khai thác lâm sản: Thời tiết khô ráo nên các doanh nghiệp đang tập trung khai thác gỗ, lâm sản theo kế hoạch. Sản lượng gỗ khai thác tháng 7 ước đạt 11.249m3, 7 tháng 69.892m3, tăng 0,5% so cùng kỳ. Sản lượng nhựa thông khai thác trong tháng 820 tấn, 7 tháng 3.422 tấn, tăng 36,6% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực Nhà nước 2.142 tấn, tăng 22,1% so cùng kỳ.
b. Lâm sinh, quản lý bảo vệ rừng:
Trong tháng 7 các đơn vị, địa phương tiếp tục chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2011. Dự kiến tháng 7, diện tích rừng trồng được chăm sóc 150 ha, 7 tháng 13.993 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ.
Công tác quản lý, bảo vệ vốn rừng được các ngành, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Chú trọng triển khai công tác phối kết hợp với các đơn vị, địa phương tập huấn, diễn tập phòng chóng cháy rừng nhờ đó đã xây dụng được lực lượng nòng cốt tại các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ rùng, nhờ đó hạn chế tình trạng đốt nương làm rẫy, giảm nguy cơ cháy rừng đến mức thấp nhất. Bên cạnh đó nạn khai thác, buôn bán lâm sản trái phép đã được giảm đáng kể.
3. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 7 thực hiện 7.399,2 tấn; 7 tháng thực hiện 28.437,7 tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ, đạt 56,87% kế hoạch.
a. Nuôi trồng
Do ảnh hưởng của rét đậm từ đầu năm nên việc thả giống chậm thời vụ, một số nơi bị dịch tôm thẻ chân trắng nên sản lượng khai thác tăng chậm và đạt thấp so kế hoạch. Dự ước sản lượng nuôi trồng tháng 7 thu hoạch 1.549,6 tấn, 7 tháng 4.135 tấn, tăng 7,2% so CK, đạt 35,7% kế hoạch. Trong đó: Cá các loại 1.874 tấn, bằng 84,9%; tôm các loại 2.102,1 tấn, tăng 43,2%; thủy sản khác 158,8 tấn, bằng 88,6% so cùng kỳ.
Trong thời gian gần đây, nuôi trồng thuỷ sản đã có những chuyển biến mạnh mẽ, trong đó địa phương phát triển mạnh là huyện Quảng Trạch. Nhiều hộ nuôi tôm quảng canh đã mạnh dạn chuyển sang nuôi bán thâm canh và thâm canh, chú trọng phòng trừ dịch bệnh nên ít thiệt hại, sản lượng tôm tăng đáng kể. Các địa phương có sản lượng nuôi trồng tăng khá như Quảng Trạch tăng 46,8%, Minh Hoá tăng 18,4%, Tuyên Hoá tăng 7,6%.
b. Khai thác
Tháng 7 thời tiết thuận lợi các hộ ngư dân tiếp tục bám biển đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, do giá các yếu tố đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng cao nên đánh bắt gần bờ gặp nhiều khó khăn, sản lượng đánh bắt các vùng bãi ngang đạt thấp. Dự ước tháng 7, sản lượng đánh bắt 5.849,6 tấn, 7 tháng đánh bắt24.302,8 tấn, tăng 0,7% so cùng kỳ, đạt 63,3% kế hoạch. Trong đó: Cá các loại 19.634,9 tấn, tăng 0,4%; tôm các loại 579,6 tấn, bằng 97,9%; thủy sản khác 4.088,3 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ.
4. Công nghiệp
Thực hiện Thông tư số 07/2001/TT-BKHĐT ngày 17/2/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 01/6/2011 áp dụng chỉ tiêu thống kê “Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng” thay thế chỉ tiêu “Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 hàng tháng”. Từ tháng 7/2011, Cục Thống kê bắt đầu công bố chỉ tiêu thống kê “Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp hàng tháng” thay thế chỉ tiêu “Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994”.
Theo phương pháp mới: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) dựa trên mức tăng của khối lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu với quyền số là giá trị tăng thêm của sản phẩm kỳ gốc. Kết quả như sau: Chỉ số sản xuất tháng 7/2011 tăng 14,1% so cùng kỳ, tính chung 7 tháng đầu năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,5% so cùng kỳ.
Theo phương pháp cũ (đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994): Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 dự kiến đạt 379,6 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm 2011 thực hiện đạt 2.226,5 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ. Phân theo khu vực kinh tế: Kinh tế Nhà nước tăng 10%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 18,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 59,7% so cùng kỳ.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 7 tháng đầu năm khá so cùng kỳ do có sự đóng góp thêm của một số năng lực mới nhưng so với kế hoạch đặt ra, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất thực tế của các năng lực mới còn gặp nhiều khó khăn cả về vấn đề vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó một số sản phẩm mới, được kỳ vọng là đóng góp lớn cho tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011, nhưng đến nay sản phẩm vẫn trong quá trình kiểm nghiệm, chưa chính thức tung ra thị trường như: Cao lanh tinh chất lượng cao, sơn nước các loại của Công ty Bohemia…
5. Xây dựng cơ bản
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn trong tháng vẫn gặp nhiều khó khăn, do giá nguyên vật liệu cao, các doanh nghiệp thiếu vốn do các ngân hàng hạn chế cho vay và chủ trương cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 7 tháng ước đạt 651,5 tỷ đồng giảm 4,1% so với cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách trung ương quản lý 88,4 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý 563,1 tỷ đồng. Trong đó: Ngành Nông lâm nghiệp, thuỷ sản thực hiện 90,2 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến chế tạo 20 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi 217,3 tỷ đồng; ngành y tế và cứu trợ xã hội 64,9 tỷ đồng; ngành giáo dục đào tạo ước thực hiện 76 tỷ đồng; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước 75,8 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản theo đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu tư XDCB. UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện giải ngân vốn các công trình ngoài 55 công trình thực hiện cắt giảm theo Nghị quyết 11/NQ-CP; Sở Kế hoạch & Đầu tư đã có công văn đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án mới trong kế hoạch năm 2011, các dự án hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, đường cứu hộ, cứu nạn… để tránh mùa mưa lũ sắp đến.
6. Thương mại,Du lịch
- Nội thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 ước đạt 1.002,4 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 23,79% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ 6.672,9 tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ, đạt 63,5% kế hoạch, nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ hàng hoá 7 tháng đầu năm tăng 5,9%.
Hầu hết doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Tính chung 7 tháng đầu năm, ước doanh thu kinh tế Nhà nước tăng 29%; kinh tế cá thể tăng 17,7%; kinh tế tư nhân tăng 38%; kinh tế tập thể tăng 126,9%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 40% so cùng kỳ.
- Xuất nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng tiếp tục tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 16,7 triệu USD, 7 tháng đạt 88 triệu USD, tăng 123,4% so cùng kỳ năm và đạt 80% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng khá cao, là do ngoài yếu tố tăng sản lượng ba mặt hàng chủ lực là cao su, gỗ, dăm gỗ khô còn có yếu tố giá cả cũng góp phần không nhỏ đến việc tăng trị giá xuất khẩu.
Hình thức xuất khẩu chủ yếu là trực tiếp, chiếm 88,4%, còn 11,6% là xuất uỷ thác. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 97,7%; Khu vực nhà nước chiếm 2,3%. Sản lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu 7 tháng đầu năm: Cao su đạt 14,66 ngàn tấn, tăng 61,3%, gỗ các loại 8,1 ngàn m3, tăng 62,6%; quặng titan 8,7 ngàn tấn, bằng 100,8%; nhựa thông 774,3 tấn, bằng 62,3%; dăm gỗ khô: 100,9 ngàn tấn, bằng 99,8% so cùng kỳ.
Nhập khẩu: Hoạt động nhập khẩu diễn biến tương đối ổn định, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 1,6 triệu USD, 7 tháng 13,9 triệu USD, bằng 92,8% so cùng kỳ, đạt 34,8% kế hoạch. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, tư liệu phục vụ cho sản xuất của địa phương, hàng tạm nhập tái xuất (gỗ).
- Chỉ số giá tiêu dùng:Tình hình giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tương đối ổn định với mức tăng nhẹ, loại trừ mặt hàng thực phẩm và nhóm giáo dục tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 năm 2011 tăng 0,96% so với tháng trước; tăng 13,87% so tháng 12 năm trước và tăng 22,79% so cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm so bình quân 7 tháng cùng kỳ tăng 18,13%. Diễn biến giá của các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tháng 7 như sau:
Trong 11 nhóm hàng, có 10 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước, 1 nhóm giữ nguyên so với tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông, 1 nhóm giảm so với tháng trước là nhóm Văn hoá, giải trí và du lịch.
Đặc biệt trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá các mặt hàng thực phẩm tháng 7 tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng thực phẩm tăng 4,83% so tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 32,67%. Nguyên nhân sự tăng giá mạnh của nhóm thực phẩm do giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi không có lãi nên không đầu tư sản xuất, bên cạnh đó thời tiết bất lợi và dịch bệnh đã làm đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh, nhất là đàn lợn, ngoài ra trong thời gian gần đây, thương lái của Trung Quốc sang thu gom ồ ạt nguyên liệu của nước ta và đẩy giá thực phẩm tăng cao.
- Du lịch: Tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch, thời tiết diễn biến thuận lợi, khách đến tham quan tăng cao, số khách du lịch đến Quảng Bình tháng 7 đạt 91,9 ngàn lượt khách, bằng 80,3%, 7 tháng ước đạt 545,4 ngàn lượt khách, tăng 6,4% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 10,5 ngàn lượt, bằng 69,8% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch, khách sạn, nhà hàng tháng 7/2011 ước đạt 92,1 tỷ đồng, tính chung 7 tháng đầu năm 609,2 tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu khách sạn, nhà hàng 593,9 tỷ đồng, tăng 11,6%; Du lịch lữ hành đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 20,1% so cùng kỳ.
- Giao thông vận tải: Hoạt động vận tải của địa phương được duy trì và phát triển phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hoá của các thành phần kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 7 ước đạt 1.437 ngàn tấn, tăng 14%, 7 tháng 6.928 ngàn tấn tăng 18% so cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 7 đạt 60.472 ngàn tấn.km, tăng 48%, 7 tháng đạt 327.603 ngàn tấn.km, tăng 20,2% so cùng kỳ.
Tổng số hành khách vận chuyển tháng 7 đạt trên 1,7 triệu hành khách, tăng 23,6%, 7 tháng 8,2 triệu hành khách, tăng 16% so cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 7 đạt 66 triệu hk.km, tăng 13,7%, 7 tháng 328,2 triệu hk.km, tăng 18,1% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu hoạt động vận tải tháng 7 ước đạt 121,6 tỷ đồng, tăng 53,5%, 7 tháng đạt 674,8 tỷ đồng, tăng 31,6% so cùng kỳ.
7. Tài nguyên - môi trường
Trong tháng, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 các cấp. Đến nay, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được bổ sung, hoàn chỉnh, đang làm thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đang làm thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã đã triển khai 159/159 xã, trong đó có 85 xã đã phê duyệt. Thực hiện tốt công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng đất của các tổ chức với kết quả như sau: Diện tích đất thu hồi 116.679,4m2, diện tích giao đất là 411.648,8m2. Công tác đăng ký đất đai và đo đạc bản đồ địa chính chủ yếu tập trung vào lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích đo bản đồ địa chính; chỉnh lý biến động đất đai…
Công tác quản lý và bảo vệ môi trường tiếp tục được chú trọng. Trong tháng, ngành đã tiếp tục triển khai thực hiện dự án đóng cửa bãi rác Quảng Long; điều tra tình hình hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố làm tốt công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn làm tốt công tác giám sát môi trường. Đã tập trung kiểm tra các điểm mỏ khoáng sản, tài nguyên nước để quản lý quá tình hoạt động khai thác và làm thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp.
8. Sắp xếp doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
- Công tác sắp xếp doanh nghiệp: Đến nay, đã cơ bản sắp xếp các DNNN theo phương án Chính phủ phê duyệt. Toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc tỉnh quản lý và đã chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH 1 thành viên. Đã tổng kết 10 năm sắp xếp đổi mới doanh nghiệpvà xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo các ngành liên quan đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính và xếp loại, xếp hạng doanh nghiệp theo quy định và hướng dẫn của trung ương.
- Công tác đăng ký kinh doanh: Tháng 7 đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 47 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 277,37 tỷ đồng; 7 tháng cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 270 doanh nghiệpvới tổng số vốn đăng ký 1.123 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 24 doanh nghiệp, trong đó có 13 doanh nghiệp giải thể, 2 chi nhánh giải thể, 5 DN chuyển đổi loại hình hoạt động và 4 DN do vi phạm pháp luật.
9. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư
ác dự án ODA: Các dự án tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra và tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công trình (dự án thuỷ lợi Thượng Mỹ Trung, dự án đường từ thị trấn Kiến Giang đi Quy Hậu - Văn Thủy - Mỹ Thủy; dự án cải tạo lưới điện 7 xã thuộc huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá…). Một số dự án mới đã khởi động các hoạt động ban đầu như đấu thầu thiết bị, tổ chức thẩm định (dự án cung cấp thiết bị dạy nghề cho Trường Trung cấp nghề, dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ tỉnh Quảng Bình). Các dự án khác đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để chuẩn bị ký hiệp định với nhà tài trợ (dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn). Các dự án ODA Hàn Quốc đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục như: dự án cung cấp trang thiết bị bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Trạch, dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các bản điện lưới quốc gia không đến được, đang lấy ý kiến để chuẩn bị trình phê duyệt dự án đầu tư gửi nhà tài trợ thẩm định trước khi ký kết hiệp định. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành làm việc với các nhà tài trợ để tranh thủ, vận động thêm dự án như: Dự án phát triển hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp (nguồn vốn Pháp), dự án phát triển hạ tầng, môi trường và biến đổi khí hậu (ADB), dự án cấp nước sinh hoạt 5 xã thuộc huyện Quảng Ninh (Italia)... Tỷ lệ giải ngân của các dự án ODA 7 tháng giải ngân 366,377 tỷ đồng (ODA 197,937 tỷ đồng, đối ứng 168,44 tỷ đồng), đạt 34,67% kế hoạch.
Công tác quản lý, vận động viện trợ phi Chính phủ: Hội Chữ thập đỏ làm việc, ký biên bản ghi nhớ với tổ chức DFRO để thực hịên dự án hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện dự án “Đội rà phá bom, mìn lưu động - EOD”, đang tiến hành huỷ nổ bom mìn tại địa bàn thành phố Đồng Hới. Dự án Cộng đồng đang tham gia xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên do ICCO tài trợ với 38.000 EURO. Đang làm các thủ tục để tiếp nhận dự án “phòng và chăm sóc cho can, phạm nhân có HIV tại trại giam do tổ chức NAV tài trợ với số tiền 12.000 USD.
Công tác xúc tiến đầu tư: Trong tháng 7/2011, Trung tâm Tư vấn, xúc tiến Đầu tư của tỉnh đã tiếp nhận 3 dự án đăng ký đầu tư mới: dự án đầu tư nhà máy phong điện của Công ty TNHH VLXD Việt Nam; dự án nhà máy xử lý rác thải của công ty TNHH MTV Tràng An liên doanh với Công ty ECE của Cộng hòa Séc; dự án khu du lịch sinh thái Đảo Cồn Tiên tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh của Công ty TNHH XD Thương mại Tân Tiến. Đã tổ chức cuộc họp bàn chuẩn bị nội dung cho Hội nghị XTĐT khu vực Bắc Trung bộ do Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
- Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Trong tháng 7, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án gồm: Dự án xây dựng trụ sở Ngân hàng VP Bank Chi nhánh Quảng Bình với tổng mức 46,952 tỷ đồng; dự án xây dựng khu du lịch khách sạn ở Quang Phú - Đồng Hới của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Quốc tế Hoàng Yến với tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng.
- Công tác ngoại vụ:
Đoàn ra: Giải quyết thủ tục xuất cảnh cho 7 đoàn với 31 lượt người, đi các nước Lào, Thái Lan, Australia, Trung Quốc để tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm , dự hội nghị, đào tạo sau đại học...
Đoàn vào: Trong tháng, có 16 đoàn với 173 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Khách nước ngoài có quốc tịch Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nepal, Tây Ban Nha, Mỹ đến tham dự hội nghị, hội thảo, thực hiện dự án, học tập kinh nghiệm, hoạt động báo chí…
10. Tài chính, Tín dụng
Tài chính:Thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt khá. Dự ước tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước 111,17 tỷ đồng, 7 tháng 845,42 tỷ đồng, tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 57,2% KH. Trong đó thu nội địa 760,54 tỷ đồng, đạt 56% dự toán ĐP, tăng 28,4% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 41,03 tỷ đồng, giảm 31,8% so cùng kỳ. Một số khoản thu chủ yếu: Thu từ doanh nghiệp Trung ương 56,1 tỷ đồng, bằng 96,5%; thu ngoài quốc doanh 168,55 tỷ đồng, tăng 43,1%; thu tiền cấp quyền sử dụng đất 191,75 tỷ đồng, tăng 19,9% so cùng kỳ.
Chi ngân sách 7 tháng đạt 2.903,3 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán; trong đó: Chi XDCB 1.051,3 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán; chi thường xuyên và chi khác 1.852 tỷ đồng, đạt 70,2% dự toán.
Tín dụng: Các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn. Đến ngày 18/7, tổng nguồn vốn huy động đạt 9.565 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Trong đó: Tiền gửi dân cư đạt 7.490 tỷ đồng, tăng 18%; tiền gửi tổ chức kinh tế đạt 1.750 tỷ đồng, giảm 8,9%; huy động bằng ngoại tệ đạt 1.091 tỷ đồng, giảm 1,8% so đầu năm và chiếm 11,4% tổng nguồn vốn. Dự ước đến cuối tháng 7/2011, tổng nguồn vốn huy động đạt 9.826 tỷ đồng, tăng 14,6% so đầu năm.
11. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng, ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2010-2011; tổ chức duyệt, thông qua kế hoạch trung hạn 2012-2016 và kế hoạch năm học 2011-2012 các đơn vị trực thuộc Sở; đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn giáo viên THPT, tổ chức hội nghị tập huấn về công tác phòng chống ma túy các Trường THPT, các đơn vị khối trực thuộc; hội nghị tập huấn công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Tiếp tục chỉ đạo công tác tuyển dụng, thuyên chuyển cán bộ, giáo viên các trường THPT bán công sang công lập và các đơn vị trực thuộc... Đến nay, công tác tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 theo hình thức đăng ký và xét tuyển đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay công tác chấm thi đã hoàn tất và đã công bố điểm công khai
Chỉ đạo thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên năm học 2011-2012 nghiêm túc, an toàn, có chất lượng; tổ chức tốt công tác thi nghề phổ thông năm 2011-2012. Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2011-2012 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
- Công tác tuyển sinh năm học 2011-2012 của Đại học Quảng Bình đã hoàn thành, tỷ lệ học sinh thực tế dự thi các khối đạt bình quân 85-88% so với số đã đăng ký. Dự kiến sẽ hoàn thành khâu chấm thi, thông báo điểm thi trước ngày 15/8.
12. Văn hóa - thể thao và thông tin truyền thông
Các hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao tiếp tục diễn ra sôi nổi trên các địa phương, đơn vị, hướng vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng. Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang Quảng Bình (4/7/1945 - 4/7/2011); Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2011); Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7/2011; các cấp, các ngành đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim màn ảnh rộng phục vụ nhân dân các địa phương. Tích cực tổ chức các hoạt động TDTT như hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Thi đua yêu nước”… từ cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân trên địa bàn.
14. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong tháng, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống các loại bệnh dịch trong mùa hè, tập trung kiểm tra các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, khách sạn nhà hàng; chỉ đạo giám sát 3 nguồn có nguy cơ lây bệnh cao, đó là: thực phẩm, nguồn nước và vệ sinh môi trường. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở và địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó khăn. Mạng lưới truyền thông giáo dục sức khoẻ cũng được xây dựng và từng bước phát triển; người dân đã có ý thức hơn trong việc tự chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh xã hội và các chương trình y tế khác đã phát huy được hiệu quả và thực sự đã đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh nhất là các bệnh viện được ngành Y tế quan tâm đầu tư nâng cấp trang bị thêm máy móc, phương tiện hiện đại, xây dựng thêm một số kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho người dân; đồng thời chú trọng bồi dưỡng đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ...
15. Lao động, Thương binh và Xã hội
Ngành tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thực hiện các quy định của Bộ Lao động, Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức triển khai công tác đào tạo nghề năm 2011 cho các huyện, thành phố. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020”.
Tổng hợp kết quả điều tra chính thức số hộ, khẩu nghèo và số tháng đề nghị hỗ trợ lương thực của hộ, khẩu nghèo ở các thôn bản giáp biên giới theo quy định tại Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020. Hiện nay, toàn tỉnh có 730 hộ nghèo, với 3.312 khẩu nghèo ở 22 thôn/bản của 6 xã biên giới.
Phối hợp với Tổ chức CRS hỗ trợ hoạt động cho trẻ em Quảng Bình tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia, đồng thời luyện tập cho các em tham dự Diễn đàn quốc gia tại Hà Nội. Phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới và Bệnh viện Răng Hàm mặt TW tổ chức sàng lọc cho trẻ bị sứt môi hở vòm để triển khai phẩu thuật. Tiếp tục vận động Quỹ Bão trợ trẻ em, tính đến ngày 15/7/2011 cấp tỉnh đã thu được 270 triệu đồng cho Quỹ.
Ngành đã tham mưu tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, đã triển khai vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2011, chỉ đạo tốt việc xây dựng nhà tình nghĩa, tu sửa nghĩa trang. Thực hịên giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015.
16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong tháng, đã trình UBND tỉnh quyết định thành lập BCĐ chống mù lòa tỉnh, Ban điều hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” giai đoạn 2010-2012 trên địa bàn tỉnh, BCĐ và BTC triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung lần thứ 16 năm 2011 tại Quảng Bình, Hội đồng xét thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ IV (2006-2010). Tổng hợp tình hình thực hiện biên chế năm 2011 và xây dựng kế hoạch biên chế năm 2012 trình UBND tỉnh ký, báo cáo Bộ Nội vụ. Quyết định giao bổ sung chỉ tiêu biên chế và hợp đồng 68 cho một số sở, ngành, địa phương. Kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện biên chế hành chính, sự nghiệp và hợp đồng 68 năm 2011.
Tham mưu cho Thường trực Hội đồng xét tuyển theo Nghị quyết số 30a tuyển chọn bổ sung 6 trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia tổ công tác tại các xã thuộc huyện Minh Hóa. Quyết định điều động 02 công chức cấp xã từ huyện Bố Trạch đến UBND thành phố Đồng Hới và UBND huyện Quảng Ninh. Thẩm định bổ sung kết quả chuyển xếp lương theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP đối với cán bộ xã của một số huyện, thành phố. Tiếp nhận và bàn giao bộ hồ sơ, bản đồ và mốc ĐGHC các cấp đã được hiệu chỉnh theo hệ tọa độ VN-2000 về các địa phương lưu trữ, quản lý và sử dụng theo quy định.
b. Công tác tư pháp
Trong tháng, ngành đã thẩm định, góp ý 10 văn bản QPPL do các cơ quan, ban ngành trong tỉnh soạn thảo; giúp UBND tỉnh tiến hành tự kiểm tra các văn bản QPPL; dự thảo báo cáo kết quả xây dựng hoàn thiện pháp luật, thể chế,, rà soát và ban hành văn bản liên quan đến WTO, dự thảo Quyết định trình UBND tỉnh đề nghị công bố 42 văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tư pháp, lưu trữ, ưu đãi đầu tư và lĩnh vực khác đã hết hiệu lực thi hành.
Tiếp tục triển khai hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp. Thụ lý, tiến hành làm các thủ tục và tổ chức đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 2 trường hợp; tổ chức trao con nuôi cho 6 trường hợp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 126 trường hợp.
Triển khai thực hiện công tác phổ biến GDPL theo kế hoạch đề ra. Dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phổ biến GDPL của Chính phủ giai đoạn 2008-2010; báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về tình hình thực hiện đề án ”Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến GDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước. Xây dựng dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án ”Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Trong tháng, ngành Thanh tra đang tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch theo chương trình, kế hoạch được duyệt như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính; tập trung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, giáo dục...
Công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh; lãnh đạo và cán bộ tiếp dân của các cơ quan, đơn vị đã trực tiếp xem xét, hướng dẫn, trả lời thắc mắc cho công dân; đồng thời giao trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định. Tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh đã tiếp 5 lượt người với 5 vụ việc; tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã tiếp 12 lượt người với 12 vụ việc; tại Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 8 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Thanh tra tỉnh tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính Phủ; Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg; Thông tư số 01/2010/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Thanh. Đôn đốc, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
17. An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên trên địa bàn tỉnh và hai tuyến biên giới tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định. Các ngành chức năng đã tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp mạnh các loại tội phạm; chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Tuy nhiên, trên tuyến biển có các tàu cá nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc hoạt động xâm hại vùng biển Quảng Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh ta đã tiến hành bắt, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim, cảnh cáo 3 tàu/50 thuyền viên. Trong tháng, đã xảy ra 54 vụ phạm pháp hình sự, trong đó chủ yếu cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; trộm cắp, buôn bán sử dụng ma túy,... làm chết 1 người, bị thương 16 người, thiệt hại 617 triệu đồng, bắt xử lý 64 đối tượng, thu hồi trên 1,079 gam heroin. Các đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an điều tra và chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Trong tháng đã xảy ra 70 vụ giao thông, làm chết 13 người, bị thương 78 người. Công tác tuần tra giao thông tiếp tục được tăng cường, đã tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ... nhằm đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia giao thông./.
File đính kèm: Bao cao KTXH thang 7.2011 tinh Quang Binh.pdf