Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/04/2011-14:24:00 PM
Tình hình tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010
(MPI Portal) - Thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trên cơ sở báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 nhận được đến ngày 18/4/2011 của các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 2458/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 21/04/2011 tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ.
Dưới đây là một số nét chính về việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010:
Về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư:
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
Tính đến ngày 18/4/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 của 112/124 cơ quan, đạt 90,3%; trong đó: 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (93,7%); 26/32 cơ quan Bộ và tương đương (81,3%); 7/9 cơ quan thuộc Chính phủ (77,8%); 20/20 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (100%). Tỉ lệ các cơ quan có gửi báo cáo tăng cao hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước, đặc biệt là khối các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 và các địa phương (năm 2009 có 65 cơ quan gửi báo cáo: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 63,5%; các cơ quan Bộ và tương đương 33,3%; cơ quan thuộc Chính phủ 25%; Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 là 68,4%). Điều này cho thấy việc chấp hành chế độ báo cáo của các Bộ ngành, địa phương đã được cải thiện hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước.
Đánh giá chung về nội dung báo cáo
Nhìn chung, nội dung Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 của các cơ quan gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập tương đối đầy đủ các nội dung chính theo mẫu quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Cụ thể, có 99/124 Báo cáo có đủ nội dung (79,8%),21/124 cơ quan báo cáo tương đối đối đầy đủ nội dung (16,9%) và 4/124 Báo cáo chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại mẫu số 01 Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư (3,2%). Có 115/124 Báo cáo có đủ các phụ biểu (92,7%) và 9/124 Báo cáo không có đủ các phụ biểu theo quy định (7,3%).
Về đánh giá tình hình thực hiện quản lý đầu tư:
Tình hình xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dẫn của các Nghị định Chính phủ đã ban hành. Trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của mình, các Bộ, ngành và địa phương qua công tác rà soát đánh giá các văn bản pháp quy, đã tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hoặc ban hành những văn bản pháp quy mới để tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu quả hơn.
Tình hình quản lý Quy hoạch
Hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 06 vùng kinh tế đến năm 2020 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phê duyệt. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều quy hoạch ngành và lĩnh vực tiếp tục được rà soát, điều chỉnh và bổ sung. Trong năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 và các Quy hoạch cấp nước, thoát nước, xây dựng khu xử lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…
Nhìn chung, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, công tác quy hoạch đã bước đầu nâng cao được chất lượng, quy hoạch ngày càng phù hợp hơn với thực tế; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không được triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch.
Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Nhìn chung, công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được thực hiện khá tốt. Tổng hợp báo cáo của 124 cơ quan có báo cáo cho thấy, trong năm 2010 có 16.032/16.862 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong kỳ đã được thẩm định, đạt 95,08%, trong đó có 15.392 dự án đã được quyết định đầu tư, đạt 91,28%.
Tình hình thực hiện các dự án
Theo số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2010 có 34.607 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 14.493 dự án khởi công mới trong kỳ (41,88%) và 10.612 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ (30,66%). Nhìn chung, tình hình thực hiện các dự án tương đối tốt. Theo số liệu báo cáo tổng hợp của 112/124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2010 tổng giá trị thực hiện dự án là khoảng 724.569 tỉ đồng, đạt 78% so với kế hoạch.
Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Trong năm 2010, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 717.151 tỉ đồng, đạt 78% kế hoạch vốn đầu tư năm 2010. Theo báo cáo của các cơ quan trong năm 2010, có 316 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện, chiếm 0,91% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 269 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 0,78% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.
Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Trong năm 2010, có 2.872 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.138.011 tỉ đồng, bình quân 396,2 tỉ đồng/dự án, có 1.812 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy mô đầu tư và mục tiêu đầu tư. Qua kiểm tra, đánh giá 4.108 dự án đầu tư đã phát hiện có 349 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, chiếm 8,5% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá, trong đó đã thu hồi 294 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 7,16% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá).
Tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo tại các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và các Tổng công ty 91
Theo tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào thời điểm hiện nay có 20.332 dự án trên tổng số 34.607 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đạt tỉ lệ 58,8%, thấp hơn so với các kỳ báo cáo trước (năm 2009 các dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đạt 67,2% và năm 2008 tỉ lệ này đạt 59,9%). Nhiều cơ quan có tỉ lệ dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư rất thấp như: Lai Châu (3,3%); Vĩnh Phúc (3,2%); Quảng Bình (5,1%);…
Tình hình giám sát, đánh giá đầu tư các dự án nhóm A sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Qua phân tích số liệu báo cáo cho thấy, số dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định là 291 dự án trên tổng số 465 dự án, đạt 62,58%; Số dự án chậm tiến độ có 90 dự án (chiếm 19,35%) cao hơn nhiều so với các kỳ báo cáo trước; Số dự án phải điều chỉnh là 68 dự án, chiếm 14,62% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ; Số dự án có thực hiện lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 135 dự án, chiếm 29,03% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, với tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 1.114 gói; Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào hoạt động trong kỳ là 74 dự án, chiếm 15,91%, cao hơn so với các kỳ báo cáo trước.
Về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu tư
Theo tổng hợp số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91, trong năm 2010, các cơ quan đã tiến hành kiểm tra 13.561 dự án (chiếm 39,19%), tổ chức đánh giá 13.252 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên (chiếm 38,29% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) và tổ chức kiểm tra 4.108 dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
- Để tăng cường trách nhiệm của các cấp trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp xử lý những cơ quan không gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hoặc Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư không đầy đủ, thiếu khách quan như: Kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định; Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, đặc biệt là xử lý các Chủ đầu tư không thực hiện Báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vi phạm trong kỳ báo cáo tiếp theo.
- Các cơ quan căn cứ nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, khẩn trương kiện toàn bộ máy thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư đáp ứng yêu cầu; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng liên quan; tiến hành rà soát các văn bản pháp quy hiện hành, sửa đổi hoặc loại bỏ các văn bản có nội dung không còn phù hợp; kiến nghị sửa đổi những văn bản không phù hợp thuộc thẩm quyền ban hành của cấp trên.
- Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giám sát ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, bố trí vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư của ngành và địa phương. Chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khắc phục những tồn tại về thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong đầu tư, xây dựng./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1274
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)