(MPI Portal) - Ngày 17 tháng 12 năm 2010, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3. Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam và thảo luận, thông qua dự thảo khung chiến lược Phát triển bền vững trong giai đoạn 2011 – 2020. Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững nhằm mục đích thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện Định hướng Phát triển bền vững ở Việt Nam và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững.
|
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Diễn đàn là dịp để doanh nghiệp cùng các cơ quan chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tăng cường kết nối, chia sẻ và hợp tác nhằm xây dựng và thực hiện các chương trình, sáng kiến về Phát triển bền vững”.
Diễn đàn cũng là dịp VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp chính thức ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). VBCSD là tập hợp các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia, các hiệp hội ngành nghề liên quan đến sự nghiệp phát triển bền vững thực hiện vai trò và chức năng chính sau:
- Góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững của Việt Nam.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển bền vững đến khối doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đề ra và thực hiện chính sách phát triển bền vững, cũng như khuyến khích họ đề xuất mục tiêu và chương trình hành động phát triển bền vững của từng đơn vị;
- Làm cầu nối giữa các cơ quan chính phủ và khu vực doanh nghiệp nhằm truyền tải thông tin và phản ánh nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong quá trình triển khai chương trình phát triển bền vững;
- Tăng cường vai trò tư vấn và kiến nghị chính sách;
- Tham gia các hoạt động của Chính phủ, của các Bộ ngành và của Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia khi được yêu cầu.
|
Một số thành viên Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại lễ ra mắt, VBCSD và các doanh nghiệp đã vinh dự nhận thư chúc mừng của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia. Trong thư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ mong muốn Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững”.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp vào Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bền vững, năng động và hội nhập thành công trong thế kỷ 21, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại diễn đàn, Bà Nguyễn Lệ Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Agenda 21, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tổng quan về các thành tựu phát triển bền vững đã đạt được, những ưu tiên và vai trò của các bên liên quan tham gia vào công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam. Bà Lệ Thuỷ cho rằng mục tiêu tổng quát của Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam, đó là: “Đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”.
Để tăng cường sự tham gia của toàn dân vào công cuộc thực hiện Phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức về Phát triển bền vững cho các bên liên quan.
- Tiếp tục đổi mới pháp luật, thể chế nhằm phát huy hơn nữa sáng kiến và quyền làm chủ của nhân dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.
- Huy động sự tham gia rộng rãi và tích cực của các bên liên quan trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển, xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Tạo điều kiện để các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp tham gia làm tốt vai trò phản biện, giám định xã hội trong hoạch định các chính sách và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án liên quan đến Phát triển bền vững.
- Tăng cường trách nhiệm và năng lực cho các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng để phát huy có hiệu quả sự tham gia của họ trong xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện Phát triển bền vững, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc xem xét đánh giá tác động môi trường bằng cách thể chế hoá vai trò tham gia của các cộng đồng, nhất là cộng đồng dân cư chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp và có các biện pháp cưỡng chế thực hiện, trước hết đối với các dự án lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới dân cư.
- Tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện Phát triển bền vững, trong tư vấn, kiến nghị chính sách về Phát triển bền vững.
|
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tham gia Diễn đàn còn có bài dẫn đề “Các ví dụ về thúc đẩy phát triển bền vững thông qua sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan” của Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Đoàn Duy Khương, Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững ra đời nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bền vững, năng động và hội nhập thành công trong thế kỷ 21, đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư