Trong tháng 5 năm 2014, cả nước có 5.499 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 30.217 tỷ đồng, giảm 25,4% về số doanh nghiệp và giảm 33,5% về số vốn đăng ký so với tháng 4 năm 2014.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong tháng 5 năm 2014 là 6.713 doanh nghiệp, bao gồm:
- Số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 6.086 doanh nghiệp tăng 33,3% so với tháng 4 năm 2014, trong đó: số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 831 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 5.255 doanh nghiệp.
- Số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể của cả nước là 627 doanh nghiệp, giảm 9,7% so với tháng 4 năm 2014.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong tháng 5, cả nước có 1.131 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2014
2.1. Về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; giải thể, ngừng hoạt động và quay trở lại hoạt động
Trong 5 tháng đầu năm 2014, cả nước có 31.228 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 173.624 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,7% và số vốn đăng ký tăng 11%.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng đầu năm 2014 là 27.867 doanh nghiệp, tăng 20,5%[1] so với cùng kỳ năm trước, bao gồm:
- Số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 23.965 doanh nghiệp tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: số doanh nghiệp có đăng ký tạm ngừng hoạt động là 5.229 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 18.736 doanh nghiệp.
- Số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể của cả nước là 3.902 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 6.994 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Qua theo dõi cho thấy, tình hình doanh nghiệp cả nước vẫn còn nhiều khó khăn. Các giải pháp của Chính phủ, Bộ, ban, ngành được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển khi số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về toàn bộ bức tranh doanh nghiệp trong nền kinh tế thì hiện nay số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng suy giảm.
2.2. Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo vùng lãnh thổ
Trong 5 tháng đầu năm 2014, khu vực doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trong cả nước có sự chuyển biến rất khác nhau. Tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ, quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải doanh nghiệp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ với xu hướng biến động cùng tăng của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động so với cùng kỳ năm trước. Điển hình một số địa phương như: Sơn La (thành lập mới tăng 61%, dừng hoạt động tăng 157,1%); Gia Lai (tăng 25,5%, tăng 69,7%); Lâm Đồng (tăng 79,7%, tăng 60,8%); Bình Dương (tăng 49%, tăng 96,2%); Đồng Nai (tăng 24,4%, tăng 42,2%).
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tại các vùng Đồng bằng Sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung và Đồng bằng Sông Cửu Long lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có chiều hướng giảm đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là các địa phương: Hải Phòng (thành lập mới giảm 6,6%, dừng hoạt động tăng 14,8%); Quảng Ninh (giảm 9,3%, tăng 21,1%); Hà Tĩnh (giảm 6,2%, tăng 46%); Bình Thuận (giảm 10,9%, tăng 33,6%); Hậu Giang (giảm 50,9%, tăng 17,6%); Sóc Trăng (giảm 45,8%, tăng 627,4%); Tiền Giang (giảm 16,9%, tăng 118,6%).
2.3. Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực hoạt động
Trong 5 tháng đầu năm 2014, Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước (thành lập mới tăng 11,5%, dừng hoạt động giảm 22,9%).
Tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập đồng thời rút lui của các doanh nghiệp trên thị trường so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 42,9%, dừng hoạt động tăng 29%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 37,8%, tăng 8%); Kinh doanh bất động sản (tăng 32,9%, tăng 20,6%); Sản xuất phân phối điện, nước, gas (tăng 21,9%, tăng 25%); Thông tin và truyền thông (tăng 20,7%, tăng 50,4%).
Ngược lại với các ngành có xu hướng tốt cũng như có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, vẫn còn một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với cùng kỳ năm trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (thành lập mới giảm 7,2%, dừng hoạt động tăng 24,2%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 4,5%, tăng 12,9%); Xây dựng (giảm 4%, tăng 23,7%).
[1] Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động 5 tháng đầu năm 2014 tăng 20,5% so với cùng kỳ, do năm 2014 bổ sung một lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp để chuyển sang tình trạng giải thể. Số doanh nghiệp này trước đây không đưa vào số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, lý do các doanh nghiệp này thực chất đang trong quá trình giải thể. Trong thời gian qua, số doanh nghiệp này cũng chưa được tính vào số doanh nghiệp giải thể (do chưa hoàn thành thủ tục giải thể). Tuy nhiên, để đảm bảo bao quát được tình trạng của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế, báo cáo lần này tạm bổ sung số lượng doanh nghiệp nói trên vào tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động./.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư