Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/07/2011-22:35:00 PM
AFTA – Nền tảng để ASEAN xây dựng cộng đồng kinh tế (AEC)
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột chính, bên cạnh Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, tạo nên Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây là mục tiêu lớn mà Lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9, diễn ra tại Bali, In-đô-nê-xi-a vào tháng 10 năm 2003. Để thực hiện mục tiêu này, các nước ASEAN đang nỗ lực triển khai các biện pháp đề ra một cách hiệu quả và đa dạng. Tuy nhiên, quá trình này không phải chỉ mới được bắt đầu năm 2003 mà đó cũng là công việc xuyên suốt mà các nước ASEAN đã kiên trì theo đuổi từ những giai đoạn đầu của hợp tác kinh tế.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thiết lập dựa trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, v.v, trong đó, thương mại hàng hóa là một nội dung xương sống. Có thể nói, đây là lĩnh vực truyền thống, là mục tiêu mà các nước ASEAN hướng tới trong suốt quá trình hợp tác. Do đó, ngay từ năm 1992, trước bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Lãnh đạo mười nước ASEAN đã thống nhất thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Cộng đồng kinh tế mà ASEAN đang hướng tới.
Mục tiêu chiến lược của Hiệp định AFTA là tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy hiệu quả kinh tế trong một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất. Trên cơ sở đó, nội dung cơ bản của AFTA là Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) với ba vấn đề chủ yếu, không tách rời là cắt giảm thuế, loại bỏ các hàng rào phi thuế và hài hòa các thủ tục hải quan.
Về thuế quan, ban đầu, các nước thống nhất sẽ cắt giảm thuế quan trong nội bộ ASEAN xuống mức từ 0-5% trong giai đoạn 15 năm, tức là hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 1994, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 26, các nước ASEAN quyết định đẩy tiến độ thực hiện AFTA sớm hơn 5 năm. Theo đó, sáu nước thành viên cũ là Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan sẽ hoàn thành CEPT vào ngày 1 tháng 1 năm 2003. Bốn nước tham gia AFTA sau là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam sẽ có thời hạn hoàn thành CEPT muộn hơn.
Trong CEPT, các mặt hàng cũng được phân loại để đưa vào các lộ trình cắt giảm thuế khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của mặt hàng đó đối với nền kinh tế từng nước thành viên. Ngay từ khi mới thực hiện CEPT, hầu hết các mặt hàng thuộc diện trao đổi thương mại trong ASEAN đều được đưa vào danh mục thông thường (IL) để cắt giảm thuế về 0-5% theo lộ trình nhanh nhất. Một phần nhỏ các mặt hàng nhạy cảm được các nước đưa vào danh mục nhạy cảm (SL), nhạy cảm cao (HSL) và danh mục loại trừ (GE) với lộ trình cắt giảm chậm hơn. Đến nay, hơn 99% số dòng thuế của các nước ASEAN-6 đã được đưa về 0% và các nước CLMV cũng đã có gần 99% dòng thuế được cắt giảm xuống 0-5%, đưa các nước ASEAN gần hơn bao giờ hết tới mục tiêu thiết lập một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất, tạo tiền đề xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Để thiết lập được khu vực mậu dịch tự do, việc cắt giảm thuế quan cần phải được tiến hành đồng thời với việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Các hàng rào phi thuế quan bao gồm các hạn chế về số lượng (như hạn ngạch, giấy phép, v.v.), các khoản phụ thu, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, v.v... Các hạn chế về số lượng có thể được xác định một cách dễ dàng, do đó, được quy định loại bỏ ngay đối với các mặt hàng trong Chương trình CEPT được hưởng nhượng bộ từ các nước thành viên khác. Tuy nhiên, việc xác định và loại bỏ các rào cản phi thuế quan khác phức tạp hơn rất nhiều và quy định phải được xoá bỏ dần dần trong vòng 5 năm sau khi sản phẩm được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, CEPT cũng quy định việc các nước tiến tới thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, công khai chính sách và thừa nhận các chứng nhận chất lượng của nhau.
Trên cơ sở Hiệp định CEPT, trong quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước thành viên đã đưa ra và cam kết thực hiện việc xóa bỏ các rào cản phi thuế theo 3 gói lịch trình là giai đoạn 2008-2010 đối với các nước ASEAN-6, giai đoạn 2010-2012 đối với Phi-líp-pin và giai đoạn 2013-2015, linh hoạt tới 2018 đối với CLMV. Hiện nay, việc xóa bỏ này vẫn đang được các nước ASEAN thực hiện theo kế hoạch đề ra. Dự kiến trong thời gian tới, ASEAN sẽ xây dựng một cơ chế phù hợp để rà soát và tổng hợp các rào cản được loại bỏ.
Việc đảm bảo thông thoáng, minh bạch các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại cũng là một nội dung cần thực hiện khi thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu ASEAN tiến hành buôn bán trong nội bộ khu vực và để các cơ quan Hải quan các nước dễ dàng xác định mức thuế cho các mặt hàng, ASEAN đã thống nhất một biểu thuế quan chung (AHTN) trên cơ sở Hệ thống hài hoà (HS) của Cơ quan hải quan thế giới (WCO). Biểu AHTN này được sửa đổi 5 năm một lần nhằm rà soát, cập nhật chính xác các mặt hàng đang được trao đổi, buôn bán trong khu vực. Hiện nay, ASEAN đang xây dựng Biểu AHTN 2012 để bắt đầu chính thức áp dụng từ đầu năm 2012. Mẫu tờ khai hải quan chung của khu vực đối với các hàng hóa thuộc diện được hưởng thuế suất CEPT cũng đã được thống nhất; các thủ tục hải quan được đơn giản và minh bạch hóa để việc trao đổi thương mại diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.
Như vậy, với việc nghiêm túc thực hiện các cam kết đã đề ra nhằm thiết lập khu vực thương mại tự do, sau 3 năm kể từ ngày khởi động AFTA, xuất khẩu giữa các nước ASEAN đã tăng từ 43,26 tỷ đô la Mỹ lên khoảng 80 tỷ đô la Mỹ năm 1996 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 28,3%. Đến năm 2003, là năm các nhà Lãnh đạo ASEAN quyết định thiết lập Cộng đồng kinh tế, thương mại hai chiều trong nội bộ ASEAN đã tăng lên 175 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay, trong bối cảnh ASEAN chỉ còn năm năm để hoàn thành mục tiêu của mình, các biện pháp xóa bỏ thuế quan và rỡ bỏ hàng rào phi thuế đã thể hiện hiệu quả đáng kể. Năm 2009, xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN vẫn đạt mức 378 tỷ đô la Mỹ, mặc dù các nước vẫn đang phải giải quyết hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Rõ ràng, những kết quả mà ASEAN đạt được đến thời điểm này thể hiện hướng đi đúng đắn và những cam kết nghiêm túc mà các nước thành viên đã và đang thực hiện.
Mục tiêu thiết lập khu vực thương mại tự do mà ASEAN kỳ vọng vào đầu những năm 90 đã được hiện thực hóa. Thành công trên con đường đã lựa chọn, đến nay, AFTA đã được các nước ASEAN nâng cấp lên một mức độ hợp tác mới - một Cộng đồng kinh tế. Chương trình CEPT cùng các cam kết liên quan đã được thay thế bằng một Hiệp định toàn diện, bao quát và phù hợp với tình hình mới hơn với tên gọi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Nhìn lại chặng đường mười chín năm kể từ khi AFTA được thực hiện, có thể khẳng định Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang dần hiện hữu chính là kết quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo và nỗ lực hết mình nhằm thiết lập và duy trì một khu vực thương mại tự do năng động, bền vững và đầy tiềm năng của các quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay, thời điểm năm 2015 để xây dựng Cộng đồng kinh tế không còn xa. Chúng ta tin tưởng rằng với tiền đề vững chắc là một khu vực thương mại tự do, ASEAN sẽ thành công trong việc hoàn thành mục tiêu này - một mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Hiệp hội trong tương lai./.

NCEIC

    Tổng số lượt xem: 11575
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)