Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/10/2011-14:27:00 PM
Giới thiệu Cơ chế Giải quyết Tranh chấp của ASEAN
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV tại Singapore (1/1992) đã đánh dấu bước tiến trong hợp tác kinh tế ASEAN bằng việc ký hai văn kiện quan trọng, đó là Hiệp định về Chương trình Thuế quan Ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) để thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định khung về Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV tại Singapore (1/1992) đã đánh dấu bước tiến trong hợp tác kinh tế ASEAN bằng việc ký hai văn kiện quan trọng, đó là (i) Hiệp định về Chương trình Thuế quan Ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) để thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA); và (ii) Hiệp định khung về Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN. Tiếp sau đó, các nước ASEAN cũng đã ký một loạt hiệp định khác trong các lĩnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, công nghiệp.

Do hợp tác kinh tế được mở rộng nên việc có một cơ chế hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên đã trở nên một nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, từ năm 1996, ASEAN đã bắt đầu soạn thảo Nghị định thư về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp, và Nghị định thư này đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký ngày 20/11/1996 tại Manila (Philippines).

Nghị định thư gồm có 12 Điều và 2 Phụ lục.

1. Phạm vi áp dụng

1. Các quy tắc và thủ tục của Nghị định thư này sẽ áp dụng đối với những tranh chấp phát sinh từ các hiệp định được nêu trong Phụ lục 1 và các hiệp định kinh tế của ASEAN trong tương lai.

Tại thời điểm ký Nghị định thư này, đã có 47 hiệp định kinh tế của ASEAN được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư, trong đó có cả các hiệp định rất quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN như Hiệp định CEPT/AFTA, Hiệp định khung về Dịch vụ, Hiệp định khung về Sở hữu Trí tuệ, Hiệp định AICO.

Sau đó, các hiệp định khác như Hiệp định về Khu vực Đầu tư ASEAN, Hiệp định e-ASEAN, Hiệp định về các Thoả thuận Công nhận Lẫn nhau cũng đều sử dụng Nghị định thư này làm cơ sở giải quyết tranh chấp nếu phát sinh.

2. Các quy tắc và thủ tục của Nghị định thư này sẽ áp dụng tùy thuộc vào các nguyên tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung về giải quyết tranh chấp được nêu trong các hiệp định được áp dụng.

Trong trường hợp có sự khác biệt giữa các quy tắc và thủ tục của Nghị định thư này và với các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung trong các hiệp định được áp dụng thì sẽ áp dụng các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung.

3. Các điều khoản của Nghị định thư này không ảnh hưởng tới quyền của các nước thành viên được tìm đến các diễn đàn khác để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các nước thành viên khác. Các diễn đàn khác này có thể là cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một cơ quan trọng tài.

Một nước thành viên liên quan đến tranh chấp có thể tìm đến các diễn đàn khác bất kỳ lúc nào trước khi Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp ("SEOM") ra phán xử đối với báo cáo của Ban hội thẩm.

4. ASEAN là một tổ chức liên chính phủ. Vì vậy, Nghị định thư này chỉ áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa các chính phủ, không áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp với chính phủ, hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Trình tự các bước giải quyết tranh chấp như sau:

2. Tham vấn (Bước 1)

1. Các nước thành viên cho rằng theo Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào, những lợi ích mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng, đang bị vô hiệu hóa hay bị tổn hại, hoặc cho rằng việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào của Hiệp định hoặc của bất kỳ hiệp định được áp dụng nào, đang bị cản trở do kết quả của việc một nước thành viên khác không thực hiện nghĩa vụ của mình theo bất kỳ hiệp định được áp dụng nào, hoặc do bất kỳ tình huống nào khác thì để đạt được sự giải quyết vấn đề một cách thoả đáng, các nước thành viên có thể khiếu nại hay đưa đề nghị tới nước thành viên có liên quan và nước thành viên này sẽ kịp thời xem xét các khiếu nại hay đề nghị được gửi tới họ.

2. Các nước thành viên sẽ dành cơ hội thích đáng cho sự tham vấn liên quan tới bất kỳ khiếu nại nào đưa ra bởi các nước thành viên khác về mọi vấn đề ảnh hưởng đến việc thực hiện, giải thích hoặc áp dụng Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào.

Mọi bất đồng, nếu có thể, sẽ được giải quyết một cách hữu nghị giữa các nước thành viên.

3. Nếu có yêu cầu tham vấn thì nước thành viên được yêu cầu sẽ phải trả lời trong vòng mười (10) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và phải bước vào tham vấn trong vòng không quá ba mươi (30) ngày sau ngày nhận được yêu cầu, nhằm đạt được một giải pháp thoả đáng giữa các bên.

· Yêu cầu tham vấn

· Trả lời yêu cầu tham vấn: sau 10 ngày

· Bắt đầu tham vấn: sau 30 ngày

3. Dàn xếp, Trung gian hoà giải (Bước 2)

1. Vào bất kỳ thời điểm nào, các nước thành viên là các bên tranh chấp cũng được quyền chấp nhận các hình thức dàn xếp, hoà giải hoặc trung gian hoà giải. Các hình thức này có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào và cũng có thể chấm dứt vào bất kỳ lúc nào. Một khi thủ tục dàn xếp, hoà giải hoặc trung gian hoà giải đã chấm dứt thì bên khiếu nại mới được tiến hành đưa vấn đề lên SEOM.

2. Trong khi tranh chấp đang diễn ra, nếu các bên tranh chấp đồng ý thì các thủ tục trung gian hoà giải vẫn được tiếp tục áp dụng.

Trung gian, hoà giải có thể bắt đầu và kết thúc bất kỳ lúc nào trước khi đưa vấn đề lên SEOM.

4. Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp ("SEOM") (Bước 3)

1. Nếu tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, thì vấn đề này sẽ được trình lên SEOM.

2. SEOM sẽ:

(a) thành lập Ban hội thẩm; hoặc

(b) nếu có thể, chuyển vấn đề cho ban chuyên trách phụ trách các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung để xem xét.

3. Tuy vậy, nhưng trong trường hợp cụ thể, nếu thấy cần thiết thì SEOM có thể quyết định xử lý tranh chấp một cách hữu nghị mà không phải chỉ định Ban hội thẩm.

SEOM sẽ:

· thành lập ban hội thẩm

· xem xét bổ sung thủ tục

· tự quyết định xử lý một cách hữu nghị

5. Ban hội thẩm (Bước 4)

1. SEOM thành lập Ban hội thẩm không được muộn quá ba mươi (30) ngày sau ngày tranh chấp được đệ trình lên.

2. SEOM sẽ đưa ra quy định cuối cùng về quy mô, thành phần và quy chế làm việc của Ban hội thẩm.

Chức năng của Ban hội thẩm

3. Chức năng của Ban hội thẩm là đánh giá khách quan vụ việc tranh chấp được đệ trình, bao gồm cả xác minh các sự kiện của vụ việc, khả năng áp dụng cũng như tính phù hợp với các điều quy định của bất kỳ hiệp định được áp dụng nào, và thu nhập các chứng cứ khác hỗ trợ được cho SEOM trong việc đưa ra phán xử.

4. Ban hội thẩm có quyền yêu cầu cung cấp thông tin và tư vấn kỹ thuật từ bất kỳ tổ chức hoặc các nhân nào mà Ban hội thẩm cho là thích hợp. Mỗi nước thành viên phải trả lời ngay và đầy đủ bất kỳ yêu cầu nào của Ban hội thẩm về những thông tin mà Ban hội thẩm cho là cần thiết và thích hợp.

5. Quá trình thảo luận của Ban hội thẩm phải được giữ kín. Các báo cáo của Ban hội thẩm phải được dự thảo khi không có mặt của các bên tranh chấp và căn cứ vào những thông tin được cung cấp và các bản tường trình.

6. Ban hội thẩm phải đệ trình những tài liệu thu thập được lên SEOM trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày thành lập. Trong những trường hợp ngoại lệ, Ban hội thẩm có thể có thêm mười (10) ngày nữa để trình những tài liệu này lên SEOM. Trong khoảng thời gian này, Ban hội thẩm sẽ dành cơ hội thích đáng cho các bên tranh chấp xem lại báo cáo trước khi đệ trình.

Xử lý kết quả của Ban hội thẩm

7. SEOM sẽ xem xét báo cáo của Ban hội thẩm trong quá trình thảo luận của mình và đưa ra phán xử về tranh chấp trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày Ban hội thẩm trình báo cáo. Trong các trường hợp ngoại lệ, SEOM có thể có thêm mười (10) ngày nữa trong việc đưa ra phán xử về việc giải quyết tranh chấp.

8. Các đại diện SEOM của các nước thành viên là các bên tranh chấp có thể có mặt trong quá trình thảo luận nhưng không được tham gia vào việc đưa ra phán xử của SEOM. SEOM sẽ ra phán xử trên cơ sở đa số.

· Thành lập ban hội thẩm: 30 ngày sau khi vấn đề đưa lên SEOM

· Ban hội thẩm thu thập tài liệu: 60 ngày

· SEOM xem xét báo cáo của Ban hội thẩm: 30 ngày

6. Kháng nghị (Bước 5)

1. Các nước thành viên là các bên tranh chấp có thể kháng nghị lại phán xử của SEOM với Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ("AEM") trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày SEOM ra phán xử.

2. AEM phải đưa ra quyết định trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày có kháng nghị. Trong các trường hợp ngoại lệ, AEM có thể có thêm mười (10) ngày nữa để đưa ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp.

3. Các Bộ trưởng Kinh tế của các nước thành viên là các bên tranh chấp có thể có mặt trong quá trình thảo luận nhưng không được tham gia vào việc đưa ra quyết định của AEM. AEM sẽ đưa ra quyết định dựa trên cơ sở đa số. Quyết định chung thẩm của AEM là tối hậu và bắt buộc đối với tất cả các bên tranh chấp.

Thực hiện phán xử/quyết định

4. Do việc tuân thủ lập tức các phán xử của SEOM hoặc quyết định của AEM là vấn đề căn bản để đảm bảo giải quyết có hiệu quả các tranh chấp nên các nước thành viên là các bên tranh chấp phải tuân thủ các phán xử hoặc quyết định đó, (tùy trường hợp cụ thể, liên quan tới SEOM hay AEM thì thực hiện phán xử hay quyết định của cơ quan đó) trong một khoảng thời gian hợp lý. Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian do các bên tranh chấp cùng nhau thoả thuận, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không vượt quá ba mươi (30) ngày kể từ khi SEOM ra phán xử hoặc trong trường hợp có kháng nghị là ba mươi (30) ngày kể từ khi AEM ra quyết định.

5. Các nước thành viên liên quan phải nộp cho SEOM hoặc AEM, (tùy trường hợp cụ thể, liên quan tới SEOM hoặc AEM thì nộp cho cơ quan đó), báo cáo bằng văn bản về tình hình thực hiện phán xử hoặc quyết định nói trên của SEOM hoặc AEM.

· Đề xuất kháng nghị lên AEM: 30 ngày sau khi SEOM phán xử

· AEM ra quyết định: 30 ngày

· Báo cáo về kế hoạch thực hiện: 30 ngày

7. Đền bù và trả đũa (Bước 6)

1. Nếu nước thành viên liên quan thấy biện pháp giải quyết tranh chấp không phù hợp với Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào và nước thành viên này cũng không có cách nào làm cho biện pháp giải quyết tranh chấp ấy phù hợp với các hiệp định nói trên, hoặc nói cách khác không tuân thủ được các phán xử của SEOM hoặc quyết định của AEM trong khoảng thời gian hợp lý thì nước thành viên ấy, nếu được yêu cầu, và không chậm hơn thời hạn hợp lý đã quy định, sẽ phải tiến hành thương lượng với bên nào đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp nhằm hình thành hình thức đền bù mà các bên có thể chấp nhận được.

2. Nếu không thoả thuận được sự đền bù thoả đáng trong vòng 20 (hai mươi) ngày sau khoảng thời gian hợp lý đã quy định, bất kỳ bên nào đưa ra yêu cầu giải quyết tranh chấp đều có thể yêu cầu AEM cho phép đình chỉ việc áp dụng ưu đãi hay các nghĩa vụ khác nêu trong Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào đối với nước thành viên liên quan.

3. Hình thức trả đũa:

· đình chỉ ưu đãi

· đình chỉ thực hiện nghĩa vụ

· trả đũa chéo

4. Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ một khuyến nghị để làm cho một biện pháp giải quyết phù hợp được với Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào vẫn được ưu tiên hơn so với việc đền bù hay đình chỉ ưu đãi hoặc đình chỉ các nghĩa vụ khác. Đền bù mang tính chất tự nguyện, và nếu được đền bù thì việc đền bù đó phải phù hợp với Hiệp định hoặc bất kỳ hiệp định được áp dụng nào.

· Thoả thuận về đền bù: sau khoảng thời gian hợp lý để thực hiện phán xử/quyết định

· Yêu cầu được phép trả đũa: 20 ngày sau khi không thoả thuận được sự đền bù

8. Thời hạn tối đa

Các nước thành viên đồng ý rằng tổng số thời gian để giải quyết tranh chấp theo như điều 2, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 của Nghị định thư này không được quá hai trăm chín mươi (290) ngày.

9. Các vấn đề khác

1. Ban Thư ký ASEAN phải có trách nhiệm giúp đỡ Ban hội thẩm, đặc biệt là về phương diện lịch sử và thủ tục của những vấn đề đang được xử lý và phải hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hành chính.

2. Ban Thư ký ASEAN phải có trách nhiệm theo dõi và duy trì giám sát việc thực hiện phán xử của SEOM và quyết định của AEM tuỳ trường hợp cụ thể.

3. Ban Thư ký ASEAN có thể đứng ra trung gian hoà giải để hỗ trợ các nước thành viên giải quyết tranh chấp.

4. Trong trường hợp có những nội dung mà Nghị định thư này chưa đề cập hoặc phản ánh được thì các nước ASEAN sẽ dựa vào Bản ghi nhớ về Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tham khảo.

10. Ý nghĩa thực tế

Nghị định thư về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ra đời đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản hợp tác trong lĩhh vực kinh tế của các nước ASEAN. Kể từ khi có Nghị định thư đến nay, một số vấn đề tranh chấp đã phát sinh giữa các nước ASEAN, trong đó có những vụ liên quan đến Việt Nam. Nhưng các vụ này đều được giải quyết ngay từ giai đoạn tham vấn, hoà giải mà chưa bao giờ phải thành lập ban hội thẩm.

***

Phụ lục

Thủ tục làm việc của Ban Hội thẩm

I. Thành phần Ban Hội thẩm

1. Ban hội thẩm bao gồm những cá nhân có trình độ thuộc các cơ quan chính phủ và/hoặc phi chính phủ bao gồm cả những người đang tiến hành điều tra hoặc đệ trình vụ này lên Ban hội thẩm, những người đang làm việc trong Ban thư ký, những người giảng dạy hoặc ban hành luật hay chính sách thương mại quốc tế, hoặc quan chức chính sách thương mại cấp cao của các nước thành viên. Khi chỉ định Ban hội thẩm, công dân các nước ASEAN sẽ được ưu tiên xem xét.

2. Thành viên Ban hội thẩm phải được lựa chọn kỹ đảm bảo mỗi thành viên có tính độc lập, có kiến thức đủ rộng và có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.

3. Công dân các nước thành viên có liên quan đến tranh chấp không được tham gia vào Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp đó, trừ phi có sự đồng ý của các bên liên quan đến tranh chấp.

4. Để hỗ trợ cho việc lựa chọn thành viên Ban hội thẩm, Ban thư ký ASEAN phải duy trì một bản danh sách gồm các cá nhân thuộc các cơ quan chính phủ và phi chính phủ có trình độ như nêu trong đoạn 1, qua danh sách này có thể chọn được những hội thẩm viên thích hợp. Các nước thành viên có thể định kỳ cung cấp tên các cá nhân thuộc các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để bổ sung vào bản danh sách, đồng thời các quốc gia phải cung cấp thông tin có liên quan đến kiến thức của họ về thương mại quốc tế và các lĩnh vực, vấn đề trong hiệp định được áp dụng. Chỉ được bổ sung những tên này vào danh sách sau khi đã có sự thông qua của SEOM. Bản danh sách phải chỉ rõ chuyên môn và kinh nghiệm của từng cá nhân trong các lĩnh vực hay các vấn đề thuộc các hiệp định được áp dụng.

5. Ban hội thẩm gồm 3 thành viên trừ trường hợp các bên liên quan đến tranh chấp thống nhất với nhau về số thành viên là 5 trong vòng 10 ngày kể từ ngày thành lập Ban hội thẩm. Các nước thành viên sẽ được thông báo ngay về thành phần Ban hội thẩm.

6. Ban thư ký sẽ đề cử Ban hội thẩm cho các bên có liên quan đến tranh chấp. Các bên có liên quan không được bác bỏ việc đề cử này trừ phi có lý do bắt buộc.

7. Nếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày thành lập Ban hội thẩm mà không thống nhất được danh sách các hội thẩm viên do yêu cầu của một trong các bên liên quan thì Tổng Thư ký, sau khi đã tham vấn với Chủ tịch SEOM, sẽ quyết định thành phần Ban hội thẩm bằng cách chỉ định những người mà Tổng Thư ký cho là thích hợp nhất đối với các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung của các hiệp định được áp dụng có liên quan đến tranh chấp, sau khi đã tham khảo ý kiến của các bên liên quan. Chủ tịch SEOM sẽ thông báo cho các nước thành viên về thành phần Ban hội thẩm không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

8. Theo nguyên tắc chung, các nước thành viên phải cho phép các quan chức của mình tham gia vào Ban hội thẩm với tư cách là một hội thẩm viên.

9. Hội thẩm viên tham gia với tư cách cá nhân, không phải là đại diện cho bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào. Vì vậy, các nước thành viên không được hướng dẫn hoặc tìm cách tác động đến hội thẩm viên về các vấn đề tranh chấp đang đặt ra trước Ban hội thẩm.

II. Quy trình thẩm định của Ban hội thẩm

1. Trong quy trình thẩm định, Ban hội thẩm phải tuân theo các quy định tương ứng của Nghị định thư này. Ngoài ra, phải áp dụng các thủ tục tác nghiệp dưới đây.

2. Ban hội thẩm phải họp kín. Các bên có liên quan và có quan tâm đến tranh chấp chỉ có mặt trong các cuộc họp của Ban hội thẩm khi được Ban hội thẩm mời.

3. Quá trình thảo luận của Ban hội thẩm và tài liệu nộp cho Ban hội thẩm phải được giữ bí mật. Không có quy định nào trong Nghị định thư này cấm bên liên quan đến tranh chấp được phát biểu công khai lập trường của mình. Các nước thành viên phải coi thông tin do một nước thành viên khác đệ trình cho Ban hội thẩm là thông tin mật nếu như nước thành viên kia coi là mật. Khi một bên tranh chấp đệ trình một tài liệu mật bằng văn bản cho Ban hội thẩm thì theo yêu cầu của một nước thành viên khác, bên đó cũng sẽ cung cấp một bản tóm tắt thông tin không mật trong đề nghị của mình có thể công bố công khai.

4. Trước cuộc họp đầu tiên của Ban hội thẩm với các bên, các bên có liên quan đến tranh chấp phải đệ trình lên Ban hội thẩm một văn bản trong đó nêu rõ các sự kiện và lập luận của mình.

5. Tại cuộc họp đầu tiên với các bên, Ban hội thẩm sẽ yêu cầu bên khiếu nại giải trình vụ việc. Sau đó, cũng tại cuộc họp này, bên bị khiếu nại sẽ được yêu cầu nêu rõ quan điểm của mình.

6. Bác bỏ chính thức sẽ được đưa ra tại cuộc họp lần thứ hai của Ban hội thẩm. Bên bị khiếu nại có quyền phát biểu trước, sau đó đến lượt bên khiếu nại. Các bên phải nộp bản ý kiến bác bỏ lên Ban hội thẩm trước cuộc họp này.

7. Bất kỳ lúc nào, Ban hội thẩm cũng có thể nêu câu hỏi và yêu cầu các bên giải thích, hoặc trong quá trình họp với các bên hoặc bằng văn bản.

8. Các bên tranh chấp phải cung cấp cho Ban hội thẩm lời phát biểu của mình bằng văn bản.

9. Để đảm bảo tính rõ ràng thì việc khiếu nại, bác bỏ hay phát biểu như nêu trong các đoạn 5 đến đoạn 9 phải được đưa ra với sự có mặt của các bên. Ngoài ra văn bản của mỗi bên bao gồm cả nhận xét về báo cáo hay trả lời những câu hỏi của Ban hội thẩm phải được cung cấp cho các bên khác.

10.Mọi thủ tục được bổ sung cụ thể cho Ban hội thẩm./.

    Tổng số lượt xem: 13466
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)