Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) được thành lập ngày 08/8/1967 tại Băng Cốc với 5 nước thành viên đầu tiên là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan. Sau đó, Bru-nây Đa-rút-xa-lam gia nhập ngày 08/01/1984, Việt Nam ngày 28/7/1995, Lào và Mi-an-ma ngày 23/7/1997, và Căm-pu-chia ngày 30/4/1999.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) được thành lập ngày 08/8/1967 tại Băng Cốc với 5 nước thành viên đầu tiên là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan. Sau đó, Bru-nây Đa-rút-xa-lam gia nhập ngày 08/01/1984, Việt Nam ngày 28/7/1995, Lào và Mi-an-ma ngày 23/7/1997, và Căm-pu-chia ngày 30/4/1999.
Khu vực ASEAN có dân số khoảng 500 triệu người, diện tích tự nhiên 4,5 triệu ki-lô-mét vuông, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 737 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại 720 tỷ USD (trong đó thương mại nội khối chiếm 22%).
Tuyên ngôn ASEAN khẳng định mục đích của Hiệp hội là: (i) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực bằng những nỗ lực chung theo tinh thần bình đẳng và quan hệ đối tác nhằm tăng cường nền tảng cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam á thịnh vượng và hòa bình; và (ii) củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Hợp tác kinh tế ASEAN được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Một số chương trình hợp tác về thương mại và công nghiệp quan trọng như Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), Dự án công nghiệp ASEAN (AIP), Chương trình bổ trợ công nghiệp ASEAN (AIC), Chương trình liên doanh công nghiệp ASEAN (AIJV) đã được ký kết và đưa vào thực hiện trong những năm 1970-1980. Tuy nhiên, kết quả của các chương trình hợp tác này rất hạn chế.
Năm 1992, các nước ASEAN ký Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff Scheme - CEPT) quy định việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Việt Nam bắt đầu thực hiện AFTA vào năm 1996. Theo quy định, đến năm 2006 ta phải đưa toàn bộ mức thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN về mức 0-5%, tiếp theo ta sẽ phải tối đa hóa số dòng thuế về 0% và hoàn thành đưa toàn bộ các dòng thuế về 0% vào năm 2015.
Bên cạnh mục tiêu tự do hóa thương mại hàng hóa, các nước ASEAN còn có các chương trình hợp tác kinh tế khác. Đáng chú ý là:
- Hiệp định khung về đầu tư ASEAN (AIA) nhằm biến ASEAN thành khu vực có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nội dung cơ bản của Hiệp định này là các nước ASEAN mở cửa các ngành nghề cho các nhà đầu tư ASEAN và dành chế độ đối xử quốc gia cho họ vào năm 2010; sau đó các quy định này cũng sẽ được mở ra cho các nhà đầu tư ngoài ASEAN vào năm 2015.
- Chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) nhằm thúc đẩy hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực công nghiệp, được coi là một biện pháp để thực hiện AFTA sớm trong công nghiệp.
- Hợp tác dịch vụ trong ASEAN cũng được đẩy mạnh với việc các nước thành viên đã ký Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) và hai nghị định thư cam kết giảm hàng rào thương mại trong 7 lĩnh vực dịch vụ: tài chính, vận tải biển, du lịch, xây dựng, hàng không, kinh doanh và bưu chính viễn thông.
- Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông là một lĩnh vực hợp tác mới nhưng hết sức quan trọng đối với ASEAN để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số. Các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung e-ASEAN tại Hội nghị cấp cao không chính thức năm 2000 tại Xinh-ga-po nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực.
- Các nước ASEAN cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, nông, lâm nghiệp và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN cũng được chú trọng.
- Các nước thành viên cũ trong ASEAN cũng tăng cường giúp đỡ các thành viên mới trong quá trình hội nhập bằng việc đưa ra sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), được khẳng định một lần nữa trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Hà Nội tháng 7/2001. Gần đây nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 33 tại Hà Nội từ ngày 12 đến 16/9/2001, các nước ASEAN-6 đã nhất trí trao Hệ thống ưu đãi hội nhập ASEAN (AISP) cho các nước thành viên mới của ASEAN để các nước này tăng cường xuất khẩu một số mặt hàng được hưởng thuế quan ưu đãi 0% sang thị trường các nước ASEAN-6. Các Bộ trưởng ASEAN dự tính, AISP sẽ tạo thêm kim ngạch xuất khẩu tương đương 400 triệu USD/năm cho mỗi nước trong số bốn nước thành viên mới là: Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma.