Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 21/8 cho biết đã nhận được hai hồ sơ riêng rẽ của Mỹ và Nhật Bản cáo buộc Argentina áp đặt hạn chế nhập khẩu một cách bất hợp pháp.
|
Vận chuyển hàng tại cảng container ở Tokyo ngày 22/8
|
Người phát ngôn của WTO cho biết, trong hồ sơ gửi tới văn phòng của tổ chức này, Mỹ và Nhật Bản cáo buộc Buenos Aires áp đặt các biện pháp "hạn chế nhập khẩu cũng như phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu."
Mỹ-Nhật đề nghị tiến hành tham vấn giữa các bên về vấn đề này để tìm ra một giải pháp thỏa đáng mà không phải đối chất tại WTO. Sau 60 ngày nếu tranh cãi không được giải quyết thì các bên khiếu nại có thể yêu cầu một ủy ban chuyên trách của WTO phân xử.
Mỹ cho rằng Buenos Aires thường xuyên áp dụng các quy định cấp phép nhập khẩu không rõ ràng, qua đó hạn chế một cách bất công hàng xuất khẩu của Mỹ.
Ngoài ra, văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết, Buenos Aires còn yêu cầu các đối tác Argentina nhập khẩu hàng của Mỹ cũng phải xuất khẩu sang Mỹ một lượng tương tự hàng hóa của Argentina.
Trong khi đó, phía Argentina cho biết nước này cũng có kế hoạch kiện Mỹ đang có những biện pháp hạn chế nhập khẩu thịt bò và trái cây từ Argentina.
Trước đó, ngày 25/5, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã gửi hồ sơ lên WTO kiện Argentina hạn chế nhập khẩu.
EU cho rằng những biện pháp hạn chế nhập khẩu của Argentina vi phạm luật thương mại quốc tế và yêu cầu Buenos Aires cùng tham vấn về vấn đề này.
Đáp lại động thái của EU, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã bác bỏ những cáo buộc về chính sách bảo hộ mậu dịch của nước này, khẳng định rằng các mức thuế quan mà Argentina đang áp dụng vẫn thấp hơn so với các quốc gia phát triển.
Bà Kirchner nói: "Đây rõ ràng là một hình thức bảo hộ về pháp lý của các nước phát triển." Theo bà, một số nền kinh tế châu Âu áp thuế 159% đối với sản phẩm bơ, 126% đối với thịt, và trong khi các nhà sản xuất gạo Argentina phải chịu mức thuế 450% ở thị trường Nhật Bản, thì ở Argentina mức thuế này chỉ là 35%./.