(MPI Portal) – Chiều ngày 05/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi Tham vấn về Dự thảo Chiến lược hợp tác 5 năm tới. Tham dự và chủ trì có ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đại diện của các Bộ, ngành có liên quan.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển trong vòng 25 năm qua. Những cải cách được triển khai vào năm 1986 đã biến đổi đất nước từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế có định hướng thị trường hơn, đem lại tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (trung bình đạt 7,3% trong giai đoạn 1990-2010) và giảm đáng kể tình trạng đói nghèo. Thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 11 lần và đạt mức 1.130 USD vào năm 2010, đồng thời tỷ lệ nghèo đã giảm từ 80%xuống còn 14,5% trong năm 2008. Việt Nam đã đạt được một số chỉ tiêu trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) ban đầu và có khả năng hoàn thành thêm một số chỉ tiêu khác vào năm 2015. Điều kiện phúc lợi của người dân bình thường ở Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể.
|
Bà Victoria Kwakwa và ông Hoàng Viết Khang, đồng chủ trì buổi Tham vấn
|
Theo bà Victoria Kwakwa, nhìn chung chương trình ở Việt Nam đã thực hiện được phần lớn những gì được dự kiến trong Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) giai đoạn 2007-2011. Việt Nam đã đạt được mục tiêu chiến lược chủ chốt (trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010), đó là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010. Năm 2007, Việt Nam đã đủ tư cách hợp lệ để vay vốn của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD), và nhận khoản vay IBRD đầu tiên vào năm 2009. Quá trình xây dựng các thể chế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại vẫn đang tiếp tục, dù chậm hơn so với dự kiến của chương trình CPS.
Tại buổi Tham vấn, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đã trình bày về sự cần thiết và tầm quan trọng của Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012-2016 cho Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã có nhiều thay đổi lớn với mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, cải thiện quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu bất bình đắng giới, giảm khả năng dễ bị tổn thương do bất ổn kinh tế, thay đổi khí hậu, thay đổi thu nhập, thúc đẩy các nguồn lực khác cho tăng trưởng.
Ông Hoàng Viết Khang cho biết, tính đến 31/8/2011, danh mục đầu tư chưa giải ngân còn xấp xỉ 5,8 tỷ USD, trong đó 48% là vốn cam kết từ năm tài chính 2008. Những chậm trễ trong thực hiện cũng có thể dẫn đến tình trạng chi phí leo thang, khiến cho nguồn lực bị chuyển đi khỏi các sáng kiến mới để trở thành vốn bổ sung cho dự án và làm giảm hệ số hoàn vốn của dự án.
Cũng theo ông Hoàng Viết Khang, để giảm bớt sự dàn trải, chương trình CPS mới của Ngân hàng Thế giới sẽ hướng tới mục tiêu tăng dần tính nhất quán, áp dụng Các hoạt động phân tích và tư vấn (AAA) theo cách tiếp cận chương trình, và tăng cường tính chọn lọc, cụ thểCPS lần này sẽ chú trọng đến ba “Trụ cột” đó là: khả năng cạnh tranh, tính bền vững và cơ hội.
|
Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực đạt tới thành công của một quốc gia có thu nhập trung bình
|
Trong buổi Tham vấn, đại diện của các bên liên quan ở Việt Nam cho rằng, những ưu tiên phát triển quan trọng nhất của Việt Nam là quản trị, tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi đó những ưu tiên cao nhất cần Ngân hàng hỗ trợ là giảm nghèo, quản trị, môi trường, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và hội nhập.
Kết thúcbuổi Tham vấn, ông Hoàng Viết Khang cảm ơn đại diện các Bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến tích cực và cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, làm rõ nhiều vấn đề, cách thức tiếp cận đến những nội dung cụ thể của Dự thảo Chiến lược Quốc gia cho Việt Nam tài khóa 2012-2016 và mong muốn sẽ tiếp tục cộng tác, đóng góp thêm nhiều ý kiến để Chiến lược sớm được hoàn thiện đảm bảo chất lượng theo đúng tiến độ đã đề ra, dự kiến vào tháng 12/2011./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư