(MPI Portal) – Sáng ngày 27/06/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp giao ban tháng 6 về một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng năm 2011 dưới sự chủ trì của ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cuộc họp tập trung đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011; những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Nhìn chung, về tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011 đã có những dấu hiệu tích cực, tình hình lạm phát đang có xu hướng giảm dần, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý lo lắng cho nhân dân.
Dưới đây là một số nét chính về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011:
(1) Vể sản xuất công nghiệp:
Trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 5% so với tháng 5 và tăng gần 13% so với cùng kỳ, cụ thể là chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng hơn 4%, công nghiệp chế biến tăng hơn 16%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, ga và nước tăng hơn 14%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng gần 3% so với tháng 5/2011 và gần 16% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, IIP tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng gần 3%, công nghiệp chế biến tăng gần 13%; sản xuất, phân phối điện, ga và nước tămg hơn 10% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành là khí hóa lỏng, sơn hóa học các loại, xi măng, máy giặt, bình đun nước nóng… Bên cạnh đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước là: khí đốt thiên nhiên dạng khí, gạch xây bằng đất nung, lốp ôtô máy kéo, xe tải, tủ lạnh, tủ đá, điều hòa nhiệt độ, xà phòng giặt các loại.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2011.
(2) Về sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt: Sản xuất lúa đông xuân cả nước đạt khoảng hơn 3000 ha, tăng gần 0,5% so với vụ đông xuân trước. Tuy nhiên, năng suất lúa ước tăng hơn so với vụ đông xuân trước khoảng 0,6tạ/ha, đạt 62,9tạ/ha nên sản lượng ước đạt khoảng 19,5 triệu tấn, tăng 87 nghìn tấn.
Chăn nuôi: Đàn lợn trên cả nước có khoảng 26,3 triệu con, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2010; đàn trâu, bò có hơn 8,5% triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có khoảng 294 triệu con, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
(3) Khu vực dịch vụ
Về hoạt động du lịch: Tháng 6 là tháng khởi đầu mùa hè, nhu cầu đi du lịch của học sinh, sinh viên và gia đình tăng đột biến, góp phần tăng thêm đáng kể lượng khách du lịch trong nước. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2011 ước đạt 447 nghìn lượt người. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 3 triệu lượt khách, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2010.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2011 ước đạt khoảng 154 nghìn tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 912 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ 2010.
Về vận tải hàng hoá và hành khách: Ước 6 tháng đầu năm 2011, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 390,8 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2010. Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 109,5 tỷ tấn-km, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách đạt 1351 triệu hành khách, tăng 12,8% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 58,2 tỷ hành khách-km, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
(4) Về hoạt động xuất nhập khẩu
- Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 năm 2011 ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng 5/2011; trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,46 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, tổng kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 19,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 21,3% và tỷ trọng chiếm hơn 18,1%; xuất khẩu vào EU tăng 49,1% và chiếm tỷ trọng 17,4%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 14,5% và chiếm tỷ trọng 15,2%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 32,4% và chiếm tỷ trọng 10,3%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 56,6% và chiến tỷ trọng gần 11%.
- Nhập khẩu: kinh ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2011 ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng 5/2011. Trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,65 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, tổng kinh ngạch nhập khẩu ước đạt 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kinh ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 21,4 tỷ USD, tăng 29,4%.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 6 tháng đầu năm 2011: Trung Quốc tăng 21,7%, chiếm tỷ trọng 22,4%; ASEAN tăng 36,1%, chiếm tủy trọng 21,1%; Hàn Quốc tăng 41%, chiếm tỷ trọng 12,1%; Nhật Bản tăng 10,8%, chiếm tỷ trọng 9,2%; EU tăng 17,4%, chiếm tỷ trọng 7,1%.
Ước nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 là gần 6,7 tỷ USD, chiếm 15,7% kinh ngạch xuất khẩu, giảm khá mạnh so với 5 tháng đầu năm, chiếm 19% tổng kinh ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu làgần 1,8 tỷ USD.
(5) Về giá cả:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 tăng 1,09% so với tháng 5/2011, tăng khoảng 13,29% so với tháng 12/2010.
(6) Về thu chi ngân sách:
Tổng thu ngân sách nhà nước: 15 ngày đầu tháng 6 ước đạt 21.460 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 15/06/2011 ước đạt 301.340 tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước: 15 ngày đầu tháng 6 ước đạt 28.260 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, tổng chi ngân sách ước đạt 331.485 tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán năm.
(7) Về đầu tư phát triển
- Tổng mức đầu tư toàn xã hội: Ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 362.000 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm 2011, trong đó:
+ Thu hút vốn ODA: Trong 6 tháng đầu năm 2011, ước tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 1.350 triệu USD, bằng 56,25% kế hoạch năm.
+ Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: 6 tháng đầu năm 2011, cả nước có 455 dự án được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.399 triệu USD, bằng 69,9% về số dự án và 50,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.
(8) Về phát triển doanh nghiệp:
Tính đến hết ngày 23/06/2011, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tháng 6 đạt hơn 5,3 nghìn doanh nghiệp, số vốn đăng ký đạt 29,9 nghìn tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đạt 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng kỳ kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 232 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% về số doanh nghiệp và giảm 5,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.
(9) Các vấn đề cần quan tâm ưu tiên giải quyết kịp thời:
Việc thực hiện các giải pháp nhằm kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trong các tháng vừa qua đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện một số Bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị giao ban có ba vấn đề phát sinh cần được quan tâm ưu tiên giải quyết kịp thời, đó là: những vấn đề phát sinh từ các dự án bị cắt giảm, đình, hoãn trong đợt rà soát đầu tư công vừa qua; lãi suất tín dụng đồng Việt Nam còn ở mức quá cao, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cần có hướng dẫn về điều chỉnh tổng mức đầu tư do giá vật tư, vật liệu tăng quá cao./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư