Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung các nguồn lực đẩy mạnh việc chuyển dịch theo hướng phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phấn đấu đi đầu cả nước trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, bền vững.
|
Một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Thành phố dự kiến đến cuối năm 2015, tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ chiếm tới 57% GDP, công nghiệp chiếm 42% và nông nghiệp chỉ chiếm 1%.
Trong Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều giải pháp đang được tích cực triển khai như tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các loại quy hoạch; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất, đời sống, tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, đổi mới công nghệ thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới…
Trong các năm 2011-2015, chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải-cảng-kho bãi; bưu chính-viễn thông; dịch vụ tư vấn khoa học-công nghệ; du lịch; y tế và giáo dục-đào tạo chất lượng cao, được tập trung phát triển, cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 13%/năm.
Ở lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, Thành phố đang khẩn trương hoàn tất và triển khai Đề án xây dựng “Trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh” để đẩy mạnh phát triển sản phẩm tài chính, định chế tài chính và thị trường tài chính. Trong lĩnh vực thương mại, tiến độ triển khai thực hiện nhiều đề án đang được đẩy mạnh như đề án chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu; đề án xây dựng kênh phân phối bán buôn, bán lẻ; đề án phát triển hệ thống thương mại điện tử…
Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành du lịch đang được xây dựng. Trong đó chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh; đề xuất cơ chế, chính sách để quản lý và phát triển hệ thống khách sạn đạt chuẩn quốc tế.
Thành phố cũng nghiên cứu xây dựng đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống kho, bãi hiện đại, đáp ứng nhu cầu trung tâm vận tải đường bộ, đường không, đường sắt, đường sông, đường biển nhằm đảm bảo thực hiện tốt vai trò đầu mối trung chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp-xây dựng dự kiến sẽ đạt bình quân 11%/năm trong 5 năm tới, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng suất lao động cao.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng tăng nhanh 4 ngành công nghiệp trọng yếu là điện tử-công nghệ, thông tin, cơ khí chế tạo, hóa chất-nhựa cao su, chế biến tinh lương thực-thực phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành phố cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm năm 2006-2010, cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, GDP trên địa bàn đã tăng bình quân 11,2%/năm. Đến cuối năm 2010, dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 53,6%, công nghiệp chiếm 45,3%, nông nghiệp chiếm 1,1% GDP.
Như vậy, khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khu vực công nghiệp-xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn khu vực dịch vụ và tỷ trọng ngày càng giảm, khu vực nông nghiệp vẫn giữ mức ổn định trong nền kinh tế. Điều này cho thấy kinh tế thành phố đang chuyển dần sang xu hướng nền kinh tế của đô thị phát triển theo hướng hiện đại hóa./.
Hà Huy Hiệp
TTXVN/Vietnam+