Vai trò then chốt Kể từ khi thành lập năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) luôn đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cho thương mại quốc tế phát triển lành mạnh. Có thể khẳng định rằng WTO là tổ chức điều chỉnh thương mại toàn cầu cuối cùng và ở nấc cao nhất. ảnh hưởng rõ nhất của tổ chức này là mong muốn và quá trình đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc và nhiều nước khác cũng như việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO.
Vai trò then chốt
Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO luôn đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cho thương mại quốc tế phát triển lành mạnh. Có thể khẳng định rằng WTO là tổ chức điều chỉnh thương mại toàn cầu cuối cùng và ở nấc cao nhất. ảnh hưởng rõ nhất của tổ chức này là mong muốn và quá trình đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc và nhiều nước khác cũng như việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của WTO.
Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thương mại quốc tế, những nỗ lực của WTO nhằm thúc đẩy thương mại đa phương và ràng buộc các thỏa thuận hiện có, những thành công vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 1983 – 2003, theo Martin và Francis của Ngân hàng Thế giới, các thỏa thuận đa phương chỉ chiếm khoảng 25% sự tự do hóa rộng lớn ở các nước đang phát triển, trong khi những thay đổi tự thân của luật quốc gia của những nước này chiếm đến 66%, các thỏa thuận song phương và khu vực chỉ chiếm khoảng 9%. Ngày nay, sự tự do hóa tự thân tiếp tục đóng vai trò chủ đạo nhưng tầm quan trọng của các thỏa thuận song phương và khu vực đã tăng lên rõ rệt. Hệ thống thương mại quốc tế không chỉ chịu điều tiết bởi WTO mà còn bị ảnh hưởng bởi luật và quy định quốc gia của khoảng hơn 200 nước, hàng trăm thỏa thuận song phương, khu vực và hàng chục thỏa thuận đa phương.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn, ảnh hưởng gia tăng của những thành viên mới trong WTO, tính phức tạp của các vấn đề thương mại cũng tăng lên đã làm cho việc thông qua các thỏa thuận đa phương mang tính toàn diện trở nên khó khăn hơn nhiều. Xu hướng này được thể hiện rõ nét ở các Vòng Đàm phán Đô-ha đã và đang đe dọa hiệu lực của WTO. Từ khi WTO được thành lập đến nay, quá trình tự do hóa được đàm phán ở cấp độ đa phương đã đình trệ. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Vòng Đàm phán Đoha là đáng thất vọng. Lần đầu tiên, thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 6/2010 đã không đề cập đến hạn chót hoàn thành Vòng Đàm phán Đoha.
Ngày 18/7/2011, tại diễn đàn của WTO ở Geneva, Thuỵ Sĩ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert B. Zoellick đã kêu gọi các nước thành viên WTO cần “tư duy lớn và hướng tới tương lai” để thúc đẩy Vòng đàm phán Doha sớm kết thúc thành công. Ông Zoellick cảnh báo rằng số phận của vòng đàm phán được khởi động từ năm 2001 này hiện nay “rất đáng thất vọng” và có nguy cơ làm lỡ mọi cơ hội tăng trưởng kinh tế mà nền kinh tế toàn cầu đang rất cần để thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển.
Những giao dịch nhỏ đang được thực hiện ở Doha không thể mở ra các cơ hội này. Tại Vòng đàm phán, các nhà thương lượng của các nước phát triển và đang phát triển đều đặt mình vào vị thế phòng thủ và để cho các thủ đoạn chiến thuật che lấp tầm nhìn chiến lược và vai trò lãnh đạo. Thế giới đang tăng tốc và WTO sẽ bị tụt hậu nếu Vòng đàm phán Doha không tiến triển. Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch WB cũng kêu gọi các nước WTO tăng gấp đôi nỗ lực và hành động dũng cảm hơn để kết thúc Vòng đàm phán Doha.
Tuy không đạt được tiến triển nào đáng kể trong đàm phán thương mại đa phương toàn cầu, thương mại thế giới vẫn tiếp tục mở rộng do các thỏa thuận và quy định ngoài WTO đạt được giữa các nước, khu vực với nhau. ở mức độ và cách thức khác nhau, điều này cũng khiến cho thương mại thế giới trong những thập kỷ gần đây ngày càng cởi mở và dễ dự đoán hơn. Trong hơn 25 năm qua, thương mại thế giới đã tăng nhanh hơn 5% so với mức tăng của dân số thế giới. Đây là tiến bộ nổi bật so với mức tăng nhanh hơn 1% của thương mại thế giới so với mức tăng dân số trong giai đoạn 1870 – 1950. Trong nhiều yếu tố giúp đạt được mức tăng trưởng ấn tượng này như các đổi mới trong phương thức vận chuyển, công nghệ thông tin, tăng trưởng kinh tế…, tự do hóa thương mại rõ ràng đóng vai trò rất lớn.
Trong bối cảnh trên, WTO có thể thực hiện các bước đi quan trọng, từ ủng hộ các tiến trình tự do hóa đa phương, khu vực và tự thân của từng quốc gia đến việc ràng buộc các thỏa thuận hiện có nhằm thúc đẩy hơn nữa nền thương mại mở và tiếp tục khẳng định vai trò của WTO, qua đó giúp hệ thống thương mại thế giới trở nên mạnh mẽ và có khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng tốt hơn. Gần đây nhất, chính những quy tắc của WTO đã giúp kìm chế chủ nghĩa bảo hộ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện cho thương mại thế giới phục hồi nhanh chóng. Tất nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng giữa các quốc gia đối với thương mại, tiêu dùng, cũng như lo sợ bị trả đũa trong và ngoài WTO cũng đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy.
Những thách thức
Trong 25 năm tới, bị chi phối bởi nguyên tắc đồng thuận và công việc đơn lẻ (gần như tất cả các vấn đề của đàm phán là phần không thể tách rời của gói đơn lẻ và sự đồng thuận), WTO sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đem lại những kết quả kịp thời. Những đặc điểm nổi bật dưới đây của kinh tế thế giới hậu khủng hoảng sẽ là thách thức lớn hơn nữa đối với cơ cấu WTO hiện nay nếu nó vẫn được duy trì trong tương lai:
Thứ nhất, các nước tiên tiến không thể hoặc không sẵn sàng lãnh đạo tiến trình phát triển thương mại tự do. Tăng trưởng nội địa thấp, chi tiêu bị thắt chặt, nợ công cao và đang tăng lên. IMF dự đoán nợ công của những nước này sẽ đạt mức bình quân 120%/GDP vào năm 2050. Điều này khiến Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản sẽ chú trọng vào trong nước và ở thế phòng thủ nhiều hơn. Những mất cân đối bên trong ngày càng lớn của châu Âu, được cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và sắp tới là Tây Ban Nha, Italia bộc lộ, sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Thứ hai, hệ thống thương mại ngày càng trở nên đa cực. Trung Quốc, ấn Độ, Bra xin đang đóng vai trò lớn hơn, sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những nước này lại tập trung vào phát triển và giải quyết nạn nghèo đói của đất nước hơn là lãnh đạo thúc đẩy thương mại tự do, ngay cả khi những nước phát triển có xu hướng để cho họ làm điều này.
Thứ ba, mặc dù sự phát triển kinh tế của ba nước lớn đang phát triển trên mở ra những thị trường mới rộng lớn, những nước phát triển ngày càng coi họ là đối thủ thương mại hùng mạnh, hơn là những nước nghèo cần được trợ giúp, điều này đi ngược lại với động cơ đã được tuyên bố của Chương trình Nghị sự Phát triển Đoha.
Thứ tư, nhiều vấn đề phức tạp, bao gồm dịch vụ, đầu tư, trợ cấp nông nghiệp, nhập khẩu thành phẩm ở các nước đang phát triển, trên thực tế vẫn nằm ngoài tầm với của WTO. Mặc dù về kỹ thuật hầu hết những vấn đề trên đều nằm trong khuôn khổ WTO, áp đặt các quy tắc đối với chúng trong bối cảnh phát triển thay đổi nhanh chóng và có sự khác biệt lớn đã chứng tỏ là rất khó khăn. Khi sức nặng của các nước đang phát triển trong đàm phán tăng, những khó khăn này cũng có xu hướng tăng lên. Quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch ghê gớm ở cả những nước đang phát triển và công nghiệp sẽ tiếp tục chống đối lại giải pháp cho những vấn đề nêu trên.
Những xu hướng kể trên dường như sẽ được duy trì lâu dài. Có thể, chỉ trong vòng một thế hệ nữa, sẽ có khoảng năm trong mười nền kinh tế lớn nhất thế giới là các nước đang phát triển, Trung Quốc sẽ là đối tác thương mại chủ chốt của hầu hết tất cả các nước, gồm cả Mỹ và Đức, thị phần thương mại trên thế giới của các nước đang phát triển sẽ tăng lên gấp đôi, chiếm 2/3 trong khi những nước này vẫn còn là nước tương đối nghèo.
Các kịch bản của tương lai
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 25 năm tới, có thể có các kịch bản sau đối với hệ thống thương mại thế giới:
Tăng trưởng: Nếu không có sự sụp đổ kinh tế vĩ mô hay những tranh chấp địa chính trị lớn, thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng chủ yếu do mức sống tăng và sự lan tỏa công nghệ ở những nước đang phát triển.
Tự do hóa tự thân: Hành động tự thân (của từng nước, khối nước) sẽ tiếp tục chiếm phần lớn các cải cách thương mại trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính sách nông nghiệp chung của EU, tự do hóa khu vực tài chính ở ấn Độ và Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho FDI ở những nước nghèo.
Các thỏa thuận song phương và khu vực: Các thỏa thuận sẽ phát triển mạnh ở cấp độ này. Một số thỏa thuận thành công hơn sẽ cố gắng làm sâu rộng hơn các cải cách trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và mua sắm của chính phủ. Tuy nhiên, các thỏa thuận có chọn lựa giữa các khối kinh tế lớn nhất như thỏa thuận về thương mại dịch vụ và các quy định giữa Mỹ và EU có thể tạo ra làn sóng mới của chủ nghĩa khu vực, làm tổn hại hơn nữa tiến trình đa phương hoá.
Các thỏa thuận nhiều bên: Số lượng ngày càng tăng các thỏa thuận nhiều bên mang tính chuyên biệt cao có thể được đàm phán ngoài WTO, một số trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thương mại, bao gồm những vấn đề như: quy định tài chính, năng lượng sạch, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các thỏa thuận nhiều bên cũng có thể nhằm giải quyết những nhu cầu thương mại vẫn chưa được WTO đáp ứng như miễn thuế, tiếp cận tự do hạn ngạch đối với các nước kém phát triển phù hợp với những nỗ lực được đề cao nhằm đạt được Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
WTO – Nga: Thành viên G20 duy nhất chưa gia nhập WTO, cuối cùng cũng sẽ được kết nạp vào tổ chức này trong tương lai gần. WTO sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng như tổ chức thực thi các thỏa thuận pháp lý, diễn đàn quan trọng để thảo luận thương mại, nguồn phân tích các xu hướng thương mại. Tuy nhiên, tự do hóa đa phương sẽ ở bên lề của quan hệ thương mại đang phát triển nhanh chóng. Các Hội nghị thượng đỉnh G20 và G8 sẽ chống lại áp lực đặt ra thời hạn chót, điều vốn làm khó khăn cho các nhà lãnh đạo cũng như tổn hại đến lòng tin vào các chương trình nghị sự rộng lớn hơn.
Kịch bản này rõ ràng không phải là tốt nhất cho WTO. Chắc chắn, nó đồng nghĩa với việc các quan hệ thương mại sẽ phức tạp hơn. Kết quả có thể tốt hơn nếu các nước thành viên WTO chấp nhận một mô hình công việc rất khác biệt trong đàm phán. Trọng tâm của các cuộc cải cách cần thiết là tăng tính linh hoạt và cải thiện khả năng nhằm giải quyết nhu cầu của từng nước và nhóm nước. Kéo theo điều này sẽ là các thỏa thuận nhiều bên có thể cung cấp một mức độ bảo vệ nào đó cho những nước nằm ngoài thỏa thuận; WTO giúp các nước tự mình tiến hành cải cách thương mại cũng như định hình và đàm phán các thỏa thuận song phương và khu vực; tìm ra cách thức để “đa phương hóa” sự tự do hóa một cách có chọn lọc và tiến bộ, điều vốn đã diễn ra, mà không tạo ra vòng đàm phán thương mại toàn cầu khác gây chia rẽ và không hiệu quả./.
Nguyễn Nhâm
Ủy ban Hội nhập kinh tế quốc tế