Vòng đàm phán Đô-ha (hay còn được gọi là Chương trình nghị sự Đô-ha về Phát triển DDA) được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC) lần thứ 4, tổ chức tại Đô-ha, Quatar tháng 11 năm 2001. Mục tiêu ban đầu mà các Bộ trưởng đề ra là kết thúc Vòng Đô-ha vào năm 2005 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo Tuyên bố của các Bộ trưởng tại Hội nghị MC4, Vòng Đô-ha có nhiệm vụ đàm phán trong những lĩnh vực sau: (i) tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp (NAMA); (ii) nông nghiệp; (iii) dịch vụ; (iv) các vấn đề về quy tắc (rules); (v) sở hữu trí tuệ; (vi) thuận lợi hóa thương mại; (vii) thương mại – môi trường và (viii) thương mại phát triển. Mục tiêu đàm phán là gói cam kết tổng thể tất cả các lĩnh vực trên (“single undertaking”).
Trong các lĩnh vực kể trên, NAMA và nông nghiệp được xem là hai lĩnh vực mang tính quyết định, mở đường cho việc kết thúc đàm phán trong các lĩnh vực khác. Gần đây, dịch vụ đang dần trở nên quan trọng hơn với sự quan tâm của một số thành viên lớn của WTO như Hoa Kỳ, EU.
Sau nhiều vòng đàm phán từ năm 2001 đến năm 2008, Hội nghị Bộ trưởng WTO thu hẹp tại Giơ-ne-vơ vào tháng 7 năm 2008 là thời điểm các thành viên WTO tiến gần đích đàm phán nhất nhưng cuối cùng đàm phán lại tan vỡ do một số thành viên quan trọng không thỏa thuận được những vấn đề then chốt nhất về nông nghiệp.
Sau thất bại tại hội nghị này, lãnh đạo các thành viên tham gia đàm phán chủ chốt và hầu hết các thành viên WTO đặt mục tiêu hoàn thành vòng Đô-ha vào năm 2010. Tuy vậy, tiến trình đàm phán vòng Đô-ha trong năm 2009 vấp phải ba trở ngại lớn.
Thứ nhất, bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ và sự thay đổi bộ máy chính quyền của nước này đã làm gián đoạn đáng kế tiến trình đàm phán. Do chưa sẵn sàng về bộ máy và chính sách nên từ đầu năm 2009 đến tháng 4 năm 2010 Hoa Kỳ không có cả Đại sứ tại WTO và đại diện nông nghiệp và hầu như không tham gia thực chất vào tiến trìnhđàm phán.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu lớn nhất trong nhiều thập niên khiến kinh tế thế giới chao đảo và trở nên bất ổn. Trong bối cảnh đó, các nước đều bận tâm đối phó với những khó khăn kinh tế trong nước và áp lực đòi bảo hộ từ ác ngành công nghiệp trong nước và nghiệp đoàn ngày càng tăng lên.
Thứ ba, sự gia tăng các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực cùng với sự kéo dài quá lâu của vòng đàm phán Đô-ha khiến niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương bị lung lay. Vì vậy, những kết quả đạt được trong năm 2009 là khá hạn chế.
Bước sang năm 2010, tình hình liên quan đến đàm phán có một số chuyển biến tích cực: (i) kinh tế thế giới tiếp tục có dấu hiệu phục hồi; (ii) Hoa Kỳ tỏ ra quan tâm hơn đến vòng Đô-ha; (iii) đàm phán đã có những bước tiến nhất định về mặt kỹ thuật sau một thời gian áp dụng phương pháp vừa đàm phán kỹ thuật, vừa đàm phán phương thức (modalities). Nhiều thànhviên quan trọng của WTO đều mong muốn Hoa Kỳ sớm đưa ra cam kết để kết thúc vòng đàm phán.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn tồn tại những câu hỏi lớn liên quan đến ý đồ của Hoa Kỳ và một số thành viên lớn như Trung quốc, Ấn độ, Bra-xin. Do Hoa Kỳ chưa thực sự vào cuộc nên các nước đang phát triển (ĐPT) chủ chốt như Trung quốc, Ấn độ, Bra-xin chưa muốn “ngả bài”. Bên cạnh đó, nhiều nước kém phát triển (LDC) khu vực châu Phi bị Hoa Kỳ và EU lôi kéo đã đứng về phía các nước phát triển trong việc trì hoãn giảm thuế, duy trì các ưu đãi riêng cho các nước này, kêu gọi các thành viên WTO thực hiện“thu hoạch sớm” hay “phi hạn ngạch” hoặc “phi thuế’ cho các nước LDC, khiến cục diện đàm phán càng khó khăn, phức tạp hơn. Ngoài ra, trong các lĩnh vực đàm phán quan trọng như NAMA, nông nghiệp và dịch vụ vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa các thành viên phát triển và đang phát triển. Những yếu tố như vậy đã khiến mục tiêu kết thúc vòng Đô-ha vào năm 2010 không còn hiện thực, bất chấp các cuộc tham vấn cấp cao vẫn diễn ra dồn dập trong thời gian qua.
Nhiều khả năng đàm phán sẽ kéo dài, Hoa Kỳ tiếp tục đòi các thành viên khác mở cửa thêm thị trường cả về hàng hóa và dịch vụ. Nhằm cứu vãn vòng Đô-ha, có thể các nước ĐPT chủ chốt sẽ có nhân nhượng nhất định trong một số lĩnh vực đàm phán như cắt giảm thuế quan theo ngành (sectoral), hàng hóa hóa môi trường, dịch vụ sẽ được đẩy nhanh hơn.Diễn biến ở Geneva cho thấy nhóm các nước đang phát triển tiếp tục nhấn mạnh yếu tố phát triển trong vòng Đô-ha, trong khi đó, Hoa Kỳ và phần nào là EU vẫn cho rằng vấn đề tiếp cận thị trường là trở ngại chính, việc kết thúc đàm phán chưa mang lại cơ hội xuất khẩu đồng đều cho các nước, hàm ý các nước ĐPT chưa có nhân nhượng đáng kể về mở cửa thị trường.
Trong khi hầu hết các nước đều kêu gọi đẩy mạnh đàm phán trên cơ sở những kết quả đã đạt được vào tháng 12/2008, Hoa Kỳ tỏ ý không hài lòng và gợi ý có thể đàm phán lại các nội dung này.
Đàm phán sẽ tiếp tục được tiến hành đàm phán đồng thời trên 2 kênh: (i) tham vấn, đàm phán song phương, nhiều bên về các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng; (ii) thảo luận phương thức lập Biểu cam kết của từng thành viên trong lĩnh vực NAMA, nông nghiệp và dịch vụ.
Vào tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Với tư cách là thành viên mới, VN được miễn trừ các cam kết mới về mở cửa thị trường (cắt giảm thuế) nhưng không được miễn trừ trong các lĩnh vực khác . Mặc dù cho đến nay, chưa có quy định cụ thể quy chế miễn trừ sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu nhưng thực tiễn cho thấy điều này tùy thuộc vào 2 yếu tố: (i) thời gian gia nhập và (ii) trình độ phát triển và quy mô của nền kinh tế. Đến nay, một số thành viên mới như Trung quốc, Đài Loan gia nhập WTO trước ta đã không còn được hưởng quy chế này. Vì vậy, có thể nói vòng đàm phán Đô-ha càng kéo dài thì càng bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam có thể không còn được hưởng quy chế miễn trừ các nước mới gia nhập WTO (VRAM) và khi đàm phán kéo dài, nhiều vấn đề mới có thể xuất hiện, trách nhiệm tham gia đàm phán của ta cũng nặng nề hơn./.