Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/10/2010-14:02:00 PM
WTO làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc
Đối với nhiều người dân ở Bắc Kinh và Thượng Hải, những lợi thế của việc trở thành thành viên của WTO khá rõ ràng là xe Mercedes nhập khẩu giá rẻ hơn, chi nhánh Citibank ở Trung Quốc cung cấp nhiều dịch vụ hơn và chuỗi siêu thị Wal-Mart của Mỹ mở tại đây bán nhiều loại sản phẩm hơn,v.v...
Nhưng việc Trung Quốc gia nhập WTO vẫn chưa thực sự tạo ra nhiều người thắng cuộc, thuế nông sản được cắt giảm đã đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu nông dân. Ngoài việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong nước, WTO cũng đã thay đổi nền kinh tế Trung Quốc một cách sâu sắc.
Theo nhà phân tích Li của Chương trình EU - Trung Quốc hỗ trợ Trung Quốc hội nhập vào hệ thống thương mại thế giới có trụ sở tại Bắc Kinh, sự biến đổi mạnh mẽ nhất là về khối lượng thương mại. Kim ngạch thương mại trên GDP - tiêu chuẩn đánh giá sự mở cửa của một nền kinh tế đối với thế giới bên ngoài - đã tăng từ 44% năm 2001 lên 72% hiện nay. Trong khi đó, giá trị thương mại của Mỹ với các nước còn lại của thế giới chỉ đạt 21% GDP.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, xuất khẩu đã tăng trung bình 29%/năm. Một phần là nhờ sự điều chỉnh theo một hệ thống mở hơn. Nhưng ít có khả năng mức tăng này sẽ tiếp tục được duy trì, bởi Trung Quốc hiện nay đã là một nước xuất khẩu lớn trên thị trường thế giới với lực lượng lao động siêu hiệu quả và siêu rẻ của mình.
Giới phân tích nhận định, nhịp độ tăng trưởng kinh tế 8-10%/năm của Trung Quốc là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Chẳng hạn hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đã giúp Nhật Bản thoát khỏi suy thoái trong một thập kỷ qua. Để đáp ứng nhu cầu vốn và hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng mức kỷ lục 44%, tức 60 tỷ USD. Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn của châu Á (chiếm 31% thị phần) trong khi mức tương ứng của Nhật Bản lại giảm từ 20% xuống 10%.
Trung Quốc hiện là nơi góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở Đài Loan và Philippines và là khách hàng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Úc. Trung Quốc đã tăng mạnh đáng kể sản lượng công nghiệp trong nước chứ không chỉ thu hút các hoạt động sản xuất ở các nước khác.
Theo thống kê mới nhất, những vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào Trung Quốc đã tăng vọt kể từ khi nước này gia nhập WTO, và hiện chiếm tới 1/3 tổng số vụ kiện chống bán phá giá trên toàn cầu. Một số các nhà quan sát coi đây là hàng rào bảo vệ cuối cùng được dựng lên ở các nước phát triển trước hàng hóa của Trung Quốc. Khi thời hạn 5 năm chuyển tiếp sau khi gia nhập WTO của Trung Quốc sắp kết thúc thì cũng là lúc Mỹ và EU gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải tuân theo các quy định toàn cầu. Bà Susan Schwab, đại diện Thương mại Mỹ cho biết đang xem xét một cách nghiêm túc các vụ kiện đối với Trung Quốc, trừ phi nước này thực hiện đầy đủ các cam kết khi gia nhập WTO.
Theo ông Dollar, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, trong giai đoạn phát triển thương mại, nước nào cũng phải có một số điều chỉnh, một số ngành này phát triển trong khi một số ngành kia có xu hướng giảm bớt.
Trong số các thành viên WTO thì EU là nước đi đầu trong việc áp đặt thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Trung Quốc, tiêu biểu là giày da và hàng dệt may vào thị trường khối này. Canada, Mỹ và EU đã kiện Trung Quốc trong vụ tranh chấp các phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Trung Quốc. Những vụ kiện chống bán phá giá là một phần trong giai đoạn chuyển tiếp khi thế giới phải đương đầu với thách thức là thích nghi với một nền kinh tế có quy mô lớn như Trung Quốc./.

NCIEC

    Tổng số lượt xem: 3521
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)