Tổng thư ký điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, ông Xu Ningning vừa cho biết thương mại và đầu tư giữa hai bên đã và đang tăng nhanh và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Theo ông Xu, kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN trong quý 1/2011 đã tăng 26,1% lên 79,33 tỷ USD và ước sẽ vọt lên 300 tỷ USD năm nay. Thông qua tiếp cận thị trường và tăng cường hợp tác, Hiệp hội ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu phát triển chung.
Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi cho hai bên điều chỉnh cơ cấu công nghiệp trên bình diện rộng lớn hơn, tạo lập các dây chuyền công nghiệp mới và cải thiện năng suất trong khu vực và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Hồi tháng Ba, Trung Quốc đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm lần thứ 12, trong đó hạ nhịp độ tăng trưởng bình quân về kinh tế xuống còn 7%, nhằm chuyển từ sự tăng trưởng về lượng sang tăng trưởng về chất. Việc thực hiện đầy đủ kế hoạch đó có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện mức độ mở cửa và làm sâu sắc thêm sự hợp tác cùng có lợi với các nước ASEAN.
Bắc Kinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cân bằng kinh tế vĩ mô và cấu trúc lại nền kinh tế, việc sẽ mang đến cơ hội lớn cho các nước ASEAN mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực hiện chiến lược “hướng ra bên ngoài,” Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều vào thị trường các nước ASEAN và tăng viện trợ về mặt kinh tế cho một số nước khu vực.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tích cực tham gia vào công tác quản lý nền kinh tế thế giới và thúc đẩy hợp tác khu vực; tiếp tục tham gia các diễn đàn (ASEAN) 10 + 1, (ASEAN) 10 + 3 và Thượng đỉnh Đông Á và đẩy mạnh phát triển CAFTA. Đồng thời tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong giao thông vận tải, hệ thống các tuyến đường năng lượng, thông tin liên lạc, mạng lưới điện và các lĩnh vực hợp tác khác.
Theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược mở cùng có lợi, Trung Quốc sẽ luôn xếp ASEAN ở vị trí đầu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác cùng có lợi với các nước ASEAN. Việc thực hiện đầy đủ kế hoạch 5 năm lần thứ 12 là có lợi cho các nước ASEAN muốn mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc và thu hút đầu tư từ nền kinh tế này.
Bên cạnh đó, Hợp tác kinh tế xuyên Vịnh Bắc bộ (PBG) cũng mang đến nhiều cơ hội kinh doanh. Các nước tham gia PBG gồm Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc cùng với Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Bruney và Thái Lan - dự định thông qua một khung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hậu cần trong năm tới./.