Khắc phục khoảng cách thương mại và phát triển có thể thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực hàng đầu trong nền kinh tế thế giới.
Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đã khẳng định như vậy tại cuộc Hội thảo quốc tế năm 2011 do Indonesia đăng cai tổ chức, diễn ra ngày 21/7 tại Jakarta.
Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, bà Noeleen Heyzer, nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương phải giải quyết nhiều thách thức lớn trước khi có thể đạt được sức mạnh kinh tế và khôi phục vị thế hàng đầu trong hầu hết lịch sử nhân loại.
Bà Heyzer nhận định những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới có khả năng thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia nổi lên như những khu vực tăng trưởng năng động.
Tuy nhiên, bà Heyzer cho rằng thách thức cơ bản nhất đặt ra cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là giảm bớt sự lệ thuộc truyền thống của các nền kinh tế khu vực vào các thị trường xuất khẩu ở các nền kinh tế phát triển bằng cách thúc đẩy đầu tư và thương mại ngay trong khu vực.
Bà Heyzer cho biết trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển nhanh hơn thương mại của khu vực với các nước khác trên thế giới.
Để tiếp tục duy trì và phát huy tiềm năng đó, khu vực cần đẩy mạnh mối quan hệ thương mại và vật chất trong khu vực bằng cách phát triển các mạng lưới giao thông vận tải và giải quyết hài hòa các thủ tục thương mại quốc tế.
Những thách thức này sẽ mang lại cho khu vực cơ hội lịch sử để tái cân bằng cơ cấu kinh tế nhằm duy trì tính năng động, phát triển khu vực và biến thế kỷ 21 trở thành thế kỷ thực sự của châu Á-Thái Bình Dương./.