(MPI Portal) – Ngày 23/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á tổ chức kiểm điểm tình hình thực hiện dự án quốc gia 2012 tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura.
|
Anh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tiến hành kiểm điểm tình hình thực hiện dự án quốc gia (CPR) hàng năm đối với Việt Nam từ năm 1995. Mục đích của CPR là nhằm: đánh giá tổng thể tình hình thực hiện các khoản vay, các khoản viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật của ADB; xác định các vấn đề tái diễn trong quá trình triển khai và thực hiện dự án; và thống nhất với Chính phủ Việt Nam về các biện pháp giải quyết các vấn đề và trợ giúp nhằm cải thiện việc thực hiện danh mục đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trựcCao Viết Sinh đánh giá cao vai trò của ADB trong việc tài trợ, cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hy vọng ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, giải quyết những thách thức của một nước có thu nhập trung bình với mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững và ổn định, đặc biệt là khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nền kinh tế.
Từ khi trở lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, ADB đã cung cấp 114 khoản vay quốc gia với tổng giá trị 10,44 tỷ USD, 261 dự án hỗ trợ kỹ thuật với kinh phí 241 triệu USD và 26 dự án viện trợ không hoàn lại với kinh phí 150 triệu USD, tổng cộng là 10,83 tỷ USD. Trong giai đoạn 1993-2004, giá trị tín dụng trung bình hàng năm là 200-300 triệu USD từ các khoản vay ưu đãi của Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Nguồn vốn thông thường ít ưu đãi (OCR) được đưa vào thử nghiệm năm 1999 và tiếp tục vào năm 2003-2004. Ngoài việc giới thiệu nguồn vốn vay OCR, các phương thức mới cũng được giới thiệu, bao gồm cho vay không cần bảo lãnh chính phủ, cấp vốn nhiều đợt và sự tham gia của khu vực công.
Xét về tổng thể cho vay trong giai đoạn 2006-2011, danh mục đầu tư của ADB chiếm khoản 30% đầu tư ODA tại Việt Nam. Nói chung, chương trình cho vay của ADB phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010 và khung Chiến lược ODA, đã góp phần vào việc thực hiện mục đích và mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Danh mục đầu tư vào Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng trong 5 năm qua, trung bình 1,15 tỷ USD mỗi năm. Trong thời gian này, danh mục đầu tư đã gia tăng từ 3,5 tỷ USD (42 dự án) lên 7,08 tỷ USD (59 khoản vay). Không chỉ khoản hỗ trợ đã gia tăng gấp 2 lần mà các phương thức hỗ trợ mới cũng xuất hiện như phương thức tài trợ cấp vốn nhiều đợt, bảo lãnh và sắp tới đây, phương thức phát triển dự án trong đó Chính phủ có sự kiểm soát lớn hơn đối với tài trợ cho dự án.
Dự kiến 12 khoản vay mới sẽ được phê duyệt trong năm 2012, tổng cộng lên tới 1.199,3 tỷ USD. Trong đó 10 khoản vay với tổng vốn 630,3 triệu USD sẽ đóng, do vậy lượng tăng dòng vốn bổ sung vào danh mục đầu tư đang thực hiện đến cuối năm 2012 sẽ là 2 khoản vay và 569,3 triệu USD.
So sánh danh mục đầu tư của ADB vào khu vực Đông Nam Á, tính đến cuối năm 2011, thực hiện danh mục đầu tư ở Việt Nam bị tụt so với các nước trong khu vực về mặt trao thầu và giải ngân (hai chỉ số tài chính quan trọng của tiến độ dự án).
Tình hình thực hiện danh mục đầu tư Việt Nam trong 5 năm vừa qua có mặt tốt và chưa tốt. Nói chung, tình hình thực hiện là khá cho đến năm 2009; tuy nhiên, do lạm phát cao, leo thang giá cả, quy mô danh mục đầu tư mở rộng, năng lực hiện tại của cả phía Chính phủ Việt Nam và ADB không thể ứng phó với sự thay đổi và với chỉ tiêu thực tế về tài chính đã dự kiến, đặc biệt năm 2010 không thể đáp ứng nổi. Lượng công việc dồn ứ lại chuyển sang năm 2011 nhưng những danh mục dự án đề ra lại thực hiện khá tốt trong năm này.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện trong năm 2012 cho đến nay ở mức đáng báo động khi so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và ADB nói chung. Tình hình thực hiện từ 2006 có cải thiện, ngoại trừ năm 2010, do kết quả của việc tăng dự án mới với giá trị 2 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để duy trì và cải thiện tình hình giải ngân phụ thuộc vào tình hình thực hiện năm dự án hạ tầng trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, chiếm gần một nửa danh mục; đẩy nhanh tiến độ khởi động dự án, đặc biệt là thông qua các hoạt động thực hiện trước; nâng cao năng lực của người thực hiện, nâng cao hiệu quả của tiến trình phê duyệt cần thiết (đặc biệt trong hồ sơ thầu); rút ngắn khoảng cách về thủ tục của Chính phủ Việt Nam và ADB thông qua đối thoại và hài hòa hóa; phối hợp chặt chẽ hơn giữa ADB và Chính phủ Việt Nam./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư