Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2012-14:00:00 PM
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2012
(MPI – Portal) - Sáng ngày 24/5/2012, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cơ quan Viện trợ Ai-len (Irish Aid) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 với chủ đề: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”. Tới dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, các tổ chức phát triển quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và tài chính tại Việt Nam.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từ năm 2009.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, mà trọng tâm là ba chương trình tái cơ cấu theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 (2011): tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Với một số thuận lợi về điều kiện kinh tế vĩ mô từ cuối năm 2011, chương trình tái cơ cấu có những lợi thế nhất định để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, một hệ quả của chương trình bình ổn vĩ mô là sự suy giảm kinh tế và những khó khăn của hệ thống doanh nghiệp. Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc tái cơ cấu đòi hỏi những chi phí kinh tế - xã hội không hề nhỏ, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau và do đó, đặt cả Chính phủ lẫn toàn bộ nền kinh tế trước những thử thách to lớn.

Với tựa đề Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế, Báo cáo năm nay tập trung phân tích và bình luận một cách chi tiết ba chương trình tái cơ cấu hiện nay, vạch ra những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục.

Chương 1 “Nhìn lại kinh tế toàn cầu 2011: Một năm biến động và bất ổn” tóm lược những biến động kinh tế trên toàn cầu trong năm 2011, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như vấn đề nợ công châu Âu, tương lai của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và những ảnh hưởng có thể của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012.

Tiếp theo phần tổng quan về kinh tế thế giới, Chương 2 của Báo cáo với chủ đề “Tổng quan Kinh tế Việt Nam năm 2011” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2011, các khuynh hướng chính trên các khía cạnh lớn như kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế, ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán, và các chính sách kinh tế vĩ mô v.v… làm cơ sở để thấu hiểu những diễn biến kinh tế trong năm 2012.

Chương 3, “Hiệu quả và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam,” phân tích diễn biến của khuynh hướng suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam trong một thập niên qua, từ đó thử tìm hiểu những nguyên nhân căn bản cho hiện tượng đó. Nghiên cứu cho thấy, việc cải cách mạnh mẽ nền kinh tế là một nhu cầu cấp bách, trong đó ba chương trình tái cơ cấu là hướng đi đúng.

Mở đầu những phân tích chuyên sâu về các chương trình tái cơ cấu, Chương 4, “Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay và một số vấn đề tái cấu trúc,” mổ sẻ hiện trạng của hệ thống ngân hàng thương mại, đánh giá nội dung và phương pháp tái cơ cấu hiện nay, và nêu ra những thách thức mà quá trình tái cơ cấu còn phải đối mặt.

Chương 5 với nhan đề “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” đề xuất hệ thống quan điểm về cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất, nhằm nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN và toàn bộ nền kinh tế. Chương này vạch rõ một hệ thống các chính sách để thực thi quá trình tái cơ cấu này.

Chương 6 của Báo cáo nghiên cứu về vấn đề “Đầu tư công của Việt Nam, vì sao yếu kém?”, tìm hiểu một vấn đề cốt yếu nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hôi của đầu tư công ở Việt Nam: đó là việc đầu tư công có giúp nâng đỡ cho khu vực tư nhân phát triển, hay lại chèn lấn sự phát triển của khu vực đó. Kết quả cho thấy Việt Nam đang thực hiện đầu tư công một cách tràn lan và lãng phí. Trên cơ sở đó, chương này thử phân tích nguyên nhân của động cơ đầu tư công thiếu trách nhiệm, và đưa ra những khuyến nghị ban đầu để khắc phục hiện tượng này.

Thay cho lời kết, Chương 7 của Báo cáo về Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2012 và hàm ý chính sách đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2012, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2012 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến số vĩ mô quan trọng khác. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2011, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I năm 2012.

Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào cuối tháng 6 năm 2012. Báo cáo tiếng Anh sẽ được xuất bản sau đó khoảng một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế. Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam./.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Năm 2009, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”, lần đầu tiên được công bố, Báo cáo đã được giới khoa học và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiệt tình đón nhận, và được NXB Tri Thức xuất bản thành sách.

Năm 2010, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010 với chủ đề Lựa chọn để tăng trưởng bền vững” được hoàn thành và xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, chính thức đưa sản phẩm này ra cộng đồng quốc tế. Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp, đi liền với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010 với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” một lần nữa khẳng định Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là một báo cáo hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô tại Việt Nam hiện nay.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1584
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)