Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Dù rất đang bận rộn sau khi nhận bàn giao công tác từ Bộ trưởng nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng vẫn dành ít phút trò chuyện với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT trong thời gian tới.
Tăng cường điều hành kinh tế vĩ mô
Phóng viên (PV): Xin chúc mừng đồng chí trên cương vị mới là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm kỳ của đồng chí bắt đầu khi năm 2011 đã đi qua hơn nửa chặng đường. Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm Bộ cần thực hiện trong công tác chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bộ KH&ĐT có chức năng tham mưu tổng hợp các vấn đề kinh tế, xã hội cho Chính phủ thì nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT là tăng cường điều hành kinh tế vĩ mô. Vừa qua, Bộ cũng đã thực hiện tốt vai trò này và sắp tới phải khẳng định rõ hơn nữa vai trò, vị trí của mình.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
|
Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã làm khá tốt công tác tham mưu các cơ chế chính sách, tham mưu trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt vào những lúc kinh tế có những biến động lớn. Bộ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc tham mưu cho Chính phủ những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điển hình là 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết 10 năm 2008 và gần đây là Nghị quyết 11. Tuy nhiên, diễn biến bất thường của tình hình hiện nay cho thấy, thực tiễn đã biến động rất nhanh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Đặc biệt, công tác dự báo kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhưng, đây lại là chức năng rất quan trọng của điều hành vĩ mô trong kinh tế thị trường. Do vậy, thời gian tới, chúng ta cần tập trung nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng dự báo để tham mưu tốt hơn cho Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ hoạch định các chính sách phát triển đất nước.
PV: Cùng với công tác chỉ đạo điều hành năm 2011, Bộ KH&ĐT cũng đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012. Vậy, cơ sở để xây dựng Kế hoạch này là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Để xây dựng Kế hoạch năm 2012, trước hết phải căn cứ vào định hướng của kế hoạch 5 năm (2011-2015) cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Tuy nhiên, đó là định hướng cho một chặng đường dài. Vì thế, chúng ta cần phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để có những điều chỉnh kịp thời.
Việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 được đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2011 đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo: tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; lạm phát tiếp tục tăng cao; mặt bằng lãi suất cao; tỷ giá, giá vàng biến động bất thường; dự trữ ngoại hối giảm mạnh… Tình hình thế giới và khu vực cũng đang có những biến động khó lường trên cả kinh tế và chính trị. Do đó, Kế hoạch năm 2012 phải dựa trên cơ sở những đánh giá về tình hình năm 2011, thực tế diễn ra trong nước và quốc tế để chúng ta có những dự báo về diễn biến của kinh tế - xã hội năm 2012. Từ đó, xác định các mục tiêu cụ thể, cũng như lựa chọn những giải pháp thích hợp để đạt được những mục tiêu chung mà Chính phủ và Trung ương đã đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Quyết liệt cắt giảm đầu tư công nhưng vẫn quan tâm tới an sinh xã hội
PV: Cắt giảm đầu tư công là một trong những giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 như thế nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương triển khai việc cắt giảm đầu tư công, rà soát và loại bỏ các dự án kém hiệu quả năm 2011. Trên tinh thần đó, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương cắt giảm đầu tư công.
Tiêu chí mà Nghị quyết 11 đưa ra chủ yếu là sắp xếp, điều chuyển vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước làm sao cho gọn đầu mối, tránh đầu tư tràn lan, lãng phí. Mục tiêu là tập trung đầu tư vào các công trình có hiệu quả, những công trình có thể hoàn thành ngay trong năm 2011 hoặc đầu năm 2012 để sớm đưa vào sử dụng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 83 vào ngày 5/6/2011 cho phép những công trình cấp bách về an ninh quốc phòng, về xử lý thiên tai bão lũ, những công trình thuộc 62 huyện nghèo vẫn có thể được phép khởi công. Còn lại, về cơ bản, trong lúc khó khăn thì tạm thời dừng, hoãn để đạt được những mục tiêu như đã nêu.
PV:Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung vào những vấn đề trọng điểm nào để hoàn thành tốt mục tiêu cắt giảm đầu tư công, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước hết, Bộ KH&ĐT sẽ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 và Nghị quyết 83. Tiếp đó, trong xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, Bộ cũng sẽ đánh giá lại tình hình thực hiện đầu tư công, lấy những hạng mục cắt giảm, điều chuyển của năm 2011 đưa sang năm 2012 sao cho số tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung vào những công trình trọng điểm, có hiệu quả cao.
Chúng ta cũng sẽ phải tiết giảm việc mở quá rộng phạm vi đầu tư trong khi nguồn lực có hạn. Mục tiêu quan trọng nhất là đầu tư tập trung hơn và có hiệu quả hơn. Bộ KH&ĐT sẽ thoả thuận với địa phương về các danh mục cần phải ưu tiên đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ở đây có 2 mặt. Một mặt, chúng ta dùng nguồn lực giải quyết cho những đột phá của đất nước để tạo ra động lực phát triển, ví dụ như: kết cấu hạ tầng, những dự án lớn có tầm ảnh hưởng, lan tỏa đến kinh tế cả nước. Mặt khác, chúng ta cũng cần quan tâm đến bức xúc của các địa phương, cho phép những công trình mang tính chất an sinh xã hội, những công trình cho vùng nghèo, vùng khó khăn được tiếp tục xây dựng, không bị đình hoãn. Tổng vốn ở đây có thể không lớn nhưng ý nghĩa của nó lại rất lớn cho an sinh xã hội trong điều kiện hiện nay.
Quy hoạch phải được nhìn trên phạm vi toàn quốc
PV: Có rất nhiều ý kiến cho rằng, công tác quy hoạch phát triển của nuớc ta còn nhiều hạn chế, trong cả chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Theo quan điểm của tôi, quy hoạch phát triển cần phải được nhìn trên phạm vi toàn quốc, với tầm nhìn quốc gia có tính đến những lợi thế của Việt Nam, sau đó có thể xây dựng các vùng kinh tế lớn theo những đặc thù riêng của từng vùng.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Quy hoạch phát triển có vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta có nền tảng quy hoạch phát triển tốt thì đầu tư mới đúng hướng. Do đó, quy hoạch phải đánh giá được những mặt mạnh, mặt yếu của cả nước và của từng vùng kinh tế để khai thác, phát huy lợi thế, tránh lãng phí trong đầu tư. Hiện nay, có tình trạng, các địa phương, các vùng đều mong muốn mình được phát triển nên khi thấy tỉnh bạn có sân bay, cảng biển thì mình cũng phải có. Vì thế, mới có hiện tượng “loạn” sân bay, cảng biển, “loạn” sân gôn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, địa phương nào, vùng nào cũng phát triển giống nhau thì rõ ràng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ngay trong chính nội bộ vùng, đồng thời không phát huy được hiệu quả tổng thể, đầu tư sẽ chồng chéo. Hiệu quả cục bộ, đâu đó, có thể làm triệt tiêu hiệu quả chung, hiệu quả tổng thể. Thời gian tới, cần phải khắc phục tình trạng này.
Theo quan điểm của tôi, quy hoạch phát triển cần phải được nhìn trên phạm vi toàn quốc, với tầm nhìn quốc gia có tính đến những lợi thế của Việt Nam, sau đó có thể xây dựng các vùng kinh tế lớn theo những đặc thù riêng của từng vùng. Quy hoạch phát triển cần có sự tính toán tổng thể, mở rộng không gian kinh tế mà không bị giới hạn bởi không gian hành chính, vì nước ta thì nhỏ mà chia ra tới 63 tỉnh, thành. Nếu chỉ nhìn nhận vấn đề riêng có của 63 tỉnh thành thì nó sẽ tạo ra sự manh mún và chồng chéo. Trong lúc cả nền kinh tế đang phải tính chuyện hội nhập, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và phân công lao động toàn cầu, thì bản thân các bộ phận cấu thành nền kinh tế lại không có sự phối-kết hợp tốt là điều không thể chấp nhận được.
Bộ KH&ĐT là cơ quan được giao chủ trì và xây dựng Luật Quy hoạch trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2012. Khi Luật Quy hoạch ra đời, chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay, đưa công tác quy hoạch vào nề nếp, khoa học hơn. Nhờ đó, chất lượng đầu tư cũng được nâng lên.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tạp chí Kinh tế và Dự báo