Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/04/2012-10:41:00 AM
Tình hình phát triển kinh tế tập thể năm 2011, phương hướng phát triển kinh tế tập thể năm 2012.
(MPI Portal) - Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, mặc dù vậy năm 2011, kinh tế tập thể vẫn được duy trì, có chiều hướng phát triển và đã đạt được một số kết quả.

1. Kết quả thực hiện một số mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năm 2011.

1.1. Đánh giá chung

a. Về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác

Đến hết năm 2011, ước tính có khoảng 13.843 hợp tác xã, tăng khoảng 598 hợp tác xã so với năm 2010 (nhiều hơn 49 hợp tác xã so với kế hoạch đặt ra năm 2011). Số liên hiệp hợp tác xã là 30 liên hiệp hợp tác xã, trong đó 9 liên hiệp hợp tác xã mới thành lập. Ước có khoảng 139.122 tổ hợp tác, trong đó 3637 tổ mới thành lập (ít hơn 494 tổ so với kế hoạch đề ra).

b. Về xã viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác

Tổng số xã viên là 4.370.691 người, tăng 27.352 xã viên so với năm 2010. trong đó thu hút mới khoảng 37.253 xã viên, đạt mục tiêu đề ra.

Tổng số thành viên tổ hợp tác ước khoảng 1.505.370 người, tăng 23.555 thành viên so với năm 2010, trong đó thu hút mới khoảng 33.000 thành viên mới tham gia.

c. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã

Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ trung cấp, sơ cấp bình quân đạt 32,12%, tăng 2,09% so với năm 2010, đạt mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học bình quân đạt 8,45%, tăng 1,14% so với 2010, chưa đạt mục tiêu 9,1%.

1.2. Kết quả, tồn tại, nguyên nhân

Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên, người lao động, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Các hợp tác xã đã từng bước phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại tạo ra hàng hóa sản phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Những năm qua, hợp tác xã đã tạo ra mối quan hệ cộng đồng gắn bó chặt chẽ, tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống được tốt hơn. Hợp tác xã đã giúp đỡ cho các hộ xã viên và nhân dân trong khu vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, quỹ tín dụng nhân dân đáp ứng nhu cầu vốn cho bà con xã viên, nhất là các hộ nghèo có điều kiện vốn để đầu tư sản xuất. Xu thế liên doanh liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày được tăng cường.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế tập thể còn chậm so với tốc độ phát triển chung của cả nước; tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước không đáng kể. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập và hoạt động với quy mô nhỏ không bền vững. Một phần do năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, đầu tư công nghệ và tay nghề người lao động còn thấp. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn đối với các hợp tác xã về các chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã chưa được hướng dẫn cụ thể, và thường xuyên.

2. Kết quả thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể.

2.1. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 16/03/2011 về việc bổ sung kinh phí thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác năm 2011 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng kinh phí bổ sung từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục đào tạo thuộc ngân sách Trung ương năm 2011 là 40.000 triệu đồng.

Theo báo cáo của 47 địa phương, năm 2011 sẽ hỗ trợ thành lập mới ước khoảng 831 hợp tác xã, 1.061 tổ hợp tác, hỗ trợ đào tạo gần 2.400 cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ chức bồi dưỡng cho gần 28.500 cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác.

2.2. Chính sách đất đai

Năm 2011 ước có 193 hợp tác xã được hỗ trợ giao 378.038 m2 đất không thu tiền sử dụng đất; 101 hợp tác xã được thuê đất với tổng diện tích được thuê 447.708 m2, rất ít so với tổng số hợp tác xã hiện có trên toàn quốc.

2.3. Chính sách thuế

Năm 2011 ước có khoảng 298 hợp tác xã được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ xã viên với tổng số tiền lên tới 3.125 triệu đồng; số hợp tác xã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là 252 hợp tác xã với số tiền khoảng 3.553 triệu đồng.

2.4 Chính sách tín dụng

Năm 2011 ước khoảng 405 hợp tác xã được tiếp cận, hỗ trợ về tín dụng với số tiền được vay là 131.947 triệu đồng, tăng nhiều so với năm 2010.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương, đến cuối năm 2011, đã có 24 tỉnh thành phố có quỹ ở địa phương với số vốn hoạt động khoảng 600 tỷ đồng.

2.5. Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại

Năm 2011 ước có khoảng 141 hợp tác xã được hỗ trợ tham gia hoạt động xúc tiến thương mại với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1.103 triệu đồng.

2.6. Chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công

Năm 2011, đã hỗ trợ gần 11 tỷ cho 217 hợp tác xã để đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

2.7. Hỗ trợ Liên minh hợp tác xã Việt Nam

Năm 2011, Liên minh hợp tác xã Việt Nam được nhà nước hỗ trợ 148,58 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó: Chi thường xuyên là 68,08 tỷ đồng và chi đầu tư phát triển là 80,5 tỷ đồng.

3. Mục tiêu định hướng phát triển năm 2012

3.1. Mục tiêu chung

Phấn đấu đưa kinh tế tập thể phát triển theo hướng hiệu quả chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tập trung phát triển các mô hình hợp tác xã mới như hợp tác xã chợ, hợp tác xã vệ sinh môi trường, hợp tác xã nhà ở, hợp tác xã y tế, phát triển hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đồng thời rà soát củng cố các hợp tác xã yếu kém.

Từng bước hình thành các hợp tác xã mạnh làm nòng cốt cho các hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Thúc đẩy quá trình liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với nhau và với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để mở rộng phạm vi hoạt động, tăng sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, trong đó ưu tiên củng cố bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tại các cơ quan đầu mối, cơ quan quản lý chuyên ngành và bố trí đủ số cán bộ chuyên trách về kinh tế tập thể tại các quận, huyện, thị xã.

Tập trung củng cố, đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhằm làm tốt hơn chức năng tham mưu, đề xuất; tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể; thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, là cầu nối hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a. Về phát triển hợp tác xã

Thành lập mới 897 hợp tác xã nâng tổng số lên 14.585 hợp tác xã;

Thu hút mới 42.965 xã viên với tổng số 4.410.885 xã viên;

Lợi nhuận bình quân một hợp tác xã 243,61 triệu đồng;

Thu nhập bình quân xã viên hợp tác xã là 17,31 triệu đồng;

Tỷ lện cán bộ hợp tác xã đã qua đào tạo: trình độ sơ cấp, trung cấp là 35,37%; trình độ cao đẳng, đại học là 10,5%.

b. Về phát triển tổ hợp tác

Thành lập mới 4.345 tổ hợp tác nâng tổng số lên 142.663 tổ hợp tác;

Thu hút mới 46.330 thành viên tổ hợp tác đưa tổng số lên 1.545.434 thành viên;

Lợi nhuận bình quân một tổ hợp tác phấn đấu đạt 80,41 triệu đồng;

Thu nhập bình quân thành viên tổ hợp tác là 14,84 triệu đồng.

4. Giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và công tác quản lý nhà nước

4.1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, thống nhất cơ quan đầu mối phụ trách quản lý về lĩnh vực kinh tế tập thể tại các địa phương. Hoàn thiện biên chế và nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bố trí cán bộ chuyên trách về kinh tế tập thể tại các phòng chuyên môn các huyện, thị xã và các Sở, ngành quản lý chuyên ngành về hợp tác xã.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể.

Chú trọng đúng mức việc chỉ đạo nghiên cứu tổng kết các điển hình tiên tiến và nhân rộng điển hình, mô hình trong quá trình vận động và quản lý các hợp tác xã trên địa bàn.

Thường xuyên đôn đốc kiểm tra và tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các ngành, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo cơ quan cấp trên kịp thời xem xét, giải quyết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thực hiện và quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với phát triển kinh tế tập thể.

Xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế tập thể.

4.2. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể

Hàng năm bố trí một phần ngân sách cần thiết nhằm hỗ trợ cho kinh tế tập thể.

Các Bộ, cơ quan quản lý hợp tác xã chuyên ngành cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Tổ chức triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã trong việc tiếp cận vay vốn.

Hỗ trợ về thông tin tiếp thị và nghiên cứu thị trường.

Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ.

Tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội./.

Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4510
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)