Báo cáo ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
Năm 2011, những biến động chính trị, kinh tế trên thế giới tác động tiêu cực nhiều mặt đến nền kinh tế nước ta; trong nước, giá nguyên, nhiên vật liệu, lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao,... làm cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hộicủa tỉnh giai đoạn 2011-2015; trước những khó khăn, thách thức nêu trên, tỉnh đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 về một số giải pháp chủ yếu và tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, đột phá; đồng thời tập trung chỉ đạo xử lý những vấn đề cấp bách, những vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2011 cơ bản phát triển ổn định, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
I. LĨNH VỰC KINH TẾ
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2011 ước đạt 9.307,23 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), tăng 6,3% so với năm 2010 và bằng 93,8% kế hoạch 2011; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.904,52 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2010 và bằng 89,32% kế hoạch năm; khu vực dịch vụ ước đạt 2.674,72 tỷ đồng, tăng 14,1% so với 2010 và bằng99,32% kế hoạch năm; khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 1.727,99 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2010 và bằng 99,4% kế hoạch năm.
GDP bình quân đầu người tăng từ 1.298 USD năm 2010 lên 1.434 USD năm 2011, thấp hơn kế hoạch đề ra (1.495 USD).
Cơ cấu kinh tế năm 2011 (theo giá thực tế) tương đương năm 2010, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 59,1% ( năm 2010 59,3%); tỷ trọng khu vực dịch vụ là 22,2% (năm 2010 là 22,1%); tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản là 18,7% (năm 2010 là 18,6%).
1. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 17.678 tỷ đồng, giảm 0,5% so với năm 2010 và đạt 84,8% kế hoạch năm; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 14.120,8 tỷ đồng, giảm 4,7% (trung ương: 14.107,4 tỷ đồng, giảm 4,7%; địa phương: 13,4 tỷ đồng, giảm 3,1%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.225,1 tỷ đồng, tăng 17,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 332,1 tỷ đồng, tăng 74,5%.
Trong năm, nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động một thời gian để bảo dưỡng định kỳ, nên sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 5,426 triệu tấn/6,5 triệu tấn, bằng 83,5% kế hoạch năm và giảm 5,4% so với năm 2010. Mặc dù tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhưng đa số các sản phẩm công nghiệp địa phương đều tăng khá, như thủy sản chế biến tăng 12,4%; đường RS tăng 25,5%; bia tăng 137,9%; quần áo may sẵn tăng 7,1%; gạch xây các loại tăng 8,2%; phân bón tăng 23,9%; ....
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 2.821,26 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 2,6% so với năm 2010 và bằng 99,5% so với kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.791,28 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2010 và bằng 99,4% kế hoạch năm.
Sản lượng lương thực đạt 432,31 ngàn tấn, giảm 2,4% so với năm 2010 và bằng 96,6% kế hoạch 2011.
Diện tích gieo trồng cây lương thực cả năm ước đạt 82.703 ha, giảm 0,3% (247 ha) so với năm 2010. Diện tích lúa cả năm ước đạt 72.450 ha, giảm 0,3% (211 ha) so với năm 2010; năng suất đạt 52,4 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha (giảm chủ yếu ở vụ đông xuân); sản lượng đạt gần 380 ngàn tấn, giảm 2,9% (11,18 ngàn tấn). Diện tích sắn đạt 20.028 ha, tăng 3,8% so với năm 2010; sản lượng đạt 353,9 ngàn tấn, tăng 6,4%. Diện tích mía đạt 5.803 ha, xấp xỉ năm 2010; sản lượng đạt gần 290,6 ngàn tấn, tăng 6,8% (gần 11,4 ngàn tấn).
Tổng diện tích gieo trồng rau đậu các loại đạt 16.601,6 ha, tăng 7,8% so với năm 2010; sản lượng đạt 209,4 ngàn tấn, tăng 5,7%.
Chăn nuôi tính tại thời điểm 01/10/2011, đàn trâu có 58,9 ngàn con, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 104,29% kế hoạch năm; đàn bò có 269,6 ngàn con, giảm 3,1% và bằng 92,97% kế hoạch năm; tỉ trọng bò lai 47,3%; đàn lợn có 487,6 ngàn con, giảm 4,1% và bằng 92% kế hoạch năm.
Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngoài việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng, còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, khử trùng, tiêu độc,... Tuy nhiên, do việc tiêm vắcxin chưa được kịp thời nên trong năm, dịch lở mồm long móng gia súc đã xảy ra ở 74 xã trên 11 huyện, thành phố, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 6 xã thuộc 3 huyện, gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi.
Tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh ước đạt 268.315 ha, tăng 2,1% so với năm 2010. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 46%, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2011. Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 134,211 tỷ đồng (giá so sánh 1994), giảm 1% so với năm 2010 và bằng 88,3% kế hoạch năm. Trồng mới rừng tập trung 5.750 ha, giảm 36,4% so với năm 2010 và đạt 100% kế hoạch. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 250 ngàn m3, tăng 34,92% so với năm 2010 và bằng 125% kế hoạch năm. Đang triển khai thực hiện năm đầu tiên Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 sau khi Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng kết thúc.
Công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô được tăng cường. Đã củng cố 12 ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, 161 ban chỉ huy cấp xã, 671 tổ đội chữa cháy ở cơ sở và trang bị thêm nhiều phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy; đã tổ chức 1.811 đợt tuần tra, kiểm tra truy quét và phát hiện nhiều vụ vi phạm, tịch thu 196,83m3 gỗ, nhiều phương tiện vật dụng khác và thu nộp ngân sách 1,269 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình cháy rừng, phá rừng vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm đã xảy ra 11 vụ cháy rừng làm thiệt hại 59,15 ha rừng trồng, giảm 23 vụ so với năm 2010; đã xảy ra 25 vụ phá rừng, làm thiệt hại 14,3 ha, tăng 21 vụ so với năm 2010.
Diện tích sản xuất muối đạt 135 ha, sản lượng đạt 9.450 tấn, tăng 5% so với năm 2010 và đạt 105% kế hoạch. Giá muối năm nay thấp nên ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của diêm dân.
Giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 895,72 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng 3,6% so với năm 2010 và bằng 101,67% kế hoạch năm. Sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 113 ngàn tấn, tăng 8,5% so với năm 2010 và đạt 109% kế hoạch. Năm 2011, thời tiết thuận lợi nên khai thác cá biển liên tục được mùa và giá cả lại tăng cao, nên kích thích ngư dân tăng cường khai thác.
Tổng diện tích nuôi trồng trên toàn tỉnh ước đạt 1.477 ha, tăng 5,7% so với năm 2010 và đạt 70,3% kế hoạch; trong đó diện tích nuôi tôm 629 ha, tăng 1,45% so với năm 2010 và đạt 92,5% kế hoạch. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 6.421 tấn, giảm 7,4% so năm 2010 và đạt 82,32% kế hoạch; trong đó, tôm nuôi 5.113 tấn, giảm 10,6% so với 2010 và bằng 74,6 % kế hoạch.
Về xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2011, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn trên 166 xã; đang xúc tiến việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã; đã xác định 33 xã để thực hiện ở 13 huyện. Trong năm 2011, tổng số vốn ngân sách đầu tư để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 26 tỉ đồng (trong đó có 25 tỉ Trung ương mới thông báo trong tháng 10 năm 2011), chủ yếu là thực hiện khâu quy hoạch.
3. Thương mại, dịch vụ và giá cả thị trường
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.539 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2010 và đạt kế hoạch năm; trong đó, thành phần kinh tế nhà nước đạt gần 1.604,4 tỷ đồng, tăng 49% và chiếm 7,45%; kinh tế cá thể đạt 15.083,7 tỷ đồng, tăng 19,1% vàchiếm 70,03%; kinh tế tư nhân đạt gần 4.836,5 tỷ đồng, tăng 39,3% và chiếm 22,45%.
Xuất- nhập khẩu hàng hoá: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 200 triệu USD, giảm 26,2% so với năm 2010 và bằng 66% kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm lọc hóa dầu như xăng máy bay, polypropylene, dầu KO chủ yếu tiêu thụ trong nước; sản phẩm của Công ty TNHH Doosan tập trung cung ứng cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản, tinh bột mỳ, sản phẩm bằng gỗ, hàng dệt may, thực phẩm chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy,polypropylene, dầu FO,…
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4.182,3 triệu USD, tăng 24,9% so với năm 2010 và bằng 124,3% kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dầu thô, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, bao bì, vải may mặc,…
Hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhiều phương tiện vận tải được trang bị mới, chất lượng được nâng lên. Khối lượng vận tải hành khách ước đạt 2,295 triệu lượt khách, tăng 18,29% so với năm 2010. Vận tải hàng hóa ước đạt 3,849 ngàn tấn, tăng 17,35% so với năm 2010. Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ liên quan đến vận tải ước đạt 757,3 tỷ đồng, tăng 47,14% so với năm 2010.
Công tác quản lý thị trường được tăng cường, đã tập trung thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm đối với một số mặt hàng thiết yếu. Kết quả đã thu nộp ngân sách 2,4 tỷ đồng và tịch thu, chờ xử lý một số lượng hàng hóa khác.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2011 diễn biến phức tạp, tăng mạnh ở 7 tháng đầu năm, nhưng từ tháng 8 đến nay mức tăng giảm dần. Chỉ số giá 11 tháng đầu năm tăng 15,68%, tăng cao nhất trong những năm trở lại đây (trừ năm 2008). Nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng cao hơn chỉ số giá chung là lương thực tăng 29,61%; thực phẩm tăng 22,52%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 16,55%; vận tải tăng 19,89%.
Thị trường ngoại tệ đã được Nhà nước quản lý chặt chẽ nên ít biến động, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và trong hệ thống ngân hàng không nhiều.
4. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường được triển khai theo quy định. Đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và xây dựng bảng giá các loại đất để áp dụng từ ngày 01/01/2012, trình HĐND tỉnh thông qua; đang tiến hành lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho 02 đơn vị; cấp 553 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 359 tổ chức với tổng diện tích 435,88 ha, đạt 55,7%; ký 54 hợp đồng cho thuê đất với 47 tổ chức với tổng diện tích 113,2 ha; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020; tăng cường thông tin truyền thông về bảo vệ môi trường, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế suy thoái môi trường ở các nhà máy, khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Đã tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho nhân dân trong tỉnh.
5. Thu, chi ngân sách và tín dụng, ngân hàng
a) Thu, chi ngân sách nhà nước
Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 16.208,4 tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa 8.178,440 tỷ đồng, bằng 62 % dự toán năm. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 148,1% dự toán năm (chủ yếu từ thuế giá trị gia tăng nhập khẩu dầu thô)
Hầu hết các khoản thu nội địa đều vượt dự toán; riêng thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương ước cả năm chỉ đạt 6.470 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, giảm 8,9% so với năm 2010; nguyên nhân do giá dầu thô tăng, làm tăng số khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên giảm số thu thuế GTGT và không phát sinh số thu điều tiết (do thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu giảm).
Tổng thu ngân sách địa phương 6.272,641 tỷ đồng, bằng 110,8% dự toán năm; trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng 4.540,851 tỷ đồng, bằng 96,1 % dự toán; thu bổ sung từ NSTW 1.423,690 tỷ đồng, bằng 207,6% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 6.272,641 tỷ đồng, bằng 110,8% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển (chưa kể chi đầu tư từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương) ước đạt 2.125,81 tỷ đồng, bằng 108,8 % dự toán năm, giảm 3,9% so với năm 2010; chi thường xuyên ước đạt 3.413,368 tỷ đồng, bằng 105,7% dự toán năm, tăng 19,3% so với năm 2010.
b) Tín dụng, ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động đến cuối năm 2011 đạt 11.962 tỷ đồng, giảm 20,41% so với năm 2010. Nguồn vốn huy động tại chỗ chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm (chiếm 58,95%/tổng nguồn huy động), tăng 23,43% so với cùng kỳ.
Tổng dư nợ đến cuối năm 2011 đạt 17.518 tỷ đồng, tăng 8,46% (1.367 tỷ đồng) so với năm 2010.
6. Đầu tư phát triển và thu hút đầu tư
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 11.756,5 tỷ đồng, bằng 75,9% so với năm 2010. Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước 2.447,779 tỷ đồng, bằng 139,1%; vốn khu vực kinh tế nhà nước 1.212 tỷ đồng, bằng 36,4%; vốn ngoài nhà nước đạt 4.800 tỷ đồng, bằng 104,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 199,5 tỷ đồng, bằng 14,5% so với năm 2010.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách năm 2011 do địa phương quản lý là 2.447,779 tỷ đồng; trong đó, trả ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp công ích là 59,8 tỷ đồng, vốn cân đối cho các dự án 2.387,979 tỷ đồng. Ước giải ngân đến cuối năm 2011 đạt 94,2%,
Tổng vốn đầu tư cho các Chương trình, dự án ODA năm 2011 là 422,454 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 71,854 tỷ đồng. Giải ngân ước đạt 619,2 tỷ đồng, bằng 148% KH, trong đó vốn ODA đạt 543,5 tỷ đồng, bằng 155% KH.
Tình hình thu hút và thực hiện các dự án FDI: Trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án FDI (dự án Giày da Ricker đầu tư tại Khu công nghiệp Tịnh Phong) được cấp mới với tổng vốn đăng ký là 290 tỉ đồng. Lũy kế đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 60.801 tỉ đồng. Vốn thực hiện của các dự án FDI năm 2011 ước đạt khoảng 9,5 triệu USD, bằng 14,5% so với 2010.
Tình hình cấp giấy phép đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư trong nước: Trong năm, có 27 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.695 tỉ đồng. Lũy kế đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 269 dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 112.256 tỷ đồng. Vốn thực hiện của các dự án đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2010. Lũy kế vốn thực hiện của các dự án đến nay khoảng 70.300 tỉ đồng. Trong năm 2011, có 05 dự án bị thu hồi Chứng nhận đầu tư.
Hoạt động xúc tiến đầu tư: Hướng dẫn đầu tư và hỗ trợ thủ tục đối với các dự án đầu tư vào tỉnh. Tham gia chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các hội thảo tại các diễn đàn lớn như Diễn đàn Việt - Nhật,...;tham gia triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 20 năm (1990-2010) của tỉnh Quảng Ngãi, hỗ trợ quảng bá thương hiệu Tỏi Lý Sơn, Quế Trà Bồng,.. UBND tỉnh đã làm việc và ký Bản Ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore về triển khai thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp và khu dân cư - thương mại theo mô hình KCN và đô thị, dịch vụ VSIP.
7. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp
Đa số doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đều tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, năng lực cạnh tranh được nâng lên, thu nhập của người lao động tăng đáng kể.
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 684 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15% so với năm 2010 với tổng vốn đăng ký 3.605 tỷ đồng. Công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký từng bước được tăng cường. Năm 2010, đã tiến hành kiểm tra sau đăng ký đối với 47 doanh nghiệp, đã phát hiện 09 doanh nghiệp vi phạm phải thu hồi Giấy chứng nhận và năm 2011 có 150 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, chủ yếu do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Việc thực hiện tốt cơ chế ”một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc con dấu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký doanh nghiệp, thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh.
II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
Đã giải quyết tạo việc làm mới cho 35.500 lao động, ước đạt 100% kế hoạch, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm 2010; xuất khẩu lao động 1.500 người, ước đạt 75% kế hoạch, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2010. Tuyển mới dạy nghề 15.049 người, ước đạt 66,9% kế hoạch. Thực hiện thí điểm mô hình sản xuất, chăn nuôi cho một số xã ở 3 huyện Minh Long, Sơn Hà và Trà Bồng, bước đầu đạt hiệu quả, được cộng đồng dân cư hưởng ứng.
Giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ; giải quyết trợ cấp thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và giải quyết trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền chi trả một lần là 3.077 triệu đồng.
Chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh triển khai đạt kết quả; kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 66.981 hộ, chiếm tỉ lệ 21,36%, giảm 2,56% so với năm 2010.
Chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, hỗ trợ về y tế, giáo dục,... cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, có hiệu quả, với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 338 tỷ đồng và 12.504 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được bảo vệ và chăm sóc, tăng 257% so với năm 2010.
2. Giáo dục và Đào tạo
Đã thực hiện chuyển đổi 97 trường mầm non bán công sang loại hình trường công lập theo chủ trương của HĐND tỉnh; đồng thời, hoàn thành việc xây dựng đề án chuyển đổi 6 trường trung học phổ thông bán công sang công lập và đề án học phí mới.
Tiếp tục triển khai xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, ước đến cuối năm 2011, có 22/212 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 10,38%, tăng 06 trường; 118/224 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 52,68%, tăng 04 trường; 78/165 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 47,27%, tăng 04 trường; 13/39 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 33,33%, tăng 05 trường. Đến nay, toàn tỉnh có 184/184 xã, phường, thị trấn và 14/14 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tăng 8 xã, 2 huyện; có 184/184 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tăng 01 xã so với năm học 2009-2010.
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011 diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng qui chế, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT được nâng cao và ngày càng ổn định; toàn tỉnh có 16.664 thí sinh tham gia dự thi, kết quả có 16.425 thí sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,56%, tăng 2,32%so với năm học 2009-2010.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện 18 trường hợp vi phạm quy định; năm học 2011-2012, tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp và đúng quy định.
3. Công tác dân số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được quan tâm; thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những ca bệnh để ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, bệnh tay - chân - miệng đã xảy ra trên diện rộng, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5.413 trường hợp mắc bệnh, 05 trường hợp tử vong; tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là 344 ca. Ngành y tế đã tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; tập huấn các phác đồ điều trị, quy trình tiêu độc khử trùng, tổ chức truyền thông tại cộng đồng. Đến cuối tháng 10 năm 2011, bệnh tay-chân-miệng đã giảm bớt, nhưng vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh, hạn chế tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng (xét nghiệm 12.512 ca, dương tính 27 ca; lũy kế từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh có 430 ca nhiễm, đã chết 151); công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai đồng bộ ở hầu hết các địa phương; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em luôn được chú trọng, số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2011 giảm còn 19%. Công tác điều động bác sĩ tăng cường về tuyến xã tiếp tục thực hiện, đến nay đã có 100% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động, 85% trạm y tế xã có bác sĩ trong biên chế.
Công tác khám, chữa bệnh được cải thiện một bước. Có 7 bệnh viện tuyến huyện và 3 bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng mới, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân; nhiều trạm y tế xã cũng được tăng cường cơ sở vật chất; đã tổ chức khám, chữa bệnh lưu động phục vụ các xã khó khăn trong tỉnh; tổ chức kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, tiêm chủng mở rộng cho các cháu trong độ tuổi và phụ nữ có thai.
4. Văn hóa, thể thao và du lịch
Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Tân Mão 2011; chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thành công tốt đẹp; Lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng;lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển và tổ chức các hoạt động kỷ niệm khác; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương được đẩy mạnh; các hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, tạo không khí thi đua trong lao động, sản xuất của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Năm 2011, có 75%-80% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá (kế hoạch: 80-85%); 75% tổ, thôn đạt tiêu chuẩn văn hoá (kế hoạch: 70-75%); 91% cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hoá (kế hoạch: 90-95%).
Phong trào thể dục thể thao ở các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển. Hoạt động thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tổ chức thành công nhiều giải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc. Đã tham gia thi đấu 28 giải thể thao khu vực và toàn quốc, đạt 91 huy chương, gồm 19 huy chương Vàng, 31 huy chương Bạc và 41 huy chương Đồng.
Hoạt động kinh doanh du lịch đã có những khởi sắc. Doanh thu du lịch đạt 252 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2010 và đạt 101% so với kế hoạch; tổng lượt khách ước đạt 365.000 lượt người, tăng 10% so với năm 2010 và đạt 101% so với kế hoạch, trong đó, khách quốc tế 27.400 lượt, tăng 10% so với năm 2010 và đạt 101% kế hoạch,…
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai nhiều hoạt động văn nghệ, thông tin cổ động, triển lãm, bảo tồn, bảo tàng, quảng bá du lịch, quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, kêu gọi đầu tư vào một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh,…
5. Thông tin và Truyền thông, Phát thanh truyền hình
Ngành Thông tin và Truyền thông đã phối hợp thực hiện Đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 119/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình và đang triển khai thực hiện dự án xây dựng cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi; tổ chức phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 40 - 2011. Chỉ đạo và hướng dẫn vận hành mạng viễn thông đảm bảo an ninh, thông suốt, phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị và của nhân dân.
Lĩnh vực Viễn thông tiếp tục phát triển khá. Tuy nhiên, do các thuê bao điện thoại cố định chuyển sang dùng điện thoại di động là chủ yếu nên số điện thoại cố định có xu hướng giảm. Số điện thoại ước đạt khoảng 90 máy/100 dân; số cổng internet ước khoảng 53.000 cổng; tỷ lệ người sử dụng internet là 35%./100 dân.
Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã tuyên truyền toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung tuyên truyền chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; các hoạt động hưởng ứng năm du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ, ngày hội văn hóa biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi năm 2011; các nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh gắn với chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...
Bên cạnh đó, đảm bảo tiếp âm đầy đủ các chương trình của Đài TNVN; 14 Đài truyền thanh, truyền thanh - phát lại truyền hình huyện, thành phố đều sản xuất và phát sóng mỗi ngày 1 chương trình thời sự tổng hợp với thời lượng 30 phút, đảm bảo phát sóng định kỳ trang truyền hình và truyền thanh địa phương trên sóng Đài tỉnh. Đến cuối năm 2011, sóng phát thanh và sóng truyền hình phủ được 100% diện tích toàn tỉnh; 100% số dân được nghe đài và 96% số dân được xem truyền hình.
6. Khoa học và Công nghệ
Đã hướng dẫn triển khai Chương trình Khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015; tổ chức 03 cuộc Hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu phát triển làng nghề tỉnh Quảng Ngãi” và đề tài “Nghiên cứu quy hoạch phòng chống và tiêu thoát lũ sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi”; triển khai thực hiện 19 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh chuyển tiếp từ năm 2010 và 13 đề tài, dự án KH&CN mới từ năm 2011. Đã tổ chức nghiệm thu kết quả 11 đề tài, dự án KH&CN. Tổ chức phổ biến, chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài khoa học - công nghệ cho các cơ quan, đơn vị,...
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hạn chế những sai phạm trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ,... Trong năm, đã thực hiện 12 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 250 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà phân phối và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra cân đối chứng và cân thông dụng tại các chợ trung tâm; giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường tại các doanh nghiệp.
7. Công tác dân tộc và miền núi
Các chương trình dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi được các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện đạt kết quả như Hợp phần nâng cao năng lực và học hỏi thuộc Chương trình Hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (ISP); Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; Chương trình di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi.
Trong năm 2011, có 59 công trình qui mô nhỏ thuộc Chương trình ISP hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó có 16 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 20 công trình cấp nước sinh hoạt, 08 trường mẫu giáo.
III. LĨNH VỰC NỘI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
1. Công tác Tư pháp
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2011, Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2011 và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, nghiêm túc và đúng quy định; đã tổ chức tổng kết 06 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND giai đoạn 2005-2010; tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.
Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật. Hoạt động công chứng, chứng thực được thực hiện tương đối tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, nhất là miền núi; đã tư vấn, giải đáp pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân gia đình, bảo vệ và phát triển rừng, chế độ chính sách.
2. Công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Hoạt động thanh tra được thực hiện đều khắp trên các lĩnh vực quản lý nhà nước với 84 cuộc và đã kết thúc 67 cuộc tại 223 đơn vị; phát hiện 140 đơn vị có sai phạm với tổng giá trị là 18.038 triệu đồng, 782.975m2 đất; đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi vào ngân sách nhà nước 3.421 triệu đồng, 266.616m2 đất và kiến nghị xử lý các hình thức khác.
Tính đến ngày 15/11/2011, các cơ quan hành chính trong tỉnh tiếp 5.660 lượt/6.283 người/5.173 vụ việc, tăng 382 lượt người so với cùng kỳ 2010; trong đó, có 54 đoàn/53 vụ khiếu nại đông người (tăng 9 đoàn so với cùng kỳ năm 2010). Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu có liên quan đến lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách đối với người có công Cách mạng; về nhà, tài sản và lĩnh vực tư pháp;…Ngoài ra, trong năm 2011, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận 5.964 đơn của 4.922 vụ, tăng 690 đơn/ 515 vụ so với cùng kỳ năm 2010.
3. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh, quán triệt thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng ngày 30/11/2010. Các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ và Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 22/6/2009 của UBND tỉnh. Từ khi triển khai đến nay, có 30 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành danh mục chuyển đổi vị trí công tác; trong đó có 22 đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 248 người.
Đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN tại 5 đơn vị. Qua thanh tra đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về PCTN. Chỉ đạo giải quyết một số đơn tố cáo về tham nhũng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến nay đã có 257 cơ quan hành chính và 278 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 100%) được giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính theo quy định. Năm 2011, số tiền tiết kiệm được để tăng thu nhập là 39.606 triệu đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên 9 tháng năm 2011 là 49,825 tỷ đồng và bổ sung vào nguồn dự phòng ngân sách địa phương.
4. Về công tác ngoại vụ, hải quan
Công tác xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ tiếp tục được duy trì và mở rộng. Trong năm 2011, đã có 16 tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết tài trợ khoảng 52 tỷ đồng với 30 chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. UBND tỉnh ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Uỷ ban chính quyền tỉnh Attapư, CHDCND Lào về các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, lao động, văn hoá, du lịch, công tác đối ngoại, thông tin truyền thông, phát thanh truyền hình; 02 Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Quảng Ngãi với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương về thực hiện dự án xây dựng Trường Tiểu học tại huyện Bình sơn và Trạm Y tế tại huyện Ba Tơ.
Tiếp tục duy trì công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ. Trong năm 2011, tỉnh ta có 01 tàu gặp nạn được Philippines cứu hộ; 04 tàu bị Trung Quốc bắt, tịch thu tài sản và thả về; 06 tàu bị các nước bắt giữ khi đang hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh đã báo cáo và đề nghị các cơ quan ngoại giao có biện pháp đấu tranh can thiệp, giải quyết đưa 55 ngư dân về nước.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển tỉnh ngày càng được tăng cường.Trong năm 2011, có 55 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan với số lượng tàu thuyền xuất cảnh là 229 chiếc, tăng 7%; số lượng tàu thuyền nhập cảnh là 233 chiếc, tăng 7% so với năm 2010. Ước đến ngày 31/12/2011, tổng số thuế thu nộp ngân sách qua Hải quan tỉnh là 8.000 tỷ đồng, đạt 148,1% so với chỉ tiêu được giao.
5. Về công tác tổ chức nhà nước
Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh. Các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đã ban hành quy định sửa đổi bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 5 cơ quan cấp sở, thành lập mới nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc sở. Bổ nhiệm 01 Giám đốc, 02 Phó giám đốc sở, phê chuẩn kết quả bầu cử 3 phó chủ tịch UBND cấp huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng thực hiện, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi đợt 1/2011 và phê duyệt kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với cả nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh đã diễn ra an toàn, đúng luật và thành công tốt đẹp.
Trong năm 2011, tỉnh đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số 448 đối tượng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm theo Nghị định 67/2010/NĐ-CP cho 70 đối tượng.
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư, lưu trữ được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
6. Về An ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội
Quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường. Năm 2011, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững; đảm bảo ổn định cho sự phát kinh tế. Công tác bảo vệ an ninh vùng biển được tăng cường, các lực lượng vũ trang đã chủ động năm chắc diễn biến tình hình, xử lý kịp thời và có hiệu quả các vụ việc xảy ra. Đã hoàn thành tốt công tác gọi công dân nhập ngũ và kế hoạch diễn tập phòng thủ cấp huyện, cấp xã năm 2011.
Lực lượng Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, tuần tra kiểm soát trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, các tụ điểm phức tạp về tai nạn giao thông, hỗ trợ giải toả và xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Nhìn chung, tai nạn giao thông giảm hơn so với năm 2010. Tính đến tháng 10 năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn giao thông, giảm 22 vụ (170 vụ); chết 146 người, giảm 23 người (chết 169 người); bị thương 106 người, tăng 24 người (82 người) so với 10 tháng năm 2010.
B. MỘT SỐ HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN
Năm 2011 là năm gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội; bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế, yếu kém cơ bản:
1. Về lĩnh vực kinh tế
a) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế không có sự chuyển dịch như định hướng. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu đạt thấp so với kế hoạch (bằng 83,5%) và giảm 5,4% so với năm 2010. Điều này, có yếu tố chủ quan là trong quá trình lập kế hoạch năm 2011, tỉnh đã xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, không tính đến kế hoạch ngừng sản xuất, bảo dưỡng của nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
b) Sản lượng lương thực giảm so với năm 2010 và không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nguyên nhân là do vụ Đông xuân rét muộn trái mùa trong tháng 3 đã gây hư hại cho lúa đang làm đòng trổ bông, đã làm giảm năng suất đáng kể. Sâu bệnh hại cây trồng cũng xảy ra nhiều nơi, gây thiệt hại cho sản xuất lúa và rau màu. Dịch bệnh tôm nuôi xảy ra trên diện rộng, gây rủi ro lớn cho nghề nuôi tôm. Dịch lở mồm long móng gia súc và dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số địa phương do công tác tiêm phòng chưa kịp thời, gây thiệt hại nhiều cho ngành chăn nuôi. Tình hình phá rừng vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tượng tàu thuyền ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện và phạt tiền vẫn thường xuyên xảy ra.
c) Kim ngạch xuất khẩu giảm (chỉ bằng 73,8% so với năm 2010). Nguyên nhân cơ bản là do các sản phẩm lọc hóa dầu như xăng máy bay, polypropylene, dầu KO chủ yếu tiêu thụ trong nước; sản phẩm của Công ty TNHH Doosan tập trung xuất sản phẩm cung ứng cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Mặt khác, do tình hình kinh tế thế giới biến động làm giảm lượng hàng nhập khẩu từ nước ta.
d) Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giảm (số dự án được cấp Chứng nhận đầu chỉ bằng khoảng 73% so với năm 2010), đặc biệt là thu hút FDI chỉ có 01 dự án được cấp Chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện nhiều dự án đầu tư khá chậm, số lượng các dự án đăng ký nhưng chưa triển khai hoặc kéo dài thời gian triển khai còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn, biến động về tài chính trong nước và thế giới; mặt khác, môi trường đầu tư chưa được thuận lợi cũng làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư.
đ) Cơ chế điều hành về đầu tư xây dựng của Trung ương trong năm có nhiều thay đổi, việc thực hiện các dự án, giải ngân vốn và việc thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định ít nhiều có bị ảnh hưởng. Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công có biến động lớn, phải xử lý vấn đề điều chỉnh, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Cơ chế quản lý, phân cấp quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước của tỉnh còn một số bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư.
e) Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao làm cho đời sống của nhân dân thêm nhiều khó khăn; mặt bằng lãi suất, giá vàng tăng cao hạn chế các hoạt động đầu tư, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
2. Về lĩnh vực xã hội
a) Chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, tỉ lệ học sinh miền núi học yếu chiếm tỷ lệ cao. Cơ sở vật chất trường học tuy có tăng cường hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều trường học chưa có công trình vệ sinh, nước sạch; nhất là ở ngành học mầm non, tiểu học và THCS ở miền núi.
b) Bệnh tay - chân - miệng đã xảy ra trên diện rộng, đến nay chưa được khống chế hoàn toàn; bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở một số nơi, ...ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hiện tượng quá tải tại bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các yêu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế còn yếu, chậm được khắc phục.
3. Về lĩnh vực nội chính
a) Số vụ việc, đơn khiếu nại, tố cáo tiếp tục tăng hơn năm trước; trong đó, tỷ lệ đơn thư gửi vượt cấp, số vụ khiếu nại đông người tăng. Việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo của UBND tỉnh còn chậm, nhất là cấp huyện.
b) Công tác cải cách hành chính tiến hành chưa đồng bộ, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, thiếu năng động. Kỷ cương hành chính ở một số cơ quan chưa được chấp hành nghiêm túc.
c) Trật tự an toàn xã hội vẫn còn một số vụ việc xảy ra có tính chất nghiêm trọng; tội phạm trong đối tượng thanh thiếu niên có xu hướng tăng. Tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp.
* Nhận định chung: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của cả nước có nhiều biến động, diễn biến khó lường, ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, năng động sáng tạo của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự quản lý điều hành của bộ máy chính quyền, tỉnh ta đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả nhất định.
Kinh tế có tốc độ tăng trưởng ở mức 6,3%, cơ cấu kinh tế giữ ở mức tương đương năm 2010; hầu hết các sản phẩm công nghiệp địa phương đều tăng khá, thương mại dịch vụ phát triển, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhanh; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt cơ sở vật chất các ngành y tế, giáo dục được tăng cường; giáo dục đào tạo có bước phát triển; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; các chính sách xã hội được thực hiện tốt; bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; tỉ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và yếu tố chủ quan, kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2011 còn có những hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tuy có tăng so với năm 2010 nhưng không đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế không chuyển dịch như định hướng; một số các chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch như: giá trị sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn, giá trị kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, sản lượng lương thực, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ,...tình hình thu hút đầu tư và triển khai các dự án có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; thời tiết diễn biến không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; công tác cải cách hành chính tiến hành chưa đồng bộ; tình hình tai nạn giao thông, khiếu nại, khiếu kiện tiếp tục tăng,... Những hạn chế, yếu kém này cần phải tập trung chỉ đạo khắc phục năm 2012 và những năm tiếp theo.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
Năm 2012, kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Trong nước, bên cạnh những thành tựu đạt được,vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất tín dụng còn ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm nhưng chưa ổn định,... là những tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của tỉnh ta.
Trong tỉnh, quy mô các ngành kinh tế nhìn chung còn nhỏ, sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn ở mức thấp, thị trường chưa ổn định; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu lao động tay nghề cao; nguồn lực huy động chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển để thực hiện các mục tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh;... là những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, năm 2012, nền kinh tế của tỉnh cũng có những thuận lợi nhất định như tiềm năng các nguồn lực trong xã hội và nhân dân còn lớn; sự đoàn kết, nhất trí, năng động sáng tạo của hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, xã hội; sự đồng thuận của toàn dân; sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả về nhiều mặt của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là những thành tựu kinh tế xã hội đã đạt được trong thời gian qua sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những năm tiếp theo.
A. MỤC TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2012
I. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng đã đề ra trên cơ sởnâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung nguồn lực để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá: phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực và hai nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
II. Các chỉ tiêu chủ yếu
1. Chỉ tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh 1994) : 10 - 11 %.
- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) : 1.694 USD/người/năm
- Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành):
+ Công nghiệp - xây dựng : 59 - 60 %
+ Dịch vụ : 23 - 24 %
+ Nông lâm nghiệp và thủy sản :16 - 17 %
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá so sánh 1994):
+ Công nghiệp - xây dựng tăng : 11 - 12 %
+ Dịch vụ tăng : 14 - 15 %
+ Nông lâm nghiệp và thủy sản : 3 - 3,5 %
- Sản lượng lương thực có hạt : 447.958 tấn.
- Sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng: 112.800 tấn.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ : 25.900 tỷ đồng.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu : 230,9 triệu USD.
- Giá trị kim ngạch nhập khẩu : 1.094 triệu USD
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn : 18.594,3 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương : 6.612,4 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội : 12.850 tỷ đồng.
2. Chỉ tiêu văn hóa - xã hội:
- Dân số trung bình : 1.221.500 người.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên : 8,62 %o.
- Số giường bệnh/1vạn dân : 19,8 giường.
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế : 55 %.
- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ : 90 %.
- Số lao động được giải quyết việc làm mới : 37.000 lao động.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề so với tổng số lao động:34 %.
- Cơ cấu lao động trong nền kinh tế:
+ Công nghiệp - xây dựng : 25%,
+ Dịch vụ : 23%.
+ Nông, lâm nghiệp và thủy sản : 52%,
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%; trong đó, miền núi giảm 4,9 % so với năm 2011
- Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi:99%.
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia:
+ Mầm non : 14,2 %
+ Tiểu học : 56,3 %
+ Trung học cơ sở : 50,9 %
+ Trung học phổ thông : 38,5 %.
- Tỷ lệ đạt chuẩn văn hoá:
+ Gia đình văn hóa : 76%
+ Khu dân cưvăn hóa : 77%
+ Cơ quan, đơn vị văn hóa : 92%
3. Chỉ tiêu về môi trường:
- Độ che phủ của rừng : 46%.
- Tỷ lệ cây xanh đô thị : 65%.
- Tỷ lệ xử lý rác thải, chất thải rắn ở KKT, KCN và đô thị: 70%; nông thôn: 65%.
4. Chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh:
- Giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đạt 100%.
- Động viên quân dự bị và tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu.
- Xây dựng lực luợng dân quân tự vệ đạt 1,5% so với tổng dân số.
- Xây dựng 80% xã, phuờng, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh; trong đó, 48% xã, phuờng, thị trấn vững mạnh, toàn diện.
B. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Phát triển công nghiệp
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 22.549,18 tỷ đồng (theo giá 1994), tăng 11,35% so với năm 2011; trong đó,giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 19.717,99 tỷ đồng, tăng 11,54% so với năm 2011.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đề án của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp. Hoàn chỉnh các quy hoạch thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là các quy hoạch thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh, nhất là các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý về môi trường đối với sản xuất công nghiệp.
- Xây dựng, ban hành các chính sách bồi thường, tái định cư phù hợp, chính sách nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
2. Phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.918 tỷ đồng (theo giá 1994), tăng 3,4% so với năm 2011; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 1.840,5 tỷ đồng, tăng 2,7%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt khoảng 140 tỷ đồng, tăng 4,3% và giá trị sản xuất thủy sản đạt 937,5 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2011.
- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đối với 6 huyện miền núi theo Nghị quyết 30a. Tập trung chỉ đạo tốt công tác lập quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới cấp xã, đến quý III/2012 xây dựng quy hoạch xong 33 xã, cuối năm 2012 tiếp tục quy hoạch các xã còn lại để hoàn thành vào cuối năm 2013.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, đặt trọng tâm vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực. Từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tạo nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến
- Tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Phát triển mạnh trồng rừng kinh tế, tập trung quản lý rừng phòng hộ. Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để dân yên tâm đầu tư cho sản xuất. Tăng độ che phủ rừng năm 2012 đạt 46%;
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người sản xuất, sử dụng giống mới có chất lượng, năng suất cao, có khả năng kháng bệnh.
- Phát triển số lượng tàu thuyền theo hướng nâng cao công suất gắn với đầu tư trang thiết bị, ngư lưới cụ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Khai thác thủy sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền lãnh hải tổ quốc. Đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa các loại nghề đánh bắt, hạn chế khai thác ven bờ, không để ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước khác. Tiếp tục xây dựng các tổ, đội, HTX khai thác hải sản biển xa.
- Phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quy hoạch diện tích đất có khả năng nuôi trồng theo hướng công nghiệp, bền vững, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường có hiệu quả.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền những quy định, thông ước quốc tế về khai thác, đánh bắt thuỷ sản đối với ngư dân đánh bắt xa bờ nhằm hạn chế tối đa tình trạng đánh bắt thuỷ sản trái phép, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ngư dân và tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển, nhằm hạn chế rủi ro về tính mạng và tài sản của ngư dân; chú trọng công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
3. Phát triển thương mại, dịch vụ
Năm 2012, phấn đấu đạt giá trị sản xuất ngành dịch vụ (giá 1994) 4.662,49 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2011; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn (giá hiện hành) đạt khoảng 25.900 tỷ đồng, tăng 20,25% so với năm 2011. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD, tăng 15% so với năm 2011. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 1.090 triệu USD, giảm 73,9% so với năm 2011 (nguyên nhân giảm chủ yếu là do dầu thô nhập về từ các mỏ dầu trong nước không tính giá trị nhập khẩu).
- Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, mở rộng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp của tỉnh và nhu cầu chung của xã hội. Tiếp tục phát triển hệ thống các siêu thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích, hỗ trợ, kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Mỹ Khê và Sa Huỳnh, Suối nước nóng Nghĩa Thuận, Thác Trắng (Minh Long), Khu du lịch sinh thái Cà Đam,...
- Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.
- Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; tích cực, chủ động mở rộng thị trường; đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với các đối tác; tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có, nâng cao mức xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng thấp; tìm cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới, có tiềm năng nhằm hạn chế rủi ro biến động thị trường.
- Đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và bình ổn giá cả trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn - 2012 trên địa bàn tỉnh.
4. Tài nguyên và môi trường
- Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu vực: Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp của tỉnh, các cụm công nghiệp - làng nghề, các dự án nuôi tôm trên cát,... nhằm giảm thiểu ô nhiễm và có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu: Tỷ lệ xử lý chất thải rắn KCN, KKT và đô thị là 70%, ở nông thôn là 65%; tỷ lệ xử lý nước thải trong KCN, KKT 65%.
- Duy trì chất lượng hoạt động của hệ thống đài, trạm khí tượng thuỷ văn, đảm bảo thu thập đầy đủ số liệu, dự báo chính xác tình hình thời tiết, khí hậu. Cải thiện chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là dự báo bão, lũ.
5. Đầu tư phát triển
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thỉ số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 7356/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn đầu từ ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí trả nợ các công trình hoàn thành từ năm 2011 trở về trước, các dự án hoàn thành trong năm 2012 và một số dự án khởi công mới có đủ thủ tục theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình, dự án khác. Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
- Có chính sách, giải pháp huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; lập kế hoạch để tranh thủ nguồn vốn ODA; triển khai thực hiện một số dự án theo hình thức BT; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án FDI, nhất là các dự án mà tỉnh đã ký Bản Ghi nhớ với các đối tác. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh việc đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh,…
Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước năm 2012, gồm: nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TW 1081 tỷ; trong đó: vốn trong nước 921,5 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn cho hạ tầng KKT và KCN), vốn nước ngoài 160 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương: 715,8 tỷ đồng; trong đó phân cấp theo tiêu chí cho huyện, thành phố 30% là 214,74 tỷ đồng, tỉnh quản lý 501,06 tỷ đồng; vốn XSKT là 53 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 350 tỷ đồng.
6. Phát triển doanh nghiệp
Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân đăng ký và phát triển doanh nghiệp. Triển khai thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch đã duyệt.
Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng và các tổ chức khác triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ phát triển liên kết ngành,… cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Có cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục củng cố các mô hình hợp tác xã, đồng thời xử lý dứt điểm những HTX không có khả năng chuyển đổi hay tổ chức lại.
7. Phát triển đô thị
Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đề án của UBND tỉnh về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị.
Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch về phát triển đô thị; hoàn thành việc quy hoạch chi tiết các đô thị trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ thủ tục các dự án theo quy định để thực hiện đầu tư phát triển đô thị trong những năm đến.
Chủ động chuẩn bị các điều kiện thuộc trách nhiệm của tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phía VSIP để nhanh chóng triển khai dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại Quảng Ngãi theo Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa 2 bên.
8. Công tác dân tộc và miền núi
Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện tốt các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chủ trương, chính sách, dự án khác về dân tộc, miền núi của Trung ương để tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, thôn, nâng cao đời sống của nhân dân các huyện miền núi.
Đầu tư, xây dựng và duy trì các mô hình giảm nghèo đối với các huyện miền núi; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, cho cán bộ xã, nhất là đối với cán bộ thôn.
II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm và giảm nghèo
Giải quyết việc làm mới cho khoảng 37.000 lao động, tăng 4,2% so với năm 2011. Tăng tỷ lệ lao động được đào tạo tạo nghề từ 30,5% năm 2011 lên 34% năm 2012.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo, tạo việc làm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng bị thiên tai. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới Quốc gia từ 21,4% năm 2011 xuống còn 17,4%vào năm 2012.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình mục tiêu việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi, các đề án của UBND tỉnh về giảm nghèo.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đưa đi lao động ở nước ngoài. Tiếp tục theo dõi và bảo vệ lao động làm việc ở nước ngoài.
2. Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị các điều kiện cho các cháu vào lớp 1; củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và chống mù chữ; tăng cường khắc phục việc học sinh bỏ học ở miền núi. Đẩy nhanh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là ở các trường mầm non tỷ lệ quá thấp.
Triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, Đề án của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường, nhất là ứng dụng trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên; phòng chống tội phạm, bạo lực học đường.
Phát triển các hình thức dạy nghề hữu hiệu cho lao động nông thôn theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Công tác dân số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Tăng cường công tác truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số; thực hiện mô hình gia đình ít con. Nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm sinh và ngăn ngừa mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dân số gắn với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ở các cơ sở khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cộng đồng, từng bước tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao. Tăng cường đầu tư của nhà nước, đồng thời thực hiện xã hội hoá một cách phù hợp để huy động các nguồn lực phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, mở rộng dịch vụ, giảm quá tải bệnh viện.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến. Tăng cường luân phiên cán bộ y tế giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đào tạo cán bộ tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân tại cơ sở; nâng cao y đức; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường các biện pháp để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh; phòng, chống nghiện ma tuý, nhiễm HIV... Thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Văn hóa, du lịch, thông tin truyền thông, thể thao và phát thanh truyền hình
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng gia đình, khu dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng.
Tiếp tục đầu tư tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Tổ chức thành công Festival biển, đảo năm 2012 tại Quảng Ngãi và kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ngãi (1832-2012).
Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 3 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành. Duy trì tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình 100% trên địa bàn tỉnh và ngày càng nâng cao chất lượng và thời lượng phát sóng, nhất là chương trình tiếng đồng bào thiểu số. Khẩn trương triển khai chuẩn bị chương trình để phát sóng kênh PTQ2 vào đầu năm 2012.
Đẩy mạnh thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, đề án của UBND tỉnh về phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động thể thao cả về qui mô lẫn chất lượng; đảm bảo chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường; duy trì các môn thể thao thành tích cao có lợi thế của tỉnh như võ thuật để tranh huy chương toàn quốc và cung cấp vận động viên cho đội tuyển quốc gia.
5. Khoa học công nghệ
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế lựa chọn, xây dựng, thẩm định, giao nhiệm vụ khoa học công nghệ, phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao trong các doanh nghiệp.
III. VỀ LĨNH VỰC NỘI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
1. Công tác thanh tra, tư pháp, ngoại vụ
- Tổ chức thực hiện tốt các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện kịp thời sai phạm trong quản lý hành chính nhà nước, trong hoạt động sản xuất kinh doanh để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ và tiếp dân thường xuyên. Tập trung giải quyết đúng nội dung, thẩm quyền và thời gian quy định đối với các vụ khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% đối với các vụ việc mới phát sinh, 80% số vụ việc tồn đọng, kéo dài.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định, bảo đảm đúng tiến độ 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự kiểm tra 100% văn bản của UBND tỉnh sau khi ban hành. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý để phát huy tính thiết thực và đạt hiệu quả cao.
- Tiếp tục mở rộng và tăng cường các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng của tỉnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác với các tỉnh Nam Lào; đẩy mạnh công tác vận động, thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo Chương trình Xúc tiến vận động thu hút viện trợ PCPNN giai đoạn 2011-2015, phấn đấu năm 2012 thu hút trên 70 tỷ đồng vốn viện trợ PCPNN.
2. Tổ chức nhà nước và cải cách hành chính
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
- Tiếp tục phát huy và thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả Đề án 600 Phó Chủ tịch xã.
- Thực hiện tốt công tác quản lý địa giới hành chính; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi; hoàn chỉnh Dự án chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp tỉnh để khai thác, sử dụng theo đúng quy định.
- Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2008 của Hội nghị Trung ương V khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng của cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức và công dân; đẩy nhanh tiến trình áp dụng một cửa liên thông trong các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
3. Quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội
- Tiếp tục thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.
Giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đạt 100%; động viên quân dự bị và tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,5% so với tổng dân số; xây dựng 80% xã, phuờng, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh; trong đó, 48% xã, phuờng, thị trấn vững mạnh toàn diện.
- Duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm; tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy ở các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tăng cường công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh phòng, chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép và sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản.
- Kiên quyết thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.
C. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ
- Tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chỉnh phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
- Điều hành dự toán ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết HĐND tỉnh, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm chấp hành đúng các quy định về quản lý tiền tệ, tín dụng.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính, tung tin thất thiệt, gây hoang mang,... kể cả việc rút giấy phép kinh doanh, truy tố trước pháp luật các hành vi vi phạm nghiêm trọng; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Phương án thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012 của UBND tỉnh tại Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 15/11/2011.
2. Tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch
- Tiếp tục triển khai lập các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hoàn thành trong năm 2012, bảo đảm chất lượng các quy hoạch đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển, là căn cứ để xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm có hiệu quả,....Trong đó, tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết các phân khu theo Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, Quy hoạch mở rộng đô thị Quảng Ngãi, Quy hoạch nâng cấp thị trấn Đức Phổ thành đô thị loại IV.
- Trên cơ sở Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được HĐND tỉnh thông qua, triển khai thực hiện hoàn thành công tác quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong năm 2012; tổ chức quản lý và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử sụng đất trên địa bàn tỉnh.
3. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh
Trên cở sở các Đề án của UBND tỉnh cụ thể hoá Nghị quyết của HĐND tỉnh và Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi; các ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức quán triệt, lập kế hoạch, đề ra giải pháp và triển khai tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm để đạt được các mục tiêu của nghị quyết; đồng thời triển khai rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài chính,...để huy động nguồn lực thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.
4. Đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư công
- Xác định cơ cấu đầu tư hợp lý từ ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư các khâu đột phá, các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh; khắc phục tình trạng dàn trải trong đầu tư. Năm 2012, phải xác định danh mục dự án và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để thực hiện đầu tư trong năm 2013.
- Rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế về quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước; cơ chế, chính sách bồi thường, tái định cư, hỗ trợ đời sống, giải quyết việc làm đối với những hộ dân có đất bị thu hồi đất. Tổ chức quản lý, thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, đảm bảo công bằng và phải công khai theo quy định.
- Tiếp tục kiện toàn các Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng; tăng cường trách nhiệm các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lựa đơn vị tư vấn, nhà thầu có năng lực phù hợp với từng loại, cấp công trình.
- Tiến hành kiểm tra, rà soát, sơ kết đánh giá các chương trình, dự án đầu tư ở miền núi để rút ra những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém và có giải pháp chỉ đạo, quản lý phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Thường xuyên tổ chức trực báo tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, để kịp thời xử lý và đề xuất xử lý những vướng mắc, tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.
5. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường đối thoại doanh nghiệp; minh bạch hóa, công khai qui trình, thủ tục đầu tư; chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển các loại hình doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế trang trại.
- Rà soát các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: Đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, thuế,… để sửa đổi hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi, bãi bỏ những quy định bất hợp lý.
-Sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Đặc biệt quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, tiếp cận thông tin thị trường,…
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát các dự án đầu tư; kiên quyết xử lý, thu hồi Chứng nhận đầu tư đối với các dự án kéo dài thời gian thực hiện quá lâu, chiếm dụng đất, vi phạm quy định của pháp luật và những quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư.
- Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư về tài chính, đất đai,… để làm việc với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore về phát triển KCN và đô thị, dịch vụ tại Quảng Ngãi.
6. Khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp
Chỉ đạo kiên quyết thực hiện đúng lịch thời vụ trong sản xuất nông nghiệp; chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh ở cây trồng, gia súc, gia cầm; tiêm phòng kịp thời, đúng lịch quy định. Tổ chức chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phá rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, cấp ủy cơ sở, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống cháy rừng, phá rừng.
7. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
- Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Huy động các nguồn lực, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học; đặc biệt nâng cao hiệu quả giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
- Đổi mới công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ; chú trọng lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ có triển vọng để từng bước hình thành đội ngũ cán bộ chiến lược của tỉnh.
- Hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020; phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề, quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tạo liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu nhân lực trong các khu công nghiệp và Khu Kinh tế Dung Quất.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng phục vụ nhu cầu thực tế về sản xuất và đời sống. Kết quả nghiên cứu phải được chuyển giao cho người ứng dụng. Trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
- Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ nhập ngoại, ứng dụng các công nghệ nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
8. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường
- Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị cho các cơ sở y tế đi đôi với đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu và đào tạo cán bộ y tế cho miền núi. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm y đức.
- Hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành nghề nông thôn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động cho vay giảm nghèo của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
- Rà soát, tổng hợp danh sách các hộ nghèo ở từng khu dân cư, thôn, bản để có giải pháp, chính sách thích hợp giúp hộ thoát nghèo bền vững. Củng cố, tăng cường bộ máy làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các cấp; kiểm tra , giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
- Tăng cường công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường và xử lý các loại chất thải phát sinh, đặc biệt ở các đô thị, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh. Xây dựng mô hình tổ chức thu gom, xử lý rác thải, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
9. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước
- Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để từng bước tự chủ hoàn toàn về tài chính, giảm chi cho Ngân sách nhà nước.
- Tăng cường chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực và kỹ năng thực hiện tốt nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm nhân sự nhằm phát huy tốt năng lực, trọng dụng nhân tài, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức.
-Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính đúng thời gian quy định; chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện tốt chương trình hiện đại hóa nền hành chính theo quy định của Chính phủ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước.
- Tổ chức thực hiện tốt Luật phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Đảm bảo công khai, minh bạch trong trong xây dựng và thực thi các chính sách và pháp luật của nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
10. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại
- Tăng cường vận động nhân dân và bằng các biện pháp thích hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,... gây mất ổn định chính trị, xã hội. Tập trung tăng cường an ninh ở Khu Kinh tế Dung Quất để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư và người lao động đến công tác và đầu tư tại đây.
- Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường hòa giải ở cơ sở; đồng thời rà soát lại các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến những nội dung có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
- Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tiến đến giảm dần tai nạn giao thông. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông đối với người dân; tập trung xử lý dứt điểm các điểm đen về tại nạn giao thông.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2012. Ủy ban nhân dân tỉnh kính báo cáo HĐND tỉnh./.