Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2011.
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
Tiến độ sản xuất vụ mùa: Kế hoạch diện tích và thời vụ được đảm bảo, đến ngày 5/8, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong lúa mùa với diện tích 36.809 ha, vượt 2,2% so KH, bằng 99% so với cùng vụ năm trước, trong đó, gieo thẳng 1.748 ha; diện tích lúa lai tiếp tục được nhân rộng. Cùng với việc chăm sóc lúa mùa, gieo trồng rau màu vụ hè thu cũng được đẩy mạnh với diện tích 1.900,8 ha, đạt 76% KH, bằng 84,5% so với cùng vụ năm trước; trong đó, cây lạc 145 ha, đạt 96,7%, bằng 89,1%; đậu tương 712 ha, vượt 1,2%, bằng 81,6%; rau các loại 1.024 ha, đạt 70,6%, bằng 71%.
Chăn nuôi và hoạt động thú y: Đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; đàn lợn đang từng bước được khôi phục, không phát sinh dịch bệnh lớn. Tuy nhiên, các ngành chức năng và các địa phương vẫn tích cực kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời, không để cho bệnh phát sinh thành dịch. Đồng thời tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; trong tháng, thực hiện tiêm 18.140 liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; 67.120 liều vắc-xin cho đàn gia cầm.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN, GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Sản xuất công nghiệp
a) Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994
Giá trị sản xuất tháng 8 ước 5.399,8 tỷ đồng, tăng 6% so tháng trước và tăng 71% so cùng tháng năm trước. Sau 8 tháng, GTSX công nghiệp đạt 35.965,2 tỷ đồng và tăng 62,2% so cùng kỳ, gần bằng cả năm 2010.
Xét theo khu vực: Kinh tế Nhà nước, GTSX ước 228,9 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 11,1% so cùng tháng năm trước; Kinh tế ngoài Nhà nước, GTSX ước 1.175,8 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 16,4%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng vững chắc, GTSX chiếm tới 74%/tổng GTSX toàn ngành công nghiệp, tăng 7,1% và tăng 105,7%.
Xét theo địa phương: So với tháng trước, huyện Quế Võ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 33,2%. So cùng tháng năm trước, 8/8 địa phương đều tăng, trong đó, địa phương có tốc độ tăng cao huyện Yên Phong tăng 171%; Quế Võ tăng 64,7%; Tiên Du tăng 31%; Thuận Thành tăng14,1%; Gia Bình tăng 6%.
b) Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số phát triển công nghiệp tháng 8 tăng 8,6% so tháng trước và tăng 47,1% so cùng tháng năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,3% và tăng 115,7%; ngành công nghiệp chế biến tăng 8,7% và tăng 47,7%.
2. Đầu tư
Tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước 131 tỷ đồng, tăng 20% so tháng trước, giảm 7,1% so cùng tháng năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 92 tỷ đồng, tăng 35,5% và tăng 40,4%. Sau 8 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước do địa phương quản lý ước 928,5 tỷ đồng, đạt 45,3% KH năm, giảm 17,3% so với cùng kỳ.
3. Giao thông vận tải
Vận tải hàng hoá, khối lượng vận chuyển 2.143 tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 25,6% so với cùng tháng năm trước; Luân chuyển 95.446 nghìn tấn.km, tăng 1,6% và tăng 28,7%. Vận tải hành khách, khối lượng vận chuyển ước 871 nghìn người, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng tháng năm trước; Luân chuyển 24.945 nghìn người.km, tăng 2% và tăng 9,6%. Doanh thu vận tải, ước 144,06 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 39,4% so với cùng tháng năm trước. Sau 8 tháng, toàn tỉnh luân chuyển 735 triệu tấn.km hàng hoá, tăng 9,4% so cùng kỳ; 206,1 triệu lượt hành khách.km, tăng 12,9%; Doanh thu vận tải 1.060,9 tỷ đồng, tăng 25,6%.
Tình hình an toàn giao thông: Trong tháng, cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra và phát hiện, xử lý 3.624 trường hợp vi phạm Luật giao thông, xử phạt và nộp kho bạc Nhà nước hơn 754 triệu đồng. Tai nạn giao thông có dấu hiệu giảm xuống, trong tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn, làm chết 6 người; so tháng 6, giảm 4 vụ và giảm 8 người chết; so cùng tháng năm trước, giảm 8 vụ và giảm 9 người chết.
III. THƯƠNG MẠI – TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
1. Thương mại
Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước 1.777,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 27% so cùng tháng năm trước. Sau 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 13.980,8 tỷ đồng, tăng 26,6% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá BQ 8 tháng là 20,43% thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 5,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng: tháng 8 tăng 1,4% so tháng trước, trong đó, nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,56%; Giáo dục tăng 9,97%. So cùng tháng năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 27,06%; So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 18,51%.
Xuất, nhập khẩu([1]): Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 8 ước 439,2 triệu USD, tăng 4,1% so tháng trước và tăng 4,4 lần so cùng tháng năm trước; Nhập khẩu ước 471,4 triệu USD, tăng 5,6% và tăng 3,7. Sau 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước 2.527 triệu USD, tăng 3,4 lần so cùng kỳ; Nhập khẩu ước 2.571,4 triệu USD, tăng 2,7 lần.
2. Tài chính
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8 ước 481,9 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 80,7% so cùng tháng năm trước. Tổng chi ngân sách ước 299,6 tỷ đồng, tăng 66% và tăng 27,4%. Sau 8 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 3.877,5 tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ; Chi ngân sách là 3.288,1 tỷ đồng, tăng 31,3%.
3. Ngân hàng - Tín dụng
Hoạt động ngân hàng tín dụng tiếp tục ổn định, tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 8 ước 16.500 tỷ đồng, tăng 24,3% so cùng thời điểm năm trước và chỉ tăng 17,3% so thời điểm cuối năm 2010; Tổng dư nợ cho vay 25.550 tỷ đồng, tuy tăng 24,5% so cùng thời điểm năm trước nhưng chỉ tăng 10,9% so với thời điểm cuối năm 2010, dư nợ quá hạn giảm từ 1.199 tỷ đồng của tháng 7 xuống còn 1.150 tỷ đồng trong tháng 8 và tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,74% xuống còn 4,5%. Tổng thu tiền mặt qua ngân hàng 8 tháng là 107.967 tỷ đồng, tăng 67,3% so cùng kỳ; chi tiền mặt là 108.290 tỷ đồng, tăng 65,4%.
IV. HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ XÃ HỘI
1. Giáo dục – Đào tạo
Từ ngày 15/8 các bậc học từ mầm non tới THPT sẽ đồng loạt tựu trường, nên từ đầu tháng 8 ngành GD-ĐT đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, sắp xếp học sinh,… cho năm học mới 2011-2012. Khối các trường THCN, CĐ và ĐH trên địa bàn đang gấp rút cho công tác tổ chức tuyển sinh và khai giảng năm học mới. Kết thúc kỳ thi đại học và cao đẳng năm nay, toàn tỉnh có 7 em học sinh đỗ thủ khoa, đặc biệt trong kỳ thi Olimpic Toán quốc tế, có 1 em đạt huy chương Đồng.
2. Hoạt động Y tế
Trong tháng do nắng, mưa bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, số người đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh tăng cao, tổng số lượt người khám bệnh ước 138,4 nghìn lượt người, tăng 13,2% so tháng trước; bệnh nhân điều trị nội trú gần 10 nghìn lượt người, tăng 12,9%, với 68,9 nghìn ngày; số trường hợp mắc cúm thường 1.277 người, tăng 7,8%. Trong tháng 7, qua xét nghiệm HIV 1.332 trường hợp đã phát hiện 14 trường hợp dương tính. Hiện nay, bệnh chân tay miệng đã và đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành phố, các đơn vị chức năng ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng chống và giám sát chặt chẽ để chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, dịch trên địa bàn.
3. Hoạt động Văn hoá, Thể dục thể thao
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tập trung hướng vào tuyên truyền các ngày kỷ niệm: Cách mạng tháng Tám (19/8), ngày Quốc khánh (2/9), ngày nạn nhân chất độc màu da cam (10/8), tháng an toàn giao thông...
Hoạt động thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm, trong tháng đã tổ chức thành công giải “Vô địch Võ thuật năm 2011” với hơn 200 VĐV tham dự, Ban tổ chức đã trao 50 bộ huy chương các loại cho các đoàn và VĐV, trong đó, có 20 bộ huy chương thuộc môn Võ cổ truyền và 30 bộ huy chương thuộc môn Karate-do./.
_____________________________________
([1]) Số liệu xuất nhập khẩu đánh giá trong báo cáo này chỉ bao gồm các đơn vị hạch toán độc lập.