Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2012-09:28:00 AM
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF): Ghi nhận và hành động

Sau ghi nhận, những hành động quyết liệt là yêu cầu quan trọng để VBF thực sự trở thành diễn đàn đóng vai trò động lực cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh.
Ngày 29/5 tới, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ, theo thông lệ hơn 10 năm qua, sẽ được tổ chức trước thềm Hội nghị Các nhà tài trợ (CG giữa kỳ 2012), nhằm đánh giá lại những tiến bộ và tồn tại của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam, cũng như kiến nghị các giải pháp thực hiện.
VBF từng được nhìn nhận là một trong những sự kiện lớn trong năm về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với sự tham gia tích cực trong cả năm của đại diện các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các hiệp hội ngành nghề, nhằm rà soát các rào cản của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
Việc rà soát thực hiện trên các lĩnh vực như thủ tục hành chính, luật pháp - chính sách đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp và đề xuất với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam các giải pháp khắc phục, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ các nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới.
Trong nhiều năm qua, với sự tham gia chủ trì của các tổ chức có uy tín cao như Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), VBF đã có những đóng góp cụ thể vào việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, thông qua kết quả hoạt động của các Nhóm công tác, như Nhóm sản xuất – phân phối, Nhóm ngân hàng, Nhóm tài chính.
Báo cáo của các Nhóm công tác đã chỉ ra khá cụ thể các vấn đề còn tồn tại về môi trường sản xuất – kinh doanh, chẳng hạn như, giữa hai kỳ họp VBF, các bộ, ngành cụ thể đã giải quyết được số lượng bao nhiêu rào cản về mặt thủ tục hành chính để thực thi thông tư của các bộ, ngành? Còn bao nhiêu rào cản? Số mới phát sinh mới?
Việc chỉ đích danh các bộ, ngành và số lượng rào cản giải quyết được hay còn tồn tại đó, nhất là với sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ, sẽ giúp các bộ, ngành nhìn nhận thẳng thắn mặt tích cực và hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo sự chuyển biến tiếp theo.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, giữa ghi nhận và hành động, trên thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp từng tham gia tích cực trong nhiều phiên họp của VBF thời gian qua, khoảng cách này thậm chí đã tăng lên. Biểu hiện cụ thể là, số rào cản tồn đọng trong môi trường đầu tư – kinh doanh được giải quyết trong kỳ giảm đi so với một số năm trước, còn số rào cản tồn đọng mới phát sinh nhiều hơn.
Đây là vấn đề cần được kiểm chứng, đánh giá nghiêm túc và có giải pháp khắc phục nếu xác thực, nhằm tái khẳng định đóng góp của VBF trong việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
Một dẫn chứng khác về ghi nhận và hành động là, trong chương trình nghị sự sắp tới của VBF giữa kỳ 2012, đại diện của Công ty TNHH Kiểm toán Enrst and Young sẽ trình bày về vấn đề thuế và phí, trong đó có đề cập đến ảnh hưởng và tác động của quy định hiện hành về chi phí quảng cáo đối với các doanh nghiệp.
Đây là vấn đề đã được bàn, được đưa ra xem xét từ nhiều năm trước trong hoạt động của VBF, cũng đã được ghi nhận và hứa hẹn giải quyết vào năm 2008, nhưng đến nay vẫn chỉ là ghi nhận. Vấn đề này thực sự chưa được bàn thảo một cách thỏa đáng nhằm giải tỏa trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, mặc dù đã được đại diện Eurocham kiến nghị với lãnh đạo Bộ Tài chính.
Theo ý kiến của một doanh nghiệp châu Âu lớn đang hoạt động tại Việt Nam, việc khống chế chi phí quảng cáo ở mức 10% tổng chi phí hàng năm của doanh nghiệp đã và đang là một rào cản lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp, không phù hợp với thực tiễn sản xuất – kinh doanh của họ, đặc biệt là những năm có sản phẩm mới, làm hạn chế thương hiệu của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, dẫn đến hạn chế xuất khẩu, làm giảm đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp hiện có tại Việt Nam và đầu tư mới từ nước ngoài, trong khi hầu hết các nước trong khu vực không có quy định này (ngoại trừ Trung Quốc có quy định chi phí quảng cáo không vượt quá 15% tổng doanh thu).
Những ví dụ thực tiễn đó càng khẳng định, ghi nhận và hành động vẫn là một trong những yêu cầu chính của các hội nghị và diễn đàn, đặc biệt là các diễn đàn như VBF – nơi gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, thẳng thắn giữa đại diện các thành phần doanh nghiệp Việt Nam và đại diện các bộ, ngành thuộc Chính phủ. Đây cũng là nơi thể hiện sự đổi mới, hướng tới giá trị sáng tạo của Nhà nước, lấy lại lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào quyết tâm cải cách, đổi mới để phát triển của Chính phủ.
Có niềm tin, doanh nghiệp sẽ quyết tâm đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đầu tư mới, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính vì thế, các thành viên tham dự VBF đều nhận rõ trách nhiệm là không chỉ ghi nhận mà phải hành động, và hành động với trách nhiệm cao nhất để đưa VBF trở về đúng vị trí và vai trò vốn có của nó trong việc góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh./.
Phan Linh
baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 1173
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)