(Theo Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương ngày 20 tháng 7 năm 2011)
1. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Sản xuất nông nghiệp
Đến nay, sản xuất vụ đông xuân tỉnh Hải Dương đã kết thúc, hoàn thành việc thu hoạch lúa chiêm xuân 2011. Kết quả thu hoạch lúa chiêm xuân sơ bộ đánh giá năng suất lúa đạt 66,0 tạ/ha, tăng 9,1% (+5,5 tạ/ha) so với cùng kỳ năm 2010; sản lượng ước đạt 420.050 tấn.
Nhận định chung, từ đầu vụ có khó khăn, bất lợi về thời tiết thì từ giữa vụ đến cuối vụ có sự thuận lợi, nguyên nhân chính đạt được kết quả trên vẫn là do thời tiết, cơ cấu giống lúa, hình thức cấy mạ sân và gieo thẳng phù hợp với mùa vụ.
Về cơ cấu giống lúa chiêm xuân 2011 có sự thay đổi đáng kể, các giống lúa như: PC15, Q5, P6, các giống lúa lai,... vẫn khẳng định năng suất cao trong các giống lúa, nhưng diện tích lúa lai vụ chiêm xuân năm nay lại giảm đáng kể, nguyên nhân khiến cho diện tích lúa lai giảm là do giá giống lúa lai quá cao (gấp 3-5 lần giống lúa thuần); mặt khác, một số giống lúa lai nhập khẩu khó khăn, không cung ứng kịp thời nên nhiều hộ nông dân chuyển sang cấy giống lúa thuần.
Rau, màu vụ đông xuân 2011 cơ bản cho năng suất thấp hơn năm 2010, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, giá cả và thị trường tiêu thụ rau, màu ổn định và có nhiều thuận lợi; sản xuất rau, màu vẫn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung, tích cực gieo trồng lúa và rau mầu vụ mùa đúng thời vụ. Tuy nhiên, tiến độ gieo cấy lúa mùa bị chậm so với lịch thời vụ của tỉnh; theo lịch thời vụ, đến ngày 5/7 kết thúc gieo cấy ở trà mùa sớm, gieo thẳng ở trà mùa trung, nhưng hiện nay nhiều nơi mới bắt đầu gieo cấy ở trà mùa sớm do khâu thu hoạch vụ lúa chiêm xuân chậm.
Đến ngày 15/7/2011, toàn tỉnh gieo cấy được 22.900 ha lúa mùa, bằng 36,6% kế hoạch; trong đó, diện tích cấy đạt 18.475 ha, diện tích gieo thẳng đạt 4.425 ha; gieo trồng được 5.770 ha rau, màu hè thu.
Năm 2011, sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt trên 50.000 tấn, sản lượng chủ yếu tập trung ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Tại thời điểm này, các loạt vải cuối vụ đang được thu hoạch, giá bán sản phẩm vải quả bình quân năm 2011 khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Toàn tỉnh, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Chăn nuôi lợn phục hồi chậm sau dịch tai xanh, đàn gia cầm phát triển khá. Sau đợt dịch tai xanh trên đàn lợn xảy ra tại một số xã trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y đã cấp phát hơn 6 tấn dung dịch tiêu độc khử trùng cho 12 huyện, thành phố, hướng dẫn nông dân vệ sinh chuồng trại để tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn.
1.2. Sản xuất lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ, đặc dụng. Hiện nay, nhiều diện tích rừng theo diện dự án 327 đã đến kỳ khai thác, thị trường tiêu thụ khá ổn định và giá sản phẩm gỗ tương đối cao.
Mặc dù, thời tiết nắng nóng và khô hạn tại nhiều địa phương gây nguy cơ gây cháy rừng cao, nhưng do công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đáng kể.
1.3. Sản xuất thuỷ sản
Nuôi trồng thuỷ sản vẫn phát triển khá, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Ninh Giang xuất hiện cá trắm bị chết hàng loạt và hiện đang lây sang một số giống cá khác, số lượng cá chết khoảng 50 tấn, thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo nhận định ban đầu là do thời tiết thay đổi, lượng ô xy trong nước ở một số diện tích mặt nước giảm dẫn đến việc cá suy kiệt, mắc bệnh. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh cho cá và hướng dẫn phương pháp điều trị cho cá bị mắc bệnh.
2. Sản xuất Công nghiệp
Kinh tế thế giới chuyển dịch và phát triển không ổn định, nền kinh tế trong nước chịu sự chi phối chung từ bên ngoài, giá cả thị trường trong nước đang chịu nhiều tác động từ việc điều chỉnh một số mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế theo lộ trình như than, điện...và việc tăng lương tối thiểu đối với lao động ở các lĩnh vực đã tác động mạnh tới nền kinh tế nói chung và lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói riêng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2011 giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 15,0% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả một số nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh của ngành này tăng cao, cắt giảm đầu tư xây dựng cơ bản thuộc mọi thành phần kinh tế dẫn đến sản lượng đá dăm các loại (đá đã nghiền) giảm 32,3% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước ngoài việc tăng về số lượng các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh trong ngành này, còn có một số sản phẩm có mức sản xuất tăng cao như: bộ dây dẫn điện dùng trong xe ô tô tăng 29,7%; vi mạch điện tử tăng 66,1%, máy Fax tăng 117,0% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sản phẩm xe ô tô từ 5 đến 30 chỗ ngồi do có sản phẩm mới được đưa vào sản xuất đã làm cho sản phẩm này có mức tăng 196,8% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước giảm 12,7% so với tháng trước và giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết năm nay có mưa nhiều thuận lợi cho việc sản xuất của các nhà máy thuỷ điện vì vậy Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện được dừng sản xuất một số dây truyền để bảo dưỡng máy móc thiết bị. Như vậy, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước trên địa bàn giảm nhiều. Sản phẩm điện sản xuất giảm 17,5% so với tháng trước và giảm 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7 năm 2011, một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: bia đóng chai tăng 12,4%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 31,3%; bộ com lê tăng 26,1%; giầy thể thao tăng 34,1%; máy khâu các loại tăng 21,8%; bộ dây dẫn điện dùng cho xe ô tô tăng 29,7%; vi mạch điện tử tăng 66,1%; điện thoại cố định tăng 78,0%; máy Fax tăng 117,0%; xe ô tô các loại tăng 99,6%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: đá dăm các loại giảm 32,3%; áo khoác và áo jắc két cho người lớngiảm 48,3%; áo khoác và áo jắc két cho trẻ em giảm 55,6%; quần áo mặc thường trẻ em giảm 83,6%; quần áo thể thao cho người lớn giảm 35,9%; quần áo bảo hộ lao động giảm 34,6%; điện sản xuất giảm 42,6%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 9,5%. (Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ giảm 7,2%; công nghiệp chế biến tăng 21,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước giảm 9,0%.
Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: quần áo mặc thường cho người lớn tăng 72,3%; quần áo thể thao cho người lớn tăng 29,1%; quần áo bảo hộ lao động tăng 34,9%; bộ comlê tăng 14,7%; giầy thể thao tăng 23,7%; bộ dây dẫn điện dùng cho xe ô tô tăng 18,9%; vi mạch điện tử tăng 43,4%; điện thoại cố định tăng 35,6%; máy Fax tăng 65,9%; xe ôtô các loại tăng 8,8%; nuớc máy thương phẩm tăng 14,0%... Bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: đá có chứa canxi chưa nghiền giảm 32,7%; bia đóng chai giảm 24,1%; áo khoác và áo jắc két cho trẻ em giảm 34,2%; quần áo mặc thường trẻ em giảm 67,0%; máy khâu các loại giảm 38,8%; điện sản xuất giảm 13,1%...
3. Hoạt động đầu tư, xây dựng
Ước tính tháng 7, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 165,8 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh tháng 7 ước đạt 112,9 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn cân đối ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 56,1 tỷ đồng, tăng 16,7%; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước đạt 24,1 tỷ đồng tăng 15,3%; vốn nước ngoài (ODA) ước đạt 28,1 tỷ đồng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, cấp xã đạt 52,9 tỷ đồng, giảm 1,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, một số công trình khởi công: Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà làm việc văn phòng huyện uỷ huyện Nam Sách; Nhà bia thành lập tỉnh uỷ Hải Dương tại huyện Nam Sách; đường GTNT xã An Sinh, công trình đường GTNT xã Phúc Thành, đường GTNT tuyến 1, 2 xã Hiệp An huyện Kinh Môn; Đường GTNT xã Văn Đức, công trình nhà làm việc HĐND - UBND xã Bắc An huyện Chí Linh; Nhà lớp học trường mầm non xã Thanh An huyện Thanh Hà...
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá tháng 7 năm 2011 ước đạt 1.446 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, thương nghiệp tăng 25,8%; khách sạn, nhà hàng tăng 46,1%; du lịch, dịch vụ tăng 39,1%). Nhóm xăng dầu tăng 4,8%; đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 1,9%; lương thực thực phẩm tăng 4,4%; phương tiện đi lại tăng 1,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,6%...
Ước 7 tháng năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9.348 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế, thương nghiệp tăng 21,3%; khách sạn, nhà hàng tăng 31,4%; du lịch lữ hành và dịch vụ tăng 32,9%. Cơ cấu tổng mức bán lẻ khu vực cá thể chiếm 62,9%; khu vực tư nhân 25,9% và 11,2% là khu vực Nhà nước, tập thể và có vốn đầu tư nước ngoài...
4.2. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu: Ước tháng 7 năm 2011, tổng trị giá xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 113.202 nghìn USD tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Thành phần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106.246 nghìn USD tăng 25,4%; khu vực kinh tế địa phương đạt 6.956 nghìn USD tăng 77,6% so với cùng kỳ.
Ước 7 tháng năm 2011, xuất khẩu toàn tỉnh đạt 717.481 nghìn USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số hàng xuất khẩu tăng giảm so với cùng kỳ gồm: Giày dép các loại tăng 67,4%; hàng dệt tăng 53,3%; rau quả tăng 29,4%; hàng điện tử tăng 51,8%; dây điện các loại giảm 9,5%; thực phẩm chế biến giảm 6,6%.
Nhập khẩu: Ước tháng 7 năm 2011, nhập khẩu trên địa bàn toàn tỉnh đạt 112.273 nghìn USD tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu tăng so với tháng trước như phụ liệu giày dép tăng 8,5%; ô tô các loại tăng 6,2%; máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 1,7%; vải may mặc tăng 1,3%.
Ước 7 tháng năm 2011, nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 701.419 nghìn USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%; kinh tế địa phương giảm 3,3%. Mặt hàng nhập khẩu tăng giảm so với cùng kỳ là vải may mặc tăng 99,7%; thức ăn chăn nuôi gia súc giảm 1,2%; phụ liệu giày dép tăng 45,3%; ô tô các loại giảm 27,4%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 128,9%.
4.3. Giá cả, thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2011 tăng 1,36% so với tháng trước, tăng 14,88% so với tháng 12 năm trước và tăng 22,21% so cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng giảm so với tháng trước giữa hai khu vực là thành thị tăng 1,29%, nông thôn tăng 1,38%.
Đàn lợn do dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng cao kéo dài trên địa bàn tỉnh đã làm giảm đáng kể. Nguồn cung con giống khan hiếm, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, đã làm giảm nguồn cung thực phẩm trong thời gian vừa qua. Nguồn rau xanh các loại giảm trong giai đoạn chuyển từ vụ đông sang vụ chiêm xuân, ngoài ra do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, xen lẫn mưa to làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của rau xanh, trong khi nhu cầu sử dụng lớn đã làm tăng giá bán đáng kể, đây cũng là 2 loại mặt hàng trong tháng 7 có mức tăng giá cao, đột biến so với tháng trước, các mặt hàng còn lại khác đều giữ ở mức tăng ổn định.
Giá Vàng bình quân tháng 7/2011 là 38,94 triệu đồng/lượng, chỉ số giá Vàng tháng 7 tăng 0,77% so với tháng trước; tăng 34,34% so với cùng kỳ, bình quân cùng kỳ tăng 37,34%. Giá Vàng trên thị trường Hải Dương hiện nay dao động từ 39,0 triệu đồng - 39,2 triệu đồng/lượng.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 10,88% so với cùng kỳ và bình quân cùng kỳ tăng 13,56%. Hiện nay, giá Đô la Mỹ (loại 50 - 100USD) trên thị trường Hải Dương dao động từ 20.640 đồng đến 20.660 đồng/1 USD.
4.4. Vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, bốc xếp, dịch vụ vận tải 7 tháng năm 2011 ước đạt 1.921 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ (doanh thu vận tải đường bộ tăng 22,4%; doanh thu vận tải đường sông tăng 27,0%; doanh thu vận tải đường biển tăng 68,0%).
Vận tải hàng hoá, khối lượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2011 ước đạt 3.247 nghìn tấn tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 237.355 nghìn tấn.km tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển 7 tháng năm 2011 tăng 9,2%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 26,8%.
Vận tải hành khách, khối lượng hành khách vận chuyển tháng 7 năm 2011 ước đạt 1.147 nghìn người, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 63.440 nghìn người.km, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước 7 tháng năm 2011, khối lượng vận tải hành khách tăng 11,8%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 12,3%.
5. Một số tình hình xã hội
Sáng 8/7, thí sinh dự thi đại học đợt 2 đã đến các điểm thi làm thủ tục dự thi. Hải Dương có 2 trường tổ chức thi tuyển, đại học Sao Đỏ có gần 1.200 trong tổng số hơn 1.600 hồ sơ dự thi, đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có 9.665 trong tổng số 11.700 hồ sơ dự thi đến làm thủ tục.
Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7, các địa phương, ban ngành trong tỉnh tích cực vận động toàn dân hưởng ứng bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... bằng các hoạt động treo băng rôn, khẩu hiệu ở các khu vực công cộng, các đài phát thanh xã phường tích cực đưa tin, bài về Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.
Hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, các đoàn thể, tổ chức chính trị các cấp, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có nhiều hoạt động chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các hoạt động được thể hiện bằng việc chăm lo, cải thiện nhà ở, ưu tiên giáo dục và đào tạo nghề cho con em thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, tặng quà và khám sức khoẻ miễn phí cho các đối tượng chính sách, thương binh.
Hải Dương đăng cai Giải Vô địch bóng bàn trẻ thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2011. Giải sẽ được tổ chức từ ngày 25 đến 31/7 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh. Dự kiến có hơn 200 vận động viên đến từ 20 đơn vị trong cả nước sẽ tham dự.
Từ ngày 11 đến 14/7, giải vô địch đua thuyền rô-inh toàn quốc năm 2011 diễn ra tại Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội). Tại giải lần này Hải Dương có 7 vận động viên tham dự xuất sắ giành 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, xếp thứ Nhất toàn đoàn. Ngay sau giải, đoàn Hải Dương tiếp tục tham dự Giải vô địch đua thuyền canoing toàn quốc tại Hà Nội.
* Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông
Theo báo cáo nhanh về trật tự an toàn giao thông của Ban an toàn giao thông tỉnh, trong tháng 6 năm 2011 trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn, giảm 4 vụ (-25,0%) so với tháng trước và giảm 6 vụ (-33,3%) so với cùng kỳ năm trước. Số người chết do tai nạn giao thông là 14 người, giảm 6 người (-30,0%) so với tháng trước và giảm 4 người (-22,2%) so với cùng tháng năm trước; số người bị thương do tai nạn giao thông là 2 người, giảm 3 người (-60,0%) so với tháng trước và giảm 6 người (-75,0%) so với cùng tháng năm trước.
Website UBND tỉnh Hải Dương