Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua tồn tại nhiều bất ổn, lạm phát còn cao, lãi suất chưa giảm, doanh nghiệp khó khăn do tín dụng thu hẹp, tăng tồn kho, sức mua thị trường giảm.
Những chính sách điều chỉnh kịp thời của Chính phủ thời gian qua sẽ tiếp tục dẫn đường, giúp nền kinh tế hồi phục và “ấm” dần lên trong năm 2012. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc tự “cứu” mình nhìn từ thực tế của năm nay.
Giữ lạm phát một con số: nhiệm vụ tiên quyết
Tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 - Đâu là cơ hội?” được tổ chức ngày 9/12 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2012 là Nhà nước cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số.
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, GDP tăng trưởng bao nhiêu cũng được nhưng lạm phát phải ở mức một con số vì lạm phát không gì khác hơn chính là loại thuế vô hình đánh vào toàn dân. “Lạm phát cao không còn là vấn đề kinh tế nữa mà liên quan đến chính trị xã hội.
Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh chỉ tiêu CPI một con số là điều bắt buộc phải thực hiện và sẽ đạt dưới 10% vì nếu như không kiểm soát được CPI một con số thì không có cơ sở để kéo giảm tín dụng và không thể tạo được niềm tin cho thị trường. Đây là một mục tiêu mà mọi giải pháp phải tập trung, tiên quyết trong các chính sách vĩ mô.
Trong giai đoạn khủng hoảng vừa rồi, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách thắt chặt đầu tư, hạn chế tín dụng, làm cho các doanh nghiệp đang rất khó khăn trên cả hai phương diện vốn và thị trường. Do đó, trong giai đoạn sắp tới, với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở một con số thì chính sách tín dụng sẽ giảm, cởi bỏ áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính quốc gia dự báo, nếu lạm phát đạt mức 9%, lãi suất huy động có thể ở mức 11%, lãi suất cho vay có thể khoảng 13,5-15%.
Theo ông Tuyển, nếu lãi suất giảm 2% so với hiện nay sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kiềm chế lạm phát phải hy sinh tăng trưởng. Trong khi đó, tăng trưởng vẫn được coi trọng, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 là 6%.
Tuy nhiên, giảm đầu tư dễ dẫn đến suy giảm tăng trưởng, nếu như không dịch chuyển vốn đầu tư và phân bố nguồn lực vào khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay những lĩnh vực ngành nghề có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian qua thì rất khó đảm bảo mức tăng trưởng 6% này. Do đó, để giữ lạm phát ở mức 9% còn rất khó khăn, nhưng dù sao vẫn khá “nhẹ” so với năm 2011 và có thể đạt được.
Tái cấu trúc bộ ba: ngân hàng-chứng khoán-bất động sản
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 11 với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt tuy nhiên có thời điểm đã không theo đúng “bài." Do đó, chính sách tiền tệ sắp tới phải có sự điều chỉnh linh hoạt hơn. Những chính sách sắp tới của Nhà nước như hoa tiêu dẫn đường, giúp gỡ dần dần những “tảng băng” đang đóng, vì nếu gỡ nhiều dễ gây “ngập lụt.”
Nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng đó là cơ hội lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam có được trong năm 2012. Tuy nhiên các doanh nghiệp phải tự mình cứu mình trước trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay hơn là ngồi chờ những giải pháp của Chính phủ. Việc tái cấu trúc nền kinh tế ưu tiên tập trung vào ba lĩnh vực: đầu tư công, thị trường tài chính (tập trung các ngân hàng thương mại) và các tập đoàn Nhà nước. Tuy nhiên, cần giải quyết ba nút thắt về hạ tầng, nhân lực và thể chế thì mới tái cấu trúc thành công được.
Hiện Chính phủ đang hoàn thành đề án cụ thể để tái cấu trúc. Bộ ba này có quan hệ khăng khít với nền kinh tế. Do đó, Nhà nước không chỉ tái cấu trúc riêng hệ thống ngân hàng thương mại mà cả thị trường chứng khoán, tổ chức lại thị trường vốn. Trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện nay 97% được cung cấp bởi các định chế ngân hàng thương mại còn các định chế tài chính tín dụng phi ngân hàng chỉ 3%.
Như vậy, tái cấu trúc ngân hàng thương mại không tách rời tổ chức lại toàn bộ thị trường vốn và vai trò của các định chế tài chính tín dụng phi thương mại. Trong 5 năm tới phải có vài ngân hàng có tầm cỡ trong khu vực và những ngân hàng khác phải phát triển đúng vai trò.
Bên cạnh đó, phải phát triển các định chế, các quy mô tổ chức tín dụng nhỏ để tùy phân khúc thị trường có ngân hàng tương ứng có tổ chức tín dụng phù hợp với phân khúc đó. Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, làm sao đến 2015 khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại, trong tương lai, các ngân hàng thương mại của Việt Nam phải trở thành những ngân hàng đại chúng.
Với chủ trương tái cấu trúc sắp tới, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần vì trong tổng thể chung, nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực khác cần tái cấu trúc. Tuy nhiên trước mắt phải làm sao giải quyết vấn đề thị trường chứng khoán đang giảm rất sâu (có mã số mệnh giá chỉ bằng ly trà đá) và thị trường bất động sản đóng băng…
Nếu giải quyết ngân hàng thương mại mà không đặt trong tổng thể giải quyết chung với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản thì khả năng thành công rất khó. Tảng băng của bất động sản quá lớn và tất cả thanh khoản của nền kinh tế đều nằm ở đây, chỉ khi nào “ấm” lên được thì mới tạo được thanh khoản cho nền kinh tế. Vì dù ở quy mô nào, hai thị trường này luôn là tín hiệu lạc quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản với hệ thống ngân hàng thương mại như “môi với răng.”
Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ngành ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc, đây là lĩnh vực tái cấu trúc mạnh nhất và bức xúc nhất mà các định chế tài chính trên thế giới quan tâm. Hy vọng chương trình này cũng sẽ được thực hiện khẩn trương, bài bản tại Việt Nam.
Chính sách phục hồi thị trường bất động sản và chứng khoán cũng đã có đề án tái cấu trúc và đẩy nhanh việc thực hiện khi Nhà nước đã nhận ra việc chính sách tiền tệ quá chặt từ 30% xuống 10%, điều này không chỉ siết đầu tư của doanh nghiệp mà còn siết luôn vốn huy động của họ, đẩy ngân hàng vào việc nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên theo ông Nghĩa, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp trong năm 2012. Cụ thể, Chính phủ sẽ có một Nghị quyết về chính sách, trọng tâm khắc phục, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, một vài dấu hiệu chứng tỏ đang có cơ sở phục hồi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản như cấu trúc lại công ty chứng khoán, những điều khoản niêm yết sẽ được chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước để có thêm nhiều hàng hóa.
Đâu là cơ hội?
Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, mô hình kinh tế trước kia của Việt Nam chủ yếu dựa vào lao động rẻ, công nghiệp gia công, xuất khẩu tài nguyên thô… nhưng đến nay mô hình này không còn phù hợp, đã đến lúc phải chuyển từ gia công sang sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ cùng với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là hướng đi tương đối thuận lợi trong năm 2012.
Nền kinh tế tuy có nhiều dấu hiệu sáng sủa song vẫn tồn tại những khó khăn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng các doanh nghiệp cần phải tận dụng thế mạnh xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt, dù không mong muốn nhưng cũng đã xảy ra, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng tương tự của Thái Lan hiện còn khó khăn như nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng…
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải khai thác tốt thị trường trong nước, tiến hành tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh. Muốn đạt mục tiêu này phải bắt đầu từ chiến lược nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường; chú ý đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để chuẩn bị kế hoạch lâu dài khi kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ trì trệ.
Bên cạnh đó, ông Tuyển cũng chỉ ra những cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp cần phải tận dụng. Trong đó, Việt Nam đang trong giai đoạn tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương với nhiều thuận lợi như giảm thuế sâu, mở cửa dịch vụ lớn… sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đón một làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, cái khó của Hiệp định này thời điểm ban đầu là tiêu chuẩn môi trường nhưng về dài hạn rất phù hợp với đường lối phát triển của Việt Nam./.