Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/12/2011-15:08:00 PM
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27: Ngoại giao kinh tế tiếp tục là trụ cột

Với chủ đề “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 đã khai mạc ngày 12/12 tại Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 19/12.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ngành ngoại giao cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, nhằm tận dụng những cơ hội và ứng phó với khó khăn, thách thức mới.
Về nét mới của Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Hội nghị Ngoại giao được kết hợp tổ chức cùng với Hội nghị Ngoại vụ địa phương. Việc Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 16 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 sẽ tạo điều kiện cho các đồng chí trưởng cơ quan đại diện được tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo ngoại vụ các địa phương, nhằm nắm bắt rõ hơn yêu cầu đối ngoại trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong năm 2012, ngoại giao kinh tế tiếp tục là một trụ cột trong nền ngoại giao toàn diện của Việt Nam và sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Các yếu tố kinh tế và chính trị, văn hóa sẽ được kết hợp chặt chẽ, khéo léo nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc thông tin dự báo, tham mưu cho chính phủ trong điều hành vĩ mô sẽ được chú trọng hàng đầu. Tận dụng tốt, hiệu quả hơn các khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đối tác, trong đó có các đối tác chiến lược và các cơ chế, diễn đàn kinh tế đa phương mà Việt Nam là thành viên. Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao kinh tế cũng đã được sửa đổi quy chế sử dụng, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng nằm trong 9 gợi ý mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngành ngoại giao cần chú trọng trong thời gian tới. Tổng Bí thư cho rằng, trong công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, ngành ngoại giao cần lưu ý những diễn biến mới gần đây; chỉ ra những nguyên nhân nảy sinh; dự báo chiều hướng phát triển; phân tích tác động tới quan hệ quốc tế cũng như nước ta, từ đó đề xuất những chủ trương, quyết sách thích hợp.
Trong những năm qua, Việt Nam mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng, bao gồm cả một số lĩnh vực ngoài kinh tế, tham gia nhiều thể chế chính trị trên phạm vi toàn cầu và ở khu vực, đã từng đóng vai trò tích cực trong các thể chế đó. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, ngành ngoại giao cần cụ thể hoá chủ trương mới mà Đại hội XI đã nêu ra, là hội nhập quốc tế nói chung, chứ không chỉ là hội nhập kinh tế, từng bước đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, bền vững.
Trong quá trình hội nhập, một hướng hoạt động có ý nghĩa quan trọng là tiếp tục thực hiện và mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Trên tinh thần đó, ngành ngoại giao cần xây dựng đề án tổng thể để thực hiện chủ trương này với những nội hàm, phạm vi, biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, đi đôi với đề án tổng thể về hội nhập quốc tế, cần đề xuất biện pháp để phát huy vai trò của Việt Nam như một thành viên tích cực, chủ động của các thể chế khu vực và toàn cầu. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tìm kiếm phương cách thích hợp, góp phần trực tiếp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kể cả trên biển, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và hết sức quan trọng./.

baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 1007
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)