Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/05/2012-21:27:00 PM
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012
(MPI Portal) - Chiều 04/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ để thông báo một số nội dung quan trọng của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012.
Cùng tham dự Họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ ngành khác và các cơ quan truyền thông.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam. Ảnh: Phương Linh (MPI Portal)
Phát biểu tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết, trong hai ngày 03-04/5, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 04 năm 2012, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính phủ đã tập trung thảo luận, phân tích sâu các vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 04 tháng đầu năm 2012.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ tái khẳng định, tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra là kiềm chế lạm phát ở mức dưới 1 con số (khoảng 9%), duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) và thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4 và 04 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến, đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực bước đầu trên nhiều lĩnh vực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,5%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 9,3%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ. Nhập siêu 176 triệu USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Tính đến 15/ 4, giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN ước đạt 26% kế hoạch năm. Vốn ODA giải ngân 4 tháng đầu năm tăng 1,4% so với cùng kỳ; riêng tháng 4/2012 giải ngân tăng mạnh khoảng 41% so với 3 tháng đầu năm. Trong 4 tháng đầu năm, đã tạo việc làm cho khoảng 481 nghìn người. So cùng kỳ 2011, số hộ thiếu đói giảm 16,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,2%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đam, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đang nổi lên những vấn đề khó khăn, thách thức. Lãi suất tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao; dư nợ tín dụng giảm mạnh; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Tình hình sản xuất – kinh doanh bị ngưng trệ, lượng hàng tồn kho lớn; một bộ phận doanh nghiệp dừng hoạt động. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với tiến độ các năm trước. Nhập siêu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và sản xuất – kinh doanh trong thời gian tới.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2012.
Ảnh: Phương Linh (MPI Portal)
Do vậy, để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, thách thức
nêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức, bám sát tình hình, kiên trì mục tiêu tổng quát đã đề ra từ đầu năm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 và các Nghị quyết của Chính phủ. Tiếp tục tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; Về chính sách tài khóa, phải bảo đảm cân đối ngân sách, giữ bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 ở mức 4,8% GDP như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích đầu tư xã hội, thúc đẩy đầu tư FDI qua Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực có lợi thế về thị trường như nông nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế;…
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm, Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI đồng thời tập trung tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra bức tranh tổng quát về thực trạng các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng định kỳ thường xuyên nắm rõ tình hình, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phản ứng chính sách kịp thời.
Cũng theo Bộ trưởng Đam, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời phóng viên. Ảnh: Phương Linh (MPI Portal)
Trả lời câu hỏi của Phóng viên liên quan đến vấn đề gói hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện theo 5 nguyên tắc: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng doanh nghiệp khó khăn và kịp thời; đảm bảo và tính đến khả năng cân đối của ngân sách nhưng đồng thời hỗ trợ để tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp; phối hợp tốt với ngân hang nhằm điều hành chính sách tiền tệ để từng bước giảm lãi suất và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước.
Bà Mai cho biết, doanh nghiệp khó khăn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất gia công trong ngành sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp cơ khí…
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào thuế, như miễn, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, xổ số, các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt...), giãn thuế giá trị gia tăng với thời hạn 6 tháng, giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp thương mại và dịch vụ…
Về giải pháp chi ngân sách, đẩy nhanh phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản và đẩy nhanh quá trình giải ngân, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp,kiên cố hóa kênh mương, cho phép sử dụng phần kinh phí tạm dừng mua sắm theo Nghị quyết 11 của năm 2011 được chuyển sang 2012. Các giải pháp đưa ra nhằm kích thích tiêu thụ hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cũng được chú trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến đầu ra của sản phẩm.
Thứ trưởng Mai cũng cho biết thêm, theo tính toán sơ bộ, gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng. Các giải pháp về giãn thuế chiếm khoảng 16.000 tỷ ( trong đó, giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 nghìn tỷ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỷ).
Các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài cho các đối tượng kinh doanh phòng trọ cho công nhân, sinh viên thuê...giảm khoảng 4.100 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ thu theo đầu phương tiện giao thông (tính từ 1/6/2012 tới 1/1/2013) giảm nghĩa vụ đóng thuế cho doanh nghiệp khoảng 3.000-3.200 tỷ. Các giải pháp về chi tiêu trị giá khoảng 2.670 tỷ đồng.
Tại phiên họp lần này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty NN và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 ( Khóa XI) về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1460
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)