Ông cha ta đã dạy “Phi nông bất ổn”, trước khi nói “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Diễn biến 6 tháng đầu năm càng chứng tỏ vai trò quan trọng của tam nông.
|
Tăng giảm một số chỉ tiêu nông, lâm nghiệp-thủy sản (Nguồn số liệu:Tổng cục Thống kê; riêng tốc độ tăng dư nợ tín dụng: Ngân hàng Nhà nước)
|
Theo số liệu nói trên, tăng trưởng kinh tế của nông, lâm nghiệp- thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm nay tuy thấp nhất trong các nhóm ngành, nhưng số điểm phần trăm bị giảm so với cùng kỳ năm trước lại thấp hơn của toàn bộ nền kinh tế và thấp hơn của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng. Nói cách khác, nông, lâm nghiệp- thuỷ sản đã góp phần hạn chế sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Sản lượngcủa nhiều loại nông, lâm- thuỷ sản chủ yếu nhất là lương thực, thực phẩm đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước và đạt kỷ lục mới so với cùng kỳ các năm trước.
Kim ngạch xuất khẩunông, lâm- thuỷ sản tăng khá so với cùng kỳ, cả về lượng, cả về kim ngạch (thuỷ sản tăng 10%, rau quả tăng 8,6%, hạt điều tăng 44,8% về lượng và 30% về kim ngạch, cà phê tăng 22,3% về lượng và 17,2% về kim ngạch, hạt tiêu tăng 1,3% về lượng và tăng 28,1% về kim ngạch, sắn và sản phẩm của sắn tăng 73,5% về lượng và 44,8% về kim ngạch, cao su tăng 41% về lượng, chè tăng 13,9% về lượng và 12,8% về kim ngạch).
Mới qua 6 tháng đã có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (thuỷ sản 2,882 tỷ USD, cà phê 2,239 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 2,224 tỷ USD, gạo 1,688 tỷ USD, cao su 1,215 tỷ USD).
Nông nghiệp góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát. Giá lương thực đã giảm 6 tháng liền (tháng 6/2012 so với tháng 12/2011 đã giảm tới 4,68%). Theo ước tính của chuyên gia, giá lương thực có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới và tính chung cả năm vẫn giảm và đây là năm giảm đầu tiên tính từ năm 2001.
Giá lương thực giảm do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng do lương thực được mùa và có sản lượng tăng liên tục trong 10 năm liền, đạt đỉnh cao nhất vào năm 2011 (gần 47 triệu tấn, với mức bình quân đầu người đạt 535 kg). Lúa đông xuân của cả nước ước đạt kỷ lục mới, có thể tăng khoảng 478.000 tấn so với năm trước. Lúa hè thu ở miền Nam bước vào thu hoạch rộ…
Nông nghiệp, nông thôn đã góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm cho số lao động bị mất và thiếu việc làm ở các ngành, các khu vực khác. Chính điều này đã góp phần làm cho tỷ lệ thất nghiệp của cả nước theo ước tính của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2012 ở mức thấp (2,29%).
|
Nông nghiệp, nông thôn đã góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm
|
Tuy đạt kết quả như trên, nhưng khu vực tam nông hiện còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ, hỗ trợ.
Hạn chế, thách thức lớn nhất là giá cả nông sản, thực phẩm giảm. Lương thực xuất khẩu giảm, hiện bị tồn đọng lớn, giá giảm lâu và sâu, trong khi giá đầu vào và giá hàng phi lương thực, thực phẩm tăng. Chăn nuôi gặp khó khăn khi giá giảm, lại thêm dịch bệnh gia súc vẫn còn.
Về vốn, dư nợ tín dụng cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tính đến 30/4/2012 theo công bố của Ngân hàng Nhà nước đạt gần 231,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,54% so với cuối năm 2011. Theo đó, dư nợ tín dụng cho nhóm ngành này mới chỉ chiếm 8,83% tổng dư nợ tín dụng, thấp xa so với tỷ trọng 22% trong tổng GDP. Năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản năm 2011 vẫn còn thấp so với năng suất lao động chung của cả nước.
Do năng suất lao động thấp, nên giá trị thặng dư không nhiều, phần tích luỹ để tái đầu tư thấp. Nhiều chỉ tiêu khác về thu nhập, chi tiêu, các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, xã hội ở nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều thấp hơn các ngành, các khu vực khác.
Để khắc phục những hạn chế bất cập, khó khăn thách thức trên, cần phải làm nhiều việc, trong đó có một số nội dung quan trọng.
Một, tiếp tục coi công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số 1để nâng cao năng suất lao động, hút lao động thuộc nhóm ngành này sang các nhóm ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ.
Hai, xây dựng nông thôn mới là công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn lần thứ hai (một sự tiếp tục của công cuộc đổi mới lần thứ nhất sau khoán 10), góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Ba, việc xây dựng nông thôn mới có nhu cầu lớn về nhiều mặt. Trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế, cần tập trung thực hiện một số việcquan trọng.
Trước hết là hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông, thuỷ sản, đặc biệt là mua tạm trữ lương thực nhanh, với giá cả có lợi cho nông dân.
Nông nghiệp, nông thôn là ngành và khu vực ưu tiên theo Nghị quyết 13 của Chính phủ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Theo đó cần phải giảm lãi suất vay, tăng tỷ trọng vốn, cơ cấu lại nợ cho ngành khu vực này một cách tích cực hơn.
Đưa hàng về nông thôn, đẩy mạnh việc tiêu thụ trên cơ sở hạ giá bán; tìm thêm thị trường để tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản./.
Ngọc Lâm
Cổng thông tin điện tử Chính phủ