Theo tài liệu số 4795/BC-BKHĐT ngày 03 tháng 07 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 03/07/2012)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát:Nhờ thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát, như: thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công,… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng trước, chỉ số giá tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%, tháng 6 giảm (-) 0,26%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,52% so với tháng 12/2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
-Về thu chi ngân sách nhà nước:Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng thu NSNN ước đạt trên 346,1 nghìn tỷ đồng, bằng 46,7% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt khoảng 413,9 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán.
- Về xuất, nhập khẩu:Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 685 triệu USD, bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua.
- Về đầu tư phát triển:Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đạt khoảng 431,7 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 34,5% GDP, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (tính theo giá thực tế).
Vốn đầu tư phát triển từ NSNN ước đạt trên 81,3nghìn tỷ đồng, bằng 45,2% kế hoạch năm; vốn tín dụng trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước ước đạt 10,8 nghìn tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm; vốn ODA giải ngânước đạt 1.750 triệu USD, bằng 73% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
-Về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP):Do phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn trong Quý 2. Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38% (Quý I tăng 4%; Quý II tăng khoảng 4,66%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,81%; dịch vụ tăng 5,57%.
- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhưng đang có chuyển biến tích cực:Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 3%; công nghiệp chế biến tăng 4%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 14,2%.
Những tháng đầu năm, ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào và lãi suất ở mức cao, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao; hiệu quả sản xuất giảm sút. Tuy nhiên, nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp 4 tháng gần đây đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét, nhất là công nghiệp chế biến. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP hai tháng đầu năm tăng 3,9%, 4 tháng tiếp theo tăng cao hơn ở mức 6,5-8%; trong đó, chỉ số IIP công nghiệp chế biến tăng 7-9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng hai tháng đầu năm (2,4%). Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3 giảm xuống lần lượt là 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và tháng 5, đến tháng 6 giảm xuống 26% so với cùng thời điểm năm trước.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tương đối ổn định: Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định 1994) 6 tháng đầu năm ước tăng3,8%, trong đó nông nghiệp tăng 3%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thủy sản tăng 5,8%.
Về lúa đông xuân: Năng suất ước đạt 64,8 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2011; sản lượng ước đạt 20,26 triệu tấn, tăng khoảng 478 nghìn tấn, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu.
- Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1.137,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thôngtiếp tục phát triển, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Về thực hiện mục tiêu bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tiếp tục đạt kết quả tốt. Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; điều chỉnh mức lương tối thiểu; theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai, kịp thời tổ chức cứu trợ và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân;... Khẩn trương triển khai Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
- Về lao động, việc làm: Trong 6 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm cho khoảng 735 nghìn lao động, tăng1,5% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 45,9% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó: xuất khẩu lao độngkhoảng 38,8 nghìnngười, đạt 43,1% kế hoạch.
- Về giáo dục và đào tạo: Công tác đổi mới quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh theo yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy hoạch, kế hoạch. Hệ thống mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên được tiếp tục củng cố và phát triển theo mô hình dạy văn hóa kết hợp với hướng nghiệp, dạy nghề. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012, cả nước có 963.051 thí sinh dự thi. Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp là 940.225 người, đạt tỷ lệ 97,63%; trong đó tỷ lệ đỗ loại giỏi là 2,34%, tỷ lệ đỗ loại khá là 25,5%.
Đánh giá chung,tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh; kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lãi suất giảm; dư nợ tín dụng tăng dần trở lại; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; năng suất, sản lượng lúa đông xuân cao hơn năm trước. Khó khăn trong sản xuất công nghiệp từng bước được tháo gỡ và có chuyển biến với chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông giảm, trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Lạm phát có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành. Chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng chỉ bằng 46% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Hai trung tâm phát triển kinh tế lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng chậm. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn còn ở mức cao; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, lao động mất việc làm ở các trung tâm công nghiệp,... còn gặp nhiều khó khăn; các tệ nạn xã hội và trật tự an toàn xã hội còn bức xúc ở một số nơi./.
File đính kèm: BC Chinhphu T6.12.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư