Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22 tháng 6 năm 2012.
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG NĂM 2012
1. Tình hình phát triển lĩnh vực dịch vụ
1.1. Tình hình chung.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế hiện nay “Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế”.
Việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãi suất ngân hàng có giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp, mặt khác việc tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện
Đời sống nhân dân ở nhiều vùng vẫn còn khó khăn, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Đặc biệt tình hình tai nạn giao thông xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây hoang mang cho người dân.
Do tác động của việc tăng giá một số ngành hàng đầu vào, và do nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, giá cả của một số dịch vụ như vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng cũng có xu hướng tăng đáng kể, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ dài ngày như 30/4-1/5.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng 201 ước đạt 5,67% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch. Cơ cấu khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 38%.
Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt trên 4,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó một số dịch vụ có giá trị xuất khẩu lớn như: du lịch, viễn thông, vận tải, ngân hàng,...
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
1.2. Tình hình một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể.
a. Dịch vụ du lịch.
Trong tháng 6/2012: lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm (chỉ đạt 417.429 lượt), bằng 91,4% so với tháng 5/2012 và bằng 03,4% so với tháng 6/2011. Trong đó, khách đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi chiếm gần 59,4%, theo công việc 17,3%, thăm thân nhân 17,7% và theo mục đích khác 5,0%.
6 tháng đầu năm 2012, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, ước đạt khoảng 3,36 triệu lượt, tăng khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011. Hầu hết thị trường khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: dẫn đầu là tăng trưởng của số lượng khách đến từ Hàn Quốc (tăng 41,3%), Đài Loan (khoảng 28%), Malaixxia (khoảng 26%), Thái Lan (tăng 25%), Thái Lan (tăng 28,6%), Malaisia (tăng 25,6%), Đài Loan (tăng 23,8%), Nhật Bản (tăng 22,8%),...., khách Úc và Cămpuchia đều giảm so với nửa đầu năm trước (khách Úc giảm %, khách Campuchia giảm 21,7%); trong đó khách đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi chiếm gần 60%, theo công việc 17,6%, thăm thân nhân 17,2% và theo mục đích khác 5,2%.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2011, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2012. Số lượt khách du lịch nội địa 6 tháng ước đạt 17,2 triệu lượt tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của ngành du lịch ước đạt khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2011
Đánh giá chung: Trong các tháng đầu năm, các đơn vị trong ngành du lịch và các địa phương đã có nhiều tích cực trong việc tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, mà xương sống là các hoạt động nằm trong chương trình tổ chức Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với hàng loạt các sự kiện tập trung vào các tháng 1, 2,4 với Lễ hội đầu xuân và Fesstival Huế 2012; Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012; sự kiện lễ công bố vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới... Đây là những yếu tố được cho là góp phần tạo ra mức tăng trưởng của ngành du lịch trong các tháng đầu năm.
b. Dịch vụ vận tải.
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 320 triệu tấn, khối lượng luân chuyển đạt khoảng 72 triệu T.Km; sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 1.210,5 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 49.176,2 triệu HK.Km. So với cùng kỳ năm 2011 đạt 107% về vận chuyển hàng hoá 101% về luân chuyển hàng hoá 112% về vận chuyển hành khách và 111,7% về luân chuyển hành khách.
c. Dịch vụ bưu chính viễn thông.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,2 triệu thuêbao. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 136,1 triệu thuê bao.
Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 4,6 triệu thuê bao, tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm hết tháng 6 năm 2012 ước tính đạt 32,5 triệu người.
d. Dịch vụ tài chính.
Hoạt động ngân hàng
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ đối với nhóm giải pháp thứ nhất ”tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô”, cụ thể là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, trần lãi suất tiền gửi từ 14%/năm giảm xuống còn 9%/năm. Do đó, lãi suất tín dụng đã giảm khoảng 1-1,5% so với đầu năm. Bên cạnh đó, NHHH còn triển khai thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Những kết quả đạt được:
Lãi suất huy động: Lãi suất huy động VND: Lãi suất huy động dần ổn định so với cuối năm 2011. Vào thời điểm đầu tháng 6, lãi suất tiền gửi phổ biến 2,0-3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 01 tháng, lãi suất tiền gửi phổ biến 2%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng trở lên là 9-12%/năm.
Lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5% - 1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay VND: Sau khi NHNN ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, các TCTD đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND xuống mức 13%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, một số NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND như Ngân hàng HSBC giảm 1-2%/năm đối với lãi suất cho vay tiêu dùng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực sản xuất – kinh doanh xuống mức 15%/năm, thấp nhất là 13,5%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 13,5-15%/năm, riêng cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân ở mức 12%/năm, cho vay đối với sản xuất kinh doanh khác 14-18%/năm, cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất 16,5-20%/năm.
Lãi suất cho vay USD: Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được duy trì ổn định, tỷ giá giao dịch của các NHTM có xu hướng giám và luôn thấp hơn mức trần cho phép.Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20,828 VND/USD không thay đổi so với cuối năm 2011; tỷ giá giao dịch của các NHTM phổ biến quanh mức 20.800/20.860 VND/USD.
Tổng phương tiện thanh toán: nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán ước chỉ tăng khoảng 3,6% so với cuối năm 2011. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng khoảng 1,4%.
Tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,8% so với cuối năm 2011, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích ước giảm từ mức 11,2% vào cuối năm 2011 xuống còn 10,5% vào cuối tháng 6/2012. Các tổ chức tín dụng đã tập trung hơn cho các lĩnh vực sản xuất, tín dụng ở lĩnh vực không khuyến khích, tỷ trọng thực tế đã giảm khá nhanh, từ mức 11% vào cuối năm 2011, nay chỉ còn khoảng 10%
Về nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, từ 3,2% đầu năm lên khoảng 3,6%, đốivới một số tổ chức cụ thể thì nợ xấu còn ở mức cao hơn. Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lý do khó khăn thời gian qua, do thị trường thế giới, xuất khẩu khó khăn và hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho lớn. Ngay như trong bất động sản, xây dựng nhiều nhà ở nhưng tồn kho, do đó dư nợ của khu vực này là lớn nhất.Tuy nhiên. Vì lĩnh vực bất động sản hiện rất rộng, trong khi dư nợ trực tiếp cho vay lĩnh vực này chỉ dưới 10% và ổn định trong những năm qua; nhưng dự nợ đảm bảo bằng bất động sản thì rất lớn, chiếm khoảng 60% tổng dư nợ.
Hoạt động bảo hiểm
Tình hình họat động của ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm:Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách vĩ mô như tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, giảm chi tiêu công, duy trì chính sách tài chính chặt chẽ đã và đang có tác động ít nhiều đến thị trường bảo hiểm.
Hiện nay thị trường bảo hiểm Việt Nam có 29 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 14 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 21.300 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011); tổng số tiền đầu tư 6 tháng năm 2011 ước đạt 92 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 7.070 tỷ đồng; Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2011....
Đánh giá:
Năm 2012, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Điều này cũng sẽ tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc mở rộng khách hàng. Bên cạnh đó, Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, từ năm 2012, theo cam kết WTO, chi nhánh các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Do đó, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng tăng lên, đây là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã nhận thức được những khó khăn này và đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế sẵn có để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và các hoạt động chăm sóc khách hàng, xây dựng nhiều sản phẩm mới phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, trong đó, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dành cho cá nhân. Do đó hoạt động của ngành cũng đạt được một số kết quả tương đối khả quan.
Hoạt động chứng khoán
Năm 2011 là năm bán ròng mạnh mẽ trên TTCK của các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân do có quá nhiều thông tin xấu. Thanh khoản toàn thị trường bị vắt kiệt bởi tâm lý tiêu cực, đến mức có ngày giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ dưới 650 tỷ đồng. Bước sang năm 2012, hầu hết các chuyên gia đều nhận định thị trường sẽ ấm lên trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, sớm hơn nhiều so với dự báo, TTCK trong nửa đầu năm 2012 đã tăng tốc khá nhanh. Thanh khỏan của cả 2 sàn lên tới 3000 tỷ/phiên, gấp 5 lần giao dịch bình quân của năm 2011.Ước tính, trong 6 tháng đầu năm có khoảnggần 8,5 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị khoảng122 nghìn tỷ đồng
Tổng giá trị niêm yết toàn thị trường đạt 271.892 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm, trong đó: cổ phiếu đạt 200.462 tỷ đồng, chiếm 73,7%, trái phiếu đạt 68.669 tỷ đồng, chiếm 25,3%, chứng chỉ quỹ đạt 2.761 tỷ đồng, chiếm 1%. Giá trị thị trường của các chứng khoán niêm yết đạt 608.555 tỷ đồng, tăng 33,7% so đầu năm. VN-index tại thời điểm cuối tháng5/2012 đạt 447,93 điểm, tăng 27% so đầu năm, tương ứng tăng 96,38 điểm.
Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 600 tỷ đồng.
e. Dịch vụ phân phối.
Trong những tháng đầu năm 2012, dịch vụ phân phối đứng trước nhiều khó khăn do người tiêu dùng vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm. Trong tổng số 17.735 doanh nghiệp (DN) giải thể và ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm, thì ngành bán buôn, bán lẻ chiếm nhiều nhất, với 5.297 đơn vị.
Dự báo những tháng cuối năm dịch vụ phân phối, bán buôn, bán lẻ có xu hướng khởi sắc hơn nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao như những năm trước đây. Trong bối cảnh đó này, các doanh nghiệp lại có cơ hội mở rộng thị phần, tăng khả năng tiếp cận mặt bằng bán lẻ do giá cả bất động sản xuống thấp. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang thực hiện chiến lược tăng cường hiệu quả hoạt động quản trị, cắt giảm tối đa chi phí, mở rộng liên doanh, liên kết chiếm lĩnh thị phần.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 6 năm 2012 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 0,6%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,25 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 28,8 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 4,2 triệu tấn, tăng 6,7% về lượng và tăng 12,5% về kim ngạch; than đá ước đạt 7,74 triệu tấn, giảm 13,1% về lượng và giảm 20,3% về kim ngạch; dệt may đạt gần 6,8 tỷ USD, tăng 8,6%; da giày hơn 3,5 tỷ USD, tăng 17,4%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 2,2 tỷ USD, tăng 24,5%; điện thoại các loại và linh kiện gần 4,7 tỷ USD, tăng 129,8%; linh kiện điện tử gần 3,4 tỷ USD, tăng 84,9%; thuỷ sản gần 2,9 tỷ USD, tăng 10%; cao su 407 nghìn tấn, tăng 41,3% về lượng và giảm 3,4% về kim ngạch; gạo 3,7 triệu tấn, giảm 9,4% về lượng và giảm 15,3% về kim ngạch; cà phê 1064 nghìn tấn, tăng 22,3% về lượng và tăng 17,2% về kim ngạch...
Giá cả của hầu hết các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ: gạo giảm 6,5%; cao su giảm 31,7%; cà phê giảm 4,2%; hạt điều giảm 9,4%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,5%.
Về thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 19,8% và chiếm tỷ trọng 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 22,4% và chiếm tỷ trọng 17,2%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 22,8% và chiếm tỷ trọng 14,5%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 42,3% và chiếm tỷ trọng 12,1%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 31,9% và chiếm tỷ trọng 11,8%.
b. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2012 ước đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,2%so với tháng trước, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,26 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 28 tỷ USD, tăng 26,1%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 4800 nghìn tấn, giảm 21,1% về lượng và giảm 13% về kim ngạch; sắt thép các loại 3772 nghìn tấn, tăng 3,2% về lượng và giảm 1,6% về kim ngạch; phân bón 1428 nghìn tấn, giảm 22,4% về lượng và giảm 10,4% về kim ngạch; giấy các loại 589 nghìn tấn, tăng 12,4% về lượng và tăng 7,4% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1247 nghìn tấn, tăng 2,3% về lượng và giảm 1,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 6%; máy tính và linh kiện 5,7 tỷ USD, tăng 97,7%; nguyên phụ liệu dệt may hơn 1,5 tỷ USD, tăng 3%...
6 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 16,9%, tỷ trọng ước đạt 24,5%), ASEAN (tăng 0,2%, tỷ trọng 19,4%), Hàn Quốc (tăng 18,1%, chiếm tỷ trọng 13,4%), Nhật Bản (tăng 12,7%, chiếm tỷ trọng hơn 9,9%) và EU (tăng 6%, chiếm tỷ trọng hơn 7,1%).
6 tháng đầu năm 2012, cả nước nhập siêu 685 triệu USD, bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước như Trung Quốc (ước đạt gần 6,9 tỷ USD), ASEAN (2,7 tỷ USD), Hàn Quốc (gần 4,7 tỷ USD), Đài Loan (3,3 tỷ USD).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2012:
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục duy trì ở mức cao (22,2% so với cùng kỳ 2011) và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (6,9%):
+ Các mặt hàng công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng gần 129,8%, máy vi tính và linh kiện 84,9% đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu.
+ Năm 2011, giá cả xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt mức cao kỷ lục. 6 tháng đầu năm 2012 giá cả hầu hết nông sản xuất khẩu giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm 2011 và so với giá bình quân cả năm 2011. 6 tháng đầu năm 2012, nhóm hàng nông lâm thủy hải sản chỉ tăng 800 triệu USD so với cùng kỳ năm 2011.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm liên tục và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 của cả nước tăng 9,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 8,5 tỷ USD.
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 6 tháng của khu vực FDI(26,1%) cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của khu vực này tăng gần 5,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011, trong khi nhập khẩu của cả nước tăng 3,5 tỷ USD.
- 6 tháng đầu năm 2012 nhập siêu của cả nước ước đạt 685 triệu USD, bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 832 triệu USD.
- Việc giảm nhập siêu là một tín hiệu mừng nhưng mặt khác cho thấy nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước hiện tại đang giảm sút. Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang gặp nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 6/2012, tổng mức bán lẻ ước đạt 198.247 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng 5/2012. Tính chung 6 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt963.862 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2011.
(Dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 ước giảm 0,2% so với tháng 5/2012, tăng 12,1 – 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng khoảng từ 2,5 – 2,6% so với tháng 12/2011.
(Dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Trên thị trường giao dịch xăng dầu tháng 6 tại sàn New York, giá dầu giao tháng 7 đã hết hạn và đứng ở 81,8 USD/thùng, dầu giao tháng 8 giảm xuống còn 78,20 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 4/10/2011. Trong năm nay, giá dầu đã giảm tổng cộng 21%. Trên sàn London, dầu Brent giao tháng 8 giảm xuống 89,23 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2010.
Đây là lần đầu tiên trong 8 tháng, giá dầu thô rơi xuống dưới 80 USD/thùng. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới cung cầu dầu thô trong gần 22 năm.
Tại thị trường trong nước, kể từ tháng 5 đến nay giá các mặt hàng xăng, dầu giảm đã được điều chỉnh giảm lần thứ 4. Trong 3 lần giảm trước, giá xăng đã giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít, dầu diezel giảm 1.400 đồng/lít; tổng mức giảm của dầu hỏa là 1.000 đồng và dầu madut có mức giảm tổng cộng 950 đồng/kg. Tại thời điểm hiện nay, giá xăng RON 92 giảm xuống còn 21.200 đồng/lít. Giá dầu diesel cũng đã giảm xuống còn 20.100 đồng/lít; Giá dầu hỏa sẽ là 20.050 đồng/lít; giá dầu madut giảm còn 17.950 đồng/kg.
Cùng với điều chỉnh giảm giá, đây là lần thứ 4 thuế nhập khẩu xăng, dầu được điều chỉnh trong năm nay. Theo đó, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng sẽ co sẽ có mức thuế mới là 10%. Mức thuế này áp dụng với tất cả các loại xăng, bao gồm từ xăng RON 90 tới RON 97. Tương tự, thuế với dầu diesel dành cho ôtô và các loại khác cũng được áp mức thuế mới là 8%. Các loại dầu nhiên liệu, bao gồm dầu hỏa và dầu madut đồng thời sẽ được áp mức thuế mới là 10%, thay vì 8% trước kia.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, lượng xăng dầu nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4.800 nghìn tấn, tương đương 4.752 triệu USD, bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng dầu thô xuất khẩu 6 tháng ước đạt 4.175 nghìn tấn, tương đương 3.836 triệu USD và bằng 106,7% so với cùng kỳ năm 2011.
b) Sắt thép
Tính đến đầu tháng 6, theo số liệu của Hiệp hội Thép, thép tồn kho hiện là 315.000 tấn, dù đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11% so với đầu năm, nhưng lượng tồn kho thép vẫn phải giảm 20% nữa để về mức bình thường là 250.000 tấn. Tình trạng này khiến nhiều nhà máy thép gặp khó khăn, chỉ chạy cầm chừng ở mức 50 – 60% công suất. Lượng thép công nghiệp tồn kho tuy có giảm nhưng mức giảm ít chủ yếu do các doanh nghiệp không còn nhập hàng về mà đang cố gắng đẩy lượng hàng tồn kho ra thị trường bằng cách giảm giá.
Lượng thép xuất khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt mức 840 ngàn tấn, tăng đến 65,5% so với tháng trước và bằng 95,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất thép để giảm lượng tồn kho xuống mức trung bình.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 5, lượng thép bán ra chỉ khoảng 350.000 tấn, đây là lượng bán ra quá thấp, do đó các doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm giá để bán hàng. Tính đến giữa tháng 6, giá thép xuất xưởng của các nhà sản xuất thép lớn chỉ còn 15 triệu đồng/tấn (chưa VAT), giảm khá mạnh so với mức 15,3 triệu đồng/tấn trong tháng 5. Theo VSA, một trong những nguyên nhân khiến các DN thép đua nhau giảm giá là do giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế nhập về giảm 15-20 USD/tấn.
c) Phân bón
Tính từ giữa tháng 5 đến nay, giá phân bón trên thế giới xu hướng giảm rõ rệt, thị trường trầm lắng và rất ít giao dịch. Thị trường tại Yuzhny, giá Ure của Ukraina được giao dịch với giá trong khoảng 463 – 468 đô/tấn fob. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Đông đã bán Ure hạt trong và Ure hạt đục trong khoảng 450 đô/tấn fob cho giao hàng nhanh chóng để giảm bớt áp lực hàng tồn kho.
Trong khi đó, thị trường trong nước tình hình diễn ra theo chiều ngược lại, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. Với nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ, nguồn nhập khẩu cũng không có nên thị trường thiếu hụt lượng phân bón đáng kể, dẫn đến sốt giá phân bón. Cụ thể, giá phân urê từ khoảng 9.800 - 10.100 đồng/kg (vào đầu tháng 5-2012) tăng lên 10.800 - 11.200 đồng/kg (vào đầu tháng 6-2012).
Dự kiến, trong quý 3 tới đây, thị trường phân đạm ure sẽ được hạ nhiệt với giá bán phân bón có thể giảm từ 300-500 đồng/kg nhờ nguồn cung dồi dào thực sự khi Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm và Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm chính thức đi vào sản xuất thương mại.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng phân ure nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 200 nghìn tấn với trị giá 88 triệu USD, bằng 54,3% so với cùng kỳ 2011
d) Xi măng
Tồn kho của ngành xi măng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 3,5 triệu tấn, trong khi sức tiêu thụ 5 tháng đầu năm giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ đạt 19 triệu tấn.
Nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất khai thác hoặc tạm dừng để tránh thua lỗ thêm như dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà...việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp.
Trong tháng 5, sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất đạt 4,85 triệu tấn, 5 tháng đầu năm 2012 đạt 19,74 triệu tấn bằng 35,9% so kế hoạch năm, và bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2011. Tháng 5, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 4,78 triệu tấn, nâng tổng lượng xi măng tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 19,56 triệu tấn, bằng 35,6% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2011.
Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 đến 62 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến chỉ đạt khoảng 47 - 48 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn, thì vẫn còn tới 6 triệu tấn xi măng dư thừa.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012
1. Về phát triển khu vực dịch vụ
1.1. Bối cảnh thực hiện kế hoạch 2012
Trong năm 2012, bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh và rất khó lường. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tình hình chính trị bất ổn tại khu vực Trung Đông, tiềm ẩn nhiều nhân tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta.
Ở trong nước, tình hình giá cả một số mặt hàng cho sản xuất như xăng, dầu, gas,.. tăng cao kéo theo các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo, dịch bệnh diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, các thông tin gây tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng như thịt lợn siêu nạc, chất độc trong cá chim,v.v. . Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối phát triển dịch vụ với nước ta.
Mặt khác trong năm 2012, khu vực dịch vụ cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ III, Nghị quyết 11 của Chính phủ phù hợp với tình hình trong nước và thế giới Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012; góp phần tạo sự chủ động để ổn định vững chắc hơn kinh tế vĩ mô để tạo tiền đề cho những năm sau, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của kinh tế thế giới, phát huy nội lực.
Với mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Có thể nói rằng, năm 2012 là năm bản lề để hoàn thành các mục tiêu của những năm tiếp theo đối với khu vực dịch vụ.
1.2. Dự báo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012.
1.2.1. Tình hình chung.
Ước năm kế hoạch năm 2012, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2012 ước đạt khoảng 6,1-6,5%, cơ cấu khu vực dịch vụ ước đạt khoảng 38,2-38,4%. Xuất khẩu dịch vụ năm 2012 ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011. Nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 12 tỷ USD, tăng 6-7% so với năm 2011; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 2,3 tỷ USD. [1].
1.2.2. Các lĩnh vực dịch vụ cụ thể.
a. Du lịch
Dự kiến cả năm 2012, doanh thu ngành du lịch đạt 155.000 tỉ đồng tăng khoảng 18% so với năm 2011 và vượt so với kế họach đề ra (150.000 tỷ). Lượng khách quốc tế dự kiến tăng từ 15% so cùng kỳ và đạt mức 6,8-7 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 32 triệu lượt.
b. Dịch vụ vận tải.
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 600 triệu tấn, khối lượng luân chuyển đạt khoảng 130 triệu T.Km; sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 2100 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 75.864 triệu HK.Km. So với năm 2011 đạt 109% về vận chuyển hàng hoá 106% về luân chuyển hàng hoá 113% về vận chuyển hành khách và 112% về luân chuyển hành khách.
c. Dịch vụ bưu chính viễn thông
Ước cả năm 2012, dịch vụ bưu chính viễn thông hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: tổng doanh thu toàn ngành năm 2012 ước đạt 189.901 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Ước số điên thoại trên 100 dân đạt 194 máy. Số điện thuê bao sử dụng Internet băng thông rộng đạt 4,64 triệu và số người sử dụng internet ước đạt 36,04 triệu người.
d Dịch vụ tài chính.
Dịch vụ ngân hàng:
Trong các tháng cuối năm 2012, NHNN đặt mục tiêu điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, cho vay tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô
Dịch vụ bảo hiểm:
Tiếp tục duy trì mục tiêu ổn định và phát triển thị trường bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung phát triển thị trường bảo hiểm với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 46,4 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2011và vượt mức kế hoạch đề ra là 43 ngàn tỷ đồng. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 24-25 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 23-25%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 17-17,5 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14-15% so với năm 2011.
Dịch vụ chứng khoán
Mục tiêu: mục tiêu phát triển thị trường năm nay là duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, tiếp tục đưa thị trường vượt qua khó khăn và từng bước khôi phục kênh huy động vốn và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế góp phần ổn định và phát triển kinh tế.
1.3 Giải pháp phát triển dịch vụ
1.3.1. Giải pháp chung.
a) Hoàn thiện và triển khaiChương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 tập trung vào việc hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện CTHĐ của Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020.
b) Nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ: xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bước đầu triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ (bao gồm các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động nâng cao nhận thức trong các cơ quan liên quan, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề);
c) Hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách phát triển khu vực dịch vụ:
- Rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến dịch vụ nhằm bảo đảm tránh chồng chéo và phù hợp với các hiệp định quốc tế về dịch vụ.
- Xây dựng và thông qua hoặc điều chỉnh Chiến lược, quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ quan trọng
- Triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chí phân loại và tiêu chuẩn dịch vụ.
d) Nâng cao vai trò của nhà nước trong quản lý phát triển dịch vụ song hành cùng việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dịch vụ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới.
e) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực dịch vụ năng động, hiện đại
- Hình thành và tổ chức hiệu quả thị trường lao động; giải quyết tốt vấn đề sử dụng lao động từ quan niệm, chế độ, quyền lợi…
- Phát triển mạng lưới dịch vụ giáo dục đào tạo rộng khắp với sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp các dịch vụ này.
- Có các biện pháp, chính sách, đảm bảo thông tin thúc đẩy việc đào tạo các kỹ năng cơ bản trong việc sáng lập, quản lý và vận hành các hoạt động dịch vụ, các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…
- Thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đào tạo thường xuyên do bản chất năng động, luôn biến đổi của khu vực dịch vụ.
- Có chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho nhân lực trong nước.
f) Nâng cao năng suất, thúc đẩy cạnh tranh và tiếp tục mở cửa khu vực dịch vụ
- Tiếp tục cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không hoạt động trong các thị trường mang tính độc quyền tự nhiên hoặc lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc dịch vụ công thuần túy.
- Đưa các doanh nghiệp và các đơn vị khác do Nhà nước sở hữu vào diện điều chỉnh của các quy định mua sắm Chính phủ đối với dịch vụ.
- Có chính sách thực hiện mua các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các dịch vụ khác thông qua đấu thầu cạnh tranh thay vì dựa vào ưu tiên các doanh nghiệp Nhà nước. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
- Xây dựng lộ trình nhằm dần loại bỏ các rào cản pháp lý đối với khu vực dịch vụ, phù hợp xu thế kinh tế thị trường hiện đại và mức độ khu vực hoá và toàn cầu hoá ngày càng cao.
g) Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ thông qua việc:
- Cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài đến Việt Nam;
- Cung cấp dịch vụ cho các phương tiện nước ngoài tạm thời quá cảnh qua Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu thông qua việc phát triển các phương tiện vận tải hàng không và đường thủy; Nâng cao năng lực bảo hiểm và tài chính cho thương mại.
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ điện tử của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài; Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ lao động tạm thời của Việt Nam cho khách hàng nước ngoài;
- Khuyến khích mạnh mẽ hơn đầu tư ra nước ngoài trong khu vực dịch vụ. Thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài thông qua công ty Việt Nam ở nước ngoài (nhằm hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, kiến trúc, giải trí, nhà hàng, v.v…).
h) Giải pháp về nguồn lực:
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khu vực dịch vụ, trong đó tập trung cho các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên hoặc được xác định là trọng điểm như trên, có thể được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và (hoặc) hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu.
- Thực hiện ưu tiên sử dụng ODA phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực dịch vụ.
- Xây dựng chính sách huy động nguồn lực của khu vực tư nhân; mở rộng thu hút đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn phục vụ phát triển dịch vụ.
- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực dịch vụ nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn vốn này,đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới cùng với những hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm, các lĩnh vực được khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng dịch vụ.
- Triển khai thực hiện mô hình Hợp tác Công – Tư (PPP) trong cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ công.
i) Thực hiện các giải pháp về kích cầu về dịch vụ thông qua việc đặt hàng các nhà cung cấp dịch vụ trung gian tư nhân, áp dụng thuê mua dịch vụ đối với hoạt động mua sắm Chính phủ. Xây dựng mối liên kết giữa dịch vụ khách sạn nhà hàng, vận tải, vui chơi, giải trí,v.v… giảm giá dịch vụ kích cầu du lịch.
1.3.2. Các lĩnh vực dịch vụ cụ thể.
a. Du lịch.
- Tích cực triển khai, phổ biến và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng thời xây dựng một loạt các quy hoạch phát triển bền vững, đặc biệt là bảy vùng du lịch trọng điểm làm cơ sở cho thu hút đầu tư, quảng bá du lịch của cả nước nới chung, của các vùng, địa phương nói riêng.
- Tiếp tục tập trung thực hiện thành công các chương trình, hoạt động của năm du lịch Quốc Gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề "Du lịch di sản".
-Tiếp tục đột phá vào vấn đề tăng cường quản lý điểm đến thông qua việc kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý môi trường du lịch. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu, hạn chế đã từ nhiều năm trước, nhưng chưa được khắc phục triệt để.
- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong nước và nước ngoài, các hoạt động về nghiệp vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của ngành.
-Ngành du lịch cần có các chiến dịch nhằm thay đổi khái niệm, nhận thức về du lịch cộng đồng trong xã hội. Đó là phát triển du lịch mang lại nguồn lợi cho cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương với khái niệm phát triển du lịch có trách nhiệm hay du lịch bền vững, như các nước Ấn Độ, Kenya đã thực hiện rất thành công. Người dân bản địa không làm du lịch, mà chỉ tham gia, trong khi đóng góp kinh tế chính là các doanh nghiệp khai thác du lịch tại địa bàn, với việc đóng 10% doanh thu, lợi nhuận cho địa phương.
- Triển khải có hiệu quả chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) giai đoạn 2011 – 2015 do EU tài trợ, đây là điều kiện thuận lợi về tài chính để triển khai các chương trình phát triển du lịch trọng điểm.
b. Dịch vụ vận tải.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải.
c. Dịch vụ bưu chính viễn thông.
- Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới viễn thông và Internet.
- Tiếp tục điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đa dạng hóa gói cước để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển mạnh dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.
d. Dịch vụ tài chính.
Dịch vụ ngân hàng.
- Kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng VND: (1) Các TCTD tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hạn mức mà NHNN đã phân bổ vào đầu năm. (2) Tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình cung cầu ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ. (3) Nghiên cứu nới dần các điều kiện để kiềm chế lạm phát, từng bước tháo gỡ các điều kiện liên quan đến cho vay lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực nhà để, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của dân cư ở nhiều tầng lớp,để họ có khả năng tiếp cận được bất động sản liên quan đến nhà ở ở các phân khúc khác nhau.
- Yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng, quý cuối năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN phân bổ.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
- Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,... từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển.
- Nâng cao chất lượng thống kê, dự báo phục vụ cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ.
- Làm tốt công tác thông tin truyền thông, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng.
Dịch vụ bảo hiểm:
- Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực bảo hiểm theo hương chia làm bốn nhóm chính, nhằm thúc đẩy phát triển vững mạnh cho tương lai của ngành và sự ổn định của toàn bộ thị trường tài chính Việt Nam.
- Các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải thích nghi với thị trường bảo hiểm cạnh tranh và tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối nhằm khai thác tốt thị trường.
- Các doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác trong cạnh tranh và c ác doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để qua đó, tăng cường năng lực quản trị, công nghệ, tiến dần đến chuẩn mực quốc tế.
Dịch vụ chứng khoán:
- Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt; áp dụng chính sách tín dụng với TTCK một cách linh hoạt trên cơ sở không cào bằng, có phân biệt tình trạng tài chính và quản trị của từng ngân hàng; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo dài việc miễn giảm thuế đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định tại Nghị quyết số 08/2011/QH13.
- Các giải pháp trực tiếp hỗ trợ phát triển và hoàn thiện TTCK bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý, chính sách cho thị trường; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hàng hóa và phát triển hàng hóa thị trường; tăng cường quản lý các hoạt động của tổ chức trung gian, triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại các công ty chứng khoán; tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư, trong đó từng bước phát triển các nhà đầu tư tổ chức; cơ cấu lại và phát triển các Sở giao dịch chứng khoán, hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán; tăng cường quản lý giám sát hoạt động thị trường; tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin tuyên truyền.
- UBCKNN nghiên cứu và trình Chính phủ phương án tái cấu trúc lại 2 sở giao dịch chứng khoán.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2012
Đẩy mạnh xuất khẩu
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã đạt được trong năm 2011, phấn đấu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 13%, cần chú trọng các giải pháp sau:
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Chất lượng còn yếu kém của các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như vận tải, bảo hiểm, logistic ở Việt Nam hiện nay đang gây hạn chế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là vấn đề cần được tập trung cải thiện trong thời gian trước mắt.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Xác định mức độ ưu tiên tiếp cận ngoại tệ đối với các nhóm mặt hàng không thiết yếu, hàng không khuyến khích nhập khẩu, hàng trong nước sản xuất được, đưa ra quy định, nguyên tắc khi cho vay nhập khẩu.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu…
- Nhanh chóng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA nhằm gia tăng tiêu thụ hàng tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất, nhanh chóng đưa công trình vào hoàn thành, khai thác, sử dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Thực hiện hỗ trợ nhanh và kịp thời vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước; Nghiên cứu giải pháp khuyến khích tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng để tăng cường tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục theo sát diễn biến giá cả thị trường xăng dầu trên thế giới, chủ động yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh mức giá bán lẻ trong nước phù hợp với giá xăng dầu thế giới theo đúng quy định hiện hành.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu cung ứng trên thị trường, đảm bảo an toàn cho các phương tiện sử dụng.
b) Sắt thép
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu mặt hàng và tìm kiếm thêm các thị trường mới nổi khác.
c) Phân bón
Đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy sản xuất phân bón trong nước để sớm đưa vào sản xuất, cung ứng cho thị trường nhằm tránh tình trạng khan hiếm mặt hàng này trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, tránh nghỉ bảo dưỡng vào những khi cao điểm mùa vụ gây căng thẳng nguồn cung.
d) Xi măng
Các doanh nghiệp cần mở rộng việc tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giảm tồn kho và khôi phục lại các dây chuyền và ổn định sản xuất./.
[1] Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ
File đính kèm: BCKTDichvu T6.12.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư