Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/03/2012-10:49:00 AM
Thiếu Công nghệ thông tin, khó đồng bộ các hạ tầng
Các lãnh đạo, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm cho rằng Công nghệ thông tin (CNTT) chính là hạ tầng của hạ tầng, là chất xúc tác tạo sự đồng bộ cho các hạ tầng giao thông, đô thị, điện, thương mại….

Hội thảo đầu tiên bàn về cách thức triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW để CNTT thực sự phát huy vai trò hạ tầng của mọi hạ tầng. Ảnh: X.B

Hạ tầng nền của mọi hạ tầng
Tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với chủ đề "CNTT - hạ tầng của hạ tầng" do Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng nay, 17/3/2012, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, đã khẳng định, hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, là nền tảng để thực hiện công cuộc hiện đại hoá, cần được ưu tiên đầu tư trong tổng thể xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết này đã nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng, coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế nước nhà.
Trên thực tế, CNTT đang giúp hệ thống hạ tầng ở Việt Nam giải quyết các “điểm nghẽn”, chẳng hạn hạ tầng đô thị đang cải thiện chất lượng bằng hệ thống giao thông thông minh; hạ tầng xã hội cũng đang dần đáp ứng các yêu cầu dịch vụ cơ bản bằng các giải pháp y tế điện tử, giáo dục điện tử… Đặc biệt, CNTT cũng đang là hạt nhân tích cực nhất trong việc kết nối, tạo tính đồng bộ cho các hạ tầng.
TS. Nguyễn Quang Bắc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng khẳng định: CNTT tác động đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nếu không có CNTT thì không bao giờ đồng bộ được các hạ tầng.
Minh chứng rõ hơn nhận định nêu trên, TS. Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học chia sẻ: Việc nhìn nhận CNTT như một ngành đơn thuần là một cách nhìn sai. Cần phải có cái nhìn rộng hơn, theo đó, CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng. Ở các nước phát triển, CNTT đang đóng góp trực tiếp 8 - 10% GDP và quan trọng hơn là CNTT đã thúc đẩy năng suất lao động ở các ngành khác.
Hiện thực hóa Nghị quyết cách nào?
Có thể thấy với Nghị quyết 13, CNTT đã được "nâng tầm". Tuy nhiên, để CNTT có thể phát huy hiệu quả, thực sự thể hiện sức mạnh "hạ tầng của hạ tầng" lại không hề đơn giản.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh 4 nội dung cần làm để CNTT phát huy vai trò hạ tầng của các hạ tầng. Ảnh: X.B.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, để triển khai xây dựng hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết 13, cần tập trung thực hiện tốt 4 nội dung.
Thứ nhất, các cấp, các ngành, các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 về phát triển hạ tầng thông tin sát với thực tế của địa phương, đơn vị mình và bảo đảm đồng bộ với Chương trình hành động chung trong sự điều hành thống nhất của Chính phủ. Chương trình hành động này cần đưa ra được các nhiệm vụ, giải pháp, dự án, đề án đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, đột phá để đảm bảo xây dựng thành công hạ tầng thông tin với các định hướng chính nêu trên, góp phần tích cực thực hiện ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra. Các đề án, dự án này cũng cần phải đồng bộ với các chiến lược, chương trình, kế hoạch về CNTT đã được phê duyệt, đặc biệt là các nội dung của Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Thứ hai, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đặc thù, mang tính đột phá để: đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT có chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, khả năng làm chủ công nghệ nguồn, sản xuất được các sản phẩm lõi, sản phẩm trọng điểm về CNTT; xây dựng được các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT Việt Nam mạnh, nhằm nâng cao năng lực làm chủ về CNTT, đảm bảo an toàn thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng và tài nguyên số.
Thứ ba, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mạnh về tài chính và đầu tư nhằm huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực, từ ngân sách Trung ương, địa phương, từ các doanh nghiệp, xã hội, từ trong nước và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin, đảm bảo xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của nước ta.
Thứ tư, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về CNTT và truyền thông, nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của lực lượng CNTT trên cả nước; hoàn thiện môi trường pháp lý, ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật rõ ràng, minh bạch trong lĩnh vực CNTT và truyền thông để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển.
Tán đồng những khuyến nghị nêu trên của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận một cách thẳng thắn về những hạn chế trong phát triển và ứng dụng CNTT, làm rõ những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan về cơ chế chính sách đầu tư và tài chính, về nguồn lực và thể chế, về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, đã đề xuất một số giải pháp thiết thực, giải pháp mang tính đột phá trong quá trình triển khai Nghị quyết 13 để CNTT thực sự là phương tiện, là môi trường, là động lực góp phần thiết thực vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khẳng định vai trò của CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ./.
Xuân Bách
ICTnews

    Tổng số lượt xem: 1286
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)