Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AEM 44) và các hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 26-31/8 tại thành phố Siem Reap, Campuchia.
Đây là hội nghị thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, thảo luận tình hình hợp tác kinh tế nội khối và với các nước đối tác; chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tham dự Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 26, Hội nghị liên Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 15, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 8 và các Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 8 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Niu Dilân, Ôxtrâylia và Trung Quốc.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, gia tăng phối hợp về kinh tế vĩ mô và chính sách, tiếp tục mở cửa thương mại và đầu tư, loại bỏ mọi rào cản đối với thương mại và đầu tư. Thực hiện Chương trình nghị sự Phnom Penh, các Bộ trưởng đã thảo luận các ưu tiên và mục tiêu mà ASEAN cần đạt được vào năm 2015. Để thúc đẩy việc thành lập AEC vào năm 2015, một trong các giải pháp quan trọng mà ASEAN cần sớm thực hiện là tiến hành cải cách trong nước một cách mạnh mẽ, kể cả việc tăng cường khả năng điều phối và phân bổ nguồn lực, ngân sách cho việc triển khai các biện pháp về AEC.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ghi nhận tiến triển của các nước trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đặc biệt là tự do hóa thuế quan, giải quyết các rào cản phi thuế, tự chứng nhận xuất xứ, triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, xúc tiến các thỏa thuận công nhận lẫn nhau... Các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nước trong việc hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS).
Các Bộ trưởng thông qua Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân để ký kết nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11 năm nay, nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của cá nhân tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư trong khu vực.
Các Bộ trưởng ghi nhận ASEAN hoan nghênh Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) có hiệu lực từ tháng 3 năm 2012, tạo khuôn khổ pháp lý hướng tới xây dựng một khu vực đầu tư chung tại ASEAN.
Hội nghị AEM 44 khẳng định mong muốn của ASEAN thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước và khu vực đối thoại. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều cấu trúc liên kết đang hình thành tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN đang nỗ lực hơn nữa để phát huy vai trò trung tâm của mình. Đặc biệt, ASEAN đang chú trọng triển khai thực hiện Khuôn khổ ASEAN về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có các phiên tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc, tập trung xem xét tình hình đàm phán và thực thi các FTA và các vấn đề hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong khu vực.
Các Bộ trưởng đặc biệt đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm gắn kết các nỗ lực về chính sách hội nhập khu vực với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp ASEAN, góp phần đưa ASEAN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Tại Hội nghị AEM 44 và các Hội nghị liên quan, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy ưu tiên cao nhất hiện nay là xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Việt Nam là một trong bốn nước có tỷ lệ thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC cao nhất trong ASEAN. Việt Nam đã cùng ASEAN thúc đẩy việc các nước sớm ban hành Biểu thực hiện cam kết thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi ích theo Hiệp định. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực triển khai sáng kiến Hải quan một cửa ASEAN (ASW), giải quyết các rào cản phi thuế quan (NTB).
Việt Nam cũng đề nghị ASEAN triển khai Khuôn khổ ASEAN về phát triển đồng đều và bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước. Trên cơ sở đề nghị của Việt Nam, các nước ASEAN nhất trí sẽ thúc đẩy việc xây dựng chương trình hành động về phát triển bền vững, bao gồm các biện pháp và chương trình cụ thể nhằm giúp các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với 6 nước ASEAN còn lại, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững.
Tại Hội nghị, Việt Nam cùng ASEAN và các đối tác thúc đẩy triển khai Khuôn khổ ASEAN về đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hướng tới xây dựng một Hiệp định trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong cấu trúc kinh tế chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác giữa bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế CLMV lần thứ 4. Hội nghị đã thống nhất về nhiều chương trình hợp tác thường niên như hội nghị về hợp tác quản lý thị trường và phát triển thương mại điện tử, hội chợ chuyên ngành, xúc tiến chương trình học bổng phát triển nhân lực.
Bên lề Hội nghị AEM 44, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã họp song phương với một số nước ASEAN, thảo luận các vấn đề thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai bên.
Hội nhập kinh tế ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 35,3 tỷ USD. ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều bất ổn, ASEAN vẫn đạt tăng trưởng GDP đáng kể với mức bình quân 4,7% và dự báo trong khoảng từ 5,2%-5,9% năm 2012. Thương mại hàng hóa của ASEAN gia tăng 16,8% từ 2,05 nghìn tỷ USD năm 2010 lên 2,39 nghìn tỷ USD năm 2011, trong đó thương mại nội khối đạt 598 tỷ USD.
Thương mại dịch vụ cũng tăng 10% so với năm 2010. ASEAN duy trì được vị thế là khu vực đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp, thu hút 89,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2011 với các đối tác hàng đầu là EU, Nhật Bản và Mỹ. Vốn đầu tư nội khối ASEAN cũng tăng 23% năm 2011, đạt 19,7 tỷ USD./.