Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối tháng Tư, các nhà máy đường đã ép được hơn 12,6 triệu tấn mía, sản xuất được 1,12 triệu tấn đường. So với thời điểm này năm ngoái, lượng mía ép tăng 1,28 triệu tấn, lượng đường sản xuất tăng 78.700 tấn.
|
Bốc xếp bao đường thành phẩm tại Nhà máy đường Phổ Phong
|
Dự kiến, niên vụ 2011-2012, các nhà máy ép được 14,6 triệu tấn mía, sản xuất được 1,31 triệu tấn đường, giảm 87.000 tấn so với kế hoạch ban đầu.
Lượng đường tiêu thụ trong thời điểm này tăng là do các doanh nghiệp kinh doanh thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Số lượng đường dự kiến sản xuất được từ nay đến cuối vụ là 195.000 tấn, số lượng đường tồn kho (tính đến thời điểm ngày 15/4 là 355.000 tấn) và lượng đường sẽ nhập khẩu theo thỏa thuận WTO (70.000 tấn).
Như vậy, tổng lượng đường có từ nay đến đầu vụ sau là 620.000 tấn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp, số lượng này vừa đủ cho nhu cầu trong nước.
Mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu phía Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét không cấp giấy phép xuất khẩu đường nếu sản xuất mía đường trong nước đã đủ yêu cầu.
Với tình trạng xuất khẩu đường như hiện nay, nếu không có chính sách tạm trữ để giữ đường cung ứng cho vụ sản xuất các tháng sau thì khả năng đến tháng 8, 9/2012 sẽ bị thiếu đường.
Tại thị trường trong nước, do nhu cầu tăng nên giá đường khu vực miền Nam và miền Trung đã nhích lên khoảng 200 đến 500 đồng/kg. Ở miền Bắc, giá vẫn giữ nguyên và có nhà máy giảm giá khoảng 300 đồng/kg.
Hiện nay, giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước phổ biến ở mức 16.500 đến 16.700 đồng/kg. Giá mua mía 10 CCS tại ruộng vẫn ổn định như tháng trước. Ở khu vực miền Bắc, giá từ 900.000 đến 1.050.000 đồng/tấn.
Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá từ 900.000 đến 1.070.000 đồng/tấn. Ở khu vực Đông Nam Bộ, giá từ 1.000.000 đến 1.100.000 đồng/tấn. Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá giảm xuống còn 950.000 đồng/tấn./.