Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/05/2012-15:48:00 PM
Hội thảo Bản chất tổ chức hợp tác xã và góp ý dự thảo luật hợp tác xã (sửa đổi)
(MPI Portal) – Ngày 14/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Bản chất tổ chức hợp tác xã và góp ý dự thảo luật hợp tác xã (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Bà Bossman Trưởng đại diện DAAD tại Việt Nam cùng đại diện nhiều cơ quan báo chí.
Tại buổi Hội thảo TS.Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày về “Tư tưởng hợp tác xã”. Bài trình bày đã đưa ra định nghĩa về hợp tác xã, một tổ chức tự chủ của các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua một doanh nghiệp sở hữu chung và được quản lý một cách dân chủ. Xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng đặt hàng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã cung ứng sản phẩm dịch vụ cho xã viên theo nguyên tắc thị trường với quan hệ kinh tế là bình đẳng. Năm nhân tố cơ bản quyết định bản chất hợp tác xã là: Cấu trúc kép của các hợp tác xã, được tạo thành từ một nhóm hợp tác quản lý một doanh nghiệp đồng sở hữu và bảo trợ; mục đích của doanh nghiệp chung là phát triển thành viên; nhận diện người sở hữu và sử dụng (nguyên tắc đồng nhất); cơ cấu dân chủ nội bộ và tái nhấn mạnh vai trò của vốn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo.

Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Từ bản chất tổ chức hợp tác xã trên đã định ra bảy nguyên tắc hợp tác xã đó là: Tham gia tự nguyện và “mở”; quản lý dân chủ, mỗi người một phiếu bầu như nhau; giao dịch kinh tế giữa hợp tác xã và thành viên; tự chủ, độc lập, giúp đỡ lẫn nhau; giáo dục, huấn luyện, thông tin; hợp tác giữa các hợp tác xã; chăm lo cộng đồng.
Với nguyên tắc hợp tác xã như vậy đã tạo ra nhiều giá trị cho đời sống: Tự giúp đỡ lẫn nhau; tự chịu trách nhiệm; dân chủ; bình đẳng; đoàn kết; tính trung thực; trách nhiệm xã hội và sự quan tâm tới người khác. Để từ đó có tác động toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội: Về kinh tế: tạo ra hai kênh tăng trưởng kinh tế là của hợp tác xã và xã viên; Nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của kinh tế thành viên; Nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Về chính trị: lan tỏa giá trị dân chủ từ hợp tác xã; Gắn kết hữu cơ người sản xuất, tiêu thụ, mang lại lợi ích cho số đông; Biến ngày càng nhiều người lao động đồng trở thành người chủ, làm hài hòa hơn mối quan hệ giữa giới chủ và người làm thuê, tạo việc làm bền vững tăng thu nhập và vị thế xã hội cho người lao động; Ổn định chính trị, xã hội ngay tại địa bàn cơ sở. Về văn hóa xã hội: Góp phần tăng cường sự đoàn kết xã hội, cùng chia sẻ lợi ích, sự thịnh vượng; Tăng cường tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, lan tỏa giá trị trung thực, minh bạch, tương trợ nhau, …; Là nhân tố xã hội chủ nghĩa, góp phần thiết thực vào thực hiện sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như là một phương thức tổ chức xã hội.
Với những ưu điểm đó, hợp tác xã đã trở thành khu vực thứ ba bên cạnh khu vực công và khu vực tư làm kinh tế, xã hội phát triển ổn định. Tư tưởng hợp tác xã, tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã và chủ trương của Đảng về hợp tác xã là nhất quán. Xu hướng phát triển mới của hợp tác xã hướng vào phục vụ xã viên phù hợp quy luật và xu thế thời đại.

Giáo sư – Tiến sĩ Hans Muenkner, nguyên Viện trưởng Viện Hợp tác, Đại học tổng hợp Marburg

Tới tham dự Hội thảo còn có khách mời là Giáo sư – Tiến sĩ Hans Muenkner, nguyên Viện trưởng Viện Hợp tác, Đại học tổng hợp Marburg. Ông Hans Muenkner đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật Hợp tác xã. Theo ông Hans Muenkner một bộ luật hợp tác xã hợp lý phải đưa ra cho các hợp tác xã một khung pháp lý rõ ràng và ổn định để các hợp tác xã có thể dựa vào đó để phát huy sức mạnh của mình bằng cách huy động mọi nguồn lực của mỗi thành viên để cải thiện các điều kiện kinh tế hiện có. Nếu thành công, các hợp tác xã này có thể góp phần vào việc phát triển kinh tế tại khu vực mà họ hoạt động và cho cả đất nước.
Kinh nghiệm cho thấy rằng các hợp tác xã không thể phát triển tốt khi mà vẫn còn sự nhập nhằng trong chế độ quản lý, một mặt vẫn khuyến khích các hợp tác xã tự quản trong khi nhà nước vẫn quản lý là chủ yếu. Một chính sách quản lý hiệu quả các hợp tác xã đó là phải tập trung cố gắng tạo ra một môi trường thuận lợi với các điều kiện ổn định và rõ ràng, đảm bảo công bằng cho mọi loại hình kinh doanh và hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo cho các thành viên, viên chức và cán bộ.
Cần xem xét để dự thảo luật này trở thành một bộ luật tổ chức rõ ràng và súc tích, các vấn đề chính sách nên được xem xét để tạo thành một danh mục chính sách riêng cũng như vấn đề về thuế thì nên để vào luật thuế.
Xem xét lại ngôn ngữ của từng điều khoản để tránh việc lặp đi lặp lại và giải thích quá chi tiết. Các hợp tác xã nên họp bàn để soạn thảo quy chế, điều lệ riêng, không nên lặp lại các điều luật đã giải thích rất chi tiết từng mặt. Văn bản luật cũng nên căn cứ vào các nguyên tắc hợp tác xã quốc tế, chỉ khác biệt khi có lý do chính đáng.

Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Cuối cùng ông Hans Muenkner cũng góp ý rằng tốt nhất nên có một cơ quan duy nhất với các cán bộ đã được đào tạo riêng chịu trách nhiệm về việc đăng ký, giám sát và giải thể Hợp tác xã và theo dõi việc thực hiện theo đúng luật. Nhiệm vụ tư vấn và kiểm toán các Hợp tác xã nên để các liên minh hợp tác xã chịu trách nhiệm có sự giám sát của Chính phủ.
Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gianhằm hoàn thiện dự thảo luật hợp tác xã để trình quốc hội./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1398
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)