Thúc đẩy khu vực tư nhân hợp tác với người nghèo là hết sức cần thiết để người nghèo cải thiện thu nhập. Theo đó, Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) tập trung cải thiện mối quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân để mang lại lợi ích bền vững cho các cộng đồng nông thôn còn đang trong tình trạng nghèo dai dẳng ở Việt Nam.
|
Người dân huyện Yên Sơn, Tuyên Quang thu hoạch chè búp tươi. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
|
Đó là nhận định của ông Samuel Waelty, Giám đốc quốc gia của SDC vừa cho biết tại Hội thảo về thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo nằm trong khuôn khổ hoạt động chương trình “Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho người nghèo nông thôn thông qua phát triển chuỗi giá trị“ (gọi tắt là MARP) do chính phủ Thụy Sĩ tài trợ.
Theo Giám đốc Samuel Waelty, nông thôn là thị trường có nhiều rủi ro, chi phí giao dịch lớn và thiếu những liên kết thị trường bền vững, do đó huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển bền vững vì người nghèo vẫn là một thách thức.
“Những chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp tốt nhất để hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tăng thu nhập bền vững cho người nghèo ở vùng nông thôn và bản thân khu vực tư nhân,” ông Samuel Waelty nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình ông Javier Ayala, Giám đốc điều hành Quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh doanh cùng người thu nhập thấp (IB) là mô hình kinh doanh huy động nhóm thu nhập thấp trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp với vai trò là nhà cung ứng, khách hàng, nhà phân phối và công nhân bằng cách tạo ra các giá trị chia sẻ.
Mặt khác, kinh doanh cùng người thu nhập thấp bằng cách hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo, bởi 70% lương thực thế giới sản xuất bởi nông dân quy mô nhỏ.
Ông Javier Ayala nêu rõ, những chuỗi giá trị có sự tham gia giữa doanh nghiệp và những đối tượng có thu nhập thấp đã tạo ra những lợi ích đáng kể như công ty ngành chè đã góp phần tăng thu nhập cho người thu nhập thấp lên 60% (trước đó chỉ 0,5 USD/ngày) cho ít nhất 800 nông hộ (giai đoạn thử nghiệm, tiềm năng cho hơn 2.000 hộ). Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, các hợp đồng thương mại bền vững.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia cũng có lợi nhuận tăng trên 50% và cung ứng chè chất lượng cao, ổn định, cải thiện tiếp cận các thị trường mới đối với chè tự nhiên chất lượng cao, cải thiện mối quan hệ với chính quyền địa phương.
Ông Samuel Waelty cũng cho biết, chương trình MARP khởi động vào tháng 7 năm 2013 với tổng ngân sách là 5,2 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các dự án và các tổ chức, chủ yếu tại Việt Nam và một phần tại Lào và Myanmar. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn nghèo tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp phù hợp để tăng thu nhập.
Đánh giá kết quả sau 10 tháng triển khai chương trình MARP đến nay, ông Samuel Waelty nhấn mạnh chương trình đã được triển khai tại 8 tỉnh ở Việt Nam với tám chuỗi giá trị nông nghiệp là: chè, mây, tre, vải lụa, vải thổ cẩm, thảo quả, quế và hồi. Hiện, MARP đã tiếp cận được 6.870 hộ gia đình tại 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số, 32% người hưởng lợi là phụ nữ ./.