Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 6 năm 2014
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang thời điểm cuối Quý II/2014, hàng loạt các dự báo mới về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2014 và 2015 được công bố. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Liên hợp quốc, kinh tế thế giới năm dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong hai năm tới cho dù một số nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp và triển vọng việc làm vẫn ảm đạm. Cũng theo dự báo của Liên hợp quốc, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 2,8% trong năm 2014 và 3,2% trong năm 2015, cao hơn mức 2,2% của năm 2013; trong đó dự báo tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển chỉ còn 4,7% năm 2014 và 5,1% năm 2015; đối với các nền kinh tế đang chuyển đổi, tốc độ tăng trưởng rơi xuống còn 1,7% trong hai năm tới đây do tình hình bất ổn chính trị tại Ukraine; các nước phát triển được dự báo tăng trưởng ổn định 2% trong năm 2014 và 2,4% năm 2015. Mặc dù vậy, những căng thẳng trong tranh chấp về biển đảo tại một số quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tính khả thi của các dự báo tăng trưởng kinh tế nêu trên, bởi khu vực này có đóng góp quan trọng vào GDP thế giới cũng như là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của thế giới.
2. Tình hình trong nước
Kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm nhìn chung phát triển ổn định, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường tương đối ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, sản xuất của khu vực nông nghiệp, công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan từ yếu tố thời tiết, mùa vụ và nguyên nhân chủ quan từ khó khăn nội tại của nền kinh tế nước ta. Trong đó, nổi lên là sự kiên Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta vào ngày 1/5/2014 đã gây ra tác động xấu tới tình hình kinh tế nước ta. Cụ thể, sự quan ngại về tình hình biển Đông đã tạo ra một số xáo trộn trên thị trường chứng khoán, thị trường vàng và đô la Mỹ. Hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số khu công nghiệp phía Nam bị đình trệ trong một số ngày do tình trạng công nhân bị kích động biểu tình, phá hoại tài sản và nhà máy của một số nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, tình hình đã được nhanh chóng giải quyết và đến cuối tháng 5/2014, hầu hết các doanh nghiệp đã sản xuất trở lại. Đối với ngành dịch vụ, 6 tháng đầu năm cũng là thời điểm diễn ra nhiều ngày nghỉ lễ lớn, qua đó đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành, đặc biệt là dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ phân phối bán lẻ…
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 6 NĂM 2014
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
1.1. Tình hình chung
Ước 6 tháng đầu năm 2014:
Trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình phát triển khu vực dịch vụ có nhiều biến động. Cụ thể, cho đến hết tháng 4/2014, tăng trưởng các ngành dịch vụ đang có chiều hướng tích cực hòa vào xu hướng khởi sắc chung của toàn nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2014. Những ngành dịch vụ tăng trưởng khá trong giai đoạn này là dịch vụ thông tin và truyền thông, du lịch (lưu trú và ăn uống), vui chơi giải trí, bán buôn bán lẻ.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2014 dự kiến đạt khoảng 5,9 - 6%%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, các lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá gồm:
- Dịch vụ thương mại: 5,5-5,6%
- Dịch vụ thông tin và truyền thông: 9%
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống: 7,1-7,3%
- Dịch vụ tài chính, ngân hàng: 5,6-5,8%
- Dịch vụ vận tải: 5,8%
Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng ước đạt 5.380 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2013; nhập khẩu dịch vụ đạt 6.200 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước cả năm 2014:
Tuy khả năng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng dịch vụ ước đạt 6,3-6,5%, thấp hơn so với kế hoạch. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế quốc dân năm 2014 dự kiến đạt khoảng 43 - 44%.
Tăng trưởng một số ngành dịch vụ trong năm 2014 ước đạt như sau:
- Dịch vụ thương mại: 5,6 – 5,8%
- Dịch vụ vận tải: 5,5 – 5,6%
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống: 6,6 – 6,8%
- Dịch vụ tài chính, ngân hàng: 6%
- Dịch vụ thông tin và truyền thông: 9,3%
Xuất khẩu dịch vụ 2014 ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2013; nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 12,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2013; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 2,4 tỷ USD.
1.2. Tình hình phát triển một số ngành dịch vụ
a) Dịch vụ du lịch
Ước 6 tháng đầu năm 2014:
Trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,073 triệu lượt khách. Kể từ đầu tháng 5/2014, mặc dù tình hình biển Đông diễn biến căng thẳng nhưng tổng số khách du lịch trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt 3,748 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013.
Trước tình hình đó, toàn ngành du lịch tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch như: Quảng bá du lịch tại Nhật Bản, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua kênh ngoại giao kịp thời cung cấp tình hình trong nước,v.v....
Mặt khác, trang hướng dẫn thông tin du lịch lớn nhất thế giới của Anh (Rough Guides) công bố phố cổ Hội An nằm trong danh sách 20 địa điểm thú vị trên thế giới thích hợp cho việc trải nghiệm cuộc sống về đêm. Phở Việt Nam đã được cập nhật vào hệ thống từ vựng Từ điển Merriam-Webster nổi tiếng của Mỹ, Tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic (Mỹ) vừa công bố danh sách Bánh chưng và bánh dày của Việt Nam lọt vào danh sách 10 món ăn truyền thống lễ hội đặc trưng trên thế giới.v.v... đây là những tín hiệu đáng mừng đối với du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp,, số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 giảm so với tháng 5 và cùng kỳ năm trước ước đạt 450 nghìn lượt khách, giảm 33% so với tháng trước và giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tình hình trên, dự kiến tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tăng 24,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường giảm mạnh khách du lịch chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, một số thị trường giảm do yếu tố tâm lý e ngại như: Hàn Quốc, Nhật Bản.
b) Dịch vụ thông tin và truyền thông
Ước 6 tháng đầu năm 2014:
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ đúng như cam kết. Số thuê bao điện thoại cố định 6 tháng đầu năm giảm 250.000 thuê bao nhưng tốc độ giảm đang chậm dần. Tổng thuê bao interrnet băng rộng có dây đạt 5.292 nghìn thuê bao.. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt 122.000 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bưu chính ước đạt 5.000 tỉ đồng.
Ước cả năm 2014:
Tổng thuê bao điện thoại ước đạt 134,013.triệu thuê bao, trong đó cố định 8,277 triệu thuê bao và di động 125,736 triệu thuê bao. Tổng thuê bao interrnet băng rộng có dây ước đạt 5,770 triệu thuê bao.
Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm 2014 ước đạt 242.413 tỷ đồng tỉ đồng. Trong đó, doanh thu bưu chính ước đạt 9.968 tỉ đồng.
c) Dịch vụ vận tải
Ước 6 tháng đầu năm 2014
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 514 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt khoảng 106.800 triệu T.Km, tăng 121,7%; sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 1.506,2 triệu lượt hành khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển đạt 68.100 triệu HK.Km, tăng 33,2%.
Ước cả năm 2014:
Khối lượng vận tải hàng hoá dự kiến đạt 1.021 triệu tấn, bằng 80% so với năm 2013; khối lượng luân chuyển đạt khoảng 207,9 tỷ T.Km, bằng 85% so với năm 2013. Sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 3.030 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 136 triệu HK.Km.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2014:
a. Xuất khẩu
6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu ước đạt 70,88 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 43,76 tỷ USD, tăng 17,2% và chiếm 61,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 47,83 tỷ USD, tăng 16,6%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 23,05 tỷ USD, tăng 11,5%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng 9% về lượng và tăng 10,8% về kim ngạch; than đá ước đạt 4,6 triệu tấn, giảm 40,4% về lượng và giảm 38,2% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 17,1%; dệt may đạt 9,26 tỷ USD, tăng 18,2%; da giày đạt 4,84 tỷ USD, tăng 21,9%; gỗ và sản phẩm gỗ 2,89 tỷ USD, tăng 16%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 4,54 tỷ USD, giảm 4,9%; thuỷ sản 3,52 tỷ USD, tăng 26,5%; gạo 3,3 triệu tấn, giảm 6,5% về lượng và giảm 5% về kim ngạch; cà phê 1,05 triệu tấn, tăng 31,9% về lượng và tăng 24,8% về kim ngạch; cao su 341 ngàn tấn, giảm 10,7% về lượng và giảm 32,3% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 6 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 12,9% và chiếm tỷ trọng 18,5%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 4,8% và chiếm tỷ trọng 13,5%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 15,1% và chiếm tỷ trọng 10,2%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 19,8% và chiếm tỷ trọng 10,4%.
b. Nhập khẩu
6 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 69,56 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD, tăng 11,6% và chiếm 56,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 4,34 triệu tấn, tăng 15,1% về lượng và tăng 15,1% về kim ngạch; sắt thép 4,94 triệu tấn, tăng 1,6% về lượng và giảm 5,6% về kim ngạch; phân bón 1,74 triệu tấn, giảm 13,2% về lượng và giảm 31,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 10,5 tỷ USD, tăng 22,2%; máy tính và linh kiện 8,5 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; vải đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,9%; nguyên phụ liệu dệt may 2,32 tỷ USD, tăng 28,5%...
6 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 19,9%, tỷ trọng ước đạt 29,4%), ASEAN (tăng 5,5%, tỷ trọng 16%), Hàn Quốc (tăng 4,5%, chiếm tỷ trọng 14,9%), Nhật Bản (tăng 1,8%, chiếm tỷ trọng 9,4%) và EU (giảm 4,6%, chiếm tỷ trọng 6,4%).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 15,8% so với cùng kỳ, nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 13,6% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 2%.
- Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 9,2 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 6,4 tỷ USD (đóng góp khoảng 69,6% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98%); giầy dép (77,7%); hàng dệt may (60,4%); máy ảnh (99%).
- Nhập khẩu của cả nước tăng 6,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 4 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 86% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (92%); vải các loại (61%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (69%).
- 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu khoảng 1,32 tỷ USD, bằng 1,86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 4,46 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 8,53 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 7,21 tỷ USD.
2.2. Dự báo tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2014:
a. Xuất khẩu
Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 98 tỷ USD, tăng 11,2%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 48 tỷ USD, tăng 9,4%.
b. Nhập khẩu
Năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 145,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83 tỷ USD, tăng 11,5% và chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 62,5 tỷ USD, tăng 8,5%.
Như vậy, với con số dự báo như trên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014 đạt 291,5 tỷ USD; xuất siêu khoảng 500 triệu USD, bằng 0,3% kim ngạch xuất khẩu.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Ước Tổng mức bán lẻ tháng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1.438.962 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10,73% so với cùng kỳ năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,7%.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 tăng 0,3% so với tháng 5/2014, tính cả 6 tháng đầu năm tăng 1,38% so với tháng 12/2013, đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ kể từ năm 2006 trở lại đây.
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Trong bối cảnh bạo lực leo thang ở Iraq và tình hình căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây và Mỹ khiến cho giá dầu thế giới giao dịch trong tháng 6 có chiều hướng tăng. Giá dầu Brent tăng lên 115,06 USD/thùng trên sàn ICE. Trong khi đó giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 7 tăng lên 106,43 USD/thùng trên sàn Nymex. Giá hợp đồng dầu giao tháng 8 cũng tăng lên 106,05 USD/thùng.Đây là những mức giá cao nhất trong 9 tháng qua trên thị trường xăng dầu thế giới.
Thị trường trong nước:
Theo thống kê của Cục Quản lý giá, giá xăng dầu bình quân thị trường thế giới 15 ngày đầu tháng 6-2014 tăng giảm tùy từng chủng loại. Nếu so sánh giá bình quân 15 ngày đầu tháng 6-2014 với bình quân 15 ngày đầu tháng 5-2014, giá dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa giảm tương ứng 2,64% và 1,47%; trong khi đó giá mặt hàng xăng Ron 92, dầu madut, dầu thô WTI tăng tương ứng 1,55%, 2,67% và 3,44%. Nếu so sánh giá bình quân 15 ngày tháng 6-2014 với bình quân tháng 5-2014 thì giá xăng RON 92, dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa, hỏa đều giảm, mức giảm từ 0,27% đến 2,72% tùy từng chủng loại; riêng mặt hàng dầu madut 180CST 3,5S, dầu thô WTI tăng tương ứng 1,2% và 1,9%.
Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế- xã hội trong nước, ngày 12-6, Bộ Tài chính ban hành công văn số 7831/BTC-QLG; trong đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định giá bán đối với mặt hàng xăng, dầu madut trong nước như hiện hành, giảm giá bán với mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa (nếu tham chiếu theo giá bán hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với dầu điezen 0,05S là 144 đồng/lít, dầu hỏa là 103 đồng/lít). Đồng thời, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngừng sử dụng quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu điêzen và dầu hỏa; tăng sử dụng quỹ BOG với mặt hàng xăng, dầu madut. Dự kiến giá xăng dầu trong nước đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7 sẽ được điều chỉnh tăng do chênh lệch với giá xăng dầu thế giới.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 6 ước đạt 750 nghìn tấn, tương đương 728 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 3.772 nghìn tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 6 ước đạt 897 nghìn tấn, tương đương 755 triệu USD, giảm 24% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm đã xuất 4.301 nghìn tấn, tăng 9% so với sản lượng cùng kỳ năm 2013.
b) Sắt thép
Ước sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ trong tháng 6/2014 ổn định so với tháng trước.Về giá cả: Giá bán lẻ thép xây dựng 15 ngày đầu tháng 6/2014 cơ bản ổn định so với cùng kỳ 15 ngày đầu tháng 5/2014, cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.400-16.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.300-15.900 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 5/2014 đạt 1.474 nghìn tấn, ước tháng 6/2014 đạt 400 nghìn tấn, bằng 27,1% về lượng so với tháng trước. Tính cả 6 tháng đầu năm 2014, lượng thép nhập khẩu đạt khoảng 4944 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
c) Xi măng
Ước sản lượng tiêu thụ và sản xuất xi măng tháng 6/2014 tăng nhẹ so với tháng trước do nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình thương mại có xu hướng tăng trở lại. Về giá bán: Giá bán lẻ xi măng 15 ngày đầu tháng 6/2014 ổn định so với 15 ngày đầu tháng 5/2014. Tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000-1.500.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000-1.800.000 đồng/tấn.
d) Phân bón
Giá phân urê 15 ngày đầu tháng 6/2014 giảm 100 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 5/2014. Nguyên nhân là do thời điểm hiện nay, miền Bắc đã qua thời kỳ bón lúa vụ Đông Xuân, nhu cầu thị trường thấp; tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên nhu cầu phân bón Urê tăng nhẹ để phục vụ bón cây công nghiệp và phục vụ cho vụ Hè Thu sớm. Tuy nhiên, do nguồn cung tương đối dồi dào đã tác động làm giá phân bón Urê ở thị trường trong nước giảm nhẹ trong 15 ngày đầu tháng 6/2014. Cụ thể: tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 8.200-8.400 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 8.000-8.400 đồng/kg.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 300 nghìn tấn với trị giá 96 triệu USD; tính cả 6 tháng đầu năm 2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.737 nghìn tấn với trị giá 550 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2013.
e) Lương thực, thực phẩm
Lương thực:
Thị trường thế giới: Tháng 6/2014, giá gạo thế giới ổn định, phổ biến ở mức giá như sau: Gạo trắng hạt dài, chất lượng cao Thái Lan 5% tấm mức 395-405USD/tấn fob; Ấn Độ 430-440 USD/tấn fob; Việt Nam 405-415USD/tấn; Mỹ 575-585 USD/tấn fob; Pakistan 445-455USD/tấn fob; Uruguay 625-635 USD/tấn fob.
Thị trường trong nước:
Trong tháng 6/2014, giá thóc gạo ổn định tại miền Bắc nhưng tăng tại miền Nam. Cụ thể:
Giá thóc, gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tháng 6/2014 ổn định, giá thóc tẻ thường ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường ở mức 8.000-12.500 đồng/kg; Tại Nam Bộ, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 6/2014 tăng so với cùng kỳ tháng 5/2014 là do các công ty đang thu mua để thực hiện hợp đồng đã ký xuất cho Philipines, CuBa. Cụ thể: Giá lúa 5.050-6.050 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 7.875-8.400 đồng/kg, tăng khoảng 125-350 đồng/kg; loại 25% tấm giá khoảng 7.250-7.550 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg.
Thực phẩm:
Giá thực phẩm tươi sống tháng 6/2014, có biến động không đều giữa các mặt hàng so với cùng kỳ tháng trước, cụ thể: Thịt lợn hơi: miền Bắc giá phổ biến khoảng 43.000-44.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 42.000-50.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Thịt bò thăn ổn định: miền Bắc giá phổ biến khoảng 250.000-260.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg. Thịt gà ta và gà công nghiệp làm sẵn có kiểm dịch ổn định: miền Bắc giá phổ biến khoảng 125.000-130.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 117.000-125.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000-65.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm… ổn định. Cụ thể: Cá chép 70.000-80.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-185.000 đồng/kg; cá quả 110.000-120.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau củ quả có biến động không đều so với cùng kỳ tháng 5/2014: bắp cải 8.000-10.000 đồng/kg, ổn định; khoai tây 12.000-15.000 đồng/kg, ổn định; cà chua 12.000-14.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014
1. Phát triển các ngành dịch vụ
1.1. Giải pháp chung
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung các nhiệm vụ:
- Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ (bao gồm các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động nâng cao nhận thức trong các cơ quan liên quan, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề);
- Xác định và đề xuất các văn bản chính sách để phát triển các dịch vụ kinh doanh
- Rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2020.
- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực dịch vụ nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn vốn này, đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới cùng với những hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm, các lĩnh vực được khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng dịch vụ.
- Rà soát các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
- Trong khuôn khổ hội nhập dịch vụ của ASEAN, xây dựng phương án đàm phán tối ưu, đặc biệt là Gói cam kết dịch vụ thứ 10, đảm bảo lợi ích của Việt Nam khi mở cửa thị trường dịch vụ hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN.
1.2. Giải pháp phát triển các ngành dịch vụ
a) Dịch vụ du lịch
- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền trong nước, chống tư tưởng bài trừ khách du lịch, đặc biệt khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông,v.v...
- Tăng cường mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền thông tại các thị trường quốc tế qua các kênh ngoại giao, đại sứ quán, công ty lữ hành, các tổ chức du lịch nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, giải thích về công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giữ hình ảnh du lịch của Việt Nam.
- Tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam;
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2014 cho các doanh nghiệp du lịch và thương mại dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2014.
- Áp dụng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi, khích lệ khách du lịch tăng cường mua sắm tại Việt Nam.
- Kéo dài thời hạn visa du lịch tại Việt Nam đối với một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,v.v...
- Các địa phương chủ động đưa ra chính sách biện pháp kích cầu như bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch, tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch lưu thông trong và ngoài đô thị; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt giảm tối thiểu tình trạng cướp giật, lừa đảo khách du lịch ở các trung tâm du lịch, điểm du lịch.
- Tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trong các khu du lịch quốc gia, khu du lịch, điểm du lịch có tầm quan trọng trong việc tạo ra các tuyến du lịch, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của bản sắc văn hoá, sinh thái của vùng và cả nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trọn gói các điểm, khu du lịch có quy mô lớn tổng hợp kết hợp với vừa và nhỏ.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn đủ tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia, các loại hình hệ thống khách sạn cao cấp được xếp hạng, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Củng cố, xây dựng lại một số khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài vào du lịch ở Việt Nam theo hướng tổng hợp quy mô lớn.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định đã ký kết hợp tác về du lịch với các nước, thúc đẩy ký kết một số hiệp định mới, phát huy mạnh mẽ các thị trường chính đã được Nhà nước cho phép miễn visa và nghiên cứu đề xuất Nhà ưnớc mở thêm diện miễn visa ở một số thị trường chính trên cơ sở tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường chính để thu hút khách đến Việt Nam, nơi đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện.
b. Dịch vụ vận tải
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải.
c. Dịch vụ viễn thông:
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin. Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới bưu chính, viễn thông.
- Tiếp tục điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đa dạng hóa gói cước để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển mạnh dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.
- Nghiên cứu hoàn thiện công tác cấp phép và các biện pháp tổ chức, quản lý đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội.
Chú trọng công tác hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bưu chính viễn thông.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2014
- Đối với mặt hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao khả năng dự trữ tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các hoạt động chủ yếu là: tổ chức các gian hội chợ, triển lãm chuyên ngành, hoạt động giao thương xúc tiến các ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á; hỗ trợ công tác thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng hàng hóa, bảo đảm kiểm soát được chất lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế như: biên soạn 08 quy chuẩn Việt Nam cho sản phẩm và hàng hóa nhóm; triển khai các thủ tục xây dựng Thông tư quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và Thông tư quy định hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia; xây dựng và công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
a. Các giải pháp phát triển thị trường và bảo đảm cung - cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Tiếp tục triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần của hàng nội.
- Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Kịp thời trình Chính phủ phương án xuất cấp lương thực và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự trữ nhà nước cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung để hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
b. Các giải pháp nhằm bình ổn, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014.
- Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và là đầu vào của các ngành sản xuất (xăng dầu, điện, than, y tế, giáo dục...) đồng bộ với các chính sách liên quan để vừa đảm bảo theo tín hiệu thị trường vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá) gắn với kiểm tra, thanh tra, chấp hành chấp hành về thuế, phí, lệ phí; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là việc điều chỉnh giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu như thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, sữa dành cho trẻ em, thuốc chữa bệnh. Đối với một số mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu phương án áp giá trần như đối với mặt hàng sữa trẻ em thời gian qua nhằm bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và bình ổn thị trường.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.
- Các Bộ chuyên ngành chỉ đạo các Tổng công ty và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
- Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.
đ) Lương thực, thực phẩm
Lương thực, thực phẩm luôn là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của các tầng lớp nhân dân, 6 tháng đầu năm 2014 giá lương thực, thực phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu của toàn dân, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Tuy nhiên bước vào quý III/2014 là khoảng thời gian nước ta phải hứng chịu các cơn bão, lũ lụt... các địa phương cần chủ động trong mọi tình huống ứng phó với thiên tai, bão lũ... và cần tăng cường công tác quản lý, điều hành, giám sát nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ./.
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư