Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/09/2014-09:16:00 AM
Dần mở ra một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai
Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh khá khả quan.
Tuy mức độ phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nhưng với những chính sách thu hút đầu tư của từng tỉnh trong thời gian qua đang dần mở ra một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai.
Thu hút đầu tư đúng hướng
Là trung tâm kinh tế lớn của vùng, trong ba năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh là 9,2%/năm, cao gấp 1,7 lần so với cả nước (5,6%/năm).
Trình độ sản xuất công nghiệp đã và đang thay đổi về chất, các ngành công nghệ cao, công nghệ phần mềm, công nghiệp hỗ trợ... bước đầu đã được xác lập.
Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Mới đây, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành Khu Kỹ nghệ Việt-Nhật nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đang xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác vào 10/2014 để thu hút luồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao.
Còn theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, trong bảy tháng năm 2014, các Khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 45 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 369,43 triệu USD và 12 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với số vốn 2.329 tỷ đồng.
Như vậy đến nay, tại 31 khu công nghiệp Đồng Nai đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.324 dự án (359 dự án trong nước), thu hút gần 441.500 lao động.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho rằng các dự án thu hút vào các Khu công nghiệp Đồng Nai trong hai năm gần đây, đặc biệt là thời gian gần đây đúng với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đặt ra từ năm 2006 là thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, có vốn đầu tư lớn... Trong đó, khoảng trên 70% những đầu tư mới tại Đồng Nai “lọt” vào công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu ở những lĩnh vực: cơ khí, da giày, xây dựng, nhựa.

Có được kết quả này là nhờ chính sách kêu gọi đầu tư của Đồng Nai đã đưa ra những dịch vụ tốt nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư.
Chính sách thu hút của doanh nghiệp không phân biệt đó là lớn hay vừa và nhỏ. Có những doanh nghiệp rất nhỏ đến mức nhà xưởng chỉ 100m2 nhưng rất năng động và hoạt động hiệu quả.
Từ chính sách đầu tư cởi mở của Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp lớn đã tăng vốn đầu tư và kéo theo hàng loạt những doanh nghiệp vệ tinh sang sản xuất cung ứng cho các doanh nghiệp này.
Hiện nay có một số nhà đầu tư mới tiếp cận để đầu tư tại Đồng Nai với dự án lớn về công nghiệp hỗ trợ như doanh nghiệp công nghệ cao Bosch (Đức).
Ngoài ra, x ác định phát triển công nghiệp hỗ trợ trước hết phải có nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Đồng Nai đang có chương trình liên kết hợp tác với Nhật Bản để đưa thiết bị máy móc mới vào các trường cao đẳng, trường nghề và đưa giáo viên đi tập huấn ở Nhật Bản, đào tạo nhân lực cho công nhân lao động phù hợp với công nghiệp hỗ trợ.
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây, thu hút đầu tư FDI của tỉnh tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đó là kết quả của việc thực hiện đổi mới danh mục kêu gọi thu hút đầu tư về ưu tiên ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, trong số hơn 1 tỷ USD thu hút mới bảy tháng năm 2014, đã có gần 50% số dự án đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất siêu trong bảy tháng năm 2014 đạt gần 1,5 tỷ USD.
Với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp FDI vào công nghiệp hỗ trợ, nhìn chung các ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đều có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong hai ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh là dệt may và da giày đã chuyển mình rõ rệt. Từ sự lệ thuộc phần lớn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đến nay tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên 30-40% nhờ sự tự chủ của các doanh nghiệp trong nước và các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ do các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh.
Riêng ngành điện tử, linh kiện và phụ tùng ôtô, sự đầu tư mạnh từ các tập đoàn kỹ thuật cao của Nhật Bản, Hàn Quốc gần đây đã nâng cao giá trị hàng hóa và cải thiện tỷ trọng xuất khẩu của Bình Dương.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ đã góp phần giảm nhập siêu và tăng giá trị hàng hóa, đồng thời kéo theo việc thu hút đầu tư thêm nhiều dự án mới cho địa phương.
Tạo sức lan tỏa cho công nghiệp hỗ trợ trong nước
Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu của các địa phương trong thời gian tới sẽ chú trọng đầu tư các khu chuyên về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, làm động lực để lan tỏa sang công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tỉnh đang ưu tiên các lĩnh vực kêu gọi thu hút đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án ít sử dụng lao động, ảnh hưởng môi trường. Trong đó, khuyến khích các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nội địa hóa sản phẩm trong nước như dệt may, da giày và nhiều lĩnh vực có hàm lượng chất xám.

Muốn thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, những dự án lớn bắt buộc phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ những dự án này sẽ kéo theo hàng loạt các vệ tinh hỗ trợ cho nhà đầu tư, tạo ra sự lan tỏa nhằm phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó quay lại thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực làm nhà cung ứng cho công nghiệp hỗ trợ thì nên đi từng bước, trước hết là nhà cung ứng cho doanh nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI.
Tại Đồng Nai hiện đã có quy hoạch một số phân khu công nghiệp hỗ trợ, trong các khu công nghiệp có những khu vực dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đó là những khu vực hạ tầng hoàn chỉnh, nhà xưởng xây sẵn.
Lợi thế của công nghiệp hỗ trợ là các nhà đầu tư rất năng động, sau khi cấp phép xong là bắt tay vào sản xuất ngay nên tốc độ giải ngân các dự án FDI của Đồng Nai trong thời gian qua ở mức cao (90%).
Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ chú trọng việc chuẩn bị mặt bằng và các cơ sở hạ tầng khác cho các dự án đang xúc tiến cũng như việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động của các dự án đã đầu tư vào các khu công nghiệp.
Tỉnh tiếp tục đôn đốc các công ty kinh doanh hạ tầng đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng trong Khu công nghiệp để sẵn sàng đáp ứng việc thuê đất của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Việc thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, thành phố sẽ dành quỹ đất khoảng 650ha để hình thành ba khu công nghiệp chuyên biệt về công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi kèm theo các khu này như giá thuê đất, đầu tư kỹ thuật.
Riêng đối với các doanh nghiệp FDI, khi được hưởng chính sách ưu đãi sẽ cam kết về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với công nghiệp hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước mắt, đã có hai khu công nghiệp có quỹ đất sẵn sàng để hình thành khu công nghiệp chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ là Khu công nghiệp Hiệp Phước (597ha) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (231ha), qua đó thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhanh Khu Kỹ nghệ Việt-Nhật tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để đưa vào khai thác trong tháng 10/2014 nhằm thu hút luồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ kỹ thuật cao.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ trình Chính phủ và dự kiến Nghị định sẽ ban hành vào cuối quý 4/2014. Điều này sẽ là động lực để các tỉnh chuyển hướng mạnh mẽ từ phát triển công nghiệp theo chiều rộng sang phát triển công nghiệp hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao./.

TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1156
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)