Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/01/2014-09:35:00 AM
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh

(MPI Portal) - Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Quyết định nêu rõ quan điểm phát triển là thành phố cần tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng đô thị. Phát triển đồng bộ các loại hình kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất gắn với nâng cao trình độ khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực; tạo mọi điều kiện phát huy các nguồn lực – nhất là nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực thành phố có lợi thế và thực hiện phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với thích ứng biến đổi khí hậu.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Ðông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 10% - 10,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5% - 10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5%-9%/năm.
GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt từ 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.430 - 8.822 USD, đến năm 2025 đạttừ 13.340-14.285 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ58,16% - 60,07%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 39,19 - 41,07% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ0,74% - 0,78%. Đến năm 2025, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ58,29% - 61,10%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng từ 38,29% - 41,05% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,61% - 0,66%.
Về vấn đề xã hội, đến năm 2015 quy mô dân số thành phố Hồ Chí Minh đạt 8,2 triệu người, năm 2020 là 9,2 triệu người và năm 2025 là 10 triệu người. Đến năm 2025, hàng năm tạo ra 130.000 chỗ làm việc mới.
Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện các mục tiêu như giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo và y tế chất lượng cao, ngang tầm với các nước phát triển khu vực Đông Nam Á.
Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực, thành phố tập trung phát triển các ngành dịch vụ với 9 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo; phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hiện đại, bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa, cao ốc văn phòng, nhà hàng khách sạn cao cấp, thương mại điện tử, trung tâm y tế kỹ thuật cao, các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng dịch vụ hiện đại và hạ tầng dịch vụ truyền thống.
Phát triển du lịch thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực; phát triển thành phố thành trung tâm du lịch và trung chuyển khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch mua sắm, du lịch hội nghị, du lịch khám chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.
Định hướng phát triển công nghiệp - xây dựng thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao; phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may - da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển dần từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động sản xuất.
Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao; bố trí sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học; hạn chế các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông.
Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 8,7%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 8,7%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8,5%/năm.
Về định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn, thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 5%/năm, 2016-2020 đạt 5%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 5%/năm.
Phấn đấu đến năm 2015, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (56/56 xã, không tính 2 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn đã có tốc độ đô thị hóa rất cao).
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội; khoa học, công nghệ; quốc phòng, an ninh; hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhà ở; bảo vệ môi trường.
Cũng theo Quyết định này, thành phố phải tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị và khu công nghiệp, phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế thương mại và các khu kinh tế đặc thù khác.
Về mô hình phát triển, thành phố theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.
Cụ thể, phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.
Bên cạnh đó, phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.
Không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Quyết định cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như: giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư; giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giải pháp về khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên và môi trường; giải pháp về tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước; giải pháp mở rộng hợp tác quốc tế và giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Quyết định này thay thế Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 6130
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)