Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020 có mục tiêu tổng quát là xây dựng nền kinh tế tỉnh phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại; cải thiện mức sống người dân; bảo vệ môi trường và đảm bảo vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu đến năm 2020, Nam Định có trình độ phát triển ở mức trung bình khá và đến năm 2030 đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng.
Về mục tiêu kinh tế, đến năm 2015, cơ cấu kinh tế các ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tương ứng là 26%, 39,5% và 34,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 39 – 40 triệu đồng; thu ngân sách tăng khoảng 17%/năm, giá trị xuất khẩu khoảng 11%/năm.
Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế các ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tương ứng là 13%, 45,7% và 41,3%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 86 triệu đồng; thu ngân sách tăng khoảng 15%/năm; giá trị xuất khẩu tăng khoảng 15%/năm.
Về mục tiêu xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1 – 2%/năm; giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,15 – 0,2%/năm; mỗi năm giải quyết được 30 – 40 nghìn lượt lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị và ổn định ở mức 3% - 4%.
Đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 0,9%/năm; trên 75% lao động qua đào tạo; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35%; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 35%; trên 80% trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
Theo quy hoạch, tỉnh Nam Định hướng tới phát triển các ngành và lĩnh vực, cụ thể:
Về nông lâm nghiệp và thủy sản, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, bền vững, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,9% thời kỳ 2011 – 2020 và đạt 2,2% thời kỳ 2021 – 2030.
Về phát triển công nghiệp, tập trung phát triển nhanh, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập.Tập trung đầu tư một số ngành, sản phẩm chủ lực của địa phương như đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất dược liệu, cơ khí chế tạo… Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp thời kỳ 2011 – 2020 đạt 17,6%/năm, giai đoạn2021 – 2030 đạt 13,5%/năm.
Tỉnh phấn đấu phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ bền vững, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,2%/năm cho cả giai đoạn.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực xã hội như lao động, giải quyết việc làm; giáo dục – đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe; văn hóa thể dục thể thao; và một số lĩnh vực khá như xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống tai nạn giao thông.
Về mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất.
Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng cao. Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nâng cấp, cải tạo quốc lộ 38B, quốc lộ 37B, quốc lộ 21. Liên kết các địa phương trong vùng để xây dựng tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa – Ninh Bình – Nam Định – TháiBình – Hải Phòng – Quảng Ninh; đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đồng thời, tăng cường cấp điện, nâng cao hoạt động bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, thủy lợi…
Về định hướng tổ chức không gian phát triển, vùng kinh tế biển, bao gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và phía Nam huyện Nghĩa Hưng (từ đường 56 xuống biển), định hướng tiếp tục nghiên cứu để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Nam Định.
Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghiệp – dịch vụ, bao gồm thành phố Nam Định và khu vực phụ cận trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, là hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bao gồm các huyện: Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và phía Bắc huyện Nghĩa Hưng (từ đường 56 trở lên), định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đảm bảo giữ vững an ninh lương thực; phát triển chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa.
Phát triển đô thị Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nâng cấp thị trấn Quất Lâm lên thị xã giai đoạn 2013 – 2015, thị trấn Thịnh Long lên thị xã trong giai đoạn 2016 – 2020 và tiến tới thành lập thành phố Thịnh Long.
Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh; đến năm 2015 cơ bản hoàn thành xây dựng 96 xã đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2015; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới cho 113 xã còn lại trong giai đoạn 2016 – 2020./.