Chủ động nguồn nguyên vật liệu và tìm nguồn nguyên vật liệu từ các đối tác khác đang là vấn đề cấp bách hiện nay của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tránh tình trạng lệ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ một thị trường như hiện nay.
|
Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất.(Ảnh: TTXVN)
|
Ngày 30/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nhịp cầu doanh nghiệp phối hợp với Tập đoàn truyền thông Hoa Mặt Trời tổ chức hội nghị về tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn nguyên vật liệu trong khối ASEAN đã đem lại nhiều ý kiến giải đáp về vấn đề này.
Phát triển nguyên phụ liệu trong nước
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc là 12,45 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; trong đó, nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng sản xuất trị giá 2,3 tỷ USD; nhóm nguyên vật liệu dệt may, da giày chiếm 2 tỷ USD.
Với giá thành rẻ, dồi dào, nguồn nguyên vật liệu đối với sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đa phần tới từ thị trường Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, một hướng đi quan trọng để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó là các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được nguồn nguyên vật liệu của chính mình tại Việt Nam.
Để có thể xây dựng được nguồn nguyên vật liệu nội địa, các doanh nghiệp cần đầu tư một cách có chiều sâu, đầu tư máy móc, khoa học công nghệ để sản xuất được nguyên vật liệu đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải xây dựng được một hệ thống sản xuất có tính liên kết và phân công rõ ràng, chuyên môn hóa từng khâu. Tóm lại, phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là giải pháp then chốt cho bài toán trên.
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khu công nghiệp Việt Hương 1 và 2, cho rằng vai trò của Nhà nước trong việc nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu là rất quan trọng. Ở tầm vĩ mô, việc tích cực đàm phán Hiệp định TPP được xem như một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam có động lực phát triển nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Trong Hiệp định TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực, cụ thể là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Nếu Hiệp định TPP được ký kết, Nhà nước cần xây dựng một chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp.
Theo ông Hàng Vay Chi, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất. Việt Nam cần sớm có một chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách cụ thể, quyết liệt hơn.
Tìm nguồn nguyên vật liệu từ các đối tác khác
Trong khi giải pháp xây dựng nguồn nguyên vật liệu trong nước cần một kế hoạch dài hơi thì việc tìm nguồn nguyên vật liệu thay thế tới từ các đối tác khác cũng là một bước đi đúng trong thời điểm này.
Các doanh nghiệp hiện đang hướng tới tìm nguồn nguyên vật liệu từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Campuchia …; trong đó, Malaysia và Indonesia là hai thị trường phù hợp nhất về giá cả trong số các thành viên TPP. Đây chính là giải pháp của những doanh nghiệp đang có thị trường xuất khẩu là những nước thuộc thành viên của TPP như Nhật Bản, Mỹ, Canada.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, nguồn nhập khẩu máy móc được quan tâm là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Hàng Vay Chi nhận định máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản có thể có giá thành cao hơn khoảng bốn lần máy móc tới từ Trung Quốc nhưng thời gian khấu hao dài hơn gấp ba lần, tỷ lệ sản phẩm lỗi dưới 1%, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững.
Với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác cũng đang có sự thay đổi khi hiện nay thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN là 0% nên nhiều doanh nghiệp đã tăng nhập nguyên liệu từ khu vực này thay vì từ Trung Quốc hiện chịu mức thuế 5%.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn chủ động đầu tư sang Lào, Campuchia trồng các vùng nguyên phụ liệu rồi nhập về Việt Nam nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất.
Theo bà Hồ Trang, Tổng Giám đốc Công ty áo mưa Lucky, bước đầu trong việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng rủi ro về nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sẽ thôi thúc doanh nghiệp tìm nguồn cung khác thay thế.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi nguồn cung cần được thực hiện một cách có tính toán, có lộ trình, tùy vào khả năng của từng doanh nghiệp và chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Trang, việc đầu tư máy móc hiện đại cũng đòi hỏi phải tính toán kỹ, có chiến lược dài hơi, căn cơ hơn vì thời gian khấu hao máy kéo dài từ 10 - 15 năm.
Việc chủ động tìm nguồn nguyên liệu tới từ các đối tác khác sẽ góp phần làm đa dạng nguồn nguyên vật liệu, tránh sự lệ thuộc vào một nguồn cung. Doanh nghiệp sớm chủ động nguồn nguyên liệu sẽ nhanh chóng hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững dù cả trong những bối cảnh khó khăn./.