Tại Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 7/4, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nhờ các hợp đồng đã ký từ năm trước nên lượng gạo xuất khẩu trong quý 2 có thể khả quan hơn, với sản lượng đạt được từ 2 - 2,4 triệu tấn.
|
Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh việc thu mua lúa gạo tạm trữ.(Ảnh: TTXVN)
|
Báo cáo của VFA, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng Ba đạt 583.294 tấn, trị giá FOB đạt 256,184 triệu USD. So với tháng Hai, lượng gạo xuất khẩu tăng 77,7%, trị giá tăng 75,42%. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm, lượng xuất khẩu đạt 1,219 triệu tấn, tương ứng trị giá 529,77 triệu USD, giảm 15,41% về lượng và 9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân sụt giảm mạnh trong quý 1, theo lãnh đạo VFA là do phải cạnh tranh gay gắt với gạo của Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ, đặc biệt là chính sách đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Thái Lan đã kéo mặt bằng giá đi xuống.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chủ lực của Việt Nam cũng đang suy giảm, ước tính lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 40% nhưng trong quý 1 đã giảm trên 20% so với cùng kỳ; ngoài ra thị trường châu Mỹ và Cuba giảm hơn 51%; châu Phi giảm gần 63%.
Về quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hiệp hội lương thực cho biết, hiện các địa phương đã đẩy nhanh việc thu mua, giúp giải quyết một phần đầu ra cho người nông dân và ngay những ngày đầu đã nâng giá lúa lên từ 200 - 500 đồng/kg. Tuy nhiên, do thời gian thu mua ngắn và số lượng mua tạm trữ còn ít so với nguồn cung thực tế nên giá gạo đã nhanh chóng giảm trở lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đã thu mua tạm trữ được khoảng hơn 500.000 tấn quy gạo, đạt hơn 50% kế hoạch. Tuy nhiên, với mức giá 4.200 - 5.000 đồng/kg lúa tươi như hiện nay, mục tiêu có lãi 30% của nông dân là không thể đạt được.
Trước tình hình trên, thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo đủ gạo cho xuất khẩu, đồng thời đề xuất biện pháp nhằm tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân với mức lãi phù hợp.
Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, can thiệp kịp thời không để giá gạo có những biến động gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng./.