I. Nông Lâm Thuỷ sản
1. Nông nghiệp
Gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2013 - 2014 toàn tỉnh đạt 46.574 ha, đạt 110,4% KH vụ, tăng 8,5% so với đông xuân năm trước; trong đó nhóm cây lương thực đạt 39.954 ha, đạt 120,7% so với kế hoạch vụ, tăng 7,5% so với đông xuân năm trước (lúa35.903 ha đạt 119,3% so với kế hoạch, tăng 6,7% so với năm trước; bắp 4.051 ha đạt 135% kế hoạch, tăng 15,2% so với năm trước). Cây chất bột có củ (lang) 289 ha, tăng 1,4% so với năm trước. Cây thực phẩm 4.512 ha, đạt 64% kế hoạch vụ, tăng 17,2% so với năm trước. Cây công nghiệp ngắn ngày 1.673 ha, đạt 102,6% so với kế hoạch vụ, tăng 12,1% so với năm trước.
Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy năng suất lúa đạt 61,5 tạ/ha (đông xuân năm trước đạt 59,8 tạ/ha); năng suất bắp đạt 77,5 tạ/ha (đông xuân năm trước 75,4 tạ/ha). Ước sản lượng lương thực đông xuân năm nay đạt 252 ngàn tấn (tăng 25 ngàn tấn so với đông xuân năm trước), trong đó lúa 221 ngàn tấn (tăng 20 ngàn tấn); bắp 31 ngàn tấn (tăng 5 ngàn tấn).
Đạt được kết quả trên do thời tiết sản xuất tương đối thuận lợi. Ngay từ đầu vụ các hộ sản xuất nông nghiệp đã tận dụng những chân ruộng đảm bảo đủ độ ẩm, nguồn nước tưới được chủ động từ hệ thống các công trình thuỷ lợi mở rộng diện tích trồng lúa, xuống giống đồng loạt theo lịch, sử dụng các loại giống lúa xác nhận có năng suất cao.
Thực hiện Chương trình xã hội hoá giống lúa và mô hình cánh đồng lúa năng suất cao tiếp tục được triển khai vụ Đông xuân 2013 – 2014 đã thực hiện được 358 ha giống lúa xác nhận và triển khai được 1.854 ha sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lúa năng suất cao (gồm Hàm Thuận Bắc 44 ha, Hàm Thuận Nam 10 ha, Đức Linh 300 ha, Tánh Linh 1.500 ha).
Tiến độ sản xuất vụ hè thu 2014: Đến 15/5/2014 gieo trồng lúa đạt 10.697 ha, bằng 51,97% so thời điểm cùng kỳ (nguyên nhân do ở lịch xuống giống vụ mùa năm trước ở một số huyện bị trễ khoảng 20 ngày do khan hiếm nước làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ hè thu này); trong đó, lúa 9.432 ha (huyện Đức Linh 3.500 ha, Tánh linh 4.000 ha, Tuy Phong 1.500 ha, Bắc Bình 200 ha, Hàm Thuận Nam 200 ha, Phan Thiết 32 ha); bắp 1.100 ha (huyện Tánh Linh 1.050 ha, Bắc Bình 50 ha). Cây trồng khác : cây có bột 60 ha (chủ yếu cây mì ở huyện Tánh Linh); rau các loại 70 ha; đậu các loại 25 ha, đậu phụng 10 ha.
Phát triển cây lâu năm:
- Cây thanh long: Do giá quả thanh long từ đầu năm đến nay được thương lái thu mua ở mức khá cao nên các hộ sản xuất đã mở rộng diện tích trồng một cách tự phát, không theo quy hoạch, gây không ít khó khăn trong việc quản lý đất nông nghiệp. Diện tích trồng mới từ đầu năm đến nay đạt 628 ha (theo kế hoạch chỉ phát triển 195 ha).
- Cây điều, hiện đã kết thúc mùa thu hoạch, nhìn chung vụ điều năm nay bị thất thu, sản phẩm thu hoạch chỉ đủ bù chi phí. Do ở thời điểm điều ra hoa gặp sương muối kèm với gió mạnh làm bông điều rụng hết dẫn đến năng suất thu hoạch thấp, giá bán giảm mạnh (bình quân 18 ngàn đồng/kg, giảm 5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ), nguyên nhân giảm chủ yếu là do thị trường xuất khẩu nhân điều bị thu hẹp, giá thành sản xuất cao hơn giá xuất khẩu nên các doanh nghiệp hạ giá thu mua điều nguyên liệu.
- Cây cao su, hiện đang bước vào vụ thu hoạch, giá bán mủ cao su giảm (cùng kỳ năm trước giá 14 ngàn đồng/kg mủ tươi; năm nay 8 ngàn đồng/kg). Nguyên nhân giảm do từ cuối năm 2013, lượng cao su tồn kho khá lớn, thị trường tiêu thụ sản lượng sao su của tỉnh chủ yếu là Trung Quốc, nhưng giá xuất khẩu hiện tại sang thị trường này đang ở mức rất thấp (thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây), do vậy các doanh nghiệp xuất khẩu đang ghim hàng chờ tăng giá, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp còn nhiều nên giá thu mua mủ tươithấp.
- Một số loại cây lâu năm khác đang được tập trung chăm sóc, phát triển ổn định như: cây trôm đang chuẩn bị xuống giống, phát triển thêm diện tích trồng mới vào mùa mưa; cây xoài đang vào mùa thu hoạch; cây tiêu đã xong vụ thu hoạch chuyển sang giai đoạn làm bồn, bón phân, cho vụ thu hoạch tiếp theo
* Tình hình sâu bệnh:
- Trên lúa: Trong tháng rầy nâu gây hại trên cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, mật độ 800 – 1.000 con/m2 với diện tích nhiễm là 364 ha, gây hại rải rác ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh. Sâu cuốn lá gây hại rải rác trên lúa giai đoạn mạ mật độ 5 - 10%, diện tích nhiễm bệnh 2 ha (thị xã La Gi). Bệnh ốc bươu vàng trong giai đoạn mạ diện tích nhiễm 5 ha (Thị xã La Gi). Bệnh cháy bìa lá 23 ha giai đoạn đang trổ (Tánh Linh, La Gi).
- Trên cây mì diện tích nhiễm bệnh nhện đỏ, rệp sáp, vàng lá, chổi rồng 234 ha (huyện Hàm Tân).
- Các cây trồng khác như Thanh long nhiễm bệnh đốm trắng (đốm nâu – tắc kè) diện tích nhiễm 83 ha (Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Phan Thiết); bệnh thán thư 92 ha gây hại rải rác ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, La Gi; bệnh vàng cành, cháy cành diện tích nhiễm bệnh 887 ha toàn vùng trồng thanh long trong tỉnh; diện tích nhiễm kiến, bò trĩ, bọ xít 402 ha (Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, La Gi).
- Trên cây điều diện tích nhiễm khô bông, thán thư 510 ha (phân bố chủ yếu tại La Gi, Tánh Linh và Hàm Tân); sâu các loại diện tích nhiễm 48 ha (La Gi).
Trước tình hình dịch bệnh đang xảy ra ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống, tổ chức tuyên truyền để người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến các dịch hại chính, kịp thời có biện pháp quản lý phòng trừ dịch hại có hiệu quả.
Công tác thuỷ lợi: Trong tháng 5/2014 đã có mưa trên một số địa bàn, lượng nước trữ trong các hồ chứa thuỷ lợi được nâng cao. Các đơn vị chức năng đã phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thuỷ lợi, ao, bàu, vùng trũng nhằm phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu nước. Công tác nạo vét, khai thông các kênh trục chính, tu bổ, gia cố, sửa chữa kênh, cống lấy nước, trạm bơm nước, kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh tưới trong các công trình thuỷ lợi được duy trì thường xuyên. Riêng vụ Đông xuân đã tưới 32.146 ha (đạt 92,86% kế hoạch).
Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra 01/4/2014
- Đàn lợn toàn tỉnh có 246.025 con (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước), 5/10 huyện có số lượng đàn lợn tăng, trong đó tăng cao là: Đức Linh tăng 19,9% (12.260 con); Hàm Tân tăng 17,9% (9.568 con); Phan Thiết tăng 16,5% (1.590 con); bình quân mỗi hộ nuôi 11,26 con, trong đó Hàm Tân đạt cao nhất (99,6 con/hộ), kế đến là Đức Linh (21,3 con/hộ), Phan Thiết (18,2 con/hộ) La Gi (18,9 con/hộ). Số lượng đàn lợn trong các trang trại vẫn duy trì ổn định, tổng đàn lợn của các trang trại là 61.460 con tăng 1,03% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn ngày càng phát triển, đàn lợn nuôi trong các doanh nghiệp đạt 23.540 con; bình quân một trang trại nuôi 1.336 con; bình quân một doanh nghiệp nuôi 5.885 con.
- Đàn gia cầm có là 2.635,6 ngàn con, (giảm 14,9% so cùng kỳ năm trước). Trang trại gia cầm hiện có 08 trang trại với 102 ngàn con chiếm (3,87% so với tổng đàn); doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi gia cầm hiện có 01 doanh nghiệp với 38 ngàn con (chiếm 1,44% so với tổng đàn). Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ (chủ yếu là hộ gia đình).
Kết quả trên cho thấy đàn lợn phát triển ổn định, có xu hướng phục hồi nhanh do giá thức ăn gia súc, giá giống, giá tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không xảy ra; song đàn gia cầm có xu hướng giảm do thời gian qua xảy ra dịch cúm gia cầm (trong tháng 3/2014), người tiêu dùng sử dụng hạn chế.
Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm:
Trong tháng đã tổ chức tiêm phòng 648 ngàn liều vắc xin (trong đó: đàn gia súc 61 ngàn liều; đàn gia cầm 587 ngàn liều). Kiểm dịch 84 ngàn con gia súc; 46 ngàn con gia cầm. Kiểm soát giết mổ gia súc 2.200 con, gia cầm 16 ngàn.
Từ sau đợt dịch cúm gia cầm tại xã Nam Chính (huyện Đức Linh), các ngành, các cấp đã phối hợp chặt chẽ triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên dịch cúm gia cầm được khống chế hoàn toàn đàn gia cầm được giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi; lập chốt quản lý ra vào khu vực có dịch; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trong vùng dịch; công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm được tiếp tục tăng cường, thành lập 03 chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định 1383/QĐ-UBND công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Đức Linh thông báo việc giết mổ, mua, bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn xã Nam Chính, huyện Đức Linh được hoạt động trở lại bình thường và ngưng hoạt động của chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn xã Nam Chính đồng thời tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh; đề phòng phát sinh những ổ dịch mới và không để dịch bệnh tái phát.
2. Lâm nghiệp
Các địa phương trong tỉnh đã tích cực chủ động trong công tác phòng chóng cháy rừng (PCCR); kiện toàn Ban Chỉ huy về PCCR. Đã thành lập 9 ban chỉ huy PCCR huyện, 69 ban chỉ huy PCCR xã, 360 tổ, đội PCCR ở các địa phương; xây dựng 394,46 km đường băng cản lửa, 5 chòi canh lửa; trang bị 293 máy móc, 2.186 dụng cụ thủ công, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra còn yêu cầu các hộ dân sống trong khu vực có rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không gây cháy hoặc phát hiện cháy phải báo ngay cho trạm bảo vệ rừng gần nhất.
Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục chăm sóc cây giống để phục vụ trồng rừng khi điều kiện thời tiết thuận lợi, đồng thời lập hồ sơ thuyết minh dự toán trồng rừng gửi đến các ngành hữu quan xem xét, phê duyệt.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Tình hình phá rừng, nhất là khai thác vận chuyển gỗ trái phép ở các vùng trọng điểm giáp ranh giữa Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc với huyện Đức Trọng, Di Linh tỉnh Lâm Đồng và khu vực nội tỉnh, nhất là địa bàn huyện Tánh Linh, Hàm Tân vẫn diễn biến phức tạp. Trong 5 tháng đầu năm, đã phát hiện 372 vụ vi phạm lâm luật, trong đó: phá rừng trái phép 21 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 51 vụ, vi phạm về phòng chống cháy rừng 2 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 141 vụ, vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác 6 vụ, vi phạm khác 151 vụ. Số vụ vi phạm đã xử lý 306 vụ (303 vụ hành chính, 3 vụ hình sự), tịch thu 183,7 m3 gỗ tròn, 149,2 m3 gỗ xẻ. Tổng số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách 1,76 tỷ đồng.
3. Thủy sản
Ngư trường trong những tháng qua tương đối thuận lợi, các loại cá nổi xuất hiện sớm, lượng cá cơm, cá nục, cá trích xuất hiện khá dày. Ước sản lượng khai thác 5 tháng đạt 62,4 ngàn tấn, tăng 7,4% so cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đã đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản 7 chiếc/3.134 cv (bình quân mỗi chiếc đóng mới 447,7 cv), tiếp tục thay thế tàu thuyền từ công suất nhỏ lên công suất lớn. Đến nay đã có 2.233 tàu có công suất từ 90cv trở lên (so với cuối năm 2013 tăng thêm 58 chiếc, trong đó tàu từ 90 - 300cv tăng 41 chiếc; trên 300cv tăng 17 chiếc).
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành hữu quan triển khai thực hiện Chỉ thị cấm các tổ chức khai thác các loài hải đặc sản gồm sò lông, điệp, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận (từ ngày 1/4 đến 31/7/2014). Tuy vậy, từ lúc có thông báo cấm lặn cho đến 15/5/2014, các ngành chức năng đã phát hiện 10 vụ khai thác và vận chuyển trái phép, tịch thu hơn 34 tấn sò lông và các loại hải đặc sản khác.
Nuôi trồng thuỷ sản: Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 5 tháng ước đạt 4.457 tấn (tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước). Giá tôm thương phẩm so với cùng kỳ năm trước tăng thêm 30%.
Nuôi tôm nước lợ: Diện tích thả nuôi 5 tháng ước đạt 423 ha (tăng 4 ha so với cùng kỳ năm trước). Diện tích thả nuôi mới tăng không đáng kể do thời tiết chưa ổn định, ngày nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích bị khô hạn không đảm bảo lượng nước để xuống giống. Dự ước năng suất đạt 8,4 tấn/ha (cùng kỳ năm trước 7,5 tấn/ha).
Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt: Do điều kiện nuôi trồng chưa thật thuận lợi, giá thức ăn cho nuôi cá khá cao, đầu ra tiêu thụ không ổn định, nên người nuôi cá không đầu tư mở rộng thêm, dự ước năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha.
Nuôi thủy sản trên biển gặp khó khăn về thị trường đầu ra, thời gian nuôi kéo dài, đối tượng nuôi cá mú cọp, tập trung nuôi nhiều ở vùng biển huyện Phú Quý, giá cả không ổn định (hiện nay giá bán đang giao động từ 170 - 240 ngàn đồng/kg, so với thời điểm cùng năm trước đã giảm từ 100 - 120 ngàn đồng/kg). Sản lượng thu hoạch 5 tháng ước đạt 51 tấn (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước).
Sản xuất tôm giống ổn định, công tác kiểm dịch xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên. Ước 5 tháng xuất bán 5,8 tỷ post (tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước).
II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển
1. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước ước đạt 104,16% (tăng 4,16%).
Tính theo giá so sánh 2010, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đạt 7.156,9 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp khai khoáng đạt 288 tỷ đồng (tăng 7,7%); công nghiệp chế biến chế tạo đạt 4.485,2 tỷ đồng (tăng 5,2%); sản xuất và phân phối điện đạt 2.322,9 tỷ đồng (tăng 10,3%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 60,8 tỷ đồng (tăng 7,0%).
Các sản phẩm tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước là: khai thác cát xây dựng (tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước), đá xây dựng (tăng 13,3%), gạch nung (giảm 9,7%), thủy sản đông lạnh (tăng 3,6%), thủy sản khô (tăng 4,4%), nước mắm (tăng 0,3%), hạt điều nhân (tăng 2,0%), đường (giảm 5,2%), nước uống đóng chai (giảm 4,0%), nước đá (tăng 3,8%), nước máy sản xuất (tăng 1,3%), muối hạt (giảm 7,3%), hàng may mặc (tăng 24,2%), điện sản xuất (tăng 9,3%).
Đã tiếp tục thi công thuỷ điện Sông Luỹ, thuỷ điện Đan Sách 2,3; khởi công điện gió Phú Lạc; lập thủ tục chuẩn bị đầu tư điện gió Phước Thể, Phong điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 2); đưa vào vận hành phát điện tổ máy số 1 (622 MW), đang lắp đặt tổ máy số 2 – Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; thi công các tuyến đường dây 220KV Vĩnh Tân - Phan Thiết, Vĩnh Tân – Tháp Chàm.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu có nhiều chuyển biến. Sản xuất các sản phẩm may mặc, thuỷ sản đông, khô, đồ gỗ tăng khá so với cùng kỳ năm trước do thị trường xuất khẩu tiếp tục giữ ổn định; đá xây dựng tăng khá do nhu cầu thi công mở rộng Quốc lộ 1A; sản lượng điện phát ra tăng khá; một số sản phẩm chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ trong tỉnh được giữ vững.
Tiến độ đầu tư và thu hút dự án vào các Khu công nghiệp (KCN).
+ KCN Phan Thiết giai đoạn 1: Hoàn chỉnh hạ tầng kĩ thuật, bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp. Lấp đầy 100% diện tích với 27 dự án, diện tích đất thuê 44,8 ha.
+ KCN Phan Thiết giai đoạn 2: Chủ đầu tư tiếp tục thi công các hạng mục công trình dịch vụ. Trong 5 tháng chưa thu hút thêm dự án nào; lũy kế thu hút đầu tư đến nay được 05 dự án, diện tích đất thuê 9,02 ha, tổng vốn đăng ký 135 tỷ đồng; lấp đầy 37,7% diện tích.
+ KCN Hàm Kiệm 1: Đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh một số hạ tầng thiết yếu thu hút dự án đầu tư. Trong 5 tháng thu hồi 01 dự án; thu hút thêm 02 dự án. Lũy kế thu hút đến nay được 08 dự án, diện tích đất thuê 29,89 ha, trong đó có 6 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án đầu tư có vốn nước ngoài, với tổng vốn đầu tư là 886,65 tỷ đồng và 5,51 triệu USD.
+ KCN Hàm Kiệm 2: Đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu giai đoạn 1, đang triển khai đầu tư hạ tầng giai đoạn 2. Trong 5 tháng thu hồi 01 dự án; thu hút 01 dự án; lũy kế thu hút đầu tư đến nay được 03 dự án, diện tích cho thuê 27,29 ha, với tổng đầu tư là 199,46 tỷ đồng và 19,8 triệu USD; lấp đầy 9,71% diện tích.
+ KCN Sông Bình: Đến nay thi công san lắp mặt bằng được 280 ha; hiện đã thu hút được 2 dự án (trong đó có 1 dự án nước ngoài) với vốn đầu tư là 1.382,5 tỷ đồng và 40 triệu USD với diện tích cho thuê 57,56 ha.
+ KCN Sơn Mỹ I: hiện đang tiến hành công tác đền bù giải toả, chuẩn bị khởi công.
+ KCN Tân Đức; KCN Sơn Mỹ 2: hiện đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết do điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch.
+ KCN Tuy Phong: hiện đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đã khởi công xây dựng vào ngày 12/4/2014.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, tiến độ đầu tư xây dựng các KCN chậm, một số dự án trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
2. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương 5 tháng ước đạt 507,3 tỷ đồng, đạt 46,2% KH năm; trong đó: Vốn cân đối ngân sách cấp tỉnh đạt 412,9 tỷ đồng (đạt 52,1% KH); Vốn cân đối ngân sách cấp huyện đạt 80,7 tỷ đồng (đạt 28,4% KH).
Các công trình trọng điểm được triển khai khá tích cực, nhất là các công trình giao thông được thực hiện quyết liệt để sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đến cuối quý I/2014 tỉnh đã hoàn thành bàn giao mặt bằng được 169 km để thi công. Công tác di dời các công trình hạ tầng như công trình điện hạ thế, đường ống dẫn nước, viễn thông được thực hiện đúng kế hoạch.
Trong tháng đã cấp đăng ký mới cho 44 doanh nghiệp và điểm kinh doanh; cấp đăng ký thay đổi 87 doanh nghiệp; thông báo giải thể và xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh 12 doanh nghiệp; thông báo yêu cầu 03 doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo đúng qui định của Luật doanh nghiệp; thông báo tạm ngừng hoạt động 05 doanh nghiệp.
Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 09 dự án và cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 06 dự án, với tổng vốn đăng ký thực hiện tăng 280 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay, có 22 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 21 dự án được cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký thực hiện dự án 935 tỷ đồng.
III. Thương mại, Giá cả; Du lịch; Xuất nhập khẩu; Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông
1. Thương mại, Giá cả
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2014 ước đạt 1.743 tỷ đồng; luỹ kế 5 tháng đạt 9.050 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,1%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2014 là 100,39% (tăng 0,39% so với tháng trước). So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng là 102,35% (sau 5 tháng tăng 2,35%). Nhìn chung so với đầu năm, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, song tăng ở mức thấp trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị đồ dùng gia đình; giao thông tăng cao hơn so với mức tăng chung (tăng trên 2,35% so với tháng 12/2013). Nếu so với cùng kỳ năm trước (sau 1 năm) thì chỉ số giá tiêu dùng là 106,42% (tăng 6,42%); trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống,may mặc, mũ nón, giầy dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng cao hơn mức tăng chung. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép là nhóm tăng cao nhất (tăng 9,39%).
Công tác Quản lý thị trường được tiếp tục tăng cường như chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Trong gần 5 tháng (đến 10/5/2014), lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.029 vụ, phát hiện và xử lý 573 vụ vi phạm; đã xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3 tỷ đồng.
Về kiểm tra các mặt hàng trọng tâm: Trong 5 tháng đã thực hiện kiểm tra 23 lượt/96 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 56 lượt/186 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, 79 lượt/235 cơ sở kinh doanh thuốc lá, thực phẩm.
2. Du lịch
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có 271 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động kinh doanh với tổng số 10.253 phòng. Đã xếp hạng 169 cơ sở lưu trú với 6.815 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao 03 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có 22 cơ sở với 2.214 phòng, 3 sao có 12 cơ sở với 891 phòng, 2 sao có 32 cơ sở với 1.248 phòng, 1 sao có 30 cơ sở với 772 phòng, nhà nghỉ du lịch có 52 cơ sở với 1.100 phòng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê có 18 cơ sở với 242 phòng.
Hoạt động kinh doanh lữ hành có 44 đơn vị, trong đó có 06 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 28 doanh nghiệp lữ hành nội địa, có 10 chi nhánh văn phòng đại diện của các hãng lữ hành.
Lượt khách đến nghỉ dưỡng, du lịch tại Bình Thuận 5 tháng ước đạt 1.565 ngàn lượt khách (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước) với 2.296 ngàn ngày khách (tăng 8,6%). Khách quốc tế đến Bình Thuận trong tháng có 93 nước, khu vực; trong đó du khách Nga, Trung Quốc, Đức chiếm tỷ trọng khá trong số du khách quốc tế.
Doanh thu du lịch 5 tháng ước đạt 2.759 tỷ đồng (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước).
3. Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2014 ước đạt24,2 triệu USD; luỹ kế 5 tháng đạt 102,8 triệu USD, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 40,5 triệu USD (tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước), hàng nông sản đạt 8,8 triệu USD (giảm 53,3%), hàng hoá khác 53,5 triệu USD (tăng 8,9%); với một số mặt hàng chủ yếu: hải sản đông 5.546 tấn; hải sản khô 533 tấn; nhân hạt điều 98 tấn; quả thanh long 6.579 tấn; cao su 344 tấn; hàng may mặc 40,9 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng khá do thị trường tiêu thụ giữ ổn định,trong đó thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng lớn. Xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do các mặt hàng nhân hạt điều, quả thanh long, cao su đều giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Một số hàng hóa khác như: sản phẩm may mặc, đồ gỗ duy trì được thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tăng khá đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung giữ được ổn định và tăng hơn cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dịch vụ du lịch 5 tháng ước đạt 55,8 triệu USD; tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu tháng 5/2014 ước đạt 8,2 triệu USD; luỹ kế 5 tháng đạt 45,7 triệu USD, giảm 7,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đạt 36,4 triệu USD (tương đương với cùng kỳ năm trước).
4. Giao thông vận tải
Vận tải hàng hoá, hành khách tiếp tục ổn định. Ước tính khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ 5 tháng đạt 37,5 triệu tấn/km; luỹ kế 5 tháng 199,1 triệu tấn/km (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước). Luân chuyển hàng hoá đường thủy tháng 5/2014 đạt 476 ngàn tấn/km; luỹ kế 5 tháng 2.398 ngàn tấn/km (tăng 15,3%). Luân chuyển hành khách đường bộ tháng 5/2014 đạt 71,8 triệu lượt người/km; luỹ kế 5 tháng 362,4 triệu lượt người/km (tăng 9,7%). Luân chuyển hành khách đường thuỷ tháng 5/2014 đạt 460 ngàn lượt người/km; luỹ kế 5 tháng đạt 2.339 ngàn lượt người/km (tăng 12,5%).
Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên.
Sau 1 tháng thành lập Trạm cân lưu động Bình Thuận (ngày 15/4/2014) đến nay (15/5/2014), đã có 1.124 lượt phương tiện được kiểm tra, đã phát hiện hơn 345 xe vi phạm tải trọng, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.
Mặc dù các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, song thực trạng cho xe chở quá tải vẫn tiếp tục diễn ra (nhất là các xe mang BKS các tỉnh ngoài). Để đối phó trạm cân, các xe quá tải đã lưu thông vào những tuyến đường vòng. Tình trạng các xe sau khi di chuyển về gần trạm cân, đã tụ tập một lượng lớn xe ở hai đầu trạm cân để cố tình tạo ùn tắc, tạo áp lực bằng cách tụ tập số đông la ó, chửi bới, hăm dọa buộc trạm cân phải bung để vượt trạm vẫn thường xảy ra.
Do thực hiện ”siết chặt” hoạt động xe quá tải trọng, quá khổ trên toàn quốc, giá cước vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng đã tăng thêm khá cao (tăng thêm 40 - 50%).
Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên. Trong 5 tháng, số vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ xảy ra 318 vụ (cùng kỳ năm trước xảy ra 481 vụ); gây thương tích 171 người (cùng kỳ năm trước 437 người); gây chết 89 người (cùng kỳ năm trước 143 người). Tai nạn và va chạm giao thông đường sắt xảy ra 02 vụ, gây chết 01 người.
IV. Thu ngân sách; Hoạt động tín dụng
1. Thu ngân sách
Thu ngân sách trên địa bàn tháng 5/2014 ước đạt 570 tỷ đồng; luỹ kế 5 tháng đạt 2.662,6 tỷ đồng, đạt 41,2% dự toán năm, (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước). Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu thì kết quả thu nội địa đạt 1.546,1 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán năm; tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu thuế phí 1.460,9 tỷ đồng (đạt 42,9% DT năm; tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước).
Trong thu ngân sách, các khoản thu 5 tháng đạt và tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 259,2 tỷ đồng (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước); thu ngoài quốc doanh 378,3 tỷ đồng (giảm 4,7%); thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 175,6 tỷ đồng (tăng 47,3%), thu xổ số kiến thiết 232,7 tỷ đồng (tăng 34,0%); các loại phí, lệ phí 86,6 tỷ đồng (tăng 7,7%); thu tiền sử dụng đất 85,2 tỷ đồng (tăng 19,4%), thuế xuất nhập khẩu 68,9 tỷ đồng (giảm 57,3%), thu từ dầu thô 1.047,5 tỷ đồng (tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước).
Trong những tháng qua, ngành Thuế đã có nhiều cố gắng tập trung cho công tác quản lý thuế; khai thác nguồn thu mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế có hiệu quả; đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất, quản lý kê khai thuế qua mạng Internet, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Tuy vậy công tác quản lý thuế trong xử lý vi phạm thuế, cưỡng chế thu nợ thuế, chống thất thu thuế còn hạn chế.
2. Hoạt động tín dụng
Đến 30/4/2014, vốn huy động đạt 17.388 tỷ đồng, tăng 10,56% so với đầu năm, tăng 5,74% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: tiền gửi tiết kiệm chiếm 83,65% nguồn vốn huy động toàn địa bàn. Tổng dư nợ cho vay đạt 19.332 tỷ đồng, tăng 4,64% so với đầu năm, tăng 1,79% so với cùng kỳ; trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 56,69% tổng dư nợ. Nợ xấu chiếm 1,64% tổng dư nợ.
Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 26% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 3,2% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 28,2% tổng dư nợ.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã quan tâm cơ cấu lại kỳ hạn nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng. Trong 04 tháng đầu năm 2014, đã gia hạn và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 527 khách hàng với dư nợ đạt 1.243 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về mức lãi suất hiện hành của đơn vị đạt 4.281 tỷ đồng/8.508 khách hàng.
Ước đến 31/5/2014: nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm.
Thị trường ngoại tệ và vàng nhìn chung ổn định, không có biến động nhiều. Tỷ giá niêm yết tại các Ngân hàng thương mại cũng biến động theo xu hướng của tỷ giá liên ngân hàng và thấp hơn mức trần cho phép.
Nhìn chung hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đã triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục mở rộng tín dụng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất cho vay giảm dần. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng phát triển sâu rộng, hỗ trợ tích cực cho việc trả lương qua tài khoản.
Tuy vậy nợ xấu đang có xu hướng gia tăng (cuối năm 2013 chiếm 1,45% trong tổng dư nợ; cuối tháng 4/2014 nợ xấu chiếm 1,64% tổng dư nợ) do một số doanh nghiệp sau khi được cơ cấu lại nợ nhưng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu phát sinh; việc xử lý tài sản thu hồi nợ, nhất là các khoản nợ liên quan đến thi hành án của một số TCTD còn gặp khó khăn, tiến độ chậm.
V. Một số vấn đề xã hội
1. Văn hóa, Thể thao
Hoạt động tuyên truyền, cổ động trong tháng được tiếp tục triển khai với những chủ đề: Kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014); ngày Quốc tế Lao động (1/5), 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014), 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh và ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2014), "Tiếng hát Truyền hình tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2014; cuộc thi "Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2014" … với 3.110 giờ phát thanh, 3.420 m2 panô, 3.900 m băng rôn, 2.798 m2 phướn khẩu hiệu, 1.700 lượt cờ các loại. Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh thực hiện 07 buổi văn nghệ tuyên truyền về an toàn giao thông với kịch bản “Cho đường phố bình yên” tại huyện Tánh Linh và Phú Quý.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng duy trì đều. Đã tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Âm vang Điện Biên” kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử cấp Quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014 do Cục Văn hóa cơ sở và UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức (đạt huy chương vàng toàn đoàn); tổ chức Liên hoan Hát ru hát Dân ca …
Thư viện tỉnh đã cấp mới 366 thẻ bạn đọc (thiếu nhi 254 thẻ), phục vụ 8.330 lượt bạn đọc (thiếu nhi 1.280 lượt), luân chuyển 46.323 lượt tài liệu (thiếu nhi 26.500 lượt); tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách chuyên đề kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014), ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày sách Việt Nam (21/4), 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), với 126 trang tin.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận trong tháng đã đón và phục vụ 250 đoàn, với 26.589 lượt người, trong đó có 44 lượt khách nước ngoài. Phục vụ 23 lễ viếng, 01 cuộc triển lãm. Bảo tàng tỉnh sưu tầm, khai quật và tiếp nhận sưu tầm 16 hiện vật tại huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình; tiếp nhận 56 hiện vật. Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư đã đón 11.548 lượt khách, trong đó có 1.550 khách nước ngoài. Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận trong tháng đón 120 lượt khách tham quan, sưu tầm, trao đổi 02 hiện vật.
Hoạt động thể thao duy trì tổ chức tốt, an toàn. Các giải thường niên ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành truyền thống thu hút đông đảo dân chúng địa phương và du khách tham gia.
2. Y tế
Ngành Y tế tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia. Trong tháng công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được giám sát chặt chẽ nhất là các bệnh truyền nhiễm như: Sởi, cúm A H1N1, H5N1, H7N9, sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh tay chân miệng ... .
Số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng: 48 ca (tăng 37% so với tháng trước); luỹ kế 5 tháng 206 ca, không có ca tử vong. Số ca mắc tay chân miệng: 45 ca (giảm 6,2% so với tháng trước); luỹ kế 5 tháng 139 ca, không có tử vong. Số ca mắc sốt rét: 29 ca (tăng 3,3% so với tháng trước), không có ca mắc sốt rét ác tính, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc Sởi từ đầu năm đến nay có 66 trường hợp (sốt phát ban nghi sởi), trong đó mắc bệnh sởi 14 ca.
Đã khám 1.835 lượt phát hiện bệnh phong. Số bệnh nhân hiện mắc bệnh phong: 17, không có phát hiện bệnh nhân mới ; số đang quản lý: 528 bệnh nhân, bệnh nhân phong mới bị tàn tật độ II: 0; khám 1.163, số bệnh nhân thu dung điều trị: 197. Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới: 86. Số bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 02 cơ sở Phan Thiết và LaGi: 120 ca. Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 38 ca (lũy kế từ trước tới nay 4.448 ca); số chuyển AIDS mới 8 ca (luỹ kế từ trước tới nay 1.045 ca); tử vong mới 2 ca (lũy kế từ trước tới nay 409 ca).
3. Giáo dục
Chất lượng dạy và học ở các cấp phổ thông tiếp tục có nhiều chuyển biến. Qua kết quả học kỳ I, năm học 2013 - 2014 cho thấy như sau:
- Bậc Tiểu học:
Tỉ lệ học sinh đạt điểm 5 trở lên: Môn tiếng Việt là 96,16% (tăng 0,23% so với cùng kỳ năm học trước); Môn Toán 95,96% (tăng 0,33%); Môn Khoa học (lớp 4 và 5) 99,62% (tăng 0,84%); Môn Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5) 99,51%, (tăng 0,80%).
- Bậc Trung học cơ sở:
+ Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Giỏi: 15,22% (tăng 1,23% so với cùng kỳ năm học trước); loại Khá: 28,89%, (tăng 0,64%); loại Yếu: 18,99%, (giảm 1,05%).
- Bậc Trung học phổ thông:
Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực loại Giỏi: 4,32% (tăng 1,05% so với cùng kỳ năm học trước); loại Khá: 24,59% (tăng 2,44%); loại Yếu: 25,90% (giảm 3,6%).
Các Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia được tổ chức thực hiện đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Kỳ thi giải toán trên máy vi tính cầm tay cấp tỉnh năm học 2013 - 2014 có 67 thí sinh đạt giải, trong đó 6 giải nhất, 14 giải nhì và 47 giải ba. So với năm học trước, tăng 21 giải (Giải nhì tăng: 05; giải ba tăng: 16).
- Kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay khu vực phía Nam năm học 2013 - 2014 có 4 học sinh đạt giải, trong đó 3 thí sinh đạt giải ba, 01 thí sinh đạt giải khuyến khích.
- Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013 - 2014 có 08 học sinh đạt giải, trong đó: 01 giải nhì, 02 giải ba và 5 giải khuyến khích. So với năm học trước, tăng 01 giải nhì và 02 giải ba; giải khuyến khích giảm 02 giải.
- Kỳ thi Olympic tiếng Anh qua Internet cấp toàn quốc dành cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 11 tỉnh Bình Thuận có 27 học sinh đạt giải, cụ thể:
+ Lớp 5: 01 Huy chương Vàng và 04 giải khuyến khích;
+ Lớp 9: 01 Huy chương Vàng và 05 giải khuyến khích;
+ Lớp 11: 02 Huy chương Bạc, 05 Huy chương Đồng và 10 giải khuyến khích.
So với năm học trước tăng: 01 Huy chương Bạc, 03 Huy chương Đồng và 01 giải khuyến khích.
- Kỳ thi Olympic các trường Chuyên phía Nam, trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận đã xuất sắc đạt 43 Huy chương, xếp thứ 15/131 trường dự thi, cụ thể: 15 Huy chương Vàng; 21 Huy chương Bạc; 07 Huy chương đồng. So với năm học trước tăng: 06 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc.
4. Lao độngXã hội, Chính sách
Trong tháng Ngành Thương binh - Lao động và Xã hội đã giải ngân 64 dự án với số lao động được giải quyết việc làm là 68 người, nâng tổng số lao động vay vốn từ đầu năm đến nay là 218 người; đưa 04 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đầu năm đến nay tuyển sinh đào tạo nghề cho 3.080 người (đạt 23,7% so với kế hoạch năm), trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.157 người (đạt 21,6% so với kế hoạch năm). Đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cho 128 Bà mẹ VNAH (đợt 1) ; xét đề nghị tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam cho 122 trường hợp (đợt 2); tổ chức đưa 400 người có công đi điều dưỡng đợt 1 (tại Bà Rịa - Vũng Tàu) trợ cấp một lần và cấp BHYT cho 10 trường hợp theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ, 83 trường hợp người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, 03 trường hợp Cựu chiến binh theo Nghị định số 150 của Chính phủ. Cấp BHYT đối với thân nhân của người có công cho 356 trường hợp. Giới thiệu 11 trường hợp người nhiễm chất độc hóa học đi giám định. Đưa 20 trẻ đi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, tổng tiền vận động là 120 triệu đồng./.
Website Cục thống kê Bình Thuận