(MPI Portal) – Trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, ngày 05/02/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo các xu thế lớn toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cùng các cố vấn, chuyên gia kinh tế của WB và Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Trình bày Báo cáo tại Hội thảo, ông Manu Bhaskaran, chuyên gia của WB đưa ra những kịch bản về những diễn biến sẽ xảy ra trong 20 năm tới trên cơ sở xác định những xu thế lớn trên toàn cầu như tăng các điểm nóng địa – chính trị, sự trỗi dậy của thế giới đa cực; tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, sự trỗi dậy của các siêu đô thị và đô thị thông minh; các công nghệ mới chủ chốt sẽ cất cánh, thách thức đối với các mô hình kinh tế, kinh doanh; các kênh hội nhập đa chiều, thiếu bộ máy điều hành kinh tế toàn cầu, lưu chuyển tài chính thiếu ổn định; cạnh tranh nhiều hơn về tài nguyên nước, năng lượng, tăng khả năng dễ tổn thương; phản ứng chính sách còn chậm và chưa phù hợp – cần thiết nên biến đổi khí hậu là tất yếu; Trung Quốc và Ấn Độ chuyển dịch sang các vị thế mới trong chuỗi giá trị, tự động hóa và quay lại sản xuất trong nước, sự dịch chuyển từ đồng USD sang đồng EUR.
|
Ông Manu Bhaskaran, chuyên gia của WB. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Báo cáo của WB đã chỉ ra các kết quả chính về tốc độ tăng trưởng toàn cầu: tốc độ tăng trưởng bình quân 3% mỗi năm, quy mô kinh tế sẽ tăng gấp đôi vào năm 2032 và Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP toàn cầu, qua đó đưa ra những kịch bản và hàm ý đối với Việt Nam như: sự ảnh hưởng môi trường chính trị phức tạp của khu vực, thế giới, sự tác động lẫn nhau một cách trực tiếp và nhanh chóng giữa các ngành công nghệ, tài nguyên, khí hậu, tài chính… chứa đựng những tiềm năng song cũng nhiều rủi ro. Việt Nam cần tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc và sự phục hồi; sự đa dạng, linh hoạt và khả năng thích ứng sẽ giúp Việt Nam hướng đến một kịch bản tốt hơn trong tương lai.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến góp ý, thảo luận về những tình huống, diễn biến kinh tế - chính trị trong 20 năm tới, trong đó, hầu hết bày tỏ mối quan tâm đối với sự phát triển,tầm ảnh hưởng của các quốc gia mới nổi, sự phát triển khoa học – công nghệ và xu thế tiền tệ trên thế giới.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định, cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp tăng khả năng chống chịu, đa dạng, thích ứng bằng cách tạo điều kiện hơn nữa cho khu vực tư nhân, khuyến khích những đề xuất đổi mới cho nền kinh tế nói riêng và toàn xã hội nói chung của Việt Nam.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao Báo cáo của chuyên gia WB và những góp ý, thảo luận tại Hội thảo. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần làm tốt các mục tiêu đã đặt ra, bao gồm hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sự quản lý và phân bổ nguồn lực xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền với bộ máy tinh gọn và hiệu quả phục vụ nhân dân tốthơn. Với sự hỗ trợ của WB, sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và thế giới, Báo cáo Việt Nam 2035 giúp Việt Nam có những góc nhìn và định hướng tư duy mới, tăng khả năng thích ứng, vượt qua khó khăn, hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư