(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Báo cáo Việt Nam 2035, ngày 16/4/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức buổi Tọa đàm về sơ thảo các nghiên cứu đầu vào của Chương “Đổi mới sáng tạo – Động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững”. Tham dự Tọa đàm có Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu về kinh tế của Việt Nam và nước ngoài.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến trình bày báo cáo tại buổi tọa đàm.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Báo cáo tại buổi tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến đưa ra những phân tích cho thấy sự cần thiết của đổi mới sáng tạo (ĐMST) đối với phát triển kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, hiện tại năng suất của Việt Nam còn thấp, các yếu tố tăng trưởng trong quá khứ như vốn, lao động rẻ, tài nguyên đang mất dần lợi thế, dẫn đến tăng trưởng chậm lại và có xu thế giảm. Nếu không đưa khoa học và công nghệ vào ứng dụng thực tiễn thì không có đóng góp cho kinh tế - xã hội. ĐMST là quá trình biến tri thức khoa học công nghệ (KHCN) thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, diễn ra ở doanh nghiệp, vì thế doanh nghiệp là trung tâm của ĐMST. ĐMST là nhân tố chủ yếu của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chiếm khoảng ½ tăng trưởng của GDP. Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không chỉ phát triển KHCN như hiện tại mà cần phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ĐMST. ĐMST diễn ra ở doanh nghiệp nhưng không riêng rẽ mà thông qua học hỏi và tương tác giữa các tác nhân chủ yếu trong một hệ thống nhất định – hệ thống ĐMST, bao gồm: Doanh nghiệp – trung tâm của ĐMST – tạo nhu cầu về tri thức ĐMST; Viện nghiên cứu, trường đại học – nguồn cung nhân lực ĐMST và tri thức ĐMST; Môi trường thể chế tạo điều kiện hỗ trợ ĐMST và sự tương tác giữa các đối tượng.
Một số kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống ĐMST quốc gia ở các nước phát triển là hệ thống ĐMST hoàn chỉnh, trong đó năng lực quản trị và ĐMST của doanh nghiệp cao, luôn có nhu cầu ĐMST, thực sự đóng vai trò trung tâm của các hệ thống ĐMST; các viện nghiên cứu, trường đại học đi đầu về nguồn cung nhân lực chất lượng cao và tri thức KHCN có tính đột phá, dẫn dắt; hệ thống thể chế hỗ trợ hiệu quả; cơ chế thị trường, vai trò chính phủ phân biệt rõ ràng; tương tác giữa các tác nhân của hệ thống một cách năng động, bền vững và hiệu quả. Hàn Quốc là một mô hình tăng trưởng điển hình, có mối liên hệ và tương đồng cao với Việt Nam. Hơn 30 năm qua, Hàn Quốc đánh dấu sự tăng trưởng phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm quốc nội từ 8 tỷ USD năm 1970 lên 1.071 tỷ USD năm 2010, theo đó thu nhập bình quân đầu người tăng từ 254 USD lên 20.759 USD; công nghiệp nặng chiếm chưa đến 40% tổng giá trị gia tăng sản xuất lên đến khoảng 88%, trong khi công nghiệp nhẹ từ 60% giảm xuống còn khoảng 12% trong tổng giá trị gia tăng sản xuất. Các giai đoạn phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia của Hàn Quốc dần đưa doanh nghiệp vào vị trí trung tâm và tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Chính phủ, với các viện nghiên cứu, trường đại học lẫn nhau, đảm bảo sự hoạt động năng động và hiệu quả của hệ thống ĐMST. Trong đó, vai trò Nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, xây dựng môi trường thể chế hỗ trợ cho hệ thống ĐMST, đặc biệt trong giai đoạn đang hình thành như Việt Nam hiện nay.
|
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa
chủ trì Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Thực trạng hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghệ thấp và trung bình thấp (khoảng 70%); năng lực quản trị và ĐMST của doanh nghiệp trong nước yếu kém, ít đầu tư nghiên cứu phát triển; doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng áp đảo trong các ngành công nghệ trung bình – cao và công nghệ cao, chủ yếu lắp ráp sản phẩm cuối cùng để khai thác thị trường nội địa nên hầu như không có hiệu ứng lan tỏa công nghệ; đã hình thành một số chuỗi giá trị trong nông nghiệp, có tham gia xuất khẩu, đầu tư cho ĐMST nhưng chưa tổng kết để có chính sách hỗ trợ nhân rộng; nhu cầu ĐMST từ doanh nghiệp thấp do thiếu áp lực cạnh tranh (trừ các doanh nghiệp xuất khẩu), năng lực hấp thu công nghệ yếu, thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao, ít liên kết với các viện nghiên cứu và trường đại học; doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp đi đầu trong ĐMST còn rất ít, thiếu khung pháp lý và chính sách hỗ trợ.
Báo cáo cũng nêu lên một số đề xuất bước đầu về nâng cao năng lực ĐMST quốc gia, bao gồm hỗ trợ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp để trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST; cải cách hệ thống KHCN - nguồn cung tri thức theo hướng thu gọn, tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu cho một số ngành kinh tế ưu tiên, tiềm năng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; hoàn thiện môi trường thể chế hỗ trợ ĐMST.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Báo cáo về giáo dục đại học – nguồn cung nhân lực và tri thức cho ĐMST, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nguồn nhân lực và KHCN – ĐMST. Giáo dục đại học là đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự đổi mới tri thức, sáng tạo của người học, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới năng suất lao động, hiệu quả kinh tế.
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay có 156 trường đại học công lập, 58 trường ngoài công lập, 56 viện nghiên cứu, 287 cơ sở đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ. Cơ cấu và quản trị hệ thống giáo dục đại học còn nhiều bất hợp lý, thiếu tính liên thông, mạng lưới trường đại học và viện nghiên cứu tách biệt, chuẩn đại học còn thấp; quy hoạch phát triển trường đại học không rõ ràng, ngắn hạn; mạng lưới các trường đại học phát triển chủ yếu về số lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thấp. Chất lượng đào tạo đại học còn yếu kém, chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động, trình độ nhân lực thấp, lạc hậu so với thế giới, chưa tiếp cận được trào lưu chung phát triển nhân lực của thế giới.
Đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp cho giáo dục đại học đến năm 2035, Báo cáo nêu rõ hệ thống giáo dục đại học cần được tái cấu trúc, phân tầng theo chức năng nhiệm vụ và định hướng phát triển; trao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học; chuyển nền giáo dục sang phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả; xây dựng bộ tiêu chí chuẩn quốc gia để quản trị các trường đại học theo sự phân tầng; cần cơ quan của Chính phủ thống nhất quản lý các hệ thống giáo dục đại học và KHCN; mở rộng và tăng cường vị trí của các đại học tư thục phi lợi nhuận; các nguồn quỹ nghiên cứu dành cho các trường đại học cần được cung cấp dựa trên nguyên tắc đặt hàng và cạnh tranh theo đầu ra…
Tọa đàm cũng được nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cho Báo cáo. Đa số các ý kiến đồng tình và đánh giá những nghiên cứu, báo cáo của các chuyên gia rất công phu, mang hàm lượng trí tuệ cao, cách tiếp cận tổng thể, đưa ra cái nhìn khái quát về thực trạng kinh tế hiện nay, cũng như mang lại những đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam. Qua đó, nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo vận hành cơ chế để mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam tới 2035./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư