(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Báo cáo Việt Nam 2035, ngày 23/6/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo các chuyên đề “Tổng kết 30 năm đổi mới” và “Quản lý quá trình chuyển đổi” do Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh chủ trì.
|
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày chuyên đề. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Trong chuyên đề “Việt Nam 30 năm đổi mới: Dấu ấn và thách thức”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu lên dấu ấn của quá trình đổi mới, cải cách của Việt Nam trong giai đoạn từ 1986 đến 2015. Năm 1986, Việt Nam chính thức đổi mới, đây được coi là công cuộc cải cách thành công nhất của Việt Nam trong quá trình chuyển từ mô hình kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường. Năm 1989 - 1995 ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp với “chùm” cải cách định hướng thị trường, mở cửa và chuẩn bị cho hội nhập. Giai đoạn 2000-2006 ghi nhận sự cải cách mạnh mẽ với sự ra đời Luật Doanh nghiệp, ký kết các hiệp định thương mại tự do, song phương, song vẫn chưa đồng đều. Năm 2007-2011 chủ yếu là những chính sách ứng phó tình huống (khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng trưởng suy giảm). Năm 2011-2015, cùng những nỗ lực phục hồi, Việt Nam tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc, hội nhập sâu rộng hơn với việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại.
Quá trình cải cách, đổi mới đã mang lại cho Việt Nam một số thành tựu đáng kể như trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp), cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa, thực hiện được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, mức độ hội nhập khá cao. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng thời gian qua chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động giá rẻ, các nhân tố sản xuất còn hạn chế, chất lượng lao động thấp, chi phí giao dịch cao, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công thiếu hiệu quả, chứa đựng những tiềm ẩn rủi ro về tài chính và kinh tế vĩ mô… Tăng trưởng công nghiệp – xây dựng chậm lại khi mức đô thị hóa dân cư chưa đạt 50%, tập trung ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, gây nên hiệu ứng lan tỏa thấp, tắc nghẽn và ô nhiễm. Vẫn còn tình trạng nghèo đói nghiêm trọng ở các vùng hẻo lánh, dân tộc thiểu số và sự gia tăng khoảng cách thu nhập.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Báo cáo Việt Nam 2035 được xây dựng nhằm chỉ rõ 6 bước đột phá thực hiện tầm nhìn đến 2035, bao gồm: Đô thị hóa và chuyển dịch không gian phát triển; Xây dựng thể chế hiện đại; Phát triển khu vực tư nhân và hiện đại hóa nền kinh tế; Bảo đảm phát triển bền vững về môi trường; Chuyển đổi về bảo đảm xã hội, phát triển bao trùm; Tạo lập hệ thống và thúc đẩy sáng tạo quốc gia. Một trong những nhiệm vụ của Việt Nam 2035 là lường trước các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cải cách và phát triển, tìm hiểu nguyên nhân và xác định mức độ rủi ro, qua đó đưa ra các giải pháp để hạn chế và tăng sức đề kháng của quốc gia. Trong chuyên đề “Quản trị quá trình cải cách và phát triển tầm nhìn 2035”, TS. Võ Trí Thành phân tích hai nguyên nhân dẫn đến rủi ro là yếu tố thể chế, chính sách và sự thay đổi trong và ngoài nền kinh tế. Rủi ro nội tại thể chế đến từ việc xây dựng và thực thi chính sách yếu, tương tác kinh tế - chính trị thiếu nhất quán. Rủi ro do các cú sốc trong và ngoài nền kinh tế xảy ra khi có các bất ổn về kinh tế vĩ mô, khủng hoảng, bất bình đẳng trong xã hội, hay các nguyên nhân khách quan từ kinh tế thế giới và thiên tai, thảm họa thiên nhiên…
Để ứng phó với các rủi ro, nhóm nghiên cứu xây dựng Báo cáo đã đề ra một số giải pháp ứng phó. Đối với rủi ro bất ổn tài chính, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại, tạo dựng và phát triển cân đối hơn hệ thống tài chính; tăng cường năng lực giám sát tài chính; ổn định kinh tế vĩ mô; tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường năng lực và vị thế độc lập của ngân hàng trung ương. Ứng phó với trường hợp sốc giá năng lượng (xăng dầu), cần thực thi giá thị trường, hỗ trợ xã hội nhóm yếu thế, minh bạch cách thức và công cụ can thiệp cùng trách nhiệm giải trình, xây dựng dự trữ quốc gia. Để giảm thiểu rủi ro về nợ công, cần tăng cường hiệu quả của đầu tư công; đổi mới cơ chế phân cấp gắn với hoàn thiện Luật Ngân sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn; tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở thực hiện và tổng kết khung khổ pháp lý về đầu tư công, mua sắm chính phủ, PPP…
|
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo cơ bản đánh giá cao nội dung báo cáo các chuyên đề được trình bày, tạo tiền đề cho sự đổi mới và phát triển của Việt Nam trong 20 năm tiếp theo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý bổ sung cho Báo cáo như tầm quan trọng của cải cách thể chế đối với nền kinh tế, việc thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước theo đúng tiêu chuẩn OECD, vấn đề sở hữu đất đai… Các đại biểu thống nhất quan điểm tốc độ là thuộc tính được ưu tiên cao nhất của sự phát triển và để đạt được những mục tiêu đề ra trong tương lai, thay đổi tư duy là điểm mấu chốt giải quyết mọi vấn đề. Qua đó, nhóm nghiên cứu ghi nhận nhiều ý kiến góp ý hữu ích, bổ sung vào quá trình hoàn thiện Báo cáo Việt Nam 2035./.
Nguyễn Hương-Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư