Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 47 dự án đầu tư sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 155,4 triệu USD.
Thị trường Lào vẫn thu khu vực thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam cao nhất, với 4 dự án mới và hai lượt điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 53,9 triệu USD (chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đứng thứ hai về sự hấp dẫn đối với dòng vốn Việt, đạt 50,8 triệu USD (chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký) trên 7 dự án cấp mới và 1 lượt điều chỉnh.
Mặc dù chỉ có 1 dự án mới, 1 lượt điều chỉnh, song Đức vẫn đứng thứ ba với tổng với tổng vốn đầu tư là 26,5 triệu USD (chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Tuy nhiên xét về số lượng, các dự án lại đang tập trung vào thị trường Myanmar với 8 dự án cấp mới và Hoa Kỳ là 7 dự án cấp mới. Số dự án còn lại phân bổ ở một số quốc gia khác.
Về lĩnh vực đầu tư, khai khoáng vẫn là thế mạnh của các nhà đầu tư Việt Nam, có tổng vốn đầu tư đạt 42,5 triệu USD (chiếm 27,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Theo đến là ngành bán buôn-bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vị trí thứ hai, với 18 dự án mới, 3 lượt dự án điều chỉnh và đạt 39,3 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Đáng chú ý, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có hoạt động “ngoại tiến” đứng ở vị trí thứ ba, với 3 lượt dự án điều chỉnh, tổng vốn đăng ký 29,5 triệu USD (chiếm 19% tổng vốn đầu tư đăng ký)./.