Báo cáo ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Cục Thống kê Tây Ninh.
1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
1.1 Nông nghiệp:
a) Trồng trọt:
+ Gieo trồng vụ Mùa: tính đến ngày 15/7/2015 toàn tỉnh đã xuống giống được 4.295 ha cây trồng các loại, tăng 44,81% so cùng kỳ; trong đó tăng mạnh chủ yếu từ cây lúa với 1.511 ha gấp 2,7 lần diện tích cùng kỳ, còn các cây hàng năm khác đạt 2.784 ha, cũng tăng 15,90% so cùng kỳ. Tiến độ gieo trồng tháng này đạt khá cao, nhờ đầu vụ mưa đến sớm, hầu hết các địa phương đều tranh thủ xuống giống nhanh hơn. Tuy nhiên, một số cây rau, đậu, hoa cây cảnh… gieo trồng lại thấp hơn cùng kỳ, nguyên nhân do tiến độ thu hoạch các cây trồng vụ trước còn chậm, không kịp giải phóng đất để xuống giống của vụ này. Mặt khác việc chuyển đổi cây trồng vẫn diễn ra thường xuyên đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng phần nào tác động đến tiến độ sản xuất cây nông nghiệp hàng năm. Cụ thể, tình hình các cây trồng chính: Đối với cây lúa, do thời tiết tương đối thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng mạnh so cùng kỳ (+947ha), tập trung chủ yếu ở các huyện cặp sông Vàm Cỏ Đông (Trảng Bàng, Châu Thành, Bên Cầu). Khu vực này, tập quán canh tác hàng năm luôn gieo trồng sớm hơn, để tránh ngập úng vào mùa lũ; Cây Ngô đạt 52ha, tăng 57,58%, do thời gian gần đây có nhiều giống mới cho năng suất cao hiệu quả khá hơn nên gười dân đã tập trung trồng tăng thu nhập và cải tạo đất; cây đậu phộng đạt 16 ha, tăng 6,67%; Riêng cây rau, đậu, hoa, cây cảnh , diện tích gieo trồng 585ha giảm 6,85% so cùng kỳ chủ yếu do tiến độ thu hoạch các loại cây trồng này chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống.
Đối với các cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì): cây mì, diện tích gieo trồng vụ này đã trồng mới được 2.064 ha, tăng 21,70% so cùng kỳ, tập trung tại các huyện Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu và Thành phố Tây Ninh. Cây mía vụ hè thu đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xuống giống.
+Thu hoạch vụ Hè thu: Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 8.475 ha cây trồng các loại, đạt 13,70% tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), tăng 12,53% so với cùng kỳ. Trong đó, cây lúa thu hoạch được 4.500ha, đạt 9,24% diện tích gieo trồng tăng 29,72% so cùng kỳ; cây ngô thu hoạch 328ha tăng 18,41% so cùng kỳ; rau các loại thu hoạch 3.122ha bằng 93,53% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình thời tiết trong vụ thuận lợi hơn nên dự báo năng suất một số cây trồng có khả năng tăng khá, tuy nhiên cũng có một số diện tích cây trồng bị ngập úng do mưa lơn kéo dài; cụ thể cây lúa năng suất ước đạt khoảng trên 55tạ/ha, đậu phọng ước đạt 28 tạ/ha, rau các loại ước đạt 136tạ/ha…. Thu hoạch cây trồng vụ trước: Trong tháng, thu hoạch cây mì ước đạt 21.961 ha tăng 4,07% so cùng kỳ, chủ yếu thu hoạch ở các chân ruộng thấp để tránh ngập úng gây thối củ, nên hàm lượng bột đạt thấp, năng suất ước đạt 290-300 tạ/ha; cây mía mới thu hoạch ước đạt 210 ha, phục vụ Niên vụ chế biến đường sớm của nhà máy đường Nước trong. +Tình hình sâu bệnh: tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng phát sinh gây hại chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng; tổng diện tích nhiễm dịch hại trong tháng trên cây lúa là 3.713ha, đa số dịch hại phát sinh tăng so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ giảm mạnh; Một số dịc hha5i phát sinh gây hại nổi bật như rầy nâu (1.063ha, bọ trĩ (364ha), sâu cuốn lá (459ha), bệnh đạo ôn các loại (1.088ha)….. Riêng cây mì không phát hiện diện tích nhiễm mới rệp sáp hồng; cây mía phát hiện sâu đục thân 4 vạch đầu nâu diện tích nhiễm bệnh 16 ha tại các huyện Châu Thành và Bến Cầu
b) Chăn nuôi:
Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhất là đàn gia cầm. Đối với đàn trâu, bò do đồng cỏ ngày càng thu hẹp nên xu hướng không phát triển. Đàn heo và gia cầm có xu hướng tăng do giá cả ổn định, dịch bệnh không xảy ra, nuôi gia công tăng mạnh. Giá thu mua gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên người nuôi thu lợi nhuận còn thấp. Trong tháng không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm một số bệnh truyền nhiễm khác xảy ra lẻ tẻ nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời; các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gai cầm bổ sung trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế xảy ra dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi; thực hiện công tác tiêu độc khử trùng thường xuyên. Đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, chủ động tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; phối hợp với ngành chức năng TP.HCM tổ chức kiểm tra tình hình bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ….
1.2 Lâm nghiệp:
Hiện nay đang vào mùa mưa nên thuận lợi cho công tác phát triển lâm nghiệp, các dự án đang tiếp tục rà soát quỹ đất thuộc quy hoạch trồng rừng, đến nay mới trồng được 1,90 ha đạt 0,60% so với KH. Các BQL dự án rừng đã gieo ương được 260 ngàn cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng năm 2015. Công tác chăm sóc rừng trồng được triển khai chăm sóc 1.634 ha. Trong tháng, ngành Kiểm lâm thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét chống phá rừng, đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 17 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tình trạng phá rừng trồng vẫn còn xảy ra; hiện tượng khai thác, mua bán vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép cũng đã được các đơn vị chức năng phát hiện và xử lý.
1.3 Thủy sản:
Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được duy trì và phát triển ổn định, không có dịch bệnh. Hiện nay đã bước vào thời vụ nuôi chính nên các diện tích triển khai thả giống trở lại. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 851,5ha tăng 1,15% so cùng kỳ; Nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn được duy trì, tuy nhiên còn gặp nhiều rủi ro do ô nhiễm nguồn nước. Trong tháng, sản lượng thu hoạch ước đạt 273,59 tấn, luỹ kế 7 tháng cả tỉnh đã thu hoạch 9.284 tấn tăng 4,57% so cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 7.320 tấn tăng 5,70%; Khai thác thủy sản đạt 1.964 tấn, tăng 0,55% so với cùng kỳ năm trước, hiện khai thác vẫn tập trung chủ yếu trên sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều thả giống bổ sung nhằm đảm bảo nguồn sinh thái, còn đánh bắt tự túc giảm.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2015 của tỉnh ước thực hiện tăng 6,76% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tăng mạnh (+ 28,65%), do nhà máy đường Nước Trong đi vào hoạt động sớm hơn 9 ngày so với niên vụ trước, ngoài ra sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột cũng tăng 16,77%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 23,72%; công nghiệp dệt tăng 8,75%; sản xuất từ cao su và plastic tăng 6,99%; sản suất trang phục tăng 6,73%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,82%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 2,55%; khai khoáng khác tăng 2,52%. Cộng dồn đến cuối tháng 7/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 12,85% so cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 71,97%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan (+32,22%). Một số ngành tiếp tục duy trì nhịp độ tăng khá như: sản xuất trang phục tăng 7,69%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,68%; sản xuất, phân phối điện tăng 14,91% và ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước, cũng tăng 9,79% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cũng có ngành giảm hơn cùng kỳ như: Công nghiệp dệt giảm 9,24% chủ yếu là do doanh nghiệp có kế hoạch duy tu, sửa chữa nâng cấp nhà xưởng nên sản suất chậm lại (Cty TNHH Ichihidro Việt Nam); Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác, tái chế phế liệu giảm 19,41%, do giá giảm nên DN sản xuất cầm chừng… Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 9,35%; đường các loại tăng 0,98%; quần áo tăng 10,81%; giày các loại tăng 23,51%; vỏ ruột xe các loại tăng 23,51%; điện thương phẩm tăng 28,04%; gạch các loại tăng 7,23%;nước máy sản xuất tăng 6,82%; sản lượng clanke giảm 5,90%, sản lượng xi măng sản xuất cũng xấp xỉ (=100,59%) so cùng kỳ năm trước.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 7/2015 đạt 227 tỷ đồng, tăng 11,73% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 107 tỷ đồng (+ 10,21%); ngân sách cấp huyện đạt 120 tỷ đồng (+ 14,95%). Nguyên nhân tăng do các công trình đường giao thông trong tháng đang đầy nhanh tiến độ thi công, cụ thể như: Công trình đường đường tỉnh 788 thi công được 14,5km đạt 35 tỷ đồng, đường và cầu Bến Đình đạt 12,10 tỷ đồng, đường Bình Dương bê tông nhựa được 4,2/4,3km đạt 28,05tỷ ….; các công trình cấp huyện quản lý đạt khá như huyện Tân Châu đạt 23,8 tỷ đồng, tăng 150%; công trình thuộc huyện Châu Thành 20,37 tỷ đồng tăng 148%; công trình thuộc TP. Tây Ninh ước đạt 13,4 tỷ đồng, cũng tăng 10,44% so tháng 6/2015…. Cộng dồn 7 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.151 tỷ đồng, đạt 54,55% kế hoạch năm, và tăng 17,28% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 666 tỷ đồng, tăng 32,18%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 484 tỷ đồng, tăng 6,81%; ngân sách cấp xã đạt 1,68 tỷ đồng, bằng 6,71% so với cùng kỳ.
4. Giao thông vận tải:
Vận tải hành khách tháng 7/2015 hoạt động ổn định, ước thực hiện đạt 1.449 nghìn lượt khách, tăng 1,76 % và 99.593 nghìn lượt khách.km, tăng 1,05% so tháng trước. Bảy tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 9.631 nghìn lượt khách, tăng 6,06% và luân chuyển 667.306 nghìn lượt khách.km, tăng 7,10% so cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa trong tháng tiếp tục phát triển ổn định; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 678 nghìn tấn, tăng 1,95% và luân chuyển được 41.616 nghìn tấn.km, tăng 1,99% so tháng trước. Bảy tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 4.501 nghìn tấn, tăng 4,61% và luân chuyển 277.369 nghìn tấn.km, tăng 5,87%. Vận tải hàng hóa của tỉnh hoàn toàn do khu vực ngoài nhà nước đảm nhận và chủ yếu tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.468 nghìn tấn, tăng 4,63%, luân chuyển 271.474 nghìn tấn.km, cũng tăng 5,93% so cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường sông trên địa bàn tỉnh 07 tháng đạt 33 nghìn tấn tăng 2,08% và luân chuyển đạt 5.895 nghìn tấn.km cũng tăng 3,39% so cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại – Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 7/2015 đạt 4.702 tỷ đồng, tăng 2,58% so tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 406 tỷ đồng, tăng 17,90%; kinh tế ngoài nhà nước 4.287 tỷ đồng, tăng 1,34%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9,4 tỷ đồng tăng 1,13% so với tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.652 tỷ đồng, tăng 1,25%; khách sạn, nhà hàng đạt 560 tỷ đồng, tăng 1,79%; ngành dịch vụ đạt 486 tỷ đồng, tăng 14,93%; du lịch lữ hành ước đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 15,27% so với tháng trước. Cộng dồn 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 31.045 tỷ đồng, tăng 10,30% so cùng kỳ. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 07 tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 23.989 tỷ đồng, tăng 10,22%; doanh thu thương nghiệp tăng ở các nhóm hàng chủ yếu sau: lương thực, thực phẩm tăng 23,48%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,06%; hàng may mặc tăng 44,08%....; Bên cạnh đó thì cũng có nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như đồ dùng , dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 3,72%, xăng dầu các loại 13,9%; …. Ngành khách sạn,nhà hàng đạt 3.776 tỷ đồng, tăng 10,36%; dịch vụ đạt 3.268 tỷ đồng, cũng tăng 11,05% so 7 tháng 2014.
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2015 đạt 224 triệu USD, tăng 3,54% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 185 triệu USD, tăng 3,26%; kinh tế tư nhân đạt 37 triệu USD, tăng 4,98%; kinh tế nhà nước đạt 1,9 triệu USD cũng tăng 3,28% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: hàng dệt may đạt 52,7 triệu USD (+ 4,48%), giày dép các loại đạt 49,2 triệu USD (+3,73%); cao su đạt 18,9 triệu USD (+2,48%); hạt điều nhân đạt 11,6 triệu USD (+2,65%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 5,8 triệu USD tăng 1,11% so với tháng trước. Cộng dồn bảy tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 1.363 triệu USD, tăng 22,81% so cùng kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ước đạt 1.108 triệu USD, tăng 26,03% so với cùng kỳ; riêng mặt hàng dệt may của khu vực này đạt 343 triệu USD (+ 2,51%), giày dép các loại đạt 289,9 triệu USD (+ 14,21%); kinh tế nhà nước đạt 13,4 triệu USD, giảm 15,56%; kinh tế tư nhân đạt 239 triệu USD, cũng tăng 12,51%, do xuất khẩu mặt hàng cao su tăng khá đạt 78,07 nghìn tấn, tương đương 118 triệu USD, tăng 75,4% về lượng và 41,69% giá trị; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 58,4 triệu USD tăng 4,92%; hạt điều đạt 61,6 triệu USD cũng tăng 12,09% so với cùng kỳ. + Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 139 triệu USD, tăng 6,37% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN nhập 119,8 triệu USD, tăng 6,76%; kinh tế tư nhân ước đạt 19 triệu USD, cũng tăng 4,04% so tháng 6/2015, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của tỉnh như: vải may mặc 19 triệu USD (+5,33%); phụ liệu dệt, may, da, giày 20 triệu USD (+5,64%), hạt điều 11 triệu USD (+13,07%) so với tháng trước; Riêng máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tháng này nhập 15,5 triệu USD cũng tăng 4,17% so với tháng trước. Lũy kế bảy tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 898 triệu USD, tăng 22,31% so cùng kỳ năm trước. Trong đó kinh tế có vốn ĐTNN đạt 780 triệu USD tăng 23,24%, kinh tế tư nhân 114 triệu USD (+19,87%). Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 129,7 triệu USD, giảm 8,87%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 111,3 triệu USD, tăng 38,30%; máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 93,6 triệu USD, tăng 119,95% so cùng kỳ năm trước.
6. Chỉ số giá tiêu dùng:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 0,81% so với tháng 12 năm trước và tăng 0,27% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau: Nhóm lương thực giảm 0,13%, chủ yếu do giá một số mặt hàng như ngô hạt giảm 3,92%, khoai lang giảm 1,66% … so với tháng trước nguyên nhân do giá ngô nhập khẩu từ Campuchia và các nước khác nhập vào giảm làm cho giá ngô hạt trong nước cũng giảm xuống, giá khoai lang giảm do lượng cung khoai lang tăng đã làm cho giá bán mặt hàng này giảm xuống. Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này tăng 0,39% trong đó các mặt hàng thuộc nhóm gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Nhóm trứng gà, vịt các loại tăng 1,98% nguyên nhân do lượng cung mặt hàng này được nhập từ các tỉnh khác về Tây Ninh giảm đã làm cho giá những mặt hàng này tăng lên. Nhóm rau tươi các loại tăng 2,45%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số tăng như: Bắp cải tăng 9,59%, cà chua tăng 2,76%, bí xanh tăng 5,66%, dưa chuột tăng 2,0%, rau cải xanh tăng 4,67%... so với tháng trước nguyên nhân do chi phí cho sản xuất như giống, phân bón, giá điện cho sản xuất tăng làm cho giá bán các mặt hàng trong nhóm rau tươi tăng lên. Nhóm quả tươi và chế biến tăng 0,53% so với tháng trước do tính chất mùa vụ một số trái cây đã hết vụ thu hoạch rộ và một số do thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhu cầu xuất khẩu tăng đã làm cho giá bán một số mặt hàng trong nhóm này tăng lên so với tháng trước. Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: Nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,14%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,16%, trong đó giá gas giảm 2,85% và giá dầu hoả giảm 3,83% so với tháng trước; nhóm giao thông tăng 0,35%, trong đó giá xăng dầu các loại tăng 0,26% (trong tháng, ngày 4/7/2015 giá xăng dầu các loại được điều chỉnh giảm từ 220 đồng/lít - 330 đồng/lít tuỳ từng loại tuy nhiên trong tháng 6/2015 giá xăng dầu các loại tăng khá cao nên khi tính giá bình quân theo ngày giá xăng dầu các loại vẫn tăng so với tháng trước); nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 1,03% chủ yếu do giá tua trong nước và ngoài nước tăng do nhu cầu đi tham quan du lịch dịp hè tăng mặt khác do tỷ giá USD tăng nên các phí dịch vụ du lịch nước ngoài (tính bằng tiền đô la) cũng tăng lên nên đã làm cho giá Tour du lịch trọn gói tăng lên. Các nhóm còn lại tương đối ổn định so với tháng trước. Giá vàng và đôla Mỹ: Do ảnh hưởng của giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường thế giới, giá vàng bình quân tháng 7/2015 là 3.346.000 đồng/chỉ, giảm 140.000đ/chỉ (-4,02%); giá Đô la Mỹ tháng này là 21.905 đ/USD, tăng 20 đồng/USD (+0,09%) so với tháng 6/2015.
7. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 7/2015 đạt 455 tỷ đồng, cộng dồn 7 tháng 3.472tỷ đồng, đạt 64,30% dự toán năm, tăng 11,60% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 1.890 tỷ đồng, đạt 54,02% dự toán, tăng 8,42% so cùng kỳ năm trước. Một số nguồn thu nội địa trong 07 tháng đầu năm nay chiếm tỷ trọng cao trong tổng số, trong đó khoản thu đạt cao nhất là thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh với 628 tỷ đồng, bằng 46,21% dự toán, giảm (-2,87%) so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 275tỷ giảm (-18,59%), chủ yếu do thu từ ngành cao su, SX đường, và xi măng Fico phát sinh thuế giảm; thu thu lệ phí trước bạ tăng (+37,57%); thuế thu nhập cá nhân tăng (+9,27%); Thu thuế XNK, TTĐB, VAT hàng NK đạt 643 tỷ đồng vượt 2,16% dự toán năm, tăng 80,23% so cùng kỳ; và các khoản thu để lại chi quản lý qua NSNN đạt 937 tỷ đồng, đạt 73,84% dự toán năm và giảm (-7,17%) so cùng kỳ; thu từ Doanh nghiệp có vốn ĐTNN đạt 143,4 tỉ tăng (+20,56%) so với cùng kỳ.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 7/2015 đạt 545 tỷ đồng, nâng mức chi 07 tháng đầu năm đạt 3.164 tỷ đồng bằng 51,01% dự toán năm, và bằng 95 ,22% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là chi thường xuyên với 2.197 tỷ đồng bằng 56,04% dự toán năm, và tăng 0,9% so cùng kỳ; Riêng chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết ước đạt 471 tỷ đồng, đạt 37,71% dự toán năm, và bằng 74,22% so cùng kỳ; Chi đầu tư phát triển 440 tỷ đồng bằng 53,09% dự toán cả năm và tăng 33,60% so với 07 tháng năm 2014.
8. Hoạt động ngân hàng:
Trong tháng hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 07/2015 ước đạt 26.076 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,0%. Trong đó vốn huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) là chủ yếu, đạt 17.230 tỷ đồng (Chiếm 66%) tăng 0,84% so tháng trước; Vốn huy động trung và dài hạn đạt 8.846 tỷ đồng tăng 1,32% so tháng trước; Nguồn vốn huy động chủ yếu từ tiền gửi trong dân cư đạt 20.604 tỉ đồng chiếm 79% trong tổng số tăng 1,21% so với tháng trước; tiền gửi của các tổ chức kinh tế ước đạt 5.467 tỷ đồng, tăng 0,20% so tháng trước;
Hoạt động cho vay: Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 07 ước đạt 25.415 tỷ đồng, tăng 1,56% so tháng trước. Trong đó dư nợ ngắn hạn 16.553 tỷ chiếm 65,13% tổng số. Nợ xấu 288 tỷ đồng chiếm 1,13% so với tổng dư nợ giảm (-0,02%) so với tháng trước.
9. Tình hình văn xã:
a) Lao động, dạy nghề và giải quyết việc làm:
Trong tháng 7/2015, thông qua các phiên giao dịch việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho 1.716 lao động; giới thiệu cung ứng lao động trong nước cho 329 lao động. Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho vay 143 dự án với số tiền 2.057 triệu đồng, tạo điều kiện việc làm cho 143 lao động. Tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 16 lao động.
Cấp mới và cấp lại giấy phép lao động cho 05 lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh. Lũy kế từ đầu năm, cấp mới và cấp lại cho 398 lao động, tỉnh đã chấp thuận cho 115 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 1.472 lao động là người nước ngoài.
Công tác dạy nghề: Trong tháng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo mới cho 1.065người. Lũy kế, đào tạo 13.390 người, đạt 63,67% so kế hoạch năm (21.500 người).
Trong tháng xảy ra 01 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể at5m thời tại công ty Gloryday, địa chỉ tại xã Thạnh Đông, Tân Châu với 537 lao động tham gia. Nguyên nhân do công ty yêu cầu công nhân đến trước 10 phút trước khi bắt đầu làm việc, do bất đồng ngôn ngữ, ứng xử thiếu hoà nhã. Lũy kế 7 tháng đã có 09 vụ ngừng việc tập thể, trong đó do tranh chấp lao động 07 vụ tại 07 công ty với 6.475 lao động tham gia, do nguyên nhân khác 02 vụ tại 02 công ty (không nhất trí Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 01/01/2016, với 21.400 lao động tham gia).
b) Hoạt động y tế:
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 43 ca mắc chân tay miệng giảm 47,56% so với tháng trước và giảm 74,4% so với cùng kỳ. Các huyện có số ca mắc bệnh mới trong tháng cao là Tân Châu 10ca; Thành Phố 08ca; Trảng Bàng 07 ca và Bến Cầu 06ca, không có ca tử vong;
Ngoài ra trong tháng có phát sinh 28 ca sốt xuất huyết tăng 75% so với tháng trước và so với cùng kỳ giảm 42,86% (49ca), không có ca tử vong. Số ca mắc tiêu chảy trong tháng 140 ca, thuỷ đậu 11 ca, cúm 141 ca. Nhìn chung trong tháng không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt Mers-CoV, sốt xuất huyết, tay chân miệng; tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè, quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện; tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7, ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân 2/7. Triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2015.
c) An toàn giao thông:
Trong tháng 7/2015 (từ ngày 16/6/2015-15/7/2015) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 3 người và bị thương 12 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 17 vụ, số người chết giảm 8 người và số người bị thương giảm 12 người. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
d) Hoạt động văn hoá:
Trong tháng 7/2015, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn như: Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày gia đình Việt Nam 28/6, 100 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tuyên truyền thực hiện phòng, chống tham nhũng, tuyên truyền giáo dục pháp luật, Chương trình mục tiêu quốc gia, An toàn giao thông, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII,…
Ngành đã thực hiện 221 lượt băng ron, 35 buổi xe loa, 124 m2 panô, 520 cờ các loại, cung cấp đĩa CD tuyên truyền, tờ tin ảnh thời sự, 30 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức 01 cuộc triển lãm chủ đề về tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng: xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình văn nghệ tham gia Liên hoan “Tuyên truyền ca khúc cách mạng” tại tỉnh Bình Phước, tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc dân Đại hội Tân Trào tại tỉnh Tuyên Quang. Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động các câu lạc bộ: CLB Âm nhạc truyền thống, Thơ ca người cao tuổi, CNVC-LLVT, Hoa hướng dương, Sân khấu cải lương, Hôn nhân gia đình, CLB Búp chồi xanh…; tổ chức các buổi sinh hoạt với chủ đề Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Gia đình Việt Nam; phát triển các lớp năng khiếu: khiêu vũ, Đờn ca tài tử- Cải lương, võ thuật, thể dục thẩm mỹ…; tổ chức các buổi văn nghệ tại chỗ và lưu động phục vụ quần chúng nhân dân.
Hệ thống Thư viện: tham gia Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách Khu vực Miền Đông Nam bộ; sơ kết hoạt động Thư viện công cộng 6 tháng đầu năm. Trưng bày tài liệu tuyên truyền, giới thiệu và phổ biến pháp luật thường xuyên: 169 tài liệu. Trưng bày giới thiệu sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ các ngày lễ trong tháng với 177 tài liệu. Bổ sung 209 bản/69 tên sách. Phục vụ 9.443 lượt bạn đọc (tại chỗ: 4.346 lượt; cơ sở: 5.097 lượt), tài liệu phục vụ 36.455 lượt. Tổ chức phục vụ lưu động tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Long Thành Bắc (Hòa Thành) Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, thu hút 150 bạn đọc tham gia.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 117 cuộc với 203 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: nhắc nhở 23 cơ sở ban hành 04 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 4,35 triệu đồng.
e) Thiệt hại do thiên tai:
Từ ngày 16/06/2015 đến 15/7/2015, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không xảy ra đợt thiên tai nào.
f) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:
Trong tháng 07/2015 (từ ngày 16/06/2015 đến 15/07/2015), không xảy ra vụ cháy nào.
Vi phạm về môi trường: Trong tháng số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện 01 vụ vi phạm xả thải vượt chuẩn ra môi trường, xảy ra tại huyện Châu Thành và đã xử phạt Hành chính số tiền 40 triệu đồng./.