Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/11/2013-11:06:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2013 tỉnh Tây Ninh

1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản:

a. Nông nghiệp:

+ Trồng trọt:

Gieo trồng vụ đông xuân: tính đến ngày 15/10/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 642 ha, giảm 19,75% so cùng kỳ; trong đó, có 304 ha cây trồng thu hoạch trong vụ, giảm 69,92% và 388 ha cây trồng thu hoạch năm sau (mía, mì), tăng 17,77% so cùng kỳ. Nhìn chung, tiến độ gieo trồng khá chậm do ảnh hưởng của 02 cơn bão số 10 và 11 gây mưa lớn đã tạo lũ gây ngập trên diện rộng, gần 7/9 huyện thị trên địa bàn tỉnh hiện đang trong tình trạng ngập lụt; mặt khác do tình hình thu hoạch vụ mùa khá chậm, cụ thể đến thời điểm này diện tích thu hoạch các cây ngắn ngày vụ mùa chỉ bằng 58,83% so cùng kỳ và mới chỉ đạt 2,33% so diện tích gieo trồng, do đó đã không kịp giải phóng đất cho gieo trồng vụ mới. Tình hình gieo trồng vụ đông xuân của một số cây trồng chính như sau: diện tích lúa đạt 109 ha, giảm 71,09%; cây ngô đạt 8 ha, giảm 33,33%; đậu phộng đạt 5 ha, tăng 25%, chủ yếu tập trung tại huyện Tân Châu do thuộc vùng đất gò cao; rau đậu các loại đạt 144 ha, tăng 20%; mì đạt 338 ha, tăng 17,77% so cùng kỳ năm trước.

Thu hoạch vụ mùa:

Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.616 ha cây trồng các loại, đạt 2,33% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), giảm 41,17% so cùng kỳ; trong đó cây lúa 386 ha, giảm 59,71%; rau đậu các loại 1.293 ha, giảm 18,68%; đậu phộng 106 ha, tăng 35,9%.

Thu hoạch cây trồng vụ trước: mì đạt 22.208 ha, tăng 5,74%; mía đạt 1.113 ha, giảm 5,03% so cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân cây mì ước đạt 310,2 tấn/ha, cây mía đạt 722,6 tấn/ha.

Tình hình sâu bệnh: trong tháng, tình hình dịch bệnh trên cây trồng phát sinh tăng hơn so với tháng trước, tuy nhiên đối tượng gây hại còn ở mức nhiễm nhẹ, một số đối tượng có diện tích gây hại nhiều như bệnh đạo ôn lá, khô vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá, …, trong đó bệnh đạo ôn gây hại nặng 6 ha, với tỷ lệ nhiễm từ 40-65%, tập trung tại 02 huyện Dương Minh Châu và Gò Dầu. Trên cây mì bệnh cháy lá phát sinh gây hại nhẹ 02 ha giai đoạn 6-7 tháng tại huyện Tân Châu. Trên cây rau, đậu các loại đối tượng dịch hại phát sinh ở mức nhiễm nhẹ, với diện tích nhiễm tăng so với tháng trước 907,5 ha. Một số dịch hại có diện tích nhiễm nhiều là sâu xanh, rầy mềm, bệnh thán thư, đốm lá và vàng lá.

+ Chăn nuôi:

Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Riêng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn gia súc xảy ra lẻ tẻ nhưng đã được khống chế kịp thời. Trong kỳ, các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi và tồn dư chất cấm trong thịt tại các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc xuất nhập tỉnh và đưa vào các lò mổ.

b. Lâm nghiệp:

Trong tháng, các ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra và truy quét chống chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép, đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, 01 vụ phá rừng với 0,02 ha, 06 vụ vi phạm các quy định chung về quản lý bảo vệ rừng, 05 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép (0,91 m3 gỗ tròn).

Đến nay, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành công tác chăm sóc rừng lần 1 và đang triển khai công tác chăm sóc rừng trồng lần 2 năm 2013, với tổng diện tích đã thực hiện được 2.598 ha, đạt 100% so kế hoạch năm. Bảo vệ và khoanh nuôi rừng tự nhiên được duy trì với diện tích đạt 54.707 ha, trong đó khoanh nuôi tự nhiên là 6.853 ha. Công tác trồng rừng cũng được chú trọng, đến nay đã trồng được 578 ha, đạt 71,36% kế hoạch. Nhìn chung, tiến độ trồng rừng đạt thấp và có khả năng không hoàn thành kế hoạch năm 2013, do đất trồng rừng hiện bị lấn chiếm và đất thuộc khu vực vành đai biên giới chưa phân định ranh giới, đất bị phập cục bộ, … nên không thể thực hiện trồng rừng.

c. Thủy sản:

Tình hình nuôi trồng thủy sản vẫn được duy trì và phát triển ổn định; ước sản lượng thu hoạch trong tháng 10/2013 đạt 870 tấn, trong đó sản lượng cá đạt 855 tấn. Hiện mô hình nuôi cá tra xuất khẩu đang được phát triển tại một số xã thuộc 2 huyện Dương Minh Châu và Trảng Bàng do thuận lợi về nguồn nước hồ Dầu Tiếng; phong trào nuôi lươn trong bể ciment cũng đang phát triển rộng trên địa bàn tỉnh. Khai thác thủy sản trong tháng được các hộ dân duy trì ổn định vàkhai thác tập trung trong hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều thả cá giống bổ sung nhằm đảm bảo nguồn sinh thái, còn đánh bắt tự túc trên các sông, rạch giảm; ước sản lượng đánh bắt trong tháng 10/2013 đạt 300 tấn. Bên cạnh đó, sản xuất giống thủy sản cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu nuôi trồng trong toàn tỉnh.

2. Sản xuất Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 10/2013 tăng 4,89% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm 12,1% do vùng nguyên liệu bị thu hẹp, vì đến nay Cty CP vật liệu và xây dựng Tây Ninh vẫn chưa xin được giấy phép khai thác đá khu vực núi Bà Đen mà chỉ sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tận thu và tồn kho trước đó. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 5,05%; trong đó, SX chế biến thực phẩm giảm 2,95%, riêng sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột có chỉ số sản xuất giảm 1,02%, do trong kỳ thời tiết mưa nhiều, một số nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất; và ngành sản xuất đường cũng có chỉ số sản xuất giảm 14,19% so tháng trước, do chữ đường của giống mía mới đưa vào sản xuất trong tháng có chữ đường thấp hơn giống mía cũ nên sản lượng đường sản xuất trong tháng 10 giảm so với tháng trước; SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) giảm 7,37%, do lượng tồn kho còn nhiều và nhu cầu tiêu thụ cũng giảm trong mùa mưa; ngược lại, sản xuất trang phục tăng 14,8%, dệt tăng 4,11%, SX da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,14%, SX giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,15%, do đơn đặt hàng tăng dần trong dịp sản xuất hàng cuối năm, nhất là các đơn hàng may mặc xuất khẩu; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác cũng có chỉ số sản xuất tăng 9,78% so tháng trước, … . Do đang mùa mưa, ngành SX, phân phối điện có mức sản xuất ổn định, ước tháng 10 giảm 0,58%. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tháng 10 tăng 1,24% so tháng 9/2013.

Cộng dồn mười tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 13,47%, do trong kỳ một số doanh nghiệp có thời gian hết thời hạn khai thác, sản xuất cầm chừng, chủ yếu tận thu nguồn nguyên liệu trong khi chờ quyết định mới của UBND tỉnh; ba ngành công nghiệp còn lại đều có mức tăng trưởng khá, cụ thể: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,22%; sản xuất, phân phối điện tăng 29,88% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng 10,27% so cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất mười tháng tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 7,65% do nguồn nguyên liệu tăng khi giá củ mì trong kỳ luôn đứng ở mức cao và tăng khá so cùng kỳ; đường các loại tăng 27,49%, chủ yếu Công ty Cổ Phần Đường Nước Trong vào vụ sớm hơn cùng kỳ năm trước gần 0,5 tháng, đồng thời, trong kỳ Công ty Cổ phần Bourbon đã nhập thêm đường thô để sản xuất đường tinh luyện; quần áo các loại tăng 24,79%; giày các loại tăng 51,59%; điện thương phẩm tăng 10,83%; nước máy thương phẩm tăng 10,33%; sản lượng clanke tăng 14,15%; xi măng tăng 3,5%; … so cùng kỳ năm 2012.

3. Vốn đầu tư phát triển:

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 10/2013 đạt 188 tỷ đồng, tăng 13,07% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 112 tỷ đồng (+ 13,21%); ngân sách cấp huyện đạt 76 tỷ đồng (+ 13,29%). Nhiều công trình trọng điểm có giá trị thực hiện trong tháng tăng cao, cụ thể: công trình cầu đường Xuồng ước đạt 4,7 tỷ đồng (+ 11,9%); trường tiểu học An Thạnh đạt 2,8 tỷ đồng (+ 21,74%); trường tiểu học Thanh Hòa (+ 16,13%); công trình thuộc huyện Dương Minh Châu ước đạt 5,3 tỷ đồng (gấp 3,24 lần); công trình thuộc huyện Tân Châu ước đạt 19 tỷ đồng (+ 73%); công trình thuộc huyện Trảng Bàng ước đạt 9 tỷ đồng, cũng tăng 11,66% so tháng trước; … . Vốn ngân sách cấp xã tháng 10 không có giá trị thực hiện, do hầu hết các công trình đã hoàn thành kế hoạch năm 2013 trong tháng trước.

. Cộng dồn 10 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.575 tỷ đồng, đạt 93,79% kế hoạch năm, tăng 8,99% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 865 tỷ đồng, tăng 3,91%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 703 tỷ đồng, tăng 16,75%; ngân sách cấp xã đạt 7 tỷ đồng, bằng 67,38% so 10 tháng năm 2012. Nhìn chung, trong kỳ vốn ngân sách nhà nước được tập trung bố trí vốn đầu tư cho 09 xã điểm nông thôn mới; thực hiện điều chỉnh một bước kế hoạch vốn XDCB năm 2013 theo nguyên tắc điều chuyển vốn từ các công trình không có khả năng thực hiện hoặc có khối lượng thực hiện thấp sang những dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khối lượng thực hiện lớn nhưng vốn bố trí còn thấp và các dự án trọng tâm bức xúc; đồng thời, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc triển khai thực hiện các dự án, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, do đó kết quả thực hiện đến nay đã gần đạt kế hoạch năm và tăng khá cao so cùng kỳ năm trước.

4. Giao thông vận tải:

Vận tải hành khách tháng 10/2013 ước tính đạt 1.217 nghìn lượt khách, tăng 1,07% và luân chuyển được 83.554 nghìn lượt khách.km, cũng tăng 0,88% so tháng trước. Lũy kế mười tháng, vận chuyển hành khách đạt 13.015 nghìn lượt khách, tăng 6,96%, luân chuyển hành khách đạt 820.271 nghìn lượt khách.km, cũng tăng 6,96%. Vận tải hàng khách tăng khá do trong kỳ Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cho đi vào hoạt động thêm hệ thống cáp treo mới theo công nghệ Châu Âu nên thu hút được một khối lượng lớn hành khách tham gia. Nếu xét theo ngành vận tải thì sản lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển đường bộ chỉ tăng 7%, tuy nhiên do chiếm tỷ trọng cao trong tổng khối lượng vận chuyển, luân chuyển của ngành vận tải hành khách nên đóng góp đến 99,8% trong tổng mức tăng sản lượng của ngành; ngược lại, sản lượng đường thủy tăng mạnh (vận chuyển tăng 25,76% và luân chuyển tăng 26,02%), nhưng chỉ đóng góp 0,2% trong tổng mức tăng sản lượng của ngành vận tải hành khách.

Vận tải hàng hóa trong tháng phát triển khá hơn; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tháng 10 đạt 912 nghìn tấn, tăng 2,75% và luân chuyển được 55.741 nghìn tấn.km, tăng 1,72% so tháng trước; sản lượng vận tải hàng hóa trong tháng tăng khá chủ yếu do sản lượng mì, mía thu hoạch trong tháng 10 tăng. Mười tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 8.594 nghìn tấn, tăng 9,09% và luân chuyển được 539.751 nghìn tấn.km, tăng 9,61%. Vận tải hàng hóa của tỉnh phát triển tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 10 tháng đầu năm ước đạt 8.524 nghìn tấn, tăng 9,16%, luân chuyển 526.591 nghìn tấn.km, cũng tăng 10,08% so cùng kỳ năm trước.

5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:

a) Thương mại:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 10/2013 đạt 4.404 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước. Bao gồm: kinh tế nhà nước đạt 410 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó, riêng doanh thu của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (có doanh thu của hoạt động xổ số) ước đạt 251 tỷ đồng, tăng 29,79% (do số kỳ phát hành vé số trong tháng 10 tăng so tháng 9); kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.987 tỷ đồng, tăng 2,51%; và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7 tỷ đồng, giảm 8,6% so tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.365 tỷ đồng, tăng 2,76%; khách sạn, nhà hàng đạt 524 tỷ đồng, tăng 2,86%; ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 514 tỷ đồng, cũng tăng 13,84%; riêng ngành du lịch lữ hành có doanh thu giảm mạnh, ước tháng 10 đạt 1 tỷ, chỉ bằng 35,36% so tháng 9 (tháng có tour du lịch tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9).

Cộng dồn 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 40.436 tỷ đồng, tăng 8,92% so cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức chỉ tăng 1,15%, điều này cho thấy sức mua của người dân trong năm nay có tăng nhưng không cao và thấp hơn nhiều so với sức mua của năm trước (10T/2012 tăng 7,83%). Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay, kinh doanh thương nghiệp đạt 31.088 tỷ đồng, tăng 9,34%; trong đó: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 6,67%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 22,94%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,75%; xăng, dầu các loại tăng 6,55%; phương tiện đi lại tăng 9,19%; .... Ngành khách sạn,nhà hàng đạt 4.626 tỷ đồng, tăng 7,65%; du lịch lữ hành đạt 18 tỷ đồng, tăng 14,22%; và dịch vụ đạt 4.703 tỷ đồng, cũng tăng 7,36% so 10T/2012.

b) Xuất Nhập khẩu:

+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2013 đạt 173 triệu USD, tăng 6,14% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) xuất 113 triệu USD, tăng 6,59%; kinh tế tư nhân đạt 57 triệu USD, tăng 5,45%; kinh tế nhà nước đạt 3 triệu USD, tăng 3,62% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng có kim ngạch xuất khẩu trong tháng tăng như: hàng dệt may đạt 52 triệu USD, tăng 3,81%, do nhu cầu hàng phục vụ cho mùa đông tăng lên; giày dép các loại đạt 23 triệu USD (+ 5,84%); cao su đang vào vụ thu hoạch, đồng thời nhu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc đã tăng trở lại từ đầu tuần tháng 8 nên mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu trong những tháng gần đây khá cao, ước tháng 10 xuất 26 triệu USD, tăng 3,21%; hạt điều đạt 9 triệu USD, cũng tăng 4,4% so với tháng trước.

Cộng dồn 10 tháng, xuất khẩu đạt 1.447 triệu USD, tăng 14,6% so cùng kỳ. Xuất khẩu tăng chủ yếu ở kinh tế có vốn ĐTNN và kinh tế tư nhân, cụ thể: kinh tế có vốn ĐTNN ước 10 tháng xuất 1.036 triệu USD, tăng 19,42%; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng cao, cụ thể: hàng dệt may đạt 464 triệu USD (+ 28%), giày dép các loại đạt 240 triệu USD (+ 51,62%), sản phẩm bằng plastic đạt 56 triệu USD (+ 32,11%); kinh tế tư nhân đạt 382 triệu USD, tăng 7,09%. Ngược lại, xuất khẩu của kinh tế nhà nước giảm mạnh, ước kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 27 triệu USD, giảm 25,11% so cùng kỳ, nguyên nhân do khu vực này chủ yếu xuất khẩu mặt hàng cao su, tuy nhiên giá cao su xuất khẩu bình quân 10T/2013 giảm hơn 22% so cùng kỳ (do lượng cung cũng như lượng dự trữ cao su của hầu hết các quốc gia đều tăng cao và tiến tới vượt mức tiêu thụ) nên mặc dù lượng cao su xuất khẩu của cả tỉnh tăng 22,1% nhưng kim ngạch lại giảm 5,16% so cùng kỳ, điều này đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực nhà nước cũng như góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả tỉnh so với cùng kỳ năm trước.

+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 106 triệu USD, tăng 6,03% so tháng trước. Trong đó, kinh tế tư nhân nhập 18 triệu USD, tăng 5,62% kinh tế có vốn ĐTNN nhập 87 triệu USD, tăng 6,15% so tháng 9/2013.

Lũy kế 10 tháng, cùng với tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu thì nhập khẩu cũng tăng theo, ước đạt 854 triệu USD, tăng 17,58% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN luôn là khu vực nhập khẩu chủ yếu của tỉnh, đạt 684 triệu USD, chiếm tỷ trọng 80%, tăng 15,61%; kế đến là kinh tế tư nhân đạt 161 triệu USD, tăng 28,22%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của tỉnh là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, hàng nông sản thô cũng có kim ngạch nhập khẩu tăng khá, cụ thể: vải may mặc đạt 207 triệu USD, tăng 70,78%; xơ, sợi dệt đạt 23 triệu USD, tăng 47,77%; chất dẻo nguyên liệu đạt 37 triệu USD, tăng 1,28%; kim loại thường đạt 16 triệu USD, tăng 118,61%; nhóm hàng thực phẩm chế biến mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn đạt 90 triệu USD, tăng 39,02% so cùng kỳ năm 2012.

6. Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2013 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 6,39% so với tháng 12 năm trước và tăng 6,87% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:

Nhóm lương thực tháng này ổn định giá, chỉ tăng 0,01% so tháng trước.

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,91% so tháng 9. Trong đó, nhóm thịt heo tăng 2,38%, cụ thể như sau: thịt lợn mông sấn (heo đùi) tăng 2,04%, thịt heo nạc thăn tăng 2,38%,thịt heo ba rọi (ba chỉ ) tăng 2,80%, sườn heo (loại sườn cọng loại 1) tăng 3,09%; nhóm thịt bò tăng 0,91% so với tháng trước; nguyên nhân do những mặt hàng này nhất là thịt heo các loại trong một thời gian dài giảm giá liên tục do ảnh hưởng của dịch bệnh, người nuôi hầu như không có lãi, điều này đã làm cho nhiều hộ gia đình tạm ngừng chăn nuôi trong một thời gian dài, từ đó làm cho lượng heo xuất chuồng (lượng cung) trong thời điểm hiện nay giảm xuống và do đó đã làm cho giá bán mặt hàng này tăng lên so với tháng trước. Nhóm trứng các loại tăng 0,86% do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm rau tươi các loại tăng 2,98%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số tăng cao như: cà chua tăng 3,46%, khoai tây tăng 3,54%, bí xanh tăng 5,18%, củ cải trắng tăng 5,13%, hành lá tươi tăng 4,81%, … so với tháng trước, nguyên nhân do trong tháng thường xuyên xuất hiện nhiều cơn mưa to kéo dài trên diện rộng gây ngập úng và làm giảm năng suất của các vườn rau, lượng cung giảm đã làm cho giá bán tăng lên. Nhóm quả tươi và chế biến giảm 0,77%, chủ yếu do tính chất mùa vụ.

Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,76%; nhóm giao thông giảm 0,25%, trong đó giá nhiên liệu xăng dầu giảm 0,47% (giá xăng các loại được điều chỉnh giảm 390 đồng/lít vào ngày 07/10/2013); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28% so với tháng trước. Các nhóm còn lại tương đối ổn định.

Giá vàng và đôla Mỹ: giá vàng bình quân tháng 10/2013 là 3.773.000 đ/chỉ, giảm 12.000đ/chỉ (- 0,32%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.785 đ/USD, giảm 165 đ/USD (- 0,76%) so với tháng 9/2013.

7. Thu chi ngân sách:

a) Thu ngân sách:

Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 10/2013 đạt 494 tỷ đồng, cộng dồn 10 tháng 4.147 tỷ đồng, đạt 79,75% dự toán năm, tăng 15,46% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 2.619 tỷ đồng, đạt 73,45% dự toán, tăng 9,63% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 10 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán năm 2013, do các yếu tố sau: bước sang năm 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu, nộp ngân sách nhà nước; ngoài ra, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thu ngân sách đạt thấp ở các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 504 tỷ đồng, chỉ đạt 59,59% dự toán, giảm 11,27% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 129 tỷ đồng, đạt 56,24% dự toán, giảm 12,31%; thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.077 tỷ đồng, mặc dù tăng 27,9% so cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 69,49% dự toán năm; lệ phí trước bạ đạt 127 tỷ đồng, đạt 74,88% dự toán, tăng 9,99%; thuế thu nhập cá nhân 278 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán, tăng 4,4%. Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu đạt khá cao như: thu từ DN có vốn ĐTNN đạt 183 tỷ đồng, vượt 14,67% dự toán, tăng 45,92%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 85 tỷ đồng, vượt 21,67% dự toán, tăng 15,66% so cùng kỳ. Các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN đạt 1.125 tỷ đồng; riêng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 977 tỷ đồng, đạt 97,68% dự toán, tăng 26,13% so cùng kỳ năm 2012.

b) Chi ngân sách:

Chi ngân sách ước tháng 10/2013 đạt 445 tỷ đồng, nâng mức chi 10 tháng đầu năm đạt 4.204 tỷ đồng, đạt 75,14% dự toán, tăng 20,87% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 2.668 tỷ đồng, tăng 20,76%; chi đầu tư phát triển 510 tỷ đồng, giảm 10,21%, ngược lại, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 822 tỷ đồng, tăng đến 65,02% so cùng kỳ năm trước.

8. Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 10/2013 đạt 24.998 tỷ đồng, tăng 0,7% so đầu tháng và tăng 5,43% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 20.630 tỷ đồng, tăng 0,72% so đầu tháng và tăng 5,93% so cùng kỳ.

Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 10 đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 0,53% so tháng trước và tăng 14,79% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 170 tỷ đồng, giảm 1,37% so đầu tháng và tăng 3,67% so tháng 10/2012.

9. Tình hình văn xã:

a) Lao động, giải quyết việc làm:

Trong tháng 10/2013 ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 434 lao động. Lũy kế giải quyết được 18.118 lao động, đạt 90,59% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 15.789 lao động; xét duyệt 215 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 22.223,5 triệu đồng, tạo việc làm cho 2.256 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 73 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Về tranh chấp lao động: trong tháng không xảy ra. Lũy kế, xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 10 công ty với 13.883 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 3.655 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 07 vụ tại 07 công ty với 10.228 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, chủ yếu là sự thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua vai trò trung gian hướng dẫn, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn cấp tỉnh, huyện, hạn chế được tổn thất trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Hoạt động y tế:

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 110 ca sốt Dengue/sốt xuất huyết, tăng 30,95% so tháng trước, không có tử vong; tay chân miệng có 77 ca, giảm 11,49% so tháng trước, trong đó huyện có số ca mắc mới cao là Tân Biên (15 ca), Trảng Bàng (11 ca), Châu Thành (10 ca), không có tử vong; thủy đậu 23 ca; viêm gan do vi rút 14 ca; sốt rét 02 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong.

Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 27 ca HIV, 25 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.246 ca HIV (nữ 948 ca), trong đó 2.247 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 597 ca) và có 1.161 người tử vong do AIDS.

Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: trong kỳ, đã tiến hành kiểm tra 1.276 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống … , kết quả có 1.010 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 79,15%). Ngộ độc thực phẩm không xảy ra.

c) An toàn giao thông:

Trong tháng 10/2013 (từ ngày 16/9/2013-15/10/2013) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 09 người và bị thương 08 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 33%, số người chết tăng 50%, và số người bị thương tăng 07 người Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông đường thủy trong tháng không xảy ra.

d) Hoạt động văn hoá:

Trong tháng 10/2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị như: ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10), ngày Khuyến học Việt Nam (02/10), ngày toàn dân PCCC (04/10), ngày Dân vận (15/10), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); phòng chống tham nhũng; phòng cháy, chữa cháy; Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình mục tiêu 04 giảm của tỉnh; Năm An toàn giao thông; tuyên truyền góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ quyền Biển - Đảo Việt Nam; … . Kết quả, Ngành đã thực hiện 435 lượt băng ron, 55 buổi xe loa, 70 panô, 2.240 cờ các loại, 07 buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh tiếp tục thực hiện trưng bày triển lãm tại chỗ và lưu động với chuyên đề “Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9” và đã đón được 233 lượt người tham quan học tập; tổ chức triển lãm ảnh “Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9” phục vụ được 3.417 người tại trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Tây Ninh, trường THPT Tây Ninh và trường Mạc Đỉnh Chi; tuyên truyền di tích lịch sử tại các trường thuộc huyện Gò Dầu, Bến Cầu, thu hút được 1.619 học sinh và giáo viên tham dự.

Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong tháng. Thư viện tỉnh phục vụ 9.391 lượt bạn đọc với 30.180 lượt sách, báo, tạp chí; thư viện huyện, thị phục vụ được 32.061 lượt bạn đọc với 90.924 lượt sách, báo thông qua đó tuyên truyền giới thiệu phổ biến pháp luật.

Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức kiểm tra 152 cuộc với 328 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá và hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: lập biên bản vi phạm hành chính 08 cơ sở, cảnh cáo nhắc nhở 22 cơ sở.

e) Thiệt hại do thiên tai:

Từ ngày 16/9/2013 đến 15/10/2013, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra hai đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy tại huyện Trảng Bàng. Theo báo cáo sơ bộ, lốc xoáy đã làm 01 căn nhà bị sập, 114 căn nhà bị tốc mái, 6,1 ha lúa mới gieo sạ bị hư hại; ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 730 triệu đồng. Ngay sau khi cơn lốc xoáy xảy ra, ban chỉ huy PCLB-TKCN phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra để sớm ổn định cuộc sống; đồng thời chỉ đạo các xã huy động lực lượng khai thông cống, rãnh, mương thoát nước; tổng số tiền trợ giúp khoảng 76 triệu đồng.

f) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:

Trong tháng 10/2013 (từ ngày 16/9/2013 đến 15/10/2013), cháy nổ không xảy ra.

Vi phạm về môi trường: không xảy ra./.


Website Cục Thống kê Tây Ninh

    Tổng số lượt xem: 1609
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)