1. Sản xuất Nông, lâm nghiệp, thủy sản:
a. Nông nghiệp:
Giá trị sản xuất nông nghiệp 9T/2013 trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.760 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,26% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành trồng trọt đạt 3.840 tỷ đồng, tăng 4,07%, ngành chăn nuôi đạt 534 tỷ đồng, tăng 0,23% và ngành dịch vụ đạt 386 tỷ đồng, tăng 28,91% so cùng kỳ năm 2012.
Tình hình sản xuất cụ thể như sau:
+ Trồng trọt:
Cây hàng năm:
- Tiến độ gieo trồng vụ mùa, thu hoạch vụ hè thu:
Gieo trồng vụ mùa: tính đến ngày 15/9/2013 toàn tỉnh đã xuống giống được 47.362 ha, tăng 5,17% so cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa đạt 35.260 ha, tăng 9,4%; cây ngô đạt 447 ha, giảm 24,49%; đậu phộng đạt 657 ha, giảm 33,1%, do hiệu quả thấp nên chuyển đổi cây trồng; rau đậu các loại đạt 5.024 ha, tăng 9,1%; mì đạt 5.366 ha, giảm 14,46%, do thời gian qua mưa nhiều nên người dân chưa mạnh dạn xuống giống; mía trồng mới đạt 360 ha, gấp 5,7 lần so cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc xuống giống vụ mùa, tính đến ngày 15/9/2013, toàn tỉnh đã thu hoạch được 62.391 ha cây trồng các loại vụ hè thu, giảm 0,29% so cùng kỳ; trong đó cây lúa đạt 50.917 ha, giảm 1,81%; rau đậu các loại 8.017 ha, tăng 10,08%, đậu phộng 1.362 ha, tăng 5,26%. Nhìn chung một số cây trồng thu hoạch tăng hơn cùng kỳ do một số diện tích xuống giống sớm nay đã đến kỳ thu hoạch, đồng thời, do trong thời gian qua mưa nhiều nên nông dân tranh thủ thu hoạch tránh bị ngập úng làm giảm năng suất cây trồng.
- Năng suất – sản lượng một số cây trồng chính 9 tháng đầu năm:
Cây lúa đạt năng suất 51,79 tạ/ha, tăng 1,47%; sản lượng đạt 494.887 tấn, giảm 2,52% so cùng kỳ, mặc dù thời tiết rất thuận lợi cho phát triển cây trồng và nông dân áp dụng các lọai giống mới cho năng suất cao vào sản xuất nhưng diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi cây trồng nên sản lượng giảm; mặt khác một số huyện thực hiện kiên cố hóa kênh mương đã không đảm bảo được nguồn nước tưới nên năng suất đạt chưa cao, do đó năng suất chung của cả tỉnh còn tăng khiêm tốn..
Cây ngô năng suất đạt 54,79 tạ/ha, tăng 7,28% so cùng kỳ; sản lượng đạt 23.834 tấn, tăng 13,6% so cùng kỳ. Sản lượng tăng cao chủ yếu do nông dân trồng bắp lai với năng suất đạt rất cao, đồng thời diện tích cũng tăng 5,89% so cùng kỳ.
Cây đậu phộng năng suất đạt 35,53 tạ/ha, tăng 9,83%; sản lượng đạt 19.743 tấn, giảm 18,69% so cùng kỳ; sản lượng giảm do diện tích giảm vì thời gian gần đây giá cả không ổn định nên diện tích giảm liên tục, đồng thời hiện nay cây đậu phộng được trồng tập trung tại các vùng chuyên canh nên diện tích không được mở rộng như những năm trước.
Cây rau các loại năng suất đạt 147,05 tạ/ha, giảm 2,18%; diện tích đạt 14.363 ha, giảm 1,11%; sản lượng đạt 211.203 tấn, giảm 3,27% so cùng kỳ; thời tiết trong kỳ ảnh hưởng nhiều đến năng suất của rau các loại, cụ thể là các đợt nắng nóng kéo dài vào vụ đông xuân, những cơn mưa lớn làm ngập úng cục bộ vào vụ hè thu, vụ mùa; đồng thời sâu bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng; và sản lượng giảm do năng suất và diện tích đều giảm.
Sản lượng mì thu hoạch ước 9 tháng đạt 1.008.070 tấn, tăng 2,23%; cây mía đạt 1.148.730 tấn, cũng tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2012.
Cây lâu năm:
Cây cao su có xu hướng phát triển thuận lợi hơn với tổng diện tích toàn tỉnh ước đạt 96.436 ha, tăng 3,47% so cùng kỳ; sản lượng đạt 119.473 tấn, tăng 11,5%, sản lượng tăng do đây là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao nên nông dân chuyển một số diện tích từ cây trồng khác sang trồng cao su, tuy nhiên diện tích trồng mới không bằng năm trước do không còn quỹ đất để trồng.
Cây điều, cây tiêu có xu hướng giảm do giá cả không ổn định, hiệu quả kinh tế đạt thấp nên một vài năm gần đây nông dân không đầu tư mở rộng diện tích do vậy diện tích ngày càng bị thu hẹp.
Cây mãng cầu ước đạt 4.487 ha, tăng 2,89%; sản lượng ước đạt 39.638 tấn, tăng 2,03% so cùng kỳ; hiện nay cây mãng cầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm mãng cầu Tây Ninh đã được xuất sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, ..., đây là yếu tố giúp người dân an tâm sản xuất và do đó diện tích ngày càng mở rộng.
Tình hình sâu bệnh:
Trong kỳ, tình hình dịch bệnh trên một số loại cây trồng phát sinh tăng so cùng kỳ, đa số diện tích bị nhiễm nhẹ, mức hại thấp, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng. Một số đối tượng gây hại chính như: rầy nâu, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trên cây lúa; vàng rụng lá trên cao su; rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, rệp sáp thường, bệnh chổi rồng trên cây mì. Trên cây lúa diện tích nhiễm rầy nâu 21.242 ha, tăng 26,1% so cùng kỳ (trong đó nhiễm nặng 53 ha), đạo ôn cổ bông 2.624 ha, gấp 4,6 lần so cùng kỳ (trong đó nhiễm nặng 301 ha), lem lép hạt 2.200 ha, bằng 2,2 lần so cùng kỳ. Trên cây cao su, bệnh vàng rụng lá do nấm Corynespora bị nhiễm 1.656 ha (trong đó nhiễm nặng 475 ha ở 2 huyện Tân Châu, Tân Biên). Trên cây mì, diện tích nhiễm rệp sáp bột hồng 1.143 ha, trong tháng 6,7 có mưa kéo dài liên tục nên mật số rệp trên đồng đã giảm rất mạnh, một số diện tích nhiễm đã phục hồi (440,2 ha) và đa số diện tích đã thu hoạch (702,4 ha).
+ Chăn nuôi:
Chăn nuôi gia súc có xu hướng giảm mạnh ở đàn trâu, bò do bị thu hẹp diện tích chăn thả; đàn lợn giảm do hiệu quả thấp nên nhiều hộ nuôi qui mô nhỏ lẻ ngưng sản xuất. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và đang có dấu hiệu khởi sắc ở đàn gà công nghiệp do các hộ và trang trại hợp đồng nuôi cho một số doanh nghiệp nước ngoài nên có đầu ra ổn định; đàn vịt phát triển chủ yếu ở hộ gia đình và trang trại; đàn ngan, ngỗng phát triển không ổn định do nuôi nhỏ lẻ; nuôi cút có dấu hiệu chựng lại do nuôi tập trung trong dân cư nên gây ô nhiễm môi trường. Chín tháng năm 2013, sản lượng thịt trâu xuất chuồng ước đạt 2.280 tấn, giảm 10,41% so cùng kỳ; thịt bò đạt 5.652 tấn, giảm 5,04%; lợn đạt 32.730 tấn, giảm 5%; sản lượng thịt gà đạt 7.723 tấn, tăng 2,47%; vịt đạt 1.699 tấn, tăng 2,72%; ngan, ngỗng đạt 61 tấn, tăng 1,67% so cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, bệnh lở mồm long móng gia súc không xảy ra; riêng dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 06 hộ, tập trung ở 04 xã thuộc huyện Bến Cầu và Thị Xã Tây Ninh, đã có 4.900 con gia cầm chết và tiêu hủy; bệnh lợn tai xanh phát sinh tại 25 hộ ở 02 ấp của xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, với số lượng 304 con lợn bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 126 con. Công tác xử lý và khống chế dịch đã được tiến hành khẩn trương, không để dịch lây lan trên diện rộng và đến nay toàn bộ dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn.
b. Lâm nghiệp:
Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước thực hiện 9T/2013 đạt 92 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), giảm 0,27% so cùng kỳ.
Trong chín tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới ước tính đạt 660 ha, tăng 12,05% so cùng kỳ năm trước. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi rừng được giao khoán đến từng hộ dân, việc cấp phát vốn cũng được thực hiện ngay từ đầu năm nên tiến độ đẩy nhanh hơn cùng kỳ, cụ thể: diện tích rừng trồng được khoanh nuôi tái sinh ước đạt 6.863 ha, tăng 0,15%; rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 47.854 ha, tăng 3,66% và chăm sóc được 2.680 ha rừng, tăng 1,28%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 50.223 m3, tăng 0,37% so cùng kỳ năm trước và chủ yếu khai thác từ rừng trồng.
Trong kỳ, công tác phòng chống cháy rừng được chú trọng, tuy nhiên do có những đợt nóng nắng, khô hạn kéo dài nên đến nay đã có 04 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn, thiệt hại 104 triệu đồng, tăng 03 vụ so cùng kỳ. Diện tích rừng bị chặt phá 2,53 ha, ước thiệt hại 134 triệu đồng.
c. Thủy sản:
Giá trị sản xuất thủy sản ước thực hiện 9T/2013 đạt 83 tỷ đồng (theo giá CĐ 94), tăng 5,62% so cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 860 ha, giảm 1,83% so cùng kỳ; diện tích giảm tập trung ở diện tích nuôi cá tra, cá diêu hồng, cá sấu, ..., do giá bán thấp, sản xuất kém hiệu quả nên một số diện tích đã được người dân chuyển đổi sang ngành nghề khác; nuôi thủy sản lồng bè ước đạt 228 lồng, tăng 2,24%, tập trung tại các kênh, rạch ven sông Vàm Cỏ. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng 9T/2013 đạt 7.442 tấn, tăng 11,07%; trong đó sản lượng cá đạt 7.346 tấn, tăng 11,1%; sản lượng thu hoạch tăng mạnh tập trung chủ yếu trên diện tích nuôi thả trong năm 2012. Khai thác thủy sản tăng nhẹ tập trung ở sản lượng cá khai thác trong hồ Dầu Tiếng do hàng năm tỉnh đều có chủ trương thả cá giống vào để bảo vệ nguồn sinh thái, còn khai thác ngoài sông, rạch giảm do nguồn thủy sản đã bị cạn kiệt. Sản lượng khai thác thủy sản ước 9T/2013 đạt 2.627 tấn, tăng 2,86%, trong đó cá đạt 2.527 tấn, tăng 2,89% so cùng năm 2012.
2. Sản xuất Công nghiệp:
Tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,65% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 29,21% do một số nhà máy khai thác khu vực mỏ đá Lộc Trung (Dương Minh Châu) đã được cấp phép khai thác trở lại nên sản lượng tăng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,56%; riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 114,78%, trong đó, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng 19,86%, sản xuất đường giảm 14,48% do nguồn nguyên liệu trong tháng giảm; ngành dệt tăng 17,91%; SX trang phục tăng 2,6%; SX da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,47%; SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng) giảm 21,42%, do lượng tồn kho còn nhiều và nhu cầu tiêu thụ cũng giảm trong mùa mưa. Ngành SX, phân phối điện có chỉ số sản xuất tháng 9 giảm 3,5% do nhu cầu tiêu thụ giảm. Và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tăng 1,18% so tháng 8/2013. Ước 9 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,95% so cùng kỳ năm 2012.
Chín tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 9.429 tỷ đồng, tăng 11,34% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.586 tỷ đồng, tăng 14,4%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.770 tỷ đồng, tăng 11,04%; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.073 tỷ đồng, tăng 10,45%. Nhìn chung, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay mặc dù có tốc độ tăng khá nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9T/2012 tăng 14,59%); nguyên nhân chủ yếu do: sau những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2012, năm 2013 nền kinh tế tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thử thách mới, sản xuất gần như bão hòa, tốc độ tăng không cao, thậm chí một số ngành lại giảm so cùng kỳ năm trước; cụ thể: sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành công nghiệp cấp 2 của cả tỉnh (chiếm tỷ trọng 25%), có GTSX đạt 2.362 tỷ đồng, tăng 7,64% (cùng kỳ tăng 12,07%), trong đó riêng sản xuất đường tăng 28,78% (cùng kỳ tăng 8,27%), như vậy đóng góp vào tốc độ tăng 7,64% của ngành sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống trong năm nay chủ yếu là ngành mía đường (đóng góp 6,33 điểm %), tuy nhiên sự tăng trưởng này không bền vững do trong kỳ Cty CP Bourbon Tây Ninh đã nhập hơn 31 ngàn tấn đường thô để sản xuất đường tinh luyện, nếu không có hoạt động này thì sản xuất đường của cả tỉnh trong 9 tháng đầu năm nay không tăng mà còn giảm gần 4% so cùng kỳ và kéo theo ngành sản xuất lương thực-thực phẩm và đồ uống nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung sẽ có tốc độ tăng khiêm tốn hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng tương ứng là 0,55% và 9,5%); sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 6,46%; sản xuất chất khoáng phi kim loại tăng 10,48%, riêng nhà máy xi măng Fico có GTSX chỉ tăng 2,58%; sản xuất sản phẩm từ kim loại giảm 30,62%; ... . Bên cạnh đó, cũng có một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ như dệt may tăng 45,03%; sơ chế da tăng 44,34%.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Tháng 9/2013, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 202 tỷ đồng, tăng 16,04% so tháng trước. Bao gồm, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 92 tỷ đồng, tăng 22,69%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 109 tỷ đồng, tăng 10,94%; và vốn ngân sách cấp xã đạt 0,5 tỷ đồng, cũng tăng 14,38% so tháng trước.
9 tháng năm 2013, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 12.042 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ. Trong đó:
- Khu vực Nhà nước: ước thực hiện 2.330 tỷ đồng, giảm 4,87% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 1.519 tỷ đồng, tăng 12,18%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 91 tỷ đồng, tăng 27,13%; vốn tín dụng đầu tư phát triển chủ yếu tập trung thực hiện đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, ước đạt 34 tỷ đồng, tăng 29,95% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong kỳ vốn ngân sách nhà nước được tập trung bố trí vốn đầu tư cho 09 xã điểm nông thôn mới; thực hiện điều chỉnh một bước kế hoạch vốn XDCB năm 2013 theo nguyên tắc điều chuyển vốn từ các công trình không có khả năng thực hiện hoặc có khối lượng thực hiện thấp sang những dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khối lượng thực hiện lớn nhưng vốn bố trí còn thấp và các dự án trọng tâm bức xúc; đồng thời, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc triển khai thực hiện các dự án, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, do đó kết quả thực hiện tăng khá cao so cùng kỳ năm trước. Ngược lại, vốn tự có của các DN Nhà nước ước 9 tháng chỉ đạt 485 tỷ đồng, giảm 30,96%; vốn vay của các doanh nghiệp đạt 163 tỷ đồng, cũng giảm 36,15% so 9T/2012.
- Khu vực đầu tư nước ngoài: trong những tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan, phần lớn thu hút được các dự án có qui mô lớn, gấp nhiều lần so cùng kỳ năm trước; cụ thể: dự tính 9T/2013 trên địa bàn tỉnh thu hút được 324,8 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 3 lần cùng kỳ; trong đó có 14 dự án được cấp phép mới với số vốn đạt 267,3 triệu USD (gấp 2 lần so cùng kỳ về số dự án và gấp 10,7 lần về số vốn), và vốn đăng ký bổ sung của 13 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 57,5 triệu USD( tăng 30% về số dự án và giảm 31,01% về vốn). Do đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm 2013 ước tính đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 11,2% so 9T/2012.
- Khu vực ngoài nhà nước: ước 9T/2013 thực hiện đầu tư 7.044 tỷ đồng, tăng 16,06% so cùng kỳ. Phần lớn tập trung ở vốn của các hộ gia đình đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nhà ở khi giá vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm nay tương đối ổn định và giảm so cùng kỳ năm trước, và do đó vốn đầu tư của dân cư ước 9 tháng đạt 4.990 tỷ đồng, tăng 22,12%; vốn của các tổ chức doanh nghiệp đạt 2.054 tỷ đồng, tăng 3,57% so cùng kỳ năm 2012.
4. Hoạt động xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng 9T/2013 (theo giá hiện hành) ước tính đạt 5.378 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ, bao gồm: khu vực nhà nước đạt 132 tỷ đồng (- 12,87%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,7 tỷ đồng, chỉ bằng 30,7% so cùng kỳ, do Công ty TNHH Kiến Giai đã chuyển hoạt động kinh doanh sang tỉnh Bình Dương từ tháng 4/2013; và khu vực ngoài nhà nước đạt 5.245 tỷ đồng, tăng 19,53% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng giá trị sản xuất xây dựng của khu vực ngoài nhà nước, khối các doanh nghiệp đạt 683 tỷ đồng, chiếm 13%, giảm 18,45%; xã/phường đạt 33 tỷ đồng, chiếm 0,6%, giảm 41,97%; riêng hộ dân cư đạt 4.529 tỷ đồng, chiếm 86,4%, tăng 29,65% so cùng kỳ, chủ yếu do giá cả vật liệu xây dựng trong kỳ giảm và ổn định nên người dân tranh thủ đầu tư xây dựng và sửa chữa nhà mới, cụ thể, chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý 3/2013 giảm 0,2% so quý trước, giảm 4,93% so quý 3/2012, và bình quân 9T/2013 giảm 4,36% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng đầu năm nay tăng chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, mà cụ thể là khu vực dân cư, hộ cá thể; còn phần lớn các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh đều có giá trị sản xuất giảm so cùng kỳ, do hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, sức cạnh tranh thấp hơn so với các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận nên hầu như chỉ nhận hợp đồng các công trình nhỏ, tạo ra giá trị sản xuất không lớn, còn lại các công trình lớn trên địa bàn tỉnh đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đảm nhận thi công.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá so sánh 1994 ước 9T/2013 đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 23,92% so 9T/2012. Trong đó, khu vực nhà nước đạt 49 tỷ đồng (- 8,81%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,3 tỷ đồng (- 67,87%); và khu vực ngoài nhà nước đạt 1.938 tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ năm trước.
5. Giao thông vận tải:
Tháng 9/2013, vận tải hành khách tăng nhẹ, với khối lượng hành khách vận chuyển trong tháng ước đạt 1.209 nghìn lượt khách, tăng 0,76%; và khối lượng hành khách luân chuyển đạt 82.924 nghìn lượt khách.km, tăng 0,13% so tháng trước, chủ yếu do tháng này có trùng vào dịp nghỉ lễ 2/9 nên nhu cầu đi lại trong những ngày này tăng mạnh, tuy nhiên trong tháng có mưa nhiều nên phần nào cũng ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, do đó khối lượng hành khách vận chuyển, luân chuyển trong tháng 9 chỉ tăng nhẹ so tháng trước. Vận tải hàng hóa trong tháng tăng khá hơn do lượng mía, mì thu hoạch và vận chuyển về các nhà máy nhiều hơn so tháng trước, do đó, ước sản lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9 đạt 915 nghìn tấn, tăng 3,31% và luân chuyển được 56.333 nghìn tấn.km, cũng tăng 2,57% so tháng 8/2013.
Chín tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải HH-HK, bốc xếp, dịch vụ, đại lý vận tải ước đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 8,93% so cùng kỳ; bao gồm vận tải đường bộ 1.412 tỷ đồng (+ 8,9%) và vận tải đường sông đạt 6 tỷ đồng (+ 17,97%); doanh thu vận tải đường sông tăng mạnh do HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông – Bến Cầu mới bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa năm 2012. Trong kỳ, vận tải hàng khách tăng mạnh do có thêm năng lực mới phục vụ khách trong dịp tết Quý Tỵ 2013, đó là Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cho đi vào hoạt động thêm hệ thống cáp treo mới theo công nghệ Châu Âu nên thu hút được một khối lượng lớn hành khách tham gia; do đó, khối lượng hành khách vận chuyển 9 tháng đầu năm đạt 11.798 nghìn lượt khách, tăng 8,56%; tuy vậy, do cự ly vận chuyển khách bằng cáp treo, máng trượt ngắn (khoảng 1 km) nên mức đóng góp vào luân chuyển hành khách là không đáng kể, và do đó khối lượng hành khách luân chuyển 9T/2013 đạt 736.717 nghìn lượt khách.km, chỉ tăng 6,63% so cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng phát triển, ước tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng đạt 7.675 nghìn tấn (+ 8,31%) và luân chuyển được 482.563 nghìn tấn.km, tăng 8,09% so cùng kỳ năm trước.
6. Bưu chính, viễn thông:
Số thuê bao điện thoại toàn tỉnh ước tính đến cuối tháng 9/2013 đạt 1.373 ngàn thuê bao, bằng 82,08% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 70 ngàn thuê bao cố định (giảm 35,12%) và 1.303 ngàn thuê bao di động, giảm 16,73%. Số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm do giá cước di động ngày càng rẻ, các tiện ích ngày càng được nâng cao, tiện lợi trong quá trình di chuyển, … ; việc sụt giảm sản lượng thuê bao điện thoại cố định phù hợp với xu hướng chuyển hóa từ cố định sang di động; tuy vậy, số lượng thuê bao điện thoại di động cũng giảm so cùng kỳ, chủ yếu do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện tốt việc quản lý thuê bao di động trả trước nên số lượng thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin không chính xác bị cắt khỏi mạng nhiều, trong khi thuê bao di động trả trước hòa mạng mới tăng ít do để tránh phải trả thêm cước hòa mạng theo quy định mới. Số thuê bao internet trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 9/2013 ước đạt 38,4 ngàn thuê bao, tăng 12,23% so với cùng thời điểm năm trước.
Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông chín tháng đầu năm nay ước tính đạt 800 tỷ đồng, tăng 21,35% so cùng kỳ; bao gồm doanh thu bưu chính đạt 13 tỷ đồng (+ 22,59%) và doanh thu viễn thông đạt 787 tỷ đồng, tăng 21,33% so 9T/2012.
7. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tháng 9/2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.273 tỷ đồng, tăng 1,37% so tháng trước. Bao gồm: kinh tế nhà nước đạt 355 tỷ đồng, giảm 10,95%; kinh tế ngoài nhà nước 3.909 tỷ đồng, tăng 2,43% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9 tỷ đồng, tăng 12,13% so tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 2,15%; khách sạn, nhà hàng đạt 511 tỷ đồng, tăng 4,33%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, tăng 7,5% và ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 479 tỷ đồng, giảm 6,36% so tháng trước (do số kỳ phát hành vé số trong tháng 9 giảm).
Cộng dồn 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 36.065 tỷ đồng, tăng 8,26% so cùng kỳ. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 27.728 tỷ đồng, tăng 8,91%; khách sạn,nhà hàng đạt 4.104 tỷ đồng, tăng 6,82%; du lịch lữ hành đạt 16 tỷ đồng, tăng 2,49%; và dịch vụ đạt 4.217 tỷ đồng, cũng tăng 5,53% so 9T/2012. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm, trước những khó khăn của nền kinh tế, giá bán nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu trong khi chi phí luôn đứng ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và nhất là đời sống của nhân dân, sức mua do đó cũng có phần chậm lại, tổng mức tăng khá chậm so với tốc độ tăng bình quân các năm trước (9T/2012 tăng 19,27%, 9T/2011 tăng 19,16%).
b) Xuất Nhập khẩu:
+ Xuất khẩu:
Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 170 triệu USD, tăng 6,06% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN xuất 121 triệu USD, tăng 7,43%; kinh tế tư nhân đạt 45 triệu USD, tăng 2,84%; kinh tế nhà nước tăng 2,51% so tháng trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều có kim ngạch xuất khẩu trong tháng tăng như: hàng dệt may đạt 53 triệu USD (+ 4,05%), giày dép các loại đạt 28 triệu USD (+ 3,53%), cao su đạt 20 triệu USD (+ 4,97%), hạt điều đạt 9 triệu USD (+ 3,82%), sản phẩm bằng plastic đạt 6 triệu USD, cũng tăng 3,4% so với tháng trước.
9 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt 1.281 triệu USD, tăng 15,1% so cùng kỳ. Trong đó, đóng góp vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay vẫn hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với kim ngạch ước đạt 938 triệu USD, tăng 21,95%; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ, cụ thể: hàng dệt may đạt 415 triệu USD, tăng 32,6%; giày dép các loại đạt 224 triệu USD, tăng 62,54%; sản phẩm bằng plastic đạt 51 triệu USD, tăng 45,25% so cùng kỳ. Nhìn chung, mặc dù xuất khẩu của cả tỉnh 9 tháng đầu năm nay tăng khá so cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9T/2012 tăng 21,33%), do xuất khẩu của kinh tế tư nhân đạt thấp, ước xuất 317 triệu USD, chỉ tăng 1,97%; kinh tế nhà nước đạt 24 triệu USD, chỉ bằng 80,98% so cùng kỳ; chủ yếu do ảnh hưởng của yếu tố giá, mà cụ thể là giá xuất khẩu của một số hàng nông sản chủ yếu giảm đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của 2 khu vực này: giá hạt điều nhân xuất khẩu 9T/2013 đạt 6,45 USD/kg, giảm 6%; giá mủ cao su xuất khẩu đạt 2,29 USD/kg, giảm đến 28% so 9T/2012. Do giá xuất khẩu giảm nên hạt điều nhân mặc dù tăng 19,7% về lượng xuất khẩu nhưng chỉ tăng 13,17% về trị giá xuất khẩu; cao su tăng 29,13% về lượng nhưng chỉ bằng 92,83% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
+ Nhập khẩu:
Tháng 9, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 99 triệu USD, tăng 5,47% so tháng trước. Tất cả các thành phần kinh tế đều tăng nhập khẩu so tháng trước, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 75 triệu USD, tăng 6,46%; kinh tế tư nhân nhập 23 triệu USD, cũng tăng 2,43% so tháng 8/2013.
9 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt 748 triệu USD, tăng 16,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN luôn là khu vực nhập khẩu chủ yếu của tỉnh, đạt 590 triệu USD, chiếm tỷ trọng 79%, tăng 12,83%; kế đến là kinh tế tư nhân đạt 149 triệu USD, tăng 33,42%. Mặt hàng nhập khẩu trong kỳ của tỉnh chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, đó là: vải may mặc đạt 166 triệu USD, tăng 54,87%; phụ liệu giày dép đạt 48 triệu USD, giảm 1,61%; chất dẻo nguyên liệu đạt 34 triệu USD, tăng 5,1%. Nhóm hàng thực phẩm chế biến mà trong đó có mặt hàng mì lát nhập khẩu từ thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn có trị giá nhập khẩu tăng cao, với 87 triệu USD, tăng 74,66% so cùng kỳ. Máy móc, thiết bị, phụ tùng nhập khẩu đầu tư của các đơn vị trong 9 tháng đầu năm nay cũng có mức tăng khá, với kim ngạch ước đạt 34 triệu USD, tăng 21,24% so cùng kỳ năm trước.
8. Chỉ số giá
a) Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2013 tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 6,07% so với tháng 12 năm trước và tăng 7,51% so với cùng tháng năm trước. Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng này tiếp tục giảm 1,02%, trong đó giá gạo các loại giảm 1,48%, cụ thể: gạo tẻ thường giảm 1,45%, gạo tẻ ngon giảm 1,82%, gạo nếp giảm 0,55% so với tháng trước.
Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,16%; trong đó nhóm thịt gia súc tươi sống tăng giảm 3,4%, riêng thịt lợn giảm 6,67%, thịt bò tăng 10,1%; giá mỡ ăn giảm 2,77% theo sự giảm giá thịt lợn; thịt gia cầm tươi sống tăng 8,75%; trong khi đó giá trứng các loại giảm 1,93% do giá trứng đã tăng cao trong tháng trước khi nhu cầu trứng dùng để sản xuất bánh trung thu tăng lên, đến nay nhu cầu giảm và giá bán theo đó cũng giảm; giá thủy sản tươi sống tăng 1,2%; nhóm rau tươi các loại tháng này tăng 1,02%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số giá tăng, cụ thể như: cà chua tăng 17,58%, khoai tây tăng 3,84%, rau muống tăng 2,63%, rau cải xanh tăng 5,55%, hành lá tươi tăng 3,74%, …, do trong kỳ xuất hiện nhiều cơn mưa lớn gây úng nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau bán ra trên thị trường giảm làm cho giá rau xanh tăng lên; ngược lại, chỉ số giá nhóm quả tươi các loại giảm 0,55% so với tháng trước.
Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,39%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,32%, trong đó, giá nhà ở thuê (nhà trọ tháng) tăng 17,78%, do nhu cầu tăng khi các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn bắt đầu khai giảng năm học mới, giá gas đun bình quân tháng này tăng 2,11%; nhóm giao thông giảm 0,31%, trong đó giá nhiên liệu xăng dầu các loại giảm 0,59% so với tháng trước (giá xăng các loại được điều chỉnh giảm 300 đồng/lít từ ngày 22/8/2013); nhóm giáo dục tăng 2,54%, do học phí đại học tăng 11,05% khi bắt đầu vào năm học mới; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,63%. Các nhóm còn lại tương đối ổn định.
So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng là 106,07%, tức là sau 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 6,07%, chỉ số này tuy có cao hơn chỉ số của tháng 9/2012 (+ 4,93%) nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 9/2011 (+ 17,41%), điều này cho thấy giá cả năm nay tuy có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý và mục tiêu kiềm chế lạm phát trong chín tháng đầu năm nay cơ bản đã đạt được kết quả tích cực.
Giá vàng và đô la Mỹ: giá vàng bình quân tháng 9/2013 là 3.785.000 đ/chỉ, giảm 9.000 đ/chỉ (- 0,24%); giá đô la Mỹ tháng này là 21.785 đ/USD, tăng 40 đ/USD (+ 0,18%) so với tháng 8/2013.
b) Giá sản xuất
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 3/2013 giảm 4,4% so quý trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm sản phẩm cây trồng hàng năm giảm 0,7%; riêng giá sắn củ tươi (khoai mì) tăng mạnh (+ 14,34%), nguyên nhân giá bột mì tăng cao, các nhà máy tranh nhau thu mua củ mì để sản xuất dẫn đến ”cơn sốt” giá trong thời gian vừa qua; giá mía cây 10 chữ đường quý này (giá đầu vụ sản xuất mía đường 2013-2014) giảm 1,07% so quý trước (giá cuối vụ trước); giá thóc giảm 1,57%, do giá xuất khẩu giảm. Sản phẩm từ cây lâu năm cũng có chỉ số giá giảm 10,44% (hạt điều giảm 3,6%, hồ tiêu giảm 2,62%, cao su giảm 13,23% do ảnh hưởng của giá trên thị trường thế giới). Sản phẩm từ chăn nuôi có giá giảm 0,17% so với quý trước, trong đó: gia súc giảm 0,06%, chủ yếu do giá lợn giảm 0,69%; giá gia cầm cũng giảm 0,76% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhóm lâm nghiệp có chỉ số giá tăng 5,28%; thủy sản cũng tăng 3,1% so quý 2/2013.
Nhiều sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp trong kỳ có giá bán giảm so quý trước theo xu hướng giảm giá của nguồn nguyên liệu đầu vào mà chủ yếu là từ các sản phẩm nông nghiệp, trong đó, hạt điều nhân giảm 4,01%; đường giảm 0,61%; nhóm sản phẩm khác từ bột (bún, hủ tiếu) giảm 0,88% do có thông tin những sản phẩm này có chất tẩy trắng gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ngược lại, giá tinh bột mì tăng 10,78% theo sự tăng giá bột mì xuất khẩu. Các loại vật liệu xây dựng phần lớn cũng có chỉ số giá giảm, trong đó gạch xây giảm 3,04%, sản xuất kim loại gang, sắt, thép giảm 3,99% so với quý trước.
9. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 9/2013 đạt 412 tỷ đồng, cộng dồn 9 tháng 3.665 tỷ đồng, đạt 70,47% dự toán năm, tăng 13,67% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 2.285 tỷ đồng, đạt 64.08% dự toán, tăng 7,36% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, bước sang năm 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu, nộp ngân sách nhà nước; ngoài ra, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08/2/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; thể hiện rõ qua các khoản thu sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 438 tỷ đồng, chỉ đạt 51,78% dự toán, giảm 16,42% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 114 tỷ đồng, đạt 49,74% dự toán, giảm 21,89%; thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 961 tỷ đồng, mặc dù tăng 30,94% so cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 61,97% dự toán năm; lệ phí trước bạ đạt 116 tỷ đồng, đạt 68,3% dự toán, tăng 13,61%. Bên cạnh đó cũng có một số nguồn thu đạt khá cao như: thu từ DN có vốn ĐTNN đạt 144 tỷ đồng, đạt 90,19% dự toán, tăng 53,53%; thuế thu nhập cá nhân 255 tỷ đồng, đạt 72,91% dự toán, tăng 3,9%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 67 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán, tăng 26,05%; thu tiền sử dụng đất 73 tỷ đồng, vượt 21,24% dự toán năm và tăng 88,08% so cùng kỳ. Thuế XNK, TTĐB, VAT hàng nhập khẩu do Hải quan thu được 327 tỷ đồng, đạt 71,87% dự toán, tăng 20,11%. Các khoản thu được để lại chi quản lý qua NSNN đạt 1.053 tỷ đồng; riêng thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 883 tỷ đồng, đạt 88,33% dự toán, tăng 26,29% so cùng kỳ năm 2012.
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 9/2013 đạt 518 tỷ đồng, nâng mức chi 9 tháng đầu năm đạt 3.873 tỷ đồng, đạt 69,22% dự toán, tăng 27,49% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên đạt 2.423 tỷ đồng, tăng 23,89%; chi đầu tư phát triển 473 tỷ đồng, giảm nhẹ (- 1,6%), nhưng bù lại thì chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 753 tỷ đồng, tăng đến 78,26% so cùng kỳ năm trước.
10. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tiếp tục phát triển. Tổng nguồn vốn ước đến cuối tháng 9/2013 đạt 24.817 tỷ đồng, tăng 0,74% so đầu tháng và tăng 6,24% so cùng kỳ. Trong tháng các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác huy động vốn, do đó vốn huy động ước đến cuối tháng đạt 20.497 tỷ đồng, tăng 0,83% so đầu tháng và tăng 7,34% so cùng kỳ.
Hoạt động cho vay cũng được tăng cường, dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 9 đạt 18.826 tỷ đồng, tăng 1,36% so tháng trước và tăng 18,37% so cùng kỳ. Nợ xấu ước đạt 160 tỷ đồng, giảm 9,15% so đầu tháng và giảm 32,02% so tháng 9/2012.
11. Tình hình văn xã:
a) Đời sống, lao động, giải quyết việc làm:
9 tháng đầu năm 2013, giá cả của nhiều mặt hàng có tăng nhưng vẫn ở mức hợp lý; cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ, các cấp chính quyền địa phương, sự nổ lực của tất cả các thành phần kinh tế, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đời sống của đại bộ phận nhân dân được dần nâng lên, không xãy ra đói giáp hạt trên địa bàn tỉnh. Tình hình xoá đói giảm nghèo được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đúng mức bằng các hình thức giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm. Đến tháng 9/2013, đã có 41.406 thẻ BHYT được cấp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống ở 20 xã tuyến biên giới; và cấp 23.077 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Trong 9 tháng đầu năm, đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 328 trường hợp với tổng số tiền 1.488,7 triệu đồng. Trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, toàn tỉnh đã tặng 36.420 suất quà cho các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kinh phí 13.494 triệu đồng, 43.358 suất quà cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí 14.745,5 triệu đồng, và 1.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 250 triệu đồng.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo cho vay vốn ưu đãi vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số dư nợ đến nay là: 1.238 tỷ đồng, trong đó hộ nghèo vay 326 tỷ đồng, để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo; các chính sách cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên, dạy nghề được tiến hành đúng đối tượng, kịp thời, đến nay tổng dư nợ cho đối tượng này 375 tỷ đồng, trong đó đào tạo nghề 104 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, ngành Lao động TBXH tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.684 lao động, đạt 88,42% kế hoạch năm. Trong đó, thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ĐTNN, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được 15.789 lao động; xét duyệt 149 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 15.553 triệu đồng, tạo việc làm cho 1.824 lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 71 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Về tranh chấp lao động: 9 tháng năm 2013 xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công tại 10 công ty với 13.883 lao động tham gia. Trong đó, ngoài khu công nghiệp xảy ra 03 vụ tại 03 công ty với 3.655 lao động tham gia, trong khu công nghiệp xảy ra 07 vụ tại 07 công ty với 10.228 lao động tham gia. Nguyên nhân xảy ra đình công do tranh chấp về tiền lương, tiền ăn, tiền xăng và thời giờ làm việc. Các vụ đình công đều được các ngành chức năng kịp thời hòa giải, chủ yếu là sự thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua vai trò trung gian hướng dẫn, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn cấp tỉnh, huyện, hạn chế được tổn thất trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Giáo dục và đào tạo:
Giáo dục: năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 124 trường mầm non; 265 trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở; 32 trường trung học phổ thông; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số học sinh, sinh viên là 209.064 học sinh, sinh viên, chia ra: nhà trẻ: 1.415, mẫu giáo: 27.815; tiểu học: 92.918; trung học cơ sở: 59.613; trung học phổ thông: 24.024; giáo dục thường xuyên: 3.279 học viên.
Tính đến cuối tháng 9/2013, toàn tỉnh có 43/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT, đạt tỷ lệ 45,3%, tăng 20% so cùng kỳ; 9/9 huyện, thị (trong đó có 95/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 53 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn ở mức độ 1 và 42 xã đạt chuẩn mức độ 2; 9/9 huyện, thị (95/95 xã, phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở; và 23/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học.
Đào tạo: năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 01 trường cao đẳng và và 03 trường trung cấp chuyên nghiệp với với 3.279 học viên, sinh viên. Trong kỳ, các trường đều được tỉnh đầu tư mở rộng quy mô, đồng thời tạo điều kiện mở rộng chức năng cho các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện liên kết đào tạo trung cấp nghề, do đó, số học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên ngày càng tăng.
c) Hoạt động y tế:
9 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 454 ca sốt Dengue/ sốt xuất huyết (không có tử vong), giảm 65,13% so cùng kỳ; tay chân miệng có 1.471 ca (03 ca tử vong), giảm 29,31%; bệnh lao có 932 ca, trong đó có 33 ca tử vong (giảm 17,5%); sốt rét ghi nhận 47 ca; hội chứng não cấp có 07 ca; thủy đậu có 356 ca; các bệnh cúm A/H5N1, viêm gan virus, thương hàn, phó thương hàn chưa ghi nhận ca nào.
Bệnh HIV/AIDS: 9 tháng đầu năm phát hiện mới 260 ca HIV, 213 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.240 ca HIV (nữ 939 ca), trong đó 2.232 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 587 ca) và có 1.153 người tử vong do AIDS.
Tính từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc là 67 người, không có tử vong; nguyên nhân chủ yếu bị ngộ độc là do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật.
d) An toàn giao thông:
Chín tháng đầu năm 2013 (16/12/2012-15/9/2013) trên địa bàn tỉnh đã xãy ra: 91 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 98 người, làm bị thương 47 người; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm (- 18 vụ), số người chết giảm (- 23 người) và số người bị thương giảm (- 44 người); nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Giao thông đường thủy xảy ra 01 vụ tai nạn, làm chết 01 người; bằng cùng kỳ về số vụ tai nạn nhưng giảm 66,7% về số người chết; không có người bị thương.
e) Hoạt động văn hoá:
Trong 9 tháng đầu năm 2013, ngành VH, TT & DL đã tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn: kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 54 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, 38 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2013), 66 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2013), Cách mạng Tháng 8 & Quốc khánh 2/9, ...; tuyên truyền về “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, Phòng chống tham nhũng, phòng cháy chữa cháy, Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh; tiếp tục tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, … Kết quả, ngành đã thực hiện 2.768 lượt băng rôn, 1.001 m2 panô, 714 cuộc xe loa, 10.111 cờ các loại, 157 buổi văn nghệ và các hình thức tuyên truyền khác, thông qua đó tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày, triển lãm tranh ảnh, bản đồ tại chỗ và triển lãm lưu động với các chuyên đề: “Mừng Đảng-mừng Xuân Qúy Tỵ 2013”, “Chiến thắng Điện Biên phủ”, “Chủ quyền Biên giới-Biển đảo Việt Nam”, “Kỷ niệm 68 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9”, ..., đón được 22.056 lượt người xem. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh tổ chức tuyên truyền phát động cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh với 09 chủ đề, có 24.978 thư dự thi. Giới thiệu tuyên truyền DTLS văn hóa đến 12 trường THCS, thu hút 6.805 giáo viên và học sinh tham dự.
Hệ thống Thư viện công cộng thực hiện bổ sung sách báo, tài liệu đảm bảo thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc; tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sách báo chuyên đề: tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị nhân các ngày lễ lớn, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, …. qua đó phục vụ được 87.737 lượt bạn đọc với 302.704 lượt sách, báo, tài liệu.
Công tác quản lý, thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong 9 tháng đầu năm, Đội kiểm tra liên ngành lĩnh vực Văn hóa của tỉnh và Đội kiểm tra liên ngành các cấp tổ chức 1.407 cuộc kiểm tra với 2.827 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động văn hoá, cơ sở lưu trú. Kết quả: đã kiểm tra nhắc nhở 217 trường hợp, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 135 trường hợp với tổng tiền phạt 366 triệu đồng.
f) Hoạt động thể dục thể thao:
Thể thao quần chúng: 9 tháng đầu năm 2013, ngành đã Tổ chức 10 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh: billiards, cờ tướng, võ cổ truyền, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, việt dã, ... ; tổ chức Hội thi leo núi “Chinh phục đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh”, giải Bóng bàn năng khiếu mở rộng tranh cúp Corrilleau lần 2; hỗ trợ giải bóng đá chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày công an nhân dân, Giải việt dã Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng, Giải bóng đá ngành Điện lực, Giải cầu lông Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ... .
Hoạt động thể thao thành tích cao: 9 tháng đầu năm đã cử 63 lượt các đoàn VĐV tập huấn và thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực, miền, cụm, mở rộng. Kết quả thi đấu: tổng số huy chương của các đội thể thao thi đấu từ ngày 01/01/2013 đến ngày 05/9/2013 đạt được: 223 huy chương các loại (54 HCV - 61 HCB - 108 HCĐ).
g) Thiệt hại thiên tai:
Trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại về người và tài sản của người dân. Theo kết quả sơ bộ, thiên tai đã làm 05 người chết và 12 người bị thương; 85 căn nhà bị sập, đổ; 1.276 căn nhà bị tốc mái; 223 ha lúa và 47 ha hoa màu bị hư hỏng và mất trắng; 98 ha cao su bị gãy đổ; 534 ha thuốc lá vàng bị hư hại; … . Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong chín tháng đầu năm hơn 32 tỷ đồng. Tổng số tiền trợ giúp của địa phương cho các gia đình bị thiệt hại là hơn 01 tỷ đồng, 370 kg gạo và và 24 ngày công.
h) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ:
Trong chín tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy 06 vụ cháy (không xảy ra vụ nổ), ước tính giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 10 tỷ đồng, không có thiệt hại về người; nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về điện. Cũng trong chín tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với 17 đơn vị, với tổng số tiền phạt là 1,5 tỷ đồng; nguyên nhân do xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân./.
Website Cục Thống kê Tây Ninh